Nhìn vào bảng “danh sách” kỷ lục trong những năm gần
đây, dư luận báo chí lẫn mạng xã hội đều cảm thấy “ngán ngẩm”, thậm chí có ý kiến
nói thẳng đã đến thời “lạm phát” kỷ lục với những “cái nhất”…
Khi nào mới hết “lạm phát” kỷ lục?
NGUYỄN THANH SƯƠNG
Kỷ lục Việt Nam với việc xác lập “nặng nhất”, “dài nhất”,
“to nhất”, “nhiều nhất” cứ ngày một nhiều, đến mức có chuyên gia đã phải thốt
lên, cứ kiểu công nhận như thế này thì biết đến bao giờ nước ta mới hết… kỷ lục.
Nhìn vào bảng “danh sách” kỷ lục trong những năm gần đây, dư luận báo chí lẫn mạng
xã hội đều cảm thấy “ngán ngẩm”, thậm chí có ý kiến nói thẳng đã đến thời “lạm
phát” kỷ lục với những “cái nhất”…
Những kỷ lục kỳ quặc
Nói cho công bằng, mới đầu việc công nhận hay tôn vinh
kỷ lục Việt Nam đã mang lại ít nhiều giá trị đích thực, nhìn vào đó công chúng
và dư luận đều nhận thấy, những sản phẩm hay cá nhân ấy thật sự có được kết quả
vượt trội trong lao động, sản xuất, sáng tạo, góp phần hối thúc xã hội cạnh
tranh lành mạnh để lập nên kỳ tích mới. Nhưng càng về gần đây, việc xác lập kỷ
lục có ý nghĩa lan tỏa trong đời xã hội cứ giảm dần, thay vào đó người ta bắt đầu
chạy theo những thành tích hão, thói háo danh, rầm rộ xất hiện vô số cái nhất
như dài nhất, nặng nhất, cao nhất, lâu nhất, nhiều nhất.
Cách đây mấy năm, vào dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, có đơn
vị ở tận TP Hồ Chí Minh thi nhau làm một bánh chưng lớn nhất từ trước đến nay
và một chai rượu cũng “khủng” nhất từ trước đến nay chứa đến hàng nghìn lít để
dâng lên đền. Hai sản phẩm này ngay lập tức được xác lập và vinh danh đạt kỷ lục
Việt Nam. Sau khi báo chí phản ánh, giới chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa
kịch liệt phản đối và cho rằng không nên dâng những lễ đó lên di tích. Họ còn gọi
đây là sự lãng phí, kệch cỡm. Câu chuyện này được đưa vào diễn đàn nghị trường
và được một đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp. “Tư lệnh” ngành Văn hóa đã phải
tiếp thu theo hướng sẽ chấn chỉnh, không cho dâng hai sản phẩm kỷ lục lên khu
di tích. Những tưởng cái nhất này sẽ được hạn chế hoặc loại bỏ nào ngờ sau đó
chúng liên tiếp xuất hiện như đòn bánh tét lớn nhất nước, cái bánh tét to kỷ lục…
Đề cập tới chuyện này, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản
văn hóa TP Hồ Chí Minh cũng bị ám ảnh không kém xen với sự bức xúc. “Tôi nhớ
vào dịp Tết Nguyên đán, có đòn bánh tét được xác lập kỷ lục là đòn bánh tét to
nhất. Nhưng bánh tét là di sản ẩm thực trong đời sống văn hóa người Việt, dù có
làm to thì cũng phải đảm bảo giá trị, cái hay, cái tinh túy của bánh. Tức là
đòn bánh tét phải đầy đủ ý nghĩa và thành phần nguyên liệu mà ông bà ta đã xây
dựng nên. Thế nhưng, đến khi xác lập kỷ lục thì những người gói đã để vào trong
đó xúc xích, rồi cắt ra cho người nước ngoài ăn. Tôi nghĩ họ sẽ cười mình, họ
nghĩ hóa ra bánh tét của Việt Nam chỉ đơn giản như vậy, cũng lấy xúc xích của họ
đưa vào bánh thì nét tinh túy nằm ở đâu”, bà Cẩm nói.
Ở đời ai mà chẳng muốn được ghi nhận, vinh danh, song
sự công nhận hay xác lập kỷ lục cũng nên có sự nghiên cứu, lựa chọn để khi công
bố khiến dư luận xã hội thật sự “tâm phục khẩu phục”, chứ không như kiểu cách
đây vài năm, một cụ ông gần 90 tuổi ở TP Hội An được vinh danh là… “Người gánh
nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”. Chưa cần bàn đến việc đó đúng
hay sai bởi dọc dài đất nước này, người gánh thuê nước nhiều như… nước sông Hồng,
nhưng ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều ít ý kiến bày
tỏ thái độ ngạc nhiên, thậm chí rất bất bình. Thời điểm đó, một người có trách
nhiệm nơi trao bằng lý giải rằng, trao tặng để ghi nhận việc làm mà không phải
ai cũng làm được như cụ ông ở Hội An, rồi hy vọng ý chí và nghị lực sống của cụ
sẽ truyền cho mọi người sức mạnh để sống, để làm việc, để vươn lên trong cuộc sống.
Mọi nghề nghiệp nếu không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, tất cả đều
đáng được tôn vinh, được trân trọng. Trả lời như vậy thì chuẩn quá rồi, nhưng nếu
suy nghĩ cho thật sự nghiêm túc thì có người cảm thấy chột dạ bởi nó thật là “vụng
chèo nên khéo chống”.
Phô trương và háo danh
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện trao kỷ lục ở Việt
Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, xác lập hay công nhận kỷ lục là câu
chuyện mà cả thế giới đều đặt ra, tuy nhiên ở nước ta, việc tổ chức trao kỷ lục
còn thiếu cơ sở cả về định lượng lẫn định tính. Ví dụ, cứ to là trao kỷ lục như
cái bánh chưng hay bánh tét, bát phở lớn, áo dài dài nhất... Dư luận bức xúc đặt
ra những câu hỏi: Tại sao chúng trở thành kỷ lục? Kỷ lục ấy có ý nghĩa gì, có
thúc đẩy văn hóa Việt Nam hay nó thuần túy có giá trị về vật chất là to mà
thôi?
“Tôi nghi ngờ những tiêu chí trao kỷ lục ở Việt
Nam bởi những kỷ lục ở nước ta rất chung chiêng. Ví dụ như việc dâng bánh
chưng, bánh tét để cúng các cụ là một cử chỉ đẹp của người Việt, vậy sao phải
làm những chiếc bánh chưng, bánh tét nặng cả tấn, tốn bao nhiêu gạo, thịt, đỗ
xanh... cùng bao nhiêu người làm chỉ để rước và nhận kỷ lục. Hoặc như xác lập kỷ
lục hát quan họ với sự tham gia của hàng nghìn người cùng mặc áo quan họ. Đây
là cách đua đòi đầy phản cảm theo kiểu dàn đồng ca trong các loại hình âm nhạc
khác, đi ngược với truyền thống, triệt tiêu mọi đặc trưng đặc sắc hát giao
duyên vốn có của quan họ”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Nhìn từ ở góc độ xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho
rằng, hiện có nhiều kỷ lục khi được công bố khiến dư luận xã hội hồ nghi về
tiêu chí, quy chuẩn và cách đánh giá xác lập kỷ lục của ban tổ chức, như kiểu
chiếc bánh chưng lớn nhất từ trước đến nay hay chai rượu “khủng” hàng nghìn
lít... “Với kiểu xác lập, công nhận kỷ lục như thế này thì không biết bao giờ mới
có thể kết thúc… kỷ lục. Đã là kỷ lục thì phải có sức thuyết phục, phải nổi trội
và có sức lan tỏa, điều chỉnh vào hoạt động của đời sống xã hội, phải làm biến
đổi đời sống và phải có tính hướng đích, giúp những người khác phấn đấu để đạt
được cái đích đó, chứ đằng này tập trung vào chữ “nhất” như vậy chỉ sự háo
danh”, PGS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn
hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ở khía cạnh tích cực, việc công nhận kỷ lục
nhìn chung vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong việc ghi nhận thành tựu và giới
thiệu giá trị của một quốc gia như Việt Nam tới thế giới. Việc công nhận kỷ lục
có thể tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức và cộng đồng để đạt được thành tựu
cao hơn và thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Nó khuyến khích sự cạnh
tranh và sáng tạo, đẩy mạnh năng lực và tiềm năng của người dân trong việc vươn
lên và vượt qua giới hạn hiện tại. Trên cơ sở đó, ở khía cạnh văn hóa, công nhận
kỷ lục sẽ góp phần thúc đẩy và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Các kỷ lục liên quan đến văn hóa, như văn hóa dân gian, di sản văn hóa, nghệ
thuật truyền thống, đóng góp vào việc gìn giữ và phát triển văn hóa đặc biệt của
đất nước, tạo thương hiệu để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng
sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc cố gắng đạt
được kỷ lục một cách không xứng đáng đã tạo ra sự kệch cỡm, đặc biệt khi mục
tiêu lập kỷ lục chỉ để phục vụ mục đích háo danh, phô trương mà không quan tâm
đến giá trị thực, trách nhiệm xã hội mà kỷ lục đem lại. Việc tổ chức trao một số
kỷ lục vừa qua đã gây tranh cãi rất nhiều về chất lượng giải thưởng cũng như
cách thức công nhận kỷ lục. Sở dĩ có chuyện đó là do có thể không đáp ứng đầy đủ
tiêu chí độc lập và khách quan trong quá trình đánh giá. Nếu chúng ta không
tuân thủ quy trình đánh giá chặt chẽ hoặc chịu ảnh hưởng của nhóm lợi ích nào
đó thì sự công nhận của họ có thể không được coi là đáng tin cậy. Tiếp theo là
việc thiếu minh bạch và công khai. Nếu tiêu chí và quy trình đánh giá không được
công bố rõ ràng, công chúng và dư luận sẽ khó hiểu được cơ sở và cách thức các
hội đánh giá và công nhận. Điều này dễ dẫn đến sự nghi vấn về tính minh bạch và
độ tin cậy của quá trình này.
“Việc đánh giá và công nhận kỷ lục đòi hỏi nguồn lực
và hệ thống quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, có thể có sự thiếu hụt về nguồn lực và
cơ sở cần thiết để thực hiện quá trình này một cách toàn diện và chuyên nghiệp.
Ngoài ra, điều này có thể xuất phát từ việc thiếu tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn
và quy trình công nhận kỷ lục ở Việt Nam có thể không tương đương với các tiêu
chuẩn quốc tế, dẫn đến sự không thống nhất trong việc đánh giá và công nhận từ
đó có những khó khăn trong việc so sánh và thừa nhận các kỷ lục quốc tế, cũng
như tạo ra sự nghi ngại từ trong nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Nguồn: An Ninh Thế Giới
cuối tháng