Tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi” có một “lằn ranh” rõ ràng giữa “phe”
người tù vượt ngục Sáu Sơn, bà má, những thành viên còn lại trong gia đình Bích
La và “phe” bọn sâu dân mọt nước.
Mở những mật mã cuộc đời…
TÔ HOÀNG
Xóm sở Mỹ đầy huyền tích trong cuộc chiến 1954-1975 của
nhà văn Thu Trân (tiểu thuyết “Người
đi tìm bóng núi” -
NXB Đà Nẵng, 2023) nằm cạnh con suối Săn Máu và trại giam Hiệp Lưc- trại nhốt
tù chính trị VC (Việt cộng). Xóm làng miền Nam được mang tên “xóm sở Mỹ” bởi nó
còn nằm cạnh sân bay Phượng Hoàng, một sân bay quân sự lớn với những cuộc đổ
quân rầm rộ, cả phía Mỹ và phía quân Việt Nam cộng hoà cho các mặt trận ở miền
Nam.
“Người
đi tìm bóng núi” là
những câu chuyện chiến tranh của một quần cư rất tiêu biểu “thời Mỹ” ở xóm sở Mỹ.
Cái xóm mà tất cả mọi người sống nhờ vào các dịch vụ chiến tranh của lính Mỹ
(làm văn phòng cho Mỹ, vận chuyển, giặt giũ, nhặt rác…), là nơi “cát cứ” của
các “me Mỹ” (những phụ nữ Việt Nam làm việc trong các sở Mỹ), là nơi rầm rập
ngày đêm tiếng đế giày đinh của lực lượng quân cảnh đi lùng sục tù VC trốn trại.
Nhiều mảnh đời vá víu sống qua bom đạn từ các nơi đổ về xóm sở Mỹ tạm cư cũng
làm nên một “diện mạo” chiến tranh khá tiêu biểu... Có trăm ngàn cái chết, có
trăm ngàn kiểu chết của người dân xóm sở Mỹ vì chiến tranh, luôn cả vì miếng
cơm manh áo trong thời chiến. Điều này cho thấy “hậu phương” miền Nam cũng thật
sự đau thương, thật sự ác liệt bên cạnh những “tuyến đầu” đi dần về phương Bắc
trong cuộc chiến 1954-1975.
Đường dây cốt kịch của “Người đi tìm bóng núi” bắt đầu vào thời kỳ quân Mỹ sắp rút
hết về nước, lính Việt Nam cộng hoà bị đẩy ra làm đối tượng tác chiến chính,
chiến tranh chuyển qua giai đoạn cuối để chuẩn bị kết thúc. Nhiều mâu thuẫn chiến
tranh bắt đầu lộ diện từ đây qua cuộc sống hết sức đời thường của người lao động
miền Nam. Lính Việt Nam cộng hoà tử trận và bị thương ngày càng nhiều là bức
tranh ảm đạm nhất. Thậm chí có cả những cái chết do tự treo cổ, tự bắn vào đầu
với một người lính tàn phế nặng nề, một sĩ quan biết chắc anh ta là người thua
cuộc. Và những đứa con lai Mỹ bơ vơ chưa biết đi đâu về đâu khi những người cha
da trắng mắt xanh của chúng đã lần lượt rút hết về nước sau Hiệp định Paris
1973. Đáng lo hơn còn có một lực lượng thất nghiệp khổng lồ từ những dịch vụ
liên quan đến lính Mỹ. Người ta còn đang lo, mai này người dân xóm sở Mỹ sẽ sống
nhờ vào công việc gì khi chiến tranh kết thúc…
Trong tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi”, nếu nhân vật Bích La - Bích Chương hoàn
toàn choán chiếm tiền cảnh, trung cảnh để dẫn dắt câu chuyện; thì những nhân vật
đứng phía trong hậu cảnh như bà má, người tù VC vượt ngục Sáu Sơn, nhóc Rô, anh
Hai, anh Ba, chị Tư, Phó Phèn, ông Trập… là những người sắm vai chủ trò. Mỗi
“chủ trò” cho ta thấy một góc khuất của xã hội đương thời. Bộ đội Trập là nhân
vật xuất hiện muộn màng sau tháng 4/1975 nhưng đặc biệt thú vị với hình ảnh anh
bộ đội miền Bắc sống chết vì lý tưởng trong veo nhưng thất thời lỡ vận.
Vai trò “chủ trò” của bà má và người tù vượt ngục Sáu
Sơn là đậm nét nhất. Sáu Sơn đại diện cho tầng lớp lãnh đạo trí thức VC với cuộc
sống nội tâm đầy phân thân. Ngay cả khi là người chiến thắng trở về phố đông,
ông vẫn lạc loài trước những biến chuyển của tình đời tình người so với “cái lý
tưởng cộng sản nguyên thuỷ” của riêng ông, ngày ông hăng hái xếp bút nghiên lên
đường tranh đấu và “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Sáu Sơn đúng là một
chiến binh cộng sản lạc loài trước bao biến thiên của một xã hội không còn chiến
tranh là chủ đạo. Bà má lại càng đặc biệt hơn. Bà như một sự kết nối giữa chiến
tranh - hoà bình, giữa bên này - bên kia, vai trò rất lớn để “làm nên lịch sử”
trong một gia đình “vừa ta vừa địch”.
Con người của nhân vật bà má vượt qua nút thời gian,
không gian để ấn định một giá trị làm người, giá trị nhân văn. Sẽ là thiếu sót
nếu không kể đến nhân vật người cha sĩ quan Việt Nam cộng hoà nhưng chống chiến
tranh dữ dội, hẳn nhiên là ông không đứng về phe nào trong cuộc chiến. Mấy lần
thủ súng trong túi quần đứng trên miệng hầm với ý định sẽ bắn chết người tù vượt
ngục Sáu Sơn để người tù này không gây liên luỵ đến vợ con ông, nhưng cuối cùng
lại không. Người cha chọn giải pháp tiếp tục ra chiến trường, hẳn nhiên ông
không phải loại người dấn thân “chẳng tiếc đời xanh” gân guốc và có phần thể hiện
như Sáu Sơn, mà chỉ đơn giản là ông không thể làm điều ác. Và con người ông
luôn luôn thế cho đến cuối đời, một con người luôn tự giam cầm mình trong bao
nhiêu bức bối mà không cãi được định mệnh. Ngay cả khi xác định từ Mỹ trở về để
chết trên quê hương, một lần nữa ông lại “trắng tay” khi người bên kia chiến
tuyến - người tù VC vượt ngục năm nào đã trở thành chồng của vợ mình!
Những đấy là nói về cuộc chiến tranh bom rơi đạn lạc,
cuộc chiến tranh bên ta bên địch; là mới kể tới nửa đầu của cuốn tiểu thuyết.
Sau tháng 4/1975 còn diễn ra một cuộc chiến khác, cuộc chiến của lòng người. Một
cuộc chiến không cần tới súng đạn, không chia chiến tuyến; mà dai dẳng, mà giằng
co, mà không khoan nhượng. Đó là sự khác nhau tiêu biểu từ trình độ, nhận thức
và cách nghĩ cách làm trong việc xây dựng một miền Nam chủ nghĩa xã hội sau chiến
tranh. Những sai lầm, lỏng lẻo về chủ trương chính sách dễ dẫn đến lòng người
ly tán. Những cuộc đại phá rừng làm “kinh tế mới” trắng tay. Những dòng người
vượt biên không dứt từ các bờ biển Vũng Tàu, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc… Những
cuộc đấu tranh nội bộ chống sự dốt nát, thói lộng quyền, lòng tham vô đáy… Mà
cô bé Bích La 7-8 tuổi trong những sự kiện chiến tranh ngày xưa đã thoát xác
thành thiếu nữ Bích Chương, bà Bích Chương… để tiếp tục là người chứng kiến, dự
phần.
Tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi” có một “lằn ranh” rõ ràng giữa “phe”
người tù vượt ngục Sáu Sơn, bà má, những thành viên còn lại trong gia đình Bích
La và “phe” bọn sâu dân mọt nước. Vũ khí tối thượng của những con người lao động
thiện căn này bắt nguồn từ đạo lý, lương tâm; bằng sự thẳng thắn cương trực của
những Hớn Minh, Tử Trực; từ lòng xót xa bao dung, sự cương thường khi phải dựa
vào nhau mà sống của người “dân ấp dân lân”. Ngòi bút nhà văn đã không phải bỏ
công, mất sức minh chứng, giảng giải điều này. Phẩm giá của các nhân vật đã nói
lên tất cả.
Những phẩm giá này hệt như hơi thở, như ngọn gió lành,
như muối phải mặn, như gừng phải cay… tạo nên trong họ kháng thể để chống lại cái
ác độc, làm minh xác mọi rắc rối. Thuở chiến tranh, khi ông chồng sĩ quan Việt
Nam cộng hoà biết bà vợ nuôi giấu người tù V.C Sáu Sơn, ông lục vấn bà, bà trả
lời tỉnh queo: “Chứ tui biết làm sao bây giờ, người ta nói lạ nước lạ cái,
không biết đường sá ra sao, lại chưa bắt được liên lạc gì đó…” (P.14). Ấy vậy
nhưng khi biết tin người con trai lớn thi rớt tú tài, bị bắt đăng lính, bà thảng
thốt can ngăn: “Không được, không được, thời buổi này ra trận là chết. Trốn đi
con, trốn ở nhà như thằng Thiệt thằng Trung trốn quân dịch đó” (P.15). Con trai
lớn bị bắt lính chết ở mặt trận Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, con trai nhỏ
“nhóc Rô” ngã xuống ở chiến trường Campuchia sau đó mười năm. Những người con
trai “hân hoan làm lính”, hân hoan nhận lấy cái chết nhẹ tựa lông hồng chỉ vì họ
hiểu nghĩa vụ “người trai thời loạn”. Chị Tư của Bích La chấp nhận cuộc hôn
nhân, rồi sau đó bình thản ly hôn - ly hôn một ông quan cách mạng, cũng đơn giản
vì trực giác như bản năng nhận ra Phó Phèn (ông chồng) ít học mà hãnh tiến, mà
chức tước cứ “lên như diều gặp gió”.
Rất kỳ lạ mà cũng như là sự gặp nhau bởi cách nhìn nhận,
cách cảm thụ và bình giá cuộc đời. Đó là điều yêu ghét giữa bà má và đàn con của
bà với ông VC “cộm cán” Sáu Sơn. Mà cũng phải thôi! Có lẽ bởi có nhiều điều tương
đồng giữa hai bên nên bà má và những người con của bà có thiện cảm với Sáu Sơn.
Bởi con người Sáu Sơn chỉ có thể là thế: “Tôi xin các anh các chị đừng chính trị
hóa tình yêu của tôi… Hòa vào một biển đi! Không cần đợi các anh các chị đi thẩm
tra lý lịch của gia đình cô ấy, người ta cũng đã hòa hợp từ lâu rồi” (P.69). Ở miền Nam, sau tháng 4/1975 diễn
ra cuộc cải tạo tư sản quyết liệt của chính quyền cách mạng, là người đứng mũi
chịu sào trong cuộc cải tạo này, cán bộ cao cấp Sáu Sơn vẫn tỉnh táo nhận ra
“dân không giàu thì lấy gì nước mạnh” (P.70); vẫn can đảm lên tiếng phản đối việc
trưng thu, tịch thu tài sản của người giàu: “Mình lấy đi nồi cơm của người ta rồi,
thì cũng phải trả lại chén cơm cho người ta sống chứ” (P.70)… Có lẽ vì biết sống
ân tình như vậy, Sáu Sơn mới được “cái bè” của gia đình bà má chấp nhận.
Cuối bài xin được viết ít dòng về nhân vật cô bé Bích
La, người đàn bà Bích Chương. Bích La đẹp, có cá tính, sắc sảo, bặt thiệp từ
thuở còn là học trò. Bích La được ấp ủ, yêu thương và thẩm thấu từ trong huyết
mạch tính khảng khái, nhân hậu, thương người của cha mẹ. Cô thiếu nữ Bích
Chương chìa vai san sớt gánh nặng gia đình: cô không được vào đại học vì “lý lịch
tề ngụy”, rồi trải qua những ngày gian lao trên khu kinh tế mới, rồi lênh đênh
trên biển trong chuyến vượt biên không thành. Khi có điều kiện trở thành nhà
báo, cô phóng viên trẻ đứng hẳn về phía lẽ phải, sự công bằng. Nhan sắc ấy, tài
và đức ấy, theo suy đoán thường tinh, lẽ ra Bích Chương phải được hưởng trọn vẹn
hoa thơm mật ngọt của cuộc đời. Nhưng đời không như là mơ. Yêu Diều, một chàng
trai con nhà giàu thì va phải sự hợm hĩnh, cậy tiền, lắm của. Trao thân cho
Thiên, một cán bộ quân đội trẻ của đạo quân chiến thắng thì chàng sĩ quan này đặt
công danh, sự nghiệp cao hơn tình yêu, hạnh phúc.
Mãi tận đến tuổi 40, Bích Chương mới thật sự gặp được
tình yêu với Quốc. Bởi cả hai đều ưa phóng khoáng, tự do. Cả hai còn thường gặp
những giấc mơ dữ dằn của những gì đã trải qua ở bên này hay ở nửa vòng trái đất
bên kia: “Tôi với Quốc như hai khách lữ hành đứng giữa dòng đời xuôi ngược”
(P.110). Nhưng mối tình đẹp như mong đợi ấy lại kết thúc chóng vánh. Cái kết buồn
này đã giúp nâng tầm của Người đi tìm bóng núi, giúp tác phẩm đạt tới cái
đích cần đến của những biến cố dữ dằn, bi tráng trong cuộc sống; về những con
người nhân hậu, trung thực, luôn luôn đứng về phía lẽ phải nhưng không phải lúc
nào cũng gặp may…
Tôi là bộ đội miền Bắc, là người viết và sống ở miền Bắc
trước tháng 4/1975. Nghĩa là “người ở bên kia chiến tuyến” của xóm sở Mỹ của Bích
La. Trong cái sự biết của mình, tôi mong biết tỏ tường một gia đình, một xóm
làng ở miền Nam trong thời chiến trước tháng 4/1975. Tôi muốn biết họ đã sống,
đối diện và xoay sở với cuộc chiến ra sao. Đọc “Người đi tìm bóng núi” của nhà văn Thu Trân, tôi đã thấy được
điều này. Từ sâu thẳm lòng, tôi thấy được sự hoà hợp, sự sẻ chia của người dân
miền Nam trong cuộc chiến quá ư là khốc liệt - mà đôi khi tưởng như là bất tận
này…