Người yêu nhạc lại mất đi thêm một nhạc sĩ thuộc hàng tiên phong của dòng tân nhạc Việt Nam. Đó là nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả của ca khúc bất hủ “Trăng mờ bên suối” nằm lại trong tim nhiều thế hệ trong gần 80 năm qua.


Người viết Trăng Mờ Bên Suối đã ra đi

NGUYỄN PHÚ YÊN

Ông đã giã từ chúng ta vào ngày 19/5/2023 tại quận 5, Paris, thượng thọ 93 tuổi. Đáng tiếc, do có ít mối liên lạc nên mãi gần đây, công chúng trong nước mới biết tin về sự ra đi của ông.

Lê Mộng Nguyên dùng tên thật cho hầu hết các sáng tác. Đôi khi ông dùng một bút danh khác là Yên Hà hoặc Lan Đào. Ông sinh ngày 5/5/1930, tại Huế, trong một gia đình có 9 anh em. Ông có người anh là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Lê Mộng Hoàng, tác giả bộ phim “Nắng chiều” với sự góp mặt của hai tài tử gạo cội là Hùng Cường và Thanh Nga.

Lúc nhỏ, Lê Mộng Nguyên bắt đầu đi học ở trường làng Phú Xuân, rồi vào học Trường tiểu học (École Primaire) Chaigneau ở Huế. Ông học rất giỏi. Thi tuyển vào Trường Trung học Khải Định, ông là một trong ba người đỗ đầu, được Chính phủ cấp học bổng. Ông học ở đó từ 1943 đến khi thi Tú tài năm 1950. Lê Mộng Nguyên làm thơ, nhạc và viết văn từ thuở nhỏ. Năm 15 tuổi, trong một cuộc thi văn chương học sinh trung học, ông viết một bài về Phan Đình Phùng và đạt giải thưởng Hoàng đế Bảo Đại. Cũng năm đó ông cũng sáng tác ca khúc đầu tay "Xuân tươi" (dưới bút hiệu Lan Đào, là tên 2 người em gái của một người bạn thân thiết, anh Trần Đình Bá):

“Xuân về chào đời, ngàn thắm tươi, Xuân về đầy lời tràn núi sông, hát vang trong bao nhiêu lòng, chào quốc gia, mừng hát ca đời thắm hoa...”.

Lời nhạc trong sáng, đầy tính ngợi ca, đúng là hình ảnh của một thời thanh xuân êm đẹp. Năm 18 tuổi Lê Mộng Nguyên đã được cấp thẻ nhà báo, cộng tác cùng nhiều tờ báo khi đó: Phật giáo Văn tập, Quốc gia, Việt Nam Tân báo, Đường mới. Ông viết từ nhạc vui mạnh, phấn chấn như trong bài “Vó ngựa giang hồ” (1948) mang nhịp điệu oai hùng của những người con lên đường kháng chiến chống Pháp:

“Đường trường gió sương gập ghềnh vó câu ào ào lá rơi/ Đem thân nam nhi hồ hải đó đây rèn nung chí trai/ Bao nhiêu tiết thu chờ mong chúng ta vùi lấp máu tang/ Vương khắp nhà Nam...”.

Đến nhạc buồn lãng mạn (vì hoàn cảnh chiến tranh và những cuộc tình dang dở) và để tiếp nối cảm hứng của các tác giả mà ông yêu mến như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn, Anh Việt... Những ca khúc ông sáng tác trong những năm 1948 - 1950 đều sang trọng, thơ mộng, lãng mạn, ca từ rất trau chuốt, hơn nửa thế kỷ sau người ta vẫn còn ưa thích, như “Nhớ Huế”, “Bài thơ Huế”, “Mỵ Châu Trọng Thủy”, “Trăng mờ bên suối”...

Năm 1950, sau khi tốt nghiệp Tú tài toàn phần tại Việt Nam, Lê Mộng Nguyên sang Pháp du học. Ban đầu ông muốn theo học hòa âm tại Trường Âm nhạc Paris nhưng sau đó bỏ ý định, quay sang học luật tại Khoa luật và Khoa học Kinh tế Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne (Faculté de Droit et de Sciences Economiques).

Tuy vậy, trong mấy năm đầu cho đến 1954... ở Paris, ông vẫn tiếp tục sáng tác, có nhiều bài diễn tả nỗi lòng cô quạnh của một người trai trẻ sống trên đất khách, xa nhà, xa quê hương và người yêu dấu. Nhớ nhà và ân nghĩa sinh thành, ông viết bài “Lá thư cho mẹ” và bài “Tìm lại ngày xưa” để tặng hương hồn thân phụ quá cố. Tình cảm và lãng mạn nhớ nhung, ông có bài“Tha hương” (viết đêm 11/12/1950, hai tháng sau khi ông đặt chân xuống phi trường Orly, Paris ngày 5/10/1950), với cung ré mineur nhưng chưa đặt lời... Rồi bài “Xuân tha hương rất buồn não”...

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tiếp tục viết nhiều ca khúc thân phận, vọng về cố quốc như: “Sông Seine, bao giờ ta về nước Nam”, “Kiếp giang hồ”, “Xuân về nhớ mãi quê hương”, “Bụi đời” (cảm đề phim do Lê Mộng Hoàng đạo diễn). Gần đây ông vẫn viết, vẫn vương vấn trong tâm hồn một cảm thức quê nhà - ngày cũ: “Quê tôi”, “Chiều vàng năm xưa”... Ngoài ra còn phải kể thêm các ca khúc “Thu trên sông Seine”, “Giao mùa”, “Thề non nước” là những bài thơ của Vương Thu Thủy, Phạm Ngọc, Tản Đà được ông phổ nhạc.

Lê Mộng Nguyên là một người tài hoa, một trí thức lớn. Năm 1954, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật. Từ năm 1955 - 1958, ông được mời làm tùy viên kinh tế và xã hội của Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Attaché économique et social près l'Ambassade du Vietnam à Paris) dưới quyền của đại sứ Việt Nam Phạm Duy Khiêm. Sau đó ông quay lại trường đại học, thi đậu để được hành nghề luật sư. Năm 1962, ông đậu Tiến sĩ quốc gia (Doctorat d'État) với ba bằng cao học về Droit public, Droit privé và Sciences Politiques. Sau khi thôi hành nghề luật sư, năm 1967, Lê Mộng Nguyên dạy luật Hiến pháp (Droit constitutionnel) và Khoa học Chính trị (Sciences politiques) tại một Trường Đại học miền Đông nước Pháp. Năm 1985, ông quay lại Paris và giảng dạy tại Đại học Paris 8 Saint Denis đến khi về hưu vào năm 1997.

Trong thời gian này, ông cũng sáng tác nhiều ca khúc, nhưng không phổ biến. Ông ít tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Pháp. Ông cũng cộng tác với vài báo chí Việt tại hải ngoại, trong đó có nguyệt san Nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Dinh và Hồn Việt của ký giả Vương Huyền.

Lê Mộng Nguyên thành hôn với Nicole Moulin, một phụ nữ người Pháp vào ngày 8/1/1959. Trước đó hai năm, họ gặp nhau sau một cuộc biểu tình tại quận La Tinh Paris. Hai người không có con. Ông cũng chưa từng về lại Việt Nam từ khi đi du học năm 1950.

Ngày 5/12/1997, Lê Mộng Nguyên được bầu vào Hàn lâm Viện Khoa học Hải ngoại (Académie des Sciences d'Outre-Mer) của Pháp, thay thế cho Cựu Hoàng Bảo Đại. Người được bầu vào Hàn Lâm Viện này phải có những tác phẩm được xuất bản, những công trình nghiên cứu xuất sắc trong công cuộc phát triển văn hóa, khoa học, kinh tế, kỹ thuật cho nhân loại của những quốc gia hải ngoại trong khối Pháp ngữ. Lê Mộng Nguyên là người Pháp gốc Việt đầu tiên được bầu làm hội viên chính thức (membre titulaire), có thể được bầu làm chủ tịch Hàn lâm viện này và có quyền bầu để chọn người vào làm hội viên. Trước đó, đã có một số người Việt làm hội viên liên lạc (membre correspondant) như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng; hội viên cộng tác (membre associé) như Thái Văn Kiểm. Cựu Hoàng Bảo Đại cũng là hội viên chính thức tự do (membre titulaire libre), có nghĩa là hội viên thực thụ không thuộc ban (section) nào cả nhưng có quyền bỏ phiếu hay tranh cử bất cứ chức vụ nào của Hàn lâm viện.

Nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Lê Mộng Nguyên “Trăng mờ bên suối” được viết năm 1949 khi ông mới 19 tuổi. “Trăng mờ bên suối” nói lên nỗi lòng của tác giả khi nhớ người yêu, nhớ sông Hương núi Ngự trước khi lên đường sang Pháp du học. Trong một bức thư trả lời một người bạn, Lê Mộng Nguyên viết: "Bài "Trăng mờ bên suối" viết ngày 13/11/1949 (tôi còn giữ bản thảo), một buổi chiều không mưa ở nhà một mình tôi ở Huế (đường Gia Long), với cây lục huyền cầm Y Pha nho, vừa nhạc vừa lời song song với nhau, rất mau lẹ (từ 20 đến 30 phút là xong), trong một cuốn vở có phân ly (papier millimétré) đầy ký chú những bài học lý hóa ở trường Khải Định":

Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối/ Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu/ Một đêm thiết tha rồi đây xa cách/ Đường chia hai ngả biết tới phương nào…

Tuy được viết vào cuối năm 1949, nhưng “Trăng mờ bên suối” được xem như một ca khúc tiền chiến và đã trở thành bất hủ của tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ, ca sĩ Thu Hồ là người hát “Trăng mờ bên suối” đầu tiên trên đài phát thanh Pháp Á năm 1949. Sau này ca khúc cũng được các ca sĩ Lệ Thu, Bảo Yến thể hiện rất thành công. Lê Mộng Nguyên cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sáng tác về Huế, miền Trung, ca tụng nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ngoài những nhạc phẩm có tính cách tranh đấu như “Vó ngựa giang hồ” (1948), hay “Mùa lúa mới” và “Trường ca Quân tiến”. Từ thời thiếu niên Lê Mộng Nguyên đã sáng tác nhiều ca khúc lãng mạn để tiếp nối cảm hứng của các tác giả đàn anh mà ông yêu chuộng. Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm chính luận khác và tập thơ “Đời không có em” (1980)…

Sự ra đi của ông cho ta nhìn lại và tri ân một thế hệ nhạc sĩ tài hoa đã đóng góp phần mình cho nền tân nhạc Việt Nam.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An