Chưa được thành người giải quyết nhưng nêu vấn đề đã là điều quan trọng. Ở thời đại chúng ta, nêu được vấn đề thì chắc chắn sẽ có người tìm ra giải pháp. Đó là thành công của hướng thơ Lâm Thị Mỹ Dạ...


THÔNG ĐIỆP GỬI TƯƠNG LAI

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Năm 1973 kết thúc cuộc thi thơ trên tuần báo Văn nghệ, ban giám khảo đã tặng đồng giải nhất cho bốn tác giả đều đang tuổi thanh niên. Ba nam đều là bộ đội, đang ở chiến trường B (Miền Nam): Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm và một nữ, Lâm Thị Mỹ Dạ. thì cũng ở tuyến lửa ác liệt nhất Miền Bắc, Quảng Bình. Cả bốn bạn ấy, sau này đều vượt lên, trở thành những gương mặt tiêu biểu của lứa nhà thơ thời đấu tranh thống nhất đất nước.

Riêng với chị Mỹ Dạ, bài thơ khá nhất trong chùm được giải, Khoảng trời hố bom, như một khởi đầu thuận lợi ít ai có: được bạn đọc hồ hởi đón nhận, nhanh chóng vào sách giáo khoa (lớp năm). Lâm Thị Mỹ Dạ được các nhà thơ tài năng từ trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, hiện đang cầm trịch thi đàn, quan tâm, bồi dưỡng.

Đặc biệt những cây bút cùng thế hệ chị, sau này gọi gọn là lứa nhà thơ chống Mỹ, thì ân cần với Dạ như chăm sóc một cô em út từ bom đạn trở về. Mỗi lần Mỹ Dạ ra Hà Nội thì các bà chị lo chỗ ăn chỗ ngủ, các ông anh dẫn thăm thành phố, ăn kem bờ hồ. Mỹ Dạ thì ngơ ngác chim chích lạc rừng. Tính hiền và thơ cũng hiền.

Khi ấy rất ít người biết Mỹ Dạ học xong trung học, không được học đại học. Cha đi Nam, ông nội địa chủ, mẹ bị nghi ngờ. Cái lý lịch ấy làm nên thân phận chị. Chị đi bán hàng với mẹ, đi cấy thuê, rồi chắc do có thơ đăng báo, nên được vào làm ở Hội văn nghệ tỉnh, nơi có ông thủ trưởng là một nhà thơ đàn anh có lòng thương tài. Mỹ Dạ được nghề nghiệp cưu mang nhiều và chị xứng đáng với niềm cưu mang thương mến ấy.  Chỉ sau ngày đất nước thống nhất, cha chị được nhà nước tặng bằng khen về thành tích hoạt động bí mật trong lòng địch, chị mới thật sự được thanh thản làm văn chương.

Bài thơ Khoảng trời hố bom, có thể coi là bài mở nghiệp cho Mỹ Dạ, nhập tịch chị vào giới văn chương cả nước. Tình cảm chân thành, cách nhìn đời trong sáng và đặc biệt đã sớm bộc lộ một năng lực cấu tứ sáng tạo, sau này chính nó thành “đặc điểm nhận dạng” thơ Mỹ Dạ…

Đề tài đánh giặc thành mảng thơ chủ lực trong chặng đầu sáng tác của nhà thơ trẻ Quảng Bình này. Chị đánh giặc với một trái tim phụ nữ. Thời sự chiến tranh đi qua trái tim chị mà in lên trang giấy, thành thơ. Nhiều nét đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên và tâm hồn con người đã hiện diện trong thơ chiến tranh của Mỹ Dạ. Viết chiến tranh bằng nỗi nhớ hòa bình. Ngay trong chặng thơ đầu đời, cách vào thơ như thế đã cho thấy rõ khuynh hướng nội tâm của thơ Mỹ Dạ. Lấy dấu vết của chiến tranh, của ngoại giới in trên trái tim mình làm nơi tìm thơ. Việc ngoài đời thành việc của lòng mình. Học cách Nguyễn Du viết Kiều, đọc Kiều mà ta thấy nỗi lòng Nguyễn Du. Dùng được thi pháp ấy phải có một năng khiếu “nhập thân”, cái thứ như trời cho. Không phải chỉ học mà thành…

Khuynh hướng ghi nhận hiện thực của đời bằng tâm trạng mình đã chuyển dần, tiệm tiến nhưng khá nhanh, cách tìm thơ của Mỹ Dạ từ ngoại giới vào chính nội tâm mình. Tôi xin được lần theo hai tập thơ Đề tặng một giấc mơ (1998) và tập Thơ tình (2008) để lần ra những trải nghiệm và đổi thay trong thơ chị, trong đời chị. Tôi đã gặp một Mỹ Dạ khác, giọng thơ trong trẻo đơn tuyển nay trầm xuống trong niềm khắc khoải đa thanh. Cách nhìn lạc quan có phần đơn giản thường thấy trong thơ cố võ động viên thời chiến nay là những phát hiện, những tự vấn từ chính lòng mình. Những góc ẩn khuất của tâm hồn trong cõi riêng tư duyên phận hay cuộc đời của kiếp người dâu bể từ bà cựu hoàng hậu đến người dân thường phiêu bạt… Vô tình mà tất yếu. Tôi chẳng còn tôi xưa/ Thơ đã già hơn tuổi... Bi kịch của đời mình thành hài kịch của thiên hạ... Có khi nó như lưới vây ta trùng điệp Bây giờ chỉ một mình ta/ Một mình ta với bao la một mình... Có khi nó đã thành khí quyển của đời ta. Không có nó, có khi không sống được…

Bốn câu cuối của bài thơ về người đàn bà mặc áo choàng đen như mặc màu khâm liệm đang đi trong gió xuân. Không biết có phải vì gió xuân không mà ngẩng đầu tự hỏi;

Mình tự chôn mình

ngu ngốc làm sao

Hãy ngước nhìn trời cao và sẽ thấy

Xuân còn đầy run rẩy, nôn nao

Tập thơ tình cho thấy nhiều đỉnh cao và vực sâu, nhiều gió nồm và gió bấc trong duyên và phận nơi cô Dạ thuở nào và bà Lâm gần đây. Lúc hương gây mùi nhớ, lúc tạ từ không dứt được… Một cuộc tự khám phá lòng mình, đời mình, tình thế của mình. Thơ như tự thú. Tôi thú nhận rằng tôi đã sống. Đấy là một đề sách của nhà thơ cách mạng, người Chi lê, Pablo Néruda. Đọc thơ tình Mỹ Dạ, tôi như gặp chủ đề ấy trong mỗi bài. Phải chăng yêu đã là một thú nhận rồi.

Chưa được thành người giải quyết nhưng nêu vấn đề đã là điều quan trọng. Ở thời đại chúng ta, nêu được vấn đề thì chắc chắn sẽ có người tìm ra giải pháp. Đó là thành công của hướng thơ Mỹ Dạ: thông điệp gửi tương lai…