Ngoài những thể tài quen thuộc viết về những câu chuyện
trong làng văn chương, như chân dung nhân vật, phóng sự, vấn đề xã hội quan tâm
thì Vương Tâm khá thành công ở thể loại ghi chép tuỳ bút.
Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm: NHỮNG THÚ “GIỜI CHO”
Một nhà báo đi làm báo và thành công với nghề báo là
chuyện bình
thường. Nhưng một nhà thơ, hay nhà văn, thậm chí là một nghệ sĩ làm báo thì nghề
báo của họ lấp lánh hơn và xét ở khía cạnh nào đó, phong cách, bút pháp của họ
cá tính, đặc biệt hơn. Nhà văn nhà thơ đi làm báo có thể không quá khó…. thậm
chí dễ thành đạt, nổi tiếng. Nhưng một nhà báo đi viết văn, làm thơ, theo đuổi
để trở thành một nghệ sĩ, đạt được danh vọng và sự nổi tiếng, theo thiển nghĩ của
tôi chắc chắn sẽ khó. không dễ dàng.
Phân tích như thế để thấy văn chương, thơ phú, nghệ sĩ
là năng khiếu thiên bẩm, là thứ “giời cho” cộng thêm sự trui rèn, học tập và phấn
đấu mới thành tài. Nhưng nếu có tất cả những tố chất khác trừ năng khiếu “giời
cho” thì một nhà báo đơn thuần nếu có ước mơ trở thành văn chương nghệ sĩ chắc
chắn sẽ khó hơn nhiều.
Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm là một trong trường hợp nêu
trên. Ông là một nhà báo giỏi. Các bài báo của Vương Tâm có một phong cách độc
lạ với bút pháp mềm mại phiêu lãng không giống ai. Ngoài những thể tài quen thuộc
viết về những câu chuyện trong làng văn chương, như chân dung nhân vật, phóng sự,
vấn đề xã hội quan tâm thì Vương Tâm khá thành công ở thể loại ghi chép tuỳ
bút. Văn Nghệ Công An có may mắn mời ông cộng tác và giữ chuyên mục “Đất và Người”
hằng tuần trên mỗi số báo tới hơn chục năm nay. Phải thừa nhận ông đi nhiều, và
có một tình yêu sâu đậm với quê hương đất nước. Nếu không bắt nguồn từ một niềm
đam mê đi điền dã, say mê tìm hiểu nghiên cứu những trầm tích văn hoá, lịch sử ở
những vùng đất ông từng bước chân qua, và dành một tình yêu thiết tha sâu sắc với
mỗi một nơi ông từng đến, thì ông không thể có những trang viết, những loạt bài
tùy bút, ghi chép về “Đất và Người” kỹ càng điển tích, dung lượng văn hoá cao,
cách viết phiêu linh đọc cuốn hút đến như vậy.
Không những biết cách khai thác đề tài, chọn vấn đề để
viết mà Vương Tâm luôn sử dụng thế mạnh của một nhà thơ, thuộc nhiều thơ và
trích dẫn thơ hợp cảnh hợp tình. Bởi thế mà bút pháp của Vương Tâm khi sử dụng
để viết báo là bút pháp của một nhà thơ, nên những trang báo của ông luôn luôn
quyến rũ, thấm đẫm văn chương, thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Mà không chỉ giỏi
làm báo, ông thạo đủ thứ từ sáng tác thơ, viết truyện ngắn, viết sách, và gặt
hái nhiều giải thưởng thơ văn báo chí toàn quốc. Còn có một sở thích thú vị
trong chân dung của nhà thơ, nhà báo Vương Tâm đó là những thú chơi độc lạ như
sưu tập gốm và dành cả đời để đi tìm rồi chăm bẵm, trân quý, giữ gìn và yêu
thương những gì thuộc về gốm Việt.
Nhân dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Văn Nghệ
Công an có cuộc trò chuyện với lão nhà thơ, nhà báo Vương Tâm nay cũng ngót
nghét ở tuổi “Bát thập cổ lai hi” nhưng nhiệt huyết, sức trẻ, ham muốn được lao
động được cống hiến cho đời vẫn ào ạt chảy trong huyết quản.
PV: Tôi thấy Vương Tâm là một nhà báo nhà thơ
lão luyện trên trường văn bút trận. Năng lượng nào để ở tuổi này ông vẫn đi nhiều
và viết nhiều như thế. Mà quan trọng nhất là cảm xúc vẫn đầy đặn thiết tha,
không hề bị mòn đi bởi dấu vết thời gian và những xù xì của muôn mặt đời sống?
Vương Tâm:
Đó là tình yêu cuộc sống. Tôi yêu sự vận động mới lạ và ham khám phá những điều
bí ẩn hoặc bị khuất lấp theo thời gian. Trên mỗi chặng đường đi tôi luôn háo hức
tìm ra những mảng đời trong dĩ vãng, những vỉa tầng văn hóa và lịch sử còn chưa
được khai phá. Đó là những nền tảng văn hóa trầm tích làm điểm tựa cho con người
đi về phía trước và sáng tạo. Mỗi đề tài với tôi như một bài thơ mà tôi hóa
thân để chiêm nghiệm và phát hiện ra một bức tranh lung linh cần được phả tầm hồn
mình vào đó. Bên cạnh những kiến thức, điều quan trọng là tìm được cái tứ thể
hiện cùng sự tan chảy cảm xúc trong mỗi chương đoạn trong bố cục của một bài viết.
Đó cũng chính là quá trình đi tìm mình của tôi cũng với sự kiểm nghiệm lại sức
vóc mình tới đâu để đi tiếp, nếu không hãy buông bút. Sau ba lần bị tai nạn gãy
xương trong những chuyến đi (bằng xe máy). Có lần một mình ôm bả vai gượng dậy
và tự họa: “Mỗ tôi dở dở gàn gàn/ Đến đâu lòng cũng chứa chan nỗi đời/ Thôi thì
cam phận hấp hơi/ Cuối đường gục ngã tru lời hoang vu”
PV: Theo như tôi biết thì trong suốt hơn 50
năm song hành sáng tác, viết văn làm thơ, hành nghề báo chí, ông có tới hơn 60
đầu sách và vô số giải thưởng cá nhân đáng để tự hào. Ông có thể kể tên những
tác phẩm mà ông tự hào nhất trong nghề báo lẫn nghề văn và chia sẻ cùng độc giả
những giải thưởng mang lại vinh quang nghề nghiệp của ông?
Vương Tâm: Đầu tiên nói đến thơ
tôi rất yêu tập “Cung buồn pha lê” (NXB Văn học -2005); tập “Folder Tình yêu”
(NXB Thanh niên-2006) và “Vương Tâm-thơ chọn” (NXB HNV-2022). Tôi sáng tác thơ
tình là chính và đã đoạt giải A trong cuộc thi thơ tình của báo Văn Nghệ. Đây
là một cuộc thi thú vị và cũng duy nhất mà báo Văn Nghệ đã tổ chức trong hai
năm (2006 và 2007). Với văn xuôi tôi thích tập truyện ngắn “Cuộc chia tay bất
thành” (NXB Thanh Niên-2004) và tiểu thuyết “Máu đất” (NXB Công An nhân dân
2008; tái bản NXB Văn Học 2021). Tôi cũng may mắn đã có những giải thưởng về
truyện ngắn như giải nhì báo Người Hà Nội (2006); giải ba báo Tuổi trẻ (2008)…
Còn về mảng báo chí tôi thiên về ký sự, bút ký và ký
chân dung. Tôi luôn hứng khởi khi nhớ tới các tập “Nước mắt thời gian” (NXB Hội
Nhà văn-2016); “Mắt Chăm và chùm nho” (NXB Văn Học-2017); “Vui nhất có chợ Đồng
Xuân” (NXB Văn Học-2022) và mới đây là “Lạ lắm! Kiếp đam mê” (NXB Văn học-2023).
Tôi cũng đã có những thành công nhất định trong các cuộc thi về phóng sự và bút
ký như Giải nhất phóng sự báo Người Hà Nội (2010) và các giải thưởng bút ký của
Báo Văn nghệ và Hội Nhà báo Việt Nam.
PV: Làm một nhà thơ, một nghệ sĩ khó hơn hay
làm một nhà báo khó hơn? Nghề nào mang lại thu nhập tốt hơn cho ông?
Vương Tâm: Thật chẳng dễ dàng khi
nói nghề nào khó hơn nghề nào với nét đặc trưng khác nhau. Tôi cho là phẩm chất
nghệ sĩ luôn tiềm tàng và bao phủ màn ánh sáng tưởng tượng lên mọi nghề. Tuy
nhiên làm thơ thì phẩm chất nghệ sĩ thăng hoa hơn và sức sáng tạo trong cõi huyễn
mộng tâm linh dị biệt. Đó là nghệ thuật cao cường về ngôn ngữ và hình tượng nghệ
thuật. Nhưng nghề làm báo vất vả hơn và mang đặc thù về nghệ thuật diễn đạt
thông tin. Bay bổng nhưng phải chính xác. Thực ra các nhà báo đều là những nghệ
sĩ thiết kế thông tin qua chọn lọc để nêu bật chủ đề. Họ thể hiện sức khám phá
hướng ngoại theo bề rộng và chiều sâu của đối tượng phản ánh. Nhưng nói cho
cùng nghề nào cũng cần một sự chân tình cùng với trái tim đam mê.
Vậy nên tôi luôn nhắc nhở mình rằng: “Sợ lòng mình cạn
khô/ Khi thời gian giăng lưới”. Hay “Sợ tan nát niềm vui/ Chết đi còn vương vấn/
Những khổ đau phiền muộn/ Vai trĩu nặng kiếp người”.
Tất nhiên khác hẳn với nghiệp thơ ca, nghề làm báo
luôn mang lại thu nhập phần nào đó cho tôi hơn cả. Thực ra nếu đem so sánh về
tiền bạc thì nhuận bút báo chí cũng chỉ là sự “tặng thưởng” giá trị cho một bài
báo mà thôi. Nhưng “lợi nhuận” lớn hơn cả lại thuộc về tinh thần và nền tảng
văn hóa mà tôi gặt hái được trong những chuyến đi thực tế. Đó là “lợi nhuận”
không thể đánh đổi bằng tiền nhuận bút mà mọi người thường nghĩ tới.
PV: Hoá ra Vương Tâm là nhà thơ quá lãng tử và
lắm đam mê… Tôi còn biết ông hiện đang sở hữu một kho ấm gốm đồ sộ và quý giá.
Ông chia sẻ một chút về đam mê sưu tập ấm trà của mình.
Vương Tâm: Những chiếc ấm trà xinh
xinh bằng sành sứ hay đất sét luôn có sức thu hút tâm trí tôi. Đó chính là những
tác phẩm nghệ thuật tổng hợp giữa điêu khắc, thư pháp và hội họa trên gốm. Đồng
thời tôi cũng học hỏi và nghiên cứu về gốm truyền thống và say mê với những lò
gốm của những nghệ nhân nổi tiếng. Mỗi nơi tôi tới đều có những kỷ niệm gốm
riêng biệt kỳ thú với sắc màu thời gian. Vẻ đẹp của gốm còn gây bất ngờ với sự
đột biến của ngọn lửa nung. Đó cũng là tứ thơ mà tôi đã viết: “Vòm lò men chảy
thơm như mật/ Ngọn lửa liếm đêm rạn sắc hồng/ Quẩn quanh với đất cười như đất/
Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong”. Kết hợp với những dòng gốm truyền thống trên
toàn quốc, bộ sưu tập của tôi còn thu nạp cả những bộ ấm gốm nước ngoài với nhiều
mẫu mã thú vị. Hiện nay kho ấm trà của gia đình đã trưng bày 500 mẫu với hàng
chục chất liệu khác nhau
PV: Vương Tâm đã không chơi thì thôi, nghề
chơi nào cũng lắm công phu quá. Xin hẹn ông trong một cuộc trò chuyện khác về gốm
và ấm trà để ông chia sẻ với độc giả Văn nghệ Công an sâu hơn về thú chơi này.
Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện.
NHƯ BÌNH (thực hiện)
Nguồn: Văn Nghệ Công
An