Ban nhạc BlackPink thực chất chỉ là một hiện tượng Pop-Art, chẳng có gì đáng bàn nhiều thế, nhưng nó đã gây ra một cơn “sốc” thưởng thức trong giới trẻ nước ta, khi mà giới ca sĩ và giới sowbitz Việt đã gây ra những scandal đáng xấu hổ, khiến nhiều khán giả tử tế phải nhục nhã thay


THAY VÌ CÁM ƠN, CẦN PHẢI BIẾT XẤU HỔ

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Lá thư cám ơn của Đô trưởng đối với một Ban nhạc trẻ xứ Kim chi “đã khẳng định hình ảnh của thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của thủ đô” (Trích thư)…

Cám ơn là một việc làm mang trong đó bản chất văn hóa đáng trọng và cần thiết, nhưng ở đây lại khiến tôi và nhiều người cảm thấy xấu hổ. Và tôi bỗng nghĩ: lẽ ra, thay cho sự cám ơn mang tính chất lễ nghi xã giao đó nên là sự xấu hổ, và tiếp theo sẽ là những cuộc họp bàn thực chất vì sao đã phải xấu hổ như vậy!

Xấu hổ, như không ít vị quan chức ngành văn hóa, điện ảnh đã phải cúi đầu trong Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” (Hà Nội, 11-2022), khi người đại diện điện ảnh Hàn Quốc kể: lý do gì mà điện ảnh nước này đã vượt lên thần kỳ đến thế, và đoạt giải Oscar với bộ phim “Parasite” năm 2020? Mấy chục năm trước, khi bản đồ điện ảnh thế giới không có tên Hàn quốc, nước này đã gửi học sinh sinh viên đi học tất cả các ngành nghề, trong đó có nhiều chuyên ngành điện ảnh ở các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ - bằng học bổng nhà nước (Trong chính sách của Chính phủ tập trung đầu tư vào hai lĩnh vực Quốc gia quan trọng: Giáo dục & Hạ tầng xã hội: đường giao thông, cảng biển, hệ thống điện, bệnh viện, trường học, rạp chiếu phim…).

Hẳn nhiều người còn nhớ "làn sóng Hàn quốc" vào VN bằng những bộ phim truyền hình khoảng cuối thập niên 90 thế kỷ trước, từ đó thời trang, mỹ phẩm & hàng tiêu dùng Hàn quốc, rồi phim điện ảnh, K-pop ngày càng quen thuộc với giới trẻ Việt. Văn hóa - nghệ thuật và Du lịch đã thực sự thúc đẩy, kich cầu kinh tế, họ đã thực hiện chiến lược "công nghiệp văn hóa" một cách bài bản chuyên nghiệp trong khi cái chiến lược lớn đó ở nước ta vẫn còn chủ yếu loay hoay cựa quậy trên Nghị quyết. Khi các sản phẩm văn hóa trở thành sản phẩm kinh tế, văn hóa đại chúng Hàn quốc phát triển và nhanh chóng nổi tiếng, làm cái nền cho những sản phẩm văn hóa đỉnh cao tầm quốc tế.

Ban nhạc Blackpink thực chất chỉ là một hiện tượng Pop-Art, chẳng có gì đáng bàn nhiều thế, nhưng nó đã gây ra một cơn “sốc” thưởng thức trong giới trẻ nước ta, khi mà giới ca sĩ và giới sowbitz Việt đã gây ra những scandal đáng xấu hổ, khiến nhiều khán giả tử tế phải nhục nhã thay! Và mặc dù BlackPink về mặt nghệ thuật còn có điều bất cập, thậm chí ngớ ngẩn, song với óc tổ chức của những nhà sản xuất, họ đã tạo ra một trong những sản phẩm văn hóa nổi bật làm nền cho những sản phẩm văn hóa đỉnh cao tầm quốc tế.

Vậy nên đừng vội than vãn, chê trách giới fan cuồng thần tượng ca sĩ Hàn ở nước ta, mà trước hết hãy hỏi các vị quản lý văn hóa - nghệ thật nước ta: với chức trách và lương tâm của mình, các vị đã suy nghĩ gì trước hiện tượng văn hóa này? Nếu cần cám ơn, các vị hãy cám ơn những nhà quản lý văn hóa bên nước họ đã có tầm nhìn xa, có những chính sách cụ thể thiết thực để đào tạo, thúc đẩy nền nghệ thuật ở các loại hình, các cấp độ của nước họ được phát triển thật sự và đưa Con người - Đất nước họ đến với toàn cầu bằng văn hóa & nghệ thuật!