Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc sinh thời từng viết một bức thư bày tỏ những vướng mắc của ông với sự kiện Mậu Thân 1968 ở Huế. Bây giờ, ông đã về cõi khác, xin cung cấp thêm tư liệu để góp phần minh định về những quy chụp “đồ tể khát máu” mà ông phải gánh chịu.


Sự thật về 3 nhân vật bị kẻ thù gọi là "đồ tể khát máu": Sự vu khống tráo trở...

PHAN BÙI BẢO THY

Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, có rất nhiều nguồn thông tin từ sách, báo của những kẻ chống Cộng cực đoan cho rằng: Những nhân vật nòng cốt của phong trào đấu tranh đô thị ở Huế như Nguyễn Đắc Xuân - Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan, sau một thời gian thoát ly theo cách mạng ở chiến khu đã trở lại Huế để chỉ huy lực lượng giải phóng bắn giết rất nhiều người ở Huế và những nguồn thông tin cực đoan này đã không ngần ngại khi gọi các anh Tường - Xuân - Phan là những "tên đồ tể khát máu", là "linh hồn của chiến cuộc Mậu Thân"…

Mới đây, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan đến Đà Nẵng để tham dự một cuộc hội thảo về "Phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam trước năm 1975" do Trường đại học Duy Tân tổ chức. Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc và được nghe ông Phan kể lại một cách khá chi tiết về những gì liên quan đến sự kiện Mậu Thân ở Huế.

Ông Phan kể rằng, có lần cụ thân sinh ra ông nghiêm nghị hỏi rằng: "Người ta nói Tết Mậu Thân con với thằng Tường về Huế giết rất nhiều người, có thật như vậy không?". Tôi đã trả lời với cha tôi rất rõ ràng rằng: "Đó là luận điệu tuyên truyền vu khống của kẻ địch. Nếp nhà ta xưa nay vẫn coi trọng những điều Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa. Dòng họ ta một số ở miền Bắc, một số ở miền Nam. Nhưng dù sống dưới chế độ nào cũng đều là công dân lương thiện - không hề nảy sinh hạng tham quan ô lại, cường hào ác bá, lưu manh đê tiện. Xin ba yên tâm".

Đó là chuyện trong gia đình nhưng đối với bên ngoài thì nói vậy cũng chưa đủ sức thuyết phục. Quả thực cũng có một số bà con bạn bè thiếu thông tin chính xác và bị tác động bởi tin đồn nên đối với chúng tôi có phần dè dặt, kém thân thiện… và đương nhiên, những tài liệu được những kẻ chống Cộng cực đoan phát tán ấy (kể cả sách và báo) đều rặt một luận điệu cũ rích. Tất nhiên vẫn là ngôn ngữ vu khống Tường - Phan - Xuân là “đao phủ khát máu”.

Ngoài ra còn vu khống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và rất nhiều sinh viên, trí thức trong phong trào tranh đấu ở Huế là “Việt Cộng nằm vùng”. Nghiêm trọng hơn, chúng còn xúc phạm danh dự của vị lãnh tụ đức cao vọng trọng của Giáo hội Phật giáo là cố Tăng Thống Thích Đôn Hậu. Gia đình tôi vốn theo đạo Phật. Cả anh Tường và tôi đều có pháp danh và có phái quy y với bổn sư Thích Đôn Hậu.

Nhân vật chủ soái trong việc tuyên truyền xuyên tạc này không ai khác là Liên Thành, trước đây là Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên - Huế. Đầu mùa hè năm 1966, Nguyễn Ngọc Loan theo lệnh Mỹ-Thiệu-Kỳ đưa quân từ Sài Gòn ra đàn áp phong trào tranh đấu ở miền Trung. Hầu hết những người đứng đầu các cơ quan quyền lực quân sự và dân sự ở Huế, kể cả tướng Nguyễn Chánh Thi đều bị bắt hoặc bị vô hiệu hóa. Nhìn quanh không còn ai đáng tin cậy, Nguyễn Ngọc Loan - có lẽ thông qua sự tiến cử của Hà Thúc Ký (trùm Đại Việt Thiên Chúa giáo) - bèn sử dụng Liên Thành như một cánh tay đắc lực.

Gặp thời, kẻ tiểu nhân đắc chí Liên Thành ra sức lập công với Nguyễn Ngọc Loan và với đảng Đại Việt. Danh sách ba anh em chúng tôi là Tường - Phan - Xuân được ưu tiên phát lệnh truy nã trên đài phát thanh, e rằng do Liên Thành và đám Đại Việt đề xuất chứ Nguyễn Ngọc Loan làm gì biết mà "coi trọng" chúng tôi dữ vậy. Trên thực tế là từ năm 1966, chúng tôi đã lọt vào tầm ngắm của Liên Thành và cũng từ đó cho đến mãi sau này, ông ta luôn sử dụng tên tuổi của chúng tôi để làm mục tiêu đánh phá, để trổ tài chống Cộng hòng thăng quan tiến chức. Tuy không bắt được chúng tôi nhưng cũng đã có cớ để chụp mũ Cộng sản cho phong trào Phật giáo ở Huế.

Để lập công với Nguyễn Ngọc Loan, Liên Thành không từ một thủ đoạn gian ác nào. Mùa hè năm 1966, y dẫn quân vào đánh phá chùa chiền, bắt bớ các tăng ni phật tử. Có người hỏi: "Ông là cháu đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết sao đối xử với các thầy như vậy?". Y trả lời một câu rất vô đạo: "Ông già tôi theo Cộng sản tôi cũng bắt luôn chứ đừng nói mấy thầy".

Trong thời gian Quân Giải phóng làm chủ thành phố Huế vào Tết Mậu Thân, Liên Thành thoát thân về Hương Thủy trốn rất kỹ nên thoát nạn. Phải đến khi Quân Giải phóng rút ra khỏi thành phố cả tuần lễ, y mới ra trình diện, nên bị Tỉnh trưởng Phan Văn Khoa và tướng Ngô Quang Trưởng dội cho một trận đến hồn xiêu phách lạc.

Để lập công chuộc tội, mùa hè 1968, Liên Thành rình bắt được một người bạn học cũ từng cho y ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu tên là Hồ Đăng Lương nay đã tham gia cách mạng, trốn dưới hầm bí mật ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Y moi hầm bí mật bắt được Hồ Đăng Lương lập tức chém đầu bạn đem cắm bên đường ở xã Thủy Phương để làm mồi nhử, tính phục kích bắt thêm những người khác. Năm 1973, y cho thuộc hạ bắt thầy học của mình là nhà thơ Ngô Kha rồi thủ tiêu mất xác. Nhưng "công lao" lớn nhất mà y báo cáo lên cấp trên là cái gọi là "Điệp vụ Hoàng Kim Loan".

Mùa hè năm 1972, Liên Thành cho người rình nhà anh Lê Phước Á, bắt được anh Á và tình cờ bắt được luôn cả anh Hoàng Kim Loan. Anh Loan chỉ là một cán bộ dân chính bình thường và là một trong những Thành ủy viên, phụ trách công tác trí vận, không hề có kỹ năng chuyên môn của ngành tình báo gián điệp. Liên Thành tra tấn, ép cung anh Loan - gọi anh là trung tá điệp viên rồi ngụy tạo hồ sơ một vụ án gián điệp rất lớn và rất gian dối để có cớ triệt phá Phật giáo, vu khống bắt bớ rất nhiều người thuộc nhiều giới trong thành phố. Kể cả các đồng sự của y trong ngành cảnh sát, không thích ai y cũng nhét luôn vào hồ sơ này rồi đạp người ta xuống để ngoi lên. Có lẽ đây là thành tích tâm đắc nhất mà y lập được để dâng lên "quan thầy" Nguyễn Ngọc Loan.

Sau Tết Mậu Thân, báo chí trên thế giới nóng lên bởi hai vụ giết người ghê tởm: Vụ Nguyễn Ngọc Loan bắn tù binh trên đường phố. Sau đó là vụ tên trung úy Calley tàn sát hơn 500 đồng bào ta ở Mỹ Lai. Chính quyền Mỹ lẫn Sài Gòn rất nhức đầu vì hình ảnh "Thế giới tự do" bị những tên ác quỷ này bôi đen.

Để đánh lạc hướng dư luận trong nước và trên thế giới, bộ máy tuyên truyền của địch thông qua hai công cụ đắc lực là những cái mồm gian dối của bộ đôi Liên Thành - Nhã Ca, cố tình thổi phồng con số nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân và gọi đó là nạn nhân bị Việt Cộng thảm sát. Đặc biệt Liên Thành và đồng bọn không ngừng bịa đặt đủ chuyện tập trung vào Tường - Phan - Xuân nhằm biến hình ảnh những người kháng chiến yêu nước thành những tên đao phủ, cá mè một lứa với bọn Sáu Lèo - Calley.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giải thích nguyên nhân chính dẫn đến chuyện bè lũ chống Cộng cực đoan vu khống, dựng chuyện nhằm hạ bệ tên tuổi của những trí thức yêu nước mà cụ thể là nhóm Tường - Xuân - Phan như sau: Chúng tôi là những phật tử, xuất thân từ sinh viên tranh đấu chống chính quyền Diệm và các chính quyền Sài Gòn thân Mỹ, rồi lại thoát ly tham gia kháng chiến.

Vì vậy mà có ít nhất là 3 hạng người trong xã hội thù ghét chúng tôi. Thứ nhất là tín đồ của các tôn giáo thân thiết với chính phủ của Diệm và các chính quyền Sài Gòn do người Mỹ dựng nên; thứ hai là những người sợ những cuộc tranh đấu của sinh viên làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự thăng tiến của họ; thứ ba là thành viên của các tổ chức chính trị chống Cộng. Bất cứ ai xuất thân như tôi cũng đều bị "ác ý" và thù ghét cả. Riêng trường hợp của tôi và cả hai anh Tường-Phan thì còn có thêm một lý do quan trọng khác gây nên sự “ác ý” với chúng tôi nữa.

Như các bạn đã biết: Những người có lập trường kiên định, có quá trình hoạt động và có chức mới có quyền thực sự, còn các thành phần nhân sĩ trí thức trong các mặt trận chỉ giữ vai trò hiệu triệu, dân vận mà thôi. Tổ chức cách mạng chặt chẽ, ai được phân công việc gì thì biết việc ấy, người có quyền thực thụ bí mật hiện hữu với các bí danh khác nhau, đối phương khó lòng biết được. Bởi vậy bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa không thể bêu riếu được những người lãnh đạo mặt trận nên họ dồn hết ác ý và sự thâm thù cho những người "nổi tiếng".

Xin được nói rằng: Vào thập niên 60, trong giới sinh viên trí thức đi theo cách mạng, các anh Tường, Phan và tôi thuộc loại nổi tiếng nhất. Vì vậy mà Nhã Ca đã ra sức bôi nhọ chúng tôi trong tác phẩm "Giải khăn sô cho Huế" được giải thưởng của Nguyễn Văn Thiệu năm 1970. Nhã Ca đã xây dựng tôi thành nhân vật tên Đắc trong tác phẩm ấy với những nội dung hoàn toàn bịa đặt… Tôi đọc thấy ở chương 7 viết về nhân vật Đắc "là một sinh viên trẻ trung, hăng hái...

Thời trước Đắc làm thơ, Đắc tranh đấu, rồi bỏ ra khu. Để rồi trở lại Huế lập những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loạt người, rồi đích tay đào một cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố để xử tử". Bài ghi chép xem Đắc như một dẫn chứng về tội ác nhồi sọ trí thức của Cộng sản. Sau năm 1975 về lại Huế, trong các chiến dịch "chống văn hóa độc hại của Mỹ-ngụy" (3-1976) nhiều người đặt bài cho tôi viết lên án Nhã Ca. Tôi từ chối. Lý do: Thứ nhất, sách của Nhã Ca có nêu đích danh tôi đâu mà tôi phải lên tiếng. Thứ hai, dù sao Nhã Ca cũng là bạn của chị tôi, nỡ nào tôi lại "đánh" người ngã ngựa.

Bẵng đi mấy năm không còn có dịp nhắc đến Nhã Ca nữa. Rồi đến một dạo trước năm 1980 (tôi không còn nhớ đích xác năm nào) tôi vào TP HCM, được anh Phương Hà ở báo Đại Đoàn Kết cho mượn một chiếc xe đạp để đi tìm mua tài liệu cũ về Huế xưa. Nhà anh ở trên tầng cao của cái building ngay ngã tư Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn. Khi gởi xe cho người giữ ở tầng trệt xong, tôi thả bộ dọc đường Đồng Khởi tìm mua cho con anh Phương Hà một gói bánh.

Cách đó khoảng 5-6 gian phố gì đó tôi thấy có cái quán giải khát vắng vẻ, bên ngoài kê một cái tủ kính bên trên có mấy thẩu bánh (ga-tô hay bánh thuẫn?). Nhìn vào trong không thấy khách chỉ có một người đàn bà với nét mặt nặng và buồn, mái tóc cắt ngắn ngang vai. Tôi hỏi: "Chị làm ơn bán cho mấy cái bánh!". Người đàn bà đến mở nắp thẩu lấy bánh cho tôi. Khi tay chị ta vừa chạm vào mấy cái bánh trong thẩu thì như bị điện giật chị ta rút tay ra và chụp cái nắp nhôm xuống miệng thẩu kêu một cái cốp rồi quay lưng vô nhà. Tự nhiên tôi kêu lên:

- Thu Vân! (Nhã Ca hay Trần Thy Nhã Ca đều là bút danh của Thu Vân - NV) Tại sao thấy moa, toa lại bỏ đi?

Người đàn bà quay lại, nét mặt thảng thốt…

- Tôi nghe người ta nói anh đang tìm tôi để giết nên tôi sợ quá…

- Vì chuyện nhân vật Đắc, toa viết trong "Giải khăn sô cho Huế" phải không? Tôi hỏi và nói tiếp.

- Chuyện của nhân vật Đắc có liên quan gì đến moa mà moa phải đi tìm để giết toa. Mà làm sao moa có thể giết toa một cách dễ dàng đến vậy…

Nghe thế có lẽ Nhã Ca thấy đúng là con người thật của tôi khác với con người chị ta tưởng tượng sau khi tôi tham gia kháng chiến, chị ta lấy lại tư thế bình thường. Chị ta không mời nhưng tôi vẫn vào kéo ghế ngồi. Nhã Ca miễn cưỡng ngồi vào ghế đối diện tiếp tôi. Tôi không gọi chị ta là Nhã Ca, không nói chuyện sách vở mà gọi là Thu Vân và chỉ nói về chuyện chị Xuyến tôi vừa vượt biên qua Úc. Thu Vân cho biết Hoài Nam (Hoài Nam là chồng của chị ta, còn có bút danh khác là Trần Dạ Từ - NV) đang còn học tập chưa về, chị ta được về sớm để chăm sóc các con. Hoàn cảnh chị ta đang rất khó khăn. Khó nhất là không ai có sổ gạo. Đến khi câu chuyện trở nên thân tình tôi hỏi thật:  

- Vì sao năm 1968 Thu Vân lại viết về nhân vật Đắc để ám chỉ tôi như thế?

Chị ta trả lời rất thành thật:

- Lúc đó ai cũng nói anh chết rồi, chớ ai ngờ...

- Sao Thu Vân lại nỡ dựng chuyện ác cho em của một người bạn mình như thế? - Tôi hỏi với giọng trách móc.

- Như anh biết đó - chị ta giải thích - viết ký thì phải có những con người bằng xương bằng thịt mình biết rõ ràng mới hay, chứ anh nghĩ lính giải phóng ở miền Bắc vào tôi nào có biết ai đâu?

- Té ra như vậy.

Để đạt được những mục đích đê hèn, người ta có thể làm những điều lá mặt, lá trái, đổi trắng thay đen. Họ vu oan giá họa cho rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước mà trong số đó nổi bật là ba nhân vật Tường - Xuân - Phan. Trên thực tế, nhiều nhân chứng kể lại rằng: Nguyễn Đắc Xuân ngày đó ở trong Ban Tham mưu Mặt trận cánh Bắc sông Hương, sau đó được đưa về làm nhiệm vụ dân vận kêu gọi bạn bè, sinh viên, học sinh, thanh niên tham gia Cách mạng, thành lập Đội Tự vệ thanh niên Thành nội. Đến lúc cuộc chiến trở nên ác liệt, bộ đội chiến sĩ hy sinh nhiều thì những người như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan… chuyên lo về hậu cần và chôn cất tử sĩ.

Câu chuyện Mậu Thân đã xảy ra cách nay hơn 40 năm, thế nhưng những thông tin bịa đặt, ác ý về vai trò của Tường - Xuân - Phan trong cuộc Tổng tấn công ấy vẫn như còn bám riết lấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sau này, đặc biệt là từ thời điểm anh Tường từ Huế ra Quảng Trị để làm Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt, chúng tôi lại có nhiều dịp để gần gũi anh hơn với tư cách là những đứa em yêu văn chương được anh cho phép ngồi hóng chuyện.

Anh Tường kể: Tết Mậu Thân, bản thân anh với Tiến sĩ Lê Văn Hảo đã có tên chính thức tham gia chiến dịch Mậu Thân và ngay trong đêm Tổng tấn công các anh đã có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận Huế, đặt tại núi Kim Phụng, phía tây Huế. Nghe các anh ở Bộ tư lệnh nói là chờ sáng mai mới vào thành, khi tình hình đã ổn định. Nhưng ngày hôm sau chúng tôi được thông báo lại rằng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, hãy ráng chờ.

Chúng tôi cứ chờ mãi như thế và không bao giờ được trở lại thành phố. Lúc bấy giờ Quân Giải phóng và nhân dân Huế vẫn phải liên tục đánh trả sự phản công quyết liệt của đối phương. Lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Huế nổi dậy là do anh Tường viết đã được thu băng và được phát đi khắp các nẻo đường, phố phường của Huế. Có lẽ do sự kiện này mà về sau nhiều người nhầm rằng anh Tường có mặt ở Huế trong những ngày Tết Mậu Thân.        

Ngoài câu chuyện trên đây, chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ còn do chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tập bút ký "Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu" viết về những người giữ cờ trên Phu Văn Lâu, Huế. Không tham gia đánh trận trực tiếp làm sao mà viết về cuộc chiến với những chi tiết cụ thể như thế? Sự thật thì không phải vậy. Hoàng Phủ Ngọc Tường bảo rằng, đây là một tập sách "viết chưa đạt". Vì thế trong 4 tập của “Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường” (NXB Trẻ và Công ty Phương Nam hợp tác ấn hành, 2002), tập ký này không được chọn trang nào cả. Ông Tường kể, đây là cuốn sách tôi viết từ một tư liệu ghi chép thực tế "những người giữ cờ" ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân.

Tôi nhớ bản thảo ấy cũng chỉ độ 5 đến 7 trang. Tôi đã hư cấu thêm theo sự cho phép của thể loại ký và theo suy nghĩ của tôi - chứ tôi đâu có mặt ở Huế vào thời điểm ấy. Viết xong gửi đi tôi ghi tên cả hai người cùng viết. Một hôm tôi đang làm rẫy ở trong rừng thì nhận được một cuốn sách của NXB Giải Phóng. Không hiểu vì sao bản này khi in thành sách tên tác giả lại chỉ có mình tôi. Thế là tôi trở thành thằng "hớt tay trên" của bạn. Tôi đã viết thư gửi ra Hà Nội phản ứng với Giám đốc NXB Giải Phóng lúc đó là anh Khương Minh Ngọc. Nhưng sau đó tôi được anh Bảo Định Giang, lúc này đang phụ trách Tiểu ban Văn nghệ miền Nam can ngăn; bảo rằng làm như thế sẽ "có lợi" cho cách mạng hơn! Không biết có lợi là lợi gì? Lúc đó tôi đã kể cho anh Nguyễn Đắc Xuân nghe tất cả chuyện oái oăm này…    

Tiện đây, tôi cũng xin nói đôi lời về cái gọi là "vụ tàn sát Mậu Thân" ở Huế. Không một quân đội nào dạy cho binh lính mình giết người dân cả. Dân là chỗ dựa của quân đội. "Nâng thuyền cũng dân, lật thuyền cũng dân" (Nguyễn Trãi). Hơn nữa tư tưởng chiến tranh của Đảng ta là "chiến tranh nhân dân", dựa vào dân mà chiến đấu. Nhưng chết nhiều người trong Mậu Thân là sự thật rất đau lòng. Trong chiến tranh khốc liệt, người chết do nhiều nguyên nhân: Hai bên bắn nhau, tên rơi đạn lạc.

Những ngày Mậu Thân suốt tháng trời đó, máy bay Mỹ dội bom, quân đội Sài Gòn bắn pháo dữ dội suốt tháng trời khắp các nẻo đường. Quân Giải phóng đột nhập Huế, dội pháo vào Thành Nội, và thành phố Huế. Quân Giải phóng cũng chống trả quyết liệt. Bom pháo, súng đạn đó không  biết cách phân biệt "Việt Cộng" hay người dân, tất cả đều bị chìm trong khói lửa. Vì thế, không thể đổ việc nhiều người chết cho một bên nào được.

Từ sau Mậu Thân cho đến nay, đâu đó vẫn còn những thắc mắc, ngộ nhận rằng ông Tường đã về Huế cùng với lực lượng giải phóng. Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo giới, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã khẳng định: Suốt thời gian chiến dịch mở ra, nhà giáo (nay là nhà văn) Hoàng Phủ Ngọc Tường đều ở tại địa đạo Khe Trái trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà để làm việc với các vị nhân sĩ trong Mặt trận Liên minh chứ không hề bước chân về chiến trường Huế. Cho nên tất cả những "thông tin" nói nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường làm việc này việc nọ ở Huế trong những ngày tết Mậu Thân 1968 đều là thông tin bịa đặt. Trong Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình thì Tiến sĩ Lê Văn Hảo làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi là Phó chủ tịch; Nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng thư ký.

Nhắc đến chuyện Mậu Thân, bao giờ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng cười buồn và bảo: "Không hiểu sao đến giờ vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào "vụ" Mậu Thân Huế. Đúng Mậu Thân đã trở thành một bi kịch đời tôi!"; rồi ông bực bội: "Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu, thế thôi!".

Sau năm 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức đi theo kháng chiến lặn lội rừng núi suốt 10 năm, cho đến ngày toàn thắng. Từ năm 1972 đến 1976, ông lao mình vào công cuộc xây dựng ngành văn hóa văn nghệ tỉnh Quảng Trị. Khi 3 tỉnh Bình Trị Thiên nhập một, ông vào Huế hoạt động trong Hội Văn học nghệ thuật. Những ngày đó, đất nước vô cùng khó khăn về kinh tế, do sai lầm... nên chính quyền các cấp phải làm một việc là hô hào cán bộ, công chức, quân đội, dân chúng tăng gia cứu đói. Đó là lệnh trên, ai cũng phải đi. Bản thân Hoàng Phủ Ngọc Tường gầy gò, nhỏ bé, chân cò tay nhện cũng phải cầm cuốc cuốc đất trồng sắn, trồng khoai… Ấy vậy mà ở hải ngoại, có những người còn xuyên tạc rằng: Lúc đó vì ông Tường là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên nên đã dùng uy quyền của mình để đày đọa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi tăng gia sản xuất, trồng khoai trồng sắn trên đồi Châu Ê…

Những năm sau này, khi Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, có lần người ta giới thiệu ông ứng cử vào Đại biểu Quốc hội thì ngay lập tức ở Huế rộ lên tin đồn: "Lan - Đính - Chính - Tường/ Bốn tên phản động tìm đường mà đi" (Lan - Lê Mậu Lan, Giám đốc Nhà máy Xi măng Long Thọ, Đính - Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư nông lâm yêu nước, Chính - Ngô Thế Chính, Phó tiến sĩ sử học, Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh (Trường Hai Bà Trưng).

Một đôi lần, Hoàng Phủ Ngọc Tường được mời ra nước ngoài để tham dự những hội thảo về văn hóa, nhưng rồi cứ gần ngày đi là trục trặc chuyện này chuyện kia nên… không đi được. Chuyện là thế mà ông cũng chẳng buồn, vẫn kiên định đi theo con đường mà ông đã chọn lựa, nên 17 năm ông là đối tượng Đảng mà không nản lòng, đến lúc được đứng trong hàng ngũ của Đảng được có mấy năm thì ông lại bị tai biến nên không thể sinh hoạt được…

Nói chuyện về cuộc đời, nói chuyện về những con người "bị nạn" vu khống sau sự kiện Tết Mậu Thân với ông, bao giờ ông cũng dẫn một câu của Mạnh Tử mà rằng: "Bất đắc chí độc hành kỳ đạo" và cứ thế vui vẻ với đời, cần mẫn viết hết quyển sách này đến quyển sách khác để làm nức lòng người đọc gần xa

 

Nguồn: CAND