Nhà thơ Đặng Huy Giang quan niệm: Trong cuộc sống, nội dung thường đẻ ra hình thức. Có nước rồi, người ta mới nghĩ đến vật đựng nó. Làm thơ cũng vậy! Chưa có thơ, sao vội nghĩ ra vật đựng thơ. Hình thức chắc chắn không thể đi trước nội dung, sinh ra trước nội dung.


THƠ CŨNG MẮC BỆNH CHẠY THEO HÌNH THỨC

ĐẶNG HUY GIANG 

Lâu nay, ở châu Âu và châu Á, đã có các thể thơ: Sonnet, haiku, Đường luật...và gây được ảnh hưởng lớn. Việt Nam ta có  lục bát và song thất lục bát, tồn tại từ bao đời nay. Chưa kể còn có: Tứ tuyệt, trường thiên thất ngôn, trường thiên ngũ ngôn, lục ngôn, tứ tuyệt...Như vậy là xét về mặt hình thức, người làm thơ xứ ta có nhiều loại đủ để dùng, đủ để thể hiện, khỏi phải tìm kiếm đâu xa.

Sinh thời, nhà thơ lớn họ Chế từng viết đến 5 bài theo thể thơ ngũ tuyệt mà ông sáng tạo ra. Bằng chứng là trong “Chế Lan Viên toàn tập” (tập 2, NXB Văn học 2002), Chế Lan Viên ít nhất có 6 bài viết theo thể thơ này. Đó là “Con thoi”, “Khi cây chết”, “Thơ cầm tay”, “Ngũ tuyệt về bể Iôniêng”, “Ngũ tuyệt về lòng tin”, “Ngũ tuyệt về thần nỏ”. Trong đó, có hai bài rất đáng chú ý:

 

NGŨ TUYỆT VỀ BỂ IÔNIÊNG

Bên này Anbani. Bên kia Ý. Kia là Hy Lạp.

Sâu thẳm trước các biên thuỳ là biển Iôniêng

Tiếng ve trưa. Màu nguyệt quế. Sắc thanh thiên.

Tôi từ nền văn hoá này đến yêu bao nền văn hoá khác

Trời bể vô cùng và ta hoá vô biên.

 

NGŨ TUYỆT VỀ LÒNG TIN

Nhiều thần tượng đã đổ

Những tấm lòng chia đôi

Nhưng sông bồi lại lở

Tro tàn đẻ ra lửa

Em hãy tin ở đời.

 

Nhưng Chế Lan Viên cũng chỉ dừng ở đó, coi đó như một vài thể nghiệm về thơ, mặc dù về tài thơ, ông có thể viết nhiều hơn và ông đã chứng mình: Dù viết ở bất kỳ thể loại nào, ông đều thành công và có thơ hay.

Nhiều năm sau, “học theo lối người xưa”, có nhà thơ đã đứng ra thành lập một nhóm thơ kiểu này. Để “mô-đéc hoá”, “thơ ngũ tuyệt” được đổi thành “thơ nam kau”. Rốt cục, “thơ nam kau” hầu như không để lại dấu ấn gì và đương nhiên không thể trở thành một phong trào. Chỉ có một nhóm người ít ỏi hưởng ứng. Quá lắm sẽ được “ghi điểm”: “Đã từ manh nha một loại thơ như thế!” và: “Thơ ấy đọc lên, cũng thấy vui vui!”

Vì sao? Vì thứ thơ ấy thường bị đổ vào một cái khuôn hình thức chủ quan và thường ép chữ, ép câu một cách không tự nhiên. Chưa kể nó còn là một thứ thơ hoặc na ná thơ không cảm xúc. Một khi đã bị bó về nhiều mặt như thế thì thất bại là cầm chắc.

 Trên thực tế, thơ lục bát và thơ song thất lục bát truyền thống, viết thì dễ, nhưng viết cho hay, thật khó. Thơ lục bát viết không cẩn thận, rất dễ bị chạy theo vần điệu mà xa rời ý tứ và có thể còn gây tác dụng phụ: Xoá nhoà cá tính của người viết, làm mất ý tưởng tự do của người viết. Một khi thơ đã không còn cá tính (sáng tạo) nữa thì làm gì còn có cái tôi của người làm thơ. 

Và nói như học giả Phan Kế Bính thì “Thơ quan trọng là tính tình (cá tính), tư tưởng và khả năng trau dồi ngôn ngữ”. “Không có cái tôi” thì đương nhiên, tính tình (cá tính) cũng bị triệt tiêu. Còn thơ song thất lục bát thì gần như chết yểu, bây giờ, hầu như không còn ai làm song thất lục bát cho ra hồn. Trừ “Cung oán ngâm khúc” (Tác giả: Nguyễn Gia Thiều), “Chinh phụ ngâm” (tác giả: Đặng Trần Côn, dịch giả: Đoàn Thị Điểm) thuở nào, còn sau này, song thất lục bát không còn là thơ, chỉ còn là diễn ca thuần tuý.

Trong cuộc sống, nội dung thường đẻ ra hình thức. Có nước rồi, người ta mới nghĩ đến vật đựng nó. Làm thơ cũng vậy! Chưa có thơ, sao vội nghĩ ra vật đựng thơ. Hình thức chắc chắn không thể đi trước nội dung, sinh ra trước nội dung. Trong làng thơ từ trước đến nay, không ai nói: Bài thơ này hay là vì nó được viết theo thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ...hay tự do cả.

Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi xin dẫn lời nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc sinh thời: “Hình thức không là cái gì quá quan trọng và cũng không nên chạy theo hình thức. Nếu bạn viết một tác phẩm không hẳn là văn, không hẳn là thơ, gọi là “the” chẳng hạn, mà hay, thì vẫn được và hay như thường. Đối với người viết, không nên luỵ vào hình thức. Mà ở đời, đặc biệt trong văn chương nói chung và thi ca nói riêng, một khi đã phải luỵ vào bất kỳ một cái gì, một thứ gì, là rất dở và có phần tư biện”.