‘Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM, Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc, Trường Đại học Văn Lang, Công ty sách Nhã Nam phối hợp tổ chức.
“Gặp gỡ văn chương Việt
– Hàn” thu hút sự chú ý của giới cầm bút và độc giả TP.HCM về những suy tư hội
nhập văn hóa quốc tế. “Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn” được xem như một dịp nhìn
lại quá trình hợp tác phát triển văn học giữa hai quốc gia trong hơn hai thập
niên đầu thế kỷ 21.
Hơn hai thập niên qua, văn hóa Hàn Quốc đã mở cuộc
chinh phục thế giới rất ngoạn mục. Sau phim Hàn Quốc và nhạc Hàn Quốc, công
chúng Việt Nam bắt đầu được tiếp cận nhiều hơn với văn học Hàn Quốc. Một số tác
giả Hàn Quốc đã dần quen thuộc với độc giả Việt Nam như Ko Un, Kim So Wo, Park Du Jin,
Kim Yong Ok, Hae Min, Sung Kyung Park...
Ở phía ngược lại, bằng nỗ lực vượt trội từ các dịch giả
Hàn Quốc yêu văn học Việt Nam, một số tác phẩm từ Việt Nam đã được xuất bản tại
Hàn Quốc như “Áo trắng” của Nguyễn Văn Bổng, “Nếu anh còn được sống” của Văn
Lê, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Chí Phèo” của Nam Cao, “Cánh đồng bất
tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “Chúa đất” của
Đỗ Bích Thúy...
“Gặp gỡ văn chương Việt
– Hàn” có ba diễn giả là nhà văn Pyun Hye Young đến từ Hàn Quốc, nhà thơ Lê Thiếu
Nhơn và nhà văn Tiểu Quyên. Mỗi diễn giả đưa ra một góc nhìn riêng về thực trạng
và giải pháp cho sự kết nối văn học Việt – Hàn.
Nhà văn Pyun Hye Young sinh
năm 1972, là một trong những nhà văn nữ
nổi bật của văn học Hàn Quốc đương đại. Chị
đã xuất bản hơn 10 tiểu thuyết và tập truyện ngắn, chủ yếu đi sâu khai thác những
góc tối kỳ dị ở con người, được xem là một trong những nữ nhà văn trinh thám,
kinh dị nổi bật tại Hàn Quốc. Nhà văn Pyun Hye Young
được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín tại Hàn Quốc
và được độc giả Việt Nam biết đến qua hai tác phẩm “Hố đen sâu thẳm” và “Tro
tàn sắc đỏ”.
Đánh giá thẳng thắn, sự kết nối hai chiều văn học Việt
– Hàn vẫn nằm ở mức khiêm tốn. Tác giả hai quốc gia chưa có nhiều cơ hội giao
lưu mang tính chuyên môn, nhằm thúc đẩy phát triển văn học mỗi nước. Thay vì tiếp
tục trông cậy vào các hoạt động nhỏ lẻ mang tính cá nhân, cần có một quỹ dịch
thuật văn học Việt – Hàn được tổ chức quy mô và bài bản.
Bên cạnh đó, việc
nghiên cứu văn học Hàn Quốc dù đã lác đác nhận được sự quan tâm của một số tác
giả như Vũ Ngọc Khánh, Lê Huy Tiêu, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Đình Cúc...
nhưng vẫn chưa thành một hệ thống để người đọc có cái nhìn bao quát và toàn cảnh.
Nhiều nhất trong các nghiên cứu vẫn là so sánh giữa “Truyện Xuân Hương” của Hàn
Quốc và “Truyện Kiều” của Việt Nam.
Nhà văn Pyun Hye Young chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, chúng tôi có hẳn một chiến lược quốc
gia để quảng bá văn học Hàn Quốc ra khỏi biên giới. Viện dịch thuật văn học Hàn
Quốc trực thuộc Bộ Văn hóa Hàn Quốc mỗi năm đều chi ngân sách cho việc chuyển
ngữ sách văn học. Đồng thời, các tác giả Hàn Quốc cũng nhận được sự tài trợ từ
các tổ chức kinh tế và các nguồn lực xã hội khác”.
Chính nhờ những nỗ lực
ấy, mà văn học Hàn Quốc được xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam khá nhộn
nhịp, chỉ đứng sau văn học Trung Quốc. Ngay cả thể loại văn học khó chuyển ngữ
nhất là thi ca, thì văn học Hàn Quốc cũng đã giới thiệu được nhà thơ tiêu biểu
của họ là Ko Un đến với giới mộ điệu nước ta. Ko Un có những câu thơ như “Một
nhà thơ sinh ra trong khe hở của tội ác/ Của
lừa dối, của sát nhân, của bạo lực và điên loạn”.
Đáng buồn là chưa có
một nhà thơ Việt nào được giới thiệu đầy đủ đến công chúng Hàn Quốc, dù nền thi
ca Việt có không ít tài danh như Chế Lan Viên, Thi Hoàng, Hữu Thỉnh, Ý Nhi...
Hiện nay, một ưu điểm dễ nhận thấy của các tác giả trẻ
ở cả hai quốc gia Việt – Hàn là trình độ ngoại ngữ. Tinh thần “công dân toàn cầu”
đang thu hẹp khoảng cách giữa các tác giả trưởng thành trong thời hội nhập. Vì
vậy, sức trẻ chính là đòn bẩy để tăng cường hợp tác văn học Việt- Hàn. Nếu mỗi
năm có 5-10 tác phẩm của tác giả trẻ hai quốc gia Việt – Hàn được chuyển ngữ và
được giới thiệu một cách trọng thị, thì tương lai văn học Việt – Hàn sẽ gần gũi
hơn trên con đường sáng tạo những giá trị nghệ thuật và nhân văn.
PHẠM TUẤN