Nhà văn Trúc Phương với trường ca dày hơn ngàn trang có tên gọi ‘Từ hai phía mặt trời’ viết ở tuổi 72, được Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm vào sáng 18/8.


Nhà văn Trúc Phương tên thật là Nguyễn Minh Nghiệp, sinh năm 1951 tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nhà văn Trúc Phương tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, và từng trải qua công tác quản lý văn nghệ và báo chí.

Nhà văn Trúc Phương được xem như một gương mặt văn xuôi miền Tây Nam bộ với các tiểu thuyết “Cây sầu đâu sinh đôi, “Cây bời lời bông trắng”, “Nghìn năm biển gọi, Chuyến xe ngựa cuối cùng, Nắng không của mặt trời, Chim không hót lúc bình minh”...

Trường ca “Từ hai phía mặt trời” được nhà văn Trúc Phương ký bút danh Nhất Phương, để tưởng nhớ hiền thê Minh Nhất vừa qua đời cách đây không lâu.

Trường ca “Từ hai phía mặt trời” được viết khi nhà văn Trúc Phương đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy đang mang trọng bệnh. Nếu không có một ý chí kiên cường để cầm bút, thì nhà văn Trúc Phương khó lòng có được ngàn trang sách cặm cụi và say mê. Vì vậy, trường ca “Từ hai phía mặt trời” xuất hiện hôm nay đã là một thành quả đáng trân trọng của một tác giả tận hiến cho văn chương.

Trường ca “Từ hai phía mặt trời” được tác giả chú thích là “sử thi trái đất và loài người”. Cho nên hai phía của mặt trời cũng chia đôi sự chiếu rọi: bóng tối và ánh sáng, thực sử và huyền sử, hành trình tiền nhân và tâm trạng hậu thế.

Đề cập đến một chủ đề rộng lớn, không hề đơn giản. Tư liệu không khó tìm kiếm, nhưng cảm xúc rất khó chưng cất. Nếu chỉ bám vào tư liệu, thì tác phẩm chỉ dừng ở dạng diễn ca. Khi và chỉ khi tư liệu hòa nhịp cảm xúc thì tác phẩm mới thành trường ca. Nói cách khác, văn chương hồi quang dĩ vãng không thể đơn thuần bằng những con số và những sự kiện, mà phải cộng hưởng nước mắt và nụ cười của chính tác giả.

Trong độ dày đầy tính thử thách công chúng của “Từ hai phía mặt trời”, tác giả nhẫn nại viết không ít đoạn diễn ca để có vài đoạn trường ca nhìn lại quá khứ với thảng thốt “Sự oan nghiệt treo ngang cổng thiên đường”.

“Từ hai phía mặt trời” hứa hẹn sẽ lập kỷ lục về thể loại trường ca của Việt Nam, vì tập 1 đã có dung lượng 1100 trang. Dài hơn trường thiên thơ và lịch sử “Một người thơ tên gọi” của Nguyễn Thế Kỷ với 12.668 câu thơ lục bát và dài hơn cả trường ca “Mẹ, đất nước và lưu dân” mà nhà văn Trúc Phương công bố cách đây gần 10 năm.



Đặc tính của trường ca là dài, nhưng phẩm chất của trường ca không chỉ là dài. “Từ hai phía mặt trời” thông qua những triều đại, những thần thoại, những học thuyết, những câu chuyện để lý giải sự thịnh suy của thế giới chúng ta đang sinh tồn. Trong ngổn ngang bụi mờ ký ức và hoài niệm rêu phong, tác giả âu lo cho từng mệnh kiếp nhỏ nhoi: “Bài thơ vàng ố/ Vừa làm cuộc hóa thân bên chùm lửa nhỏ/ Người đàn bà tự do nhìn làn khói bay/ Ngẩn ngơ buồn”.

Dù muốn thâu tóm bao nhiêu không gian và gom nhặt bao nhiêu dữ liệu, thì trường ca cũng phải hướng đến cái đích bền vững là có được những câu thơ trình bày buồn vui của số phận con người trên trái đất. Trong trường ca “Từ hai phía mặt trời”, tác giả cũng có những mơ ước chìm đắm: “Bài hát dân gian đổi lấy đêm ngủ trọ qua đường/ Ba câu thơ đổi lấy nụ cười và hai ly rượu” và những khoảng lặng ân tình: “Chiều nao cô gái ngày xưa khóc/ Phương ấy tìm đâu một bóng người”.

Cần khẳng định, dám thử sức viết sử thi trái đất và loài người là một kế hoạch táo bạo của nhà văn Trúc Phương. Sự can đảm vượt lên chính mình và vượt qua chính mình, đã có thể xem như một sự thắng lợi bước đầu.

Trường ca “Từ hai phía mặt trời” tập 1 phục dựng bức tranh nhân loại từ thời kỳ nguyên thủy đến thời kỳ cổ đại. Nghĩa là tác giả còn kế hoạch viết tiếp thời kỳ trung đại, thời kỳ cận đại và thời kỳ hiện đại.

Trong lời nói đầu trường ca “Từ hai phía mặt trời”, nhà văn Trúc Phương hé lộ một ý tưởng thú vị: “Thật vô lý khi con người lo giải cứu động vật hoang dã, mà lại có đủ lương tâm để cho lũ chính khách vô nhân dùng quyền lực đen tối tiến hành các âm mưu hủy diệt con người”. Ý tưởng ấy xứng đáng được chờ đợi ở phần sau của trường ca “Từ hai phía mặt trời”.

                                             LÊ THIẾU NHƠN