Có lẽ không có một chút ảo tưởng, không có một tí hoang tưởng thì nhà văn không sáng tác được? Ở góc nhìn lạc quan, hoang tưởng cũng là động lực sáng tác? Cho nên mới có hiện tường “tiền nhân mượn bút”.


HOANG TƯỞNG NHÀ VĂN… THẬT ĐÁNG YÊU!

SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

Bất cứ người bình thường nào cũng có thể bị hoang tưởng ít hay nhiều. Ít hoang tưởng, thoáng qua thì coi như là người bình thường; nhiều hơn nặng hơn là thành bệnh có thể phải điều trị. Trong số các nghề mắc thói hoang tưởng, người làm văn học - nghệ thuật không đứng đầu thì cũng chẳng chịu đứng cuối.

Hoang tưởng là một dạng “bệnh lý thần kinh thường có xu hướng lầm tưởng, thổi phồng, bóp méo các sự việc không có thật và bị ám ảnh quá mức về nó”, hay nói cách khác là luôn “tưởng tượng ra những điều hoàn toàn vô căn cứ, không thể có trong thực tế”. Trong y học, người ta chia hoang tưởng ra nhiều loại: Hoang tưởng bị hại. Hoang tưởng ghen tuông. Hoang tưởng lo lắng. Hoang tưởng tự cao (còn gọi là hội chứng vĩ cuồng). Hoang tưởng kỳ quái. Hoang tưởng bị điều khiển. Hoang tưởng người khác yêu mình… Theo quan sát cá nhân tôi, mỗi nhà văn cũng đôi khi cũng mắc chứng hoang tưởng, chưa đến mức bệnh lý phải đi viện điều trị, nhưng thấy rất sinh động và thú vị. Bởi hoang tưởng nhà văn là hội chứng hoang tưởng… đáng yêu, cùng lắm là đáng thương, chứ không đến mức phải ghét, phải tức giận.

Hoang tưởng hay ảo tưởng nhà văn cũng giống như hoang tưởng vĩ nhân có nhiều biểu hiện rất sinh động, có khi thấy mà đau thắt lòng, có lúc nghe mà cười bể bụng. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là chứng hoang tưởng tự cao tự đại, có người nói quá lên là “hội chứng vĩ cuồng”. Nhà văn khi hiểu biết còn hạn hẹp, lẩn quẩn trong “ao tù nước đọng”, thì mặc cảm, tự ti, nhưng khi càng viết ngón nghề càng thâm hậu, càng hiểu sâu biết rộng như con cá lớn ra đại dương vẫy vùng, thì xảy ra một trong hai khả năng: Một là, càng học, càng biết, càng viết, càng thấy mình nhỏ bé, thậm chí nhỏ bé đến vô nghĩa trước văn đàn mênh mông rợn ngợp, rồi thấy mình cần phải khiêm tốn và điềm tĩnh mà lặng lẽ đọc, lặng lẽ viết. Hai là, chẳng biết sợ là gì, càng được trang bị kiến văn, tri thức, kỹ năng sáng tác, càng thấy mình khổng lồ, vĩ đại chẳng kém ai, thậm chí thấy chả ai bằng mình. Thế nên mới có giai thoại biến thành vè hài về chuyện đi học trường viết văn Nguyễn Du cất lên trong lúc vui vẻ trà dư tửu hậu: “Chưa học chưa biết Nguyễn Du/ Học xong mới thấy Du chưa là gì”.

Nhà văn ai cũng có những bước đi sáng tác lẫm chẫm ban đầu, trừ một số ít sinh ra để làm thiên tài văn chương. Cái tâm lý khi sáng tác còn thô sơ, chưa biết “văn chương khánh kiệt”, chưa bị đời vả vào mặt, chưa được gặp, chưa được học nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nhà sáng tác lớn thì “kính nhi viễn chi”; gặp rồi, học rồi thì “gần chùa gọi Bụt bằng anh”, thấy các ổng cũng thường thôi. Cũng là chuyện thường tình, bởi có những ông kễnh tiếng thì to vang động khắp chốn, nhưng đọc kỹ thì thấy cũng thường thôi.

Vả lại, kiến văn dầy lên, đọc nhiều biết văn chương các tiên sinh Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Aleksandr Pushkin, Victor Hugo, Albert Camus, Gabriel Marquez, Milan Kundera…, thì các ông kễnh văn học ở xứ sở Việt Nam cũng thường thôi, nếu không muốn nói là đã ổn định và cũ mèm. Chí lớn “đào núi lấp biển” hừng hực với những khát vọng bỏng cháy chinh phục đỉnh cao văn chương nhân loại, và đã đến lúc ý thức được cái riêng, cái thứ nhất muốn làm Hy Mã Lạp Sơn như Xuân Diệu. Cái điều này rất mong manh giữa ranh giới tự tin và hoang tưởng.

Nhà văn Hồ Anh Thái sau những cảm thông với sự nhọc nhằn của người phụ nữ viết văn, ông cũng chia sẻ với gánh nặng tâm lý của họ: “Muốn nói gì thì nói, khi người phụ nữ viết văn mà có chút danh tiếng, thì dưới sức ép của xã hội, sức ép của tâm lý, họ dễ sống không thực tế, hoang tưởng về tài năng, về trí tuệ, sắc đẹp của mình”. Không chỉ phụ nữ viết văn, mà đàn ông viết ăn cũng hoang tưởng về tài năng của mình. Khi in được vài cuốn sách có dư luận tốt, được vài cái giải thưởng văn chương, có chút tên tuổi trên văn đàn thì rất có thể coi trời bằng vung. Lúc nào cũng cảm thấy mình là đỉnh Phan Xi Păng cao vòi vọi vượt lên trên các núi đồi lô nhô như bát úp, là viết hay nhất, là nhà văn lớn nổi tiếng của dân tộc. Lúc nào cũng phải đứng đầu toàn quốc, còn nếu phải đứng thứ hai thì không có người thứ nhất. Cái này cũng gọi là hoang tưởng tự cao tự đại.

Hoang tưởng tự cao tự đại nhất phải nói đến nhà văn lúc nào cũng nghĩ đến mình chắc chắn sẽ đoạt Giải thưởng Nobel Văn học. Thực ra, ai viết văn thì cũng mong muốn, mong ước như thế. Hơn 80 năm trước Nam Cao đã cho nhân vật Hộ khao khát: “Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy phải ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”. Nhà Phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Hộ, cũng như các nhân vật nhà văn, nhà giáo, nói chung là hệ nhân vật trí thức, trong sáng tác của Nam Cao đều là hiện thân, là mang hình bóng tác giả. Suy nghĩ và ước nguyện văn chương của Hộ cũng chính là của tác giả”. Nam Cao mơ ước được giải thưởng Nobel, thì các nhà sáng tác khác mong muốn điều đó cũng chẳng có gì lạ. Cái lạ là cái cách người sau thể hiện khát vọng Nobel ấy.

Có người đi đâu cũng khoe tác phẩm của mình sắp được dịch ra tiếng Anh, một nhà xuất bản lớn ở Mỹ, một nhà xuất bản lớn ở Anh cùng in và phát hành khắp thế giới. Được thế thì mừng cho bạn văn quá! Mừng cho văn học Việt Nam quá. Nhưng chờ mãi, chờ mãi không thấy, bác ấy vẫn quả quyết không sớm thì muộn trường thiên tiểu thuyết của mình sẽ vang danh lừng lẫy. Lúc ấy, các nhà sản xuất ở kinh đô điện ảnh Holywood phải thương thuyết để làm phim, và chắc chắn sẽ lĩnh giải thưởng văn học Nobel.

Lại có bác nhà văn đem mấy quyển tiểu thuyết dày cộp đến tặng cho một lão trượng “quốc sư” và khoe: “Sách của cháu đang dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha để kịp xét giải thưởng Nobel trong những năm tới. Mắt mờ, chân chậm rồi, vị “quốc sư” ấy ái ngại nhìn mấy nghìn trang sách, nhưng cũng nhã nhặn: “Lúc ấy, có khi tôi đã mất. Xin chúc mừng anh trước”. Chưa dịch ra tiếng Anh đã nghĩ mình sẽ được giải thưởng Nobel, còn người đã dịch rồi thì cơn khát Nobel gấp trăm vạn lần. Cứ mỗi lần xét giải thưởng văn học Nobel là phập phồng ngóng, náo nức đợi trong xôn xao, hy vọng. Cứ đầu tháng 10 hàng năm, biết giải Nobel có chủ nhân là thở dài ngao ngán, buồn, cáu với cả bạn văn, để rồi lại chờ đến 365 ngày sau với canh cánh hy vọng đến Hội trường hòa nhạc Stockholm nhận giải.

Chưa hết! Có bác nhà văn nước ta còn coi giải thưởng Nobel chả là “cái đinh”, có trao giải cũng không nhận. Thì Jean-Paul Sartre đã từ chối giải Nobel văn học đó. Nhưng Sartre chối vì lý do “luôn từ chối mọi sự tôn vinh”, và “Sartre luôn sợ rằng những danh xưng, những sự tôn vinh sẽ làm hạn chế tư duy độc lập và khiến ông trở nên gò bó trong những sáng tác và nghiên cứu của mình”. Còn bác nhà văn nước ta “có trao giải cũng không nhận” vì viết là mang sứ mệnh mà Thượng đế giao cho, điều đó mới cao cả vinh quang hơn mọi thứ phù phiếm ngoài đời. Ngày xưa, Nguyễn Du ai oán: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, nhưng không chờ đến ba trăm sau, thiên hạ khóc Tố Như suốt hai trăm năm nay.

Còn có bác nhà văn đương thời chất đống tác phẩm như đống rạ mà các doanh nghiệp sách, các nhà xuất bản vẫn thờ ơ, và dĩ nhiên là bạn đọc hững hờ, nhưng tác giả vẫn khăng khăng “một điều giản dị” là người đời nay không thẩm được văn mình, phải chờ đến mấy chục đời sau may ra mới có người nhận ra cái vẻ đẹp của viên ngọc quý vùi trong cát. Phải để đến vài ba đời sau, thậm chí chục đời sau may ra có người tri âm. Khát vọng và hoang tưởng văn chương chỉ cách nhau một sợi chỉ vô hình. Chả ai nỡ giận, nỡ ghét. Chỉ thấy thương và đáng yêu biết bao nhiêu.

Có một dạng hoang tưởng nhà văn bị điều khiển, bị chi phối hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Có nghĩa là người sáng tác cho rằng có một lực lượng siêu nhiên nào đó như Thượng đế truyền bảo, hoặc là mượn bút tiền nhân như đại thi hào Dante Alighieri hay Nguyễn Du mà viết chứ chẳng phải mình người trần mắt thịt. Cho nên mới có vị từ nửa đêm đến 4 giờ sáng làm hơn 120 bài thơ (mỗi tiếng đồng hồ làm 30 bài thơ) và không nhận mình là tác giả, mà cho rằng là “tiền nhân mượn bút”. Làm thơ siêu nhanh như thế, nên người thì nói là “thơ thần linh mách bảo”, người lại khẳng định là “thơ Phật nhập”. Nhưng, nhiều bạn đọc đọc thơ ấy, bảo nhau: Tiền nhân làm thơ vịnh cảnh, du ký sao mà sa sút, tầm thường thế? Tiền nhân ư? Có thể tiền nhân chỉ là người đời trước liên quan đến tác giả, chứ không phải nhà thơ đã mất chăng?

Hoang tưởng bị hại cũng không bỏ qua một số nhà văn. Những người này thường là nhạy cảm quá mức, ảo giác quá nhiều, lúc nào cũng có cảm giác nguy hiểm đang bủa vây. Vì vậy, luôn nghi ngờ, luôn đặt dấu hỏi, luôn cảnh giác và không mấy tin ai. Tâm lý bị hại khiến nhà văn luôn phải gồng lên để tự bảo vệ, dù là các hành vi, lời nói của những người xung quanh rất bình thường cũng có thể bị coi là khiêu khích, tấn công, và đặc biệt nguy hiểm. Theo Hotchner - người bạn thân thiết của Hemingway thì những năm cuối đời văn hào bị sức ép bởi dư luận ỉ eo về thời hoàng kim sắp biến mất. Hemingway cạn kiệt năng lực sáng tạo, những “Ông già và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai” chỉ còn là dĩ vãng. Đồng thời, ông luôn ám ảnh lo sợ bị FBI săn đuổi. Không ít lần ông vác súng ra bắn chỉ vì tưởng tưởng FBI mò đến bắt mình hiện ra như thật. Thế rồi, người ta lý giải nguyên nhân dẫn đến cuộc tự sát của văn hào Hemingway từ sức ép nổi tiếng biến mất và hoang tưởng bị hại ấy.

Dạo tiểu thuyết Miền Hoang, in ra và phát hành khắp nơi, vài bài báo phê phán dữ dội. Có nhà thơ gọi tôi đi uống bia, ông thực sự lo lắng cho tôi và hỏi: “Liệu Minh có bị bắt không?”; Tôi cười khà khà bảo: “Em viết chiến tranh như nó đã xảy ra, bắt cái nỗi gì?”. Tuy vậy, ông vẫn lo lắng, cứ vài tuần lại điện thoại hỏi thăm: “Chú mày nghe ngóng có vấn đề gì không?”; “Chả có vấn đề gì sất, ngoài việc người này khen, người kia chê”. Có chuyện này là do căn bệnh hoang tưởng bị hại của nhà văn. Lúc đầu, tôi nghĩ mãi không ra, về sau mới phân tích theo logic thì ông nhà thơ đáng kính ấy đã từng phải đi tù một thời gian ngắn, dĩ nhiên là vì lý do “tai bay vạ gió” khác. Như con chim nhìn thấy cành cong cứ nghĩ cánh cung đang gương lên, nên lo sợ cho mình và lo sợ cho cả bạn văn.

Cũng có khi hoang tưởng nhà văn không dễ nhận biết. Họ không nói ra, mà chỉ hành động. Lặng lẽ, âm thầm viết. Không lập ngôn tuyên bố. Không khoe sáng tác được bao nhiêu trang, bao nhiêu tác phẩm, không khoe in được bao nhiêu quyển. Chỉ thấy bỏ cả việc kiếm tiền, bỏ cả chơi bời, giao tiếp. Đóng cửa ngồi nhà viết, viết như ma nhập, viết như lên đồng hết tháng này đến năm khác. Viết đến thân tàn ma dại, viết đến phát ho phát hen, viết đến mức túng thiếu quanh năm, phải xin tiền vợ, để in sách. Sách in ra chỉ để biếu, cho và tặng, mà bạn đọc vẫn chẳng ỏ ê. Kệ! Vẫn cứ viết, in vì nghĩ mình là nhà văn siêu nhiên nói chuyện được với cỏ cây thú vật, nghe tiếng gió tưởng là ai đó đang khóc than. Dứt khoát lao động nhà văn sẽ được đền bù. Bây giờ chỉ cần một “kì nhân” của lòng mình tri âm. Kì nhân ấy là bạn đọc tinh hoa, mà một bạn đọc tinh hoa cũng bằng ba vạn bạn đọc phổ thông.

Ảo tưởng và hoang tưởng trong một số hoàn cảnh rất giống nhau. Ảo tưởng thì luôn sống trong mộng mị. Mộng viết tác phẩm hay mọi thời đại. Mộng tác phẩm của mình là sách gối đầu giường của mọi thế hệ. Mộng được giải thưởng văn học thế giới. Ảo tưởng cũng khiến nhà văn muốn trở thành người cứu dỗi nhân loại, nghĩ văn chương thay đổi thân phận con người, văn chương cải tạo xã hội. Chả khác gì Donkihote đánh nhau với cối xay gió mà cứ nghĩ mình đáng nhau với gã khổng lồ; nhà văn viết văn hì hục trên cánh đồng chữ nghĩa, cứ tưởng mình là thống soái đang chỉ huy những binh đoàn con chữ. “Điều binh khiển tướng” biến ảo khôn lường như thế thì người đời phải vì nể lắm, kính phục lắm, tôn thờ lắm, mà chẳng bao giờ nghe sau lưng người ta đàm tiếu rằng: cái bà ấy là nhà thơ hâm hấp, cái ông kia là nhà văn dở hơi chẳng mang lại tích sự cho người đời. Kệ! Viển vông tí thì đã sao? Lưng không bén đất cật chẳng đến trời thì đã làm sao? Người làm nghệ thuật nó thế, chứ đâu phải người “mình trần mắt thịt”.

Nhưng, có lẽ không có một chút ảo tưởng, không có một tí hoang tưởng thì không sáng tác được? Ở góc nhìn lạc quan thì hoang tưởng cũng là động lực sáng tác, dù ít hay nhiều? Bởi văn chương, chữ nghĩa rẻ như bèo. Từ xưa đến nay, mấy người sống tốt bởi nghề “phu chữ” đâu? Nếu kiếm tiền thì làm việc khác, chứ viết văn đâu có sống nổi với nghề mà vẫn cứ hì hục viết, say mê viết? Ấy là mong muốn truyền bá tư tưởng, khát vọng lập danh, và hoang tưởng lưu danh. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bộc bạch: “Viết văn là một ảo tưởng và người ta sống bằng những ảo tưởng, tin vào những giá trị mà mình tôn vinh. Không thì sao viết được?”.

Vâng! Không thì sao sống được, viết được! Hoang tưởng nhà văn thật đáng thương và cũng thật đáng yêu!