Không dại gì, chẳng hơi đâu mà chạy theo để giải thích, thanh minh hay ghen tị, đối đầu, thanh toán. Mọi đố kị thị phi, chúng sinh ra rồi cũng sẽ đến lúc tự tiêu, tự mất, không thể tồn tại mãi.


THÓI GHEN TỴ, ĐỐ KỴ CỦA NHÀ VĂN

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Có nhiều thành ngữ đã đúc kết thói đố kỵ của con người: "Con gà tức nhau tiếng gáy", "Trâu buộc ghét trâu ăn", "Ghen ăn, tức ở", "Văn mình, vợ người"…  Trong đời sống hiện đại, thói đố kỵ ganh ghét vẫn có đất sống dai dẳng, và nó gây tác hại vô cùng lớn. Nhà văn trước hết là con người bình thường, sau đó mới là con người sáng tạo văn chương.

Là con người bình thường nên cũng đủ mọi tốt xấu, mà thói đố kỵ của nhà văn gây bức xúc, phiền hà, mệt mỏi, tác hại không đo đếm được hậu quả. Có lẽ thành ngữ "Văn mình, vợ người" là một khái quát sinh động nhất về thói đố kỵ, ghen ghét của nhà văn. Văn mình là nhất, là hay chẳng ai bằng, còn vợ người khác thì bao giờ cũng đẹp…

1. 

Thói đố kỵ, ghen tỵ của nhà văn biểu hiện trăm màu ngàn vẻ. Các hiện tượng này đã và đang hiện diện trong đời sống văn chương thường nhật. Hành trình viết văn là một quá trình, càng lên cao, bão gió càng nhiều. Bạn mới vào nghề, viết còn làng nhàng mà xem, thì bạn nghề sẽ không thèm để ý, hoặc đọc tác phẩm của bạn xong rồi thương hại, có khi bạn bị coi thường. Tức khí "nằm gai nếm mật" dấn thân, đi nhiều, đọc lắm, viết càng ngày càng hay lên sẽ có bạn nghề mừng cho bạn, nhưng cũng có người ghét, và bị ghen tức cũng tỷ lệ thuận theo. Đặc biệt được Giải thưởng văn chương trong cuộc thi nào đó, dù là giải thưởng đích thực trao cho lao động sáng tạo đích thực, thì cũng bị... ghen ghét. Biểu hiện của cái thói đố kị trong trường hợp này vô cùng sinh động.

Nếu họ được giải thì lập tức ca ngợi cuộc thi và giải thưởng ấy chất lượng, uy tín, khách quan, ban giám khảo biết "chọn mặt gửi vàng". Không dự thi, hoặc thi mà không được giải là họ chê bai, hạ thấp. Nhẹ thì dè bỉu cái giải thưởng ấy cũng "thường" thôi, giải ngành ấy mà, hoặc giải ưu tiên đề tài chứ có gì ghê gớm đâu. Có nghĩa là tìm mọi cách… hạ thấp giá trị, uy tín cuộc thi, giải thưởng. Nặng hơn thì họ chê bai người được giải, dù chưa hề đọc tác phẩm. Rồi nghi ngờ anh kia, chị nọ "mèo mù vớ cá rán", là chạy giải, mua giải. Ỉ eo: "Giải chạy ấy mà", "Giải mua ấy mà"…, dù chưa hề đọc tác phẩm của người được giải, càng không đọc tất cả các tác phẩm được giải, mà cũng phán như quan tòa.

Tôi có nhiều anh bạn văn ở địa phương, người thân, người sơ, có người được giải thưởng cuộc thi ở trung ương thì khoe, khao tưng bừng, có người lại ý nhị lặng lẽ. Không dám khoe vì chỉ sợ người ta ỉ eo là "mua giải", "chạy giải", là ăn may. Thực tế, cũng có trường hợp chấm thi chưa chính xác, hoặc tác phẩm có thể hay với ban giám khảo, nhưng lại không hay với bạn đọc, bạn nghề… là chuyện bình thường. Lúc này, lẽ ra cần cất lên tiếng nói bằng ngữ liệu, bằng lập luận, phân tích, chứng minh, tranh luận bảo vệ quan điểm phê phán của mình thì lại buông những lời ỉ eo phán xét nặng nề.

Có ông còn khốn khổ bởi cái chuyện vào hội ở trung ương. Chuyện vào hội, với người này chẳng là "cái đinh gì" nhưng với người khác là to lớn, là sự kiện trọng đại. Cùng một địa phương, mấy người cùng làm hồ sơ, người vào trước người vào sau, người được kết nạp người không cũng thành chuyện. Người cầm thẻ hội viên sớm hơn, có người khách quan công nhận là xứng đáng, cũng có người phủ nhận, nghi ngờ là "chạy vào hội", hoặc bị phán một câu xanh rờn "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ"…

 Có bạn văn ca thán với tôi rằng: "Càng đi càng thấy đường xa hun hút, càng thấy đơn độc. Càng viết văn càng thấy mênh mông. Chữ nghĩa, tác phẩm cứ như viên sỏi ném xuống ao bèo tấm”. Ấy vậy mà bạn văn cũng ít người chia sẻ, đồng cảm. Đàn bà, con gái đẹp mà viết văn, không bị phán là cái giống "hồng nhan đa truân bạc phận", thì cũng ỉ eo văn chương có gì đâu, chẳng qua là các bà các mợ xinh đẹp ấy viết văn như đeo cái nhẫn ở ngón tay, cái dây chuyền ở cổ…, vật trang sức ấy mà. Đàn bà, con gái viết văn hay mà hình thức "khiêm tốn" thì lại bị xì xào, họ tỏ ra thương hại; cảm thán cứ như là người thân thiết ruột thịt: "Trời lấy của nó nhan sắc thì đền bù cho chút văn chương". Tài năng và nhan sắc là hai giá trị khác nhau, mà cứ ra vẻ xót xa, chia sẻ "trời cũng có mắt", không cho ai tất cả, chả lấy của ai mọi thứ.

Đàn ông giàu có là doanh nhân, là quan chức mà viết văn, thì rất dễ bị cho là tham lam, đã giàu nứt đố đổ vách, đã có quyền lực nghiêng trời lệch đất rồi mà còn kiếm tý danh văn chương. Đặc biệt khi các ông này bị vỡ nợ, bị thất thế, về hưu rồi bắt đầu viết văn thì lại bị cho là cuộc đời thất bại mới quay sang tìm kiếm vinh quang ở văn chương… Lẽ ra, bàn về văn chương thì phải đọc tác phẩm, phê bình tác phẩm, nhưng lại "bỏ bóng đá người", không xem xét văn chương mà lại phán xét động cơ viết văn, nhân cách người viết. Quả thật! Không biết đâu mà lần.

2. 

Tôi cũng đã từng ghen tỵ, tức tối với bạn nghề. Thấy bạn lên ti vi nói về một vấn đề văn học nào đó là tự nhiên thấy ghét. Thấy bạn nghề có tác phẩm in trên báo, nếu không tức thì cũng ra vẻ hững hờ không thèm đọc. Thấy bạn được một cái giải văn chương be bé thôi cũng nghĩ sao mà gã may mắn thế, rồi cứ tức. Tôi cứ tự nhủ mình đừng tức, mà vẫn cứ tức. Cái tức ấy hành hạ mình, làm mình khổ sở. Cũng may là còn biết nhận ra ghen tức với bạn văn đã làm mình buồn phiền, u uất, khổ trước, nên cố thoát ra. Cố thoát một cách nhọc nhằn. Bây giờ, biết bạn văn ghen tỵ với bạn văn, mà tôi không thấy giận ai, bởi tôi bắt gặp hình bóng mình trong đó. Bây giờ nghĩ lại vừa giận mình, vừa an ủi: nhận thức và rèn luyện là một quá trình.  

Thói ghen tức, đố kỵ của nhà văn cũng giống như "hàng thịt nguýt hàng cá". Nhưng, bây giờ không phải thời bao cấp trăm người bán vạn người mua, mà là thời kinh tế thị trường trăm người bán chỉ ngàn người mua. Khách hàng là thượng đế, người bán phải nịnh khách hàng, phải chiều chuộng, phải biết PR. Cho nên, nhà văn thời kinh tế thị trường cũng nên phải vận động theo quy luật của kinh tế thị trường.

Ai viết dở, ai viết hay là phận, là phúc của người ấy. Viết hay thì được hưởng, viết dở thì phải chịu. Lao động sáng tạo và thành quả của bạn văn phải bên ngoài sự quan tâm của mình, nếu có chỉ nên mừng cho bạn, cho nền văn học; chứ không thể thấy họ hơn mình rồi tức tối, giận dữ, phủ nhận, tìm mọi cách kéo họ xuống. "Hữu xạ tự nhiên hương", hãy âm thầm lao tâm khổ tứ viết hay hơn cái mình đã viết, thay vì ghen tỵ với bạn văn.

Tôi đã nhiều lần ca thán với bạn bè rằng: "Nghề viết văn được tiếng là nhân ái khoan hòa, nhưng cũng là nghề bị thị phi, bị đố kị, ganh nghét". Dường như rất ít người viết văn được bạn nghề cảm phục, nể phục tài năng và sự nghiệp, trừ văn hào, thi hào. Thi hào, văn hào là những đỉnh núi khổng lồ, cao vòi vọi nên gò đống, đồi núi bát úp lô xô chỉ có "ngước mắt nhìn", rồi quay ra ghen tỵ với nhau mà thôi.

Tôi vẫn tin một điều những nhà văn chân chính, tài năng thì không có thói đố kị, ganh tỵ hoặc nếu có thì rất ít, chỉ thoáng qua. Người tài năng văn chương thường có đức liên tài. Họ tài nên cũng nể phục, trân quý người tài, họ bước lên phía trước và cũng mong bạn nghề bước lên, chứ không có ý kéo áo bạn văn giật lùi. Tuy nhiên, vẫn có những nhà văn văn tài "khiêm tốn", sự nghiệp cũng "khiêm tốn", nhưng họ trung thực, biết mình biết ta, biết vừa lòng với thành tựu của mình, mà không so sánh, đua chen, ganh tỵ với người khác.

Trong "trường văn trận bút" người viết văn trưởng thành dần, bản lĩnh dần theo thời gian và sẽ nhận ra: "Càng lên cao, bão gió càng nhiều", không có ai thành công mà không bị thị phi, đố kỵ, ganh tỵ. Không dại gì, chẳng hơi đâu mà chạy theo để giải thích, thanh minh hay ghen tị, đối đầu, thanh toán. Mọi đố kị thị phi, chúng sinh ra rồi cũng sẽ đến lúc tự tiêu, tự mất, không thể tồn tại mãi. Kệ đi! Hãy cứ sống, mà đọc sách, mà viết, thời gian đâu mà để ý, bận lòng, lo chuyện thị phi văn chương và đố kỵ, ghen ghét. Nhà văn đến độ an nhiên, cứng cỏi như thế là đã thành người minh triết lắm rồi.

Thói ghen tỵ, đố kỵ tự làm khổ mình và giết chết tài năng. Đại văn hào Balzac từng viết: "Người có tính đố kỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào, vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta càng nhân lên bấy nhiêu". Chưa biết người bị ghen tỵ có tức giận hay không, có bị phương hại gì hay không, nhưng chắc chắn người đang dùng thói ghen tức chĩa "đại bác" vào bạn văn sẽ khổ sở, lòng dạ bồn chồn, không yên, ăn không ngon, ngủ không yên. Còn lao động sáng tạo cái nỗi gì?

Thế gian truyền đời câu chuyện ngụ ngôn đau đớn này: Có một người đàn ông được quyền ước gì được nấy, nhưng với điều kiện: ông ta được một thì hàng xóm được gấp đôi. Ông ta ước được một cái lâu đài thì người hàng xóm được hai cái lâu đài. Ông ta ước được một khu rừng nhiều cây cổ thụ thì hàng xóm được hai khu rừng. Thấy hàng xóm hơn mình ông ta không chịu nổi, ước mất cái đã được. Cuối cùng, cả ông ta và người hàng xóm trở về vạch xuất phát. Người đàn ông tức tối quá, cả giận mất khôn, ước mình mù một con mắt, để ông hàng xóm mù cả hai con mắt. Thói ghen tỵ tự hại bản thân, mà cũng hại cả cộng đồng. Thà chết cả đống còn hơn để nó sống một mình. Thật vô cùng nguy hiểm.

Nhà văn Edmondo de Amicis cũng từng nhắc nhở: "Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim bạn". Thói ghen tức, đố kị sẽ giết chết tài năng và lao động nghệ thuật. Tôi chưa từng thấy ai ghen tỵ, đố kỵ văn chương mà viết hay, chắc chắc càng không thể lớn.