Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vĩnh biệt nhân gian ở tuổi 86, khép lại hành trình ‘gửi nghìn năm cho mây trời, gửi cơn mê đắm cho đời phù du’.


Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trút hơi thở cuối cùng vào sáng 24/7, sau 18 ngày kể từ khi vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời ở tuổi 74. Đôi phu thê tài hoa đã dắt dìu nhau đi qua nhiều rạo rực thanh xuân, nhiều cam go bệnh tật, và bây giờ đã cùng bay về miền vô ưu. 

Những câu thơ viết tặng vợ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hôm nay đọc lại càng thêm bồi hồi: “Chiều năm nọ anh đi/ Chào em trên đồi gió/ Người về đôi môi đỏ/ Bài hát xa muôn trùng/ Nhiều lần anh hỏi Dạ/ Em có được vui long/ Bên đời anh rất nhỏ/ Giữa cuộc đời riêng chung”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê quán làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Huế. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn và được trọng vọng trong thời gian giảng dạy ở Trường Quốc học Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn chọn lựa con đường thoát ly theo cách mạng vào năm 1966, với tâm sự: “Như ngọn cỏ trên đá/ Nở bông hoa cho đời/ Trái tim hồng tôi đó/ Xin hiến máu cho Người/ Tổ quốc mến yêu ơi”.

Từ tác phẩm “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” in năm 1971, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được xem là một nhân vật tài năng trong lĩnh vực bút ký. Những tác phẩm tiếp theo của ông như “Rất nhiều ánh lửa”, “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Ngọn núi ảo ảnh”, “Hoa trái quanh tôi”, “Miền cỏ thơm”... càng chứng minh thương hiệu bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. 

Có lẽ, chưa có nhà văn nào viết bút ký về cố đô Huế đủ sức thuyết phục công chúng như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Xứ Huế qua trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường càng thêm quyến rũ và càng thêm mơ mộng: Cỏ mọc ven những con đường trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại, như cây hoa ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. Bay theo những bước chân lang thang của tôi là những con bướm, những cánh chuồn nghe ngày nắng lên tung tăng trong không gian, ghé cây này, vờn cây kia, trong một thành phố lúc nào cũng cổ xưa, văng vẳng điệu nhã nhạc của cung đình đã hoang phế. Đã nhiều năm, tôi chợt nhận ra rằng lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm, chắc là chúng đã tìm đến một không gian khác yên tĩnh hơn, ít bị tiếng động làm choáng đầu hơn.

Ngoài bút ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đắm đuối với thi ca. Thơ ông mang đến một lý lịch thẩm mỹ khác, để độc giả có thể hình dung đầy đủ về ông: “Tôi ngồi im vắng như lau sậy/ Mờ mịt như màu sương khói thôi”.

Huế đẹp và thơ, đã cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một “địa chỉ buồn” để ông trầm tư: “Những chiều Bến Ngự giăng mưa/ Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi/ Tôi ra mở cửa đón người/ Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang”.

Trong đời thường, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bày tỏ: “Tôi phản đối xu hướng thực dụng bợm bãi của nhiều người đàn ông bây giờ. Những điều này đang làm nhiều phụ nữ đau khổ... Hãy trân trọng hoa và phụ nữ. Đó là nguồn mỹ cảm nuôi cảm hứng sáng tạo của cả loài người”. Và ông thể hiện điều ấy đắm đuối trong thi ca: “Ngậm ngùi ta hỏi non cao/ Trần gian ơi, về phương nào hoa bay/ Cho ta tìm lại một ngày/ Một bông hồng nở trên tay một người”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường uyên bác và mực thước. Văn chương của ông chắc chắn sẽ tồn tại dài hơn gấp nhiều lần số phận của ông. Cho nên, dù nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn nữa, thì tác phẩm mà ông gửi lại nhân gian sẽ tiếp tục vui buồn cùng công chúng, như ông từng thổ lộ: “Dù năm dù tháng em ơi/ Tim anh chỉ đập một đời/ Nhưng trái tim mang vĩnh cửu/ Trong từng giọt máu đỏ tươi”.

                                                      TUY HÒA