Bộ phim "Memento Mori: Đất" quả là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, có “đẳng cấp” hơn hẳn rất nhiều phim mang danh là tác phẩm điện ảnh đang “xếp kho” hoặc đang “cháy rạp”.
“MEMENTO
MORI: ĐẤT” SAU Ý KIẾN CỦA VÀI KHÁN GIẢ VÀNG
MAI
AN – NGUYỄN ANH TUẤN
Trong
một lần xem phim do Hội Điện ảnh VN trình chiếu để xem xét giải Cánh Diều, tôi có
nói vui với đồng nghiệp: “Hội ta đã có công tìm phim để trao giải “Cánh diều
vàng, Cánh diều bạc” có lẽ cũng nên bỏ công tìm cả những “Khán giả vàng, Khán
giả bạc” - chính họ sẽ là một loại Giám khảo đáng tin cậy, hay ít ra cũng là một
cơ sở quan trọng cho Giám khảo chính thức thẩm định, đánh giá tác phẩm điện ảnh.
Sau
khi xem bộ phim "Memento Mori: Đất", tác phẩm tham dự giải thưởng
Cánh Diều 2023 của Hội Điện ảnh VN sắp diễn ra tại Nha Trang, có một vài “Khán
giả vàng, Khán giả bạc” như thế. Họ đều là khán giả ngoài nghề song sự cảm thụ
làm người trong nghề phải tâm phục khẩu phục, khi nói về bộ phim này. Ấn tượng
chung là phim làm rất chỉn chu, cẩn thận, có nhiều tìm tòi về ngôn ngữ điện ảnh.
Song, với một đề tài có khả năng lấy nước mắt khán giả, kể về một người mẹ trẻ
bị ung thư giai đoạn cuối hiến giác mạc cho người sống, nhưng phim không làm mấy
“Khán giả vàng, Khán giả bạc” này thấy xúc động.
Trước
những cảm nhận chân thực trong niềm tin cậy như thế, tôi chỉ có thể đáp trả lại
bằng sự chân thực trong cảm nhận và đánh giá ban đầu.
Thực
đáng quý với nhận xét của các quý khán giả trên về những tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh
trong bộ phim "Memento Mori: Đất", giữa cái thời mà điện ảnh đã bị
“truyền hình hóa”, “sân khấu hóa”, “phát thanh hóa” rất nặng nề. Truyền hình, sân
khấu và phát thanh đều là những thể loại có chỗ đứng riêng biệt, cần thiết,
song nếu để chúng lấn át điện ảnh như hiện nay thì lại là dấu hiệu cáo chung của
nền nghệ thuật thứ bảy dân tộc, để nó ngày một trượt xa bản đồ điện ảnh thế giới!
Bộ
phim "Memento Mori: Đất" quả là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, có
“đẳng cấp” hơn hẳn rất nhiều phim mang danh là tác phẩm điện ảnh đang “xếp kho”
hoặc đang “cháy rạp”.
Nhưng,
vì sao tác phẩm mang yếu tố điện ảnh khá đậm đặc và khá chuyên nghiệp như “Memento
Mori: Đất” lại không lay động được trái tim người xem, theo đại diện là các “Khán
giả vàng” và “Khán giả bạc”?
Tôi
bỗng nghĩ tới các danh họa P. Picasso, S. Dali, V. Vangogh... Nhiều kiệt tác của
họ đều là những bức tranh tưởng đâu chỉ là sự xé toạc thực tại, làm méo mó sự vật
nhằm cực tả nội tâm gào thét và sự lắng sâu hồn mình vào tận đáy cái điều muốn
gửi gắm cho cuộc đời. Thế nhưng, trước khi tạo ra sự phá phách, hỗn độn các sự
vật và sinh thể theo những cách vượt khỏi hiện thực như thế, họ đều là những họa
sĩ vững vàng về tạo hình, thông thạo anatomi - giải phẫu cơ thể người và sự hiểu
biết sâu sắc về tâm lý con người và quy luật xã hội.
Xem
"Memento Mori: Đất", tôi lại liên tưởng tới nhiều họa sĩ trẻ hiện nay
chạy theo lối "hậu hiện đại", phá cách rùm beng, nhắm mắt “sáng tạo”
trong khi chưa nắm vững quy luật tạo hình cơ bản. Còn các nhà làm phim “Memento
Mori: Đất” dù đáng quý ở chỗ rất tôn trọng ngôn ngữ điện ảnh song lại chưa
thông thạo quy luật của nghệ thuật điện ảnh, trong đó có quy luật tiếp nhận và cảm
thụ của khán giả. (Cụ thể là những mối liên hệ bên trong giữa tác phẩm sẽ thực
hiện với tâm lý công chúng đông đảo, như các nhà biên kịch điện ảnh hàng đầu của
Mỹ từng đề cập, theo cái thang 7 bậc về những nhu cầu của con người do nhà tâm
lý học nổi tiếng Abraham Maslowe nghĩ ra, đồng thời giải thích và làm sáng tỏ:
cái gì đã điều khiển chúng ta, chúng ta thực sự muốn điều gì, và đâu là sự nguy
hiểm nếu ta không đạt được nó...).
Vì vậy,
các chi tiết, tình tiết bộ phim “Memento Mori: Đất” nếu cắt rời ra thì có màu sắc
đặc thù của điện ảnh, có tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh, song tổng thể lại rời rạc,
vụn vặt, không được liên kết với nhau trong một kết cấu có tính nghệ thuật. Những
khuôn hình cực đẹp, ánh sáng, góc máy quay đầy sáng tạo, diễn viên nhập vai khá
tinh tế, song những vẻ đẹp thuần túy điện ảnh đó không đủ cho người làm phim tạo
ra các số phận có sức thuyết phục, và hấp dẫn đối với đông đảo người xem phim!
Dù rất
ủng hộ kiểu phim phá bỏ cốt truyện để thu hút người xem bằng cảm xúc, nhưng tôi
ngẫm nghĩ mãi để rồi vỡ lẽ ra điều này: nhiều đạo diễn phim hiện nay, trong đó
có đạo diễn bộ phim “Memento Mori: Đất” đã rơi vào một thái cực bên kia của những
phim thương mại thuần túy, tức là chỉ chạy theo những mảng miếng nghệ thuật (đôi
khi chỉ mang tính kỹ thuật) và làm phim chủ yếu là cho các nhà phê bình xem chứ
không phải trước hết là hướng tới đông đảo khán giả!
Câu
thành ngữ Latin lấy làm tên phim: “Memento Mori” (Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết)
như báo trước rằng: Nếu tác phẩm nghệ thuật không đi được vào lòng khán giả,
thì tất yếu sẽ phải chết…