Sự lôi cuốn trong thơ Bằng Việt chính là sự kết nối dư
vị tình cảm và trí tuệ. Thơ ông thẳng thắn một cách có duyên, giản dị mà không
tản mạn, bàn mà không nhiều lời.
Sự kết nối tạo nên dư vị thơ Bằng Việt
HẠNH LÊ
Tuyển tập “Thơ Bằng Việt 1986-2016” có 96 bài thơ vừa
mang hơi thở thời đại vừa mang nét tâm tình Bằng Việt. Những câu thơ Bằng Việt
ra đời trên mảnh hồn quê bình dị, dần trưởng thành, nuôi dưỡng trí tuệ mẫn tiệp
của một người đã đủ phong trần, chân rảo bước trên nhiều miền đất của trời Âu.
Không hề làm màu, không cố gắng triết lý để tạo màu, không lên gân những nhịp
điệu…Thơ Bằng Việt đến với chúng ta một cách tự nhiên, dễ chịu, tình cảm sâu lắng
và da diết.
Kết nối giữa cái tôi và cái ta
Bằng Việt cũng như những người làm thơ khác, viết thơ
trước hết là viết cho mình, giãi bày mình. Một Bằng Việt như ta biết, dù có sự
thay đổi nhưng vẫn trọn vẹn với nhận thức về trách nhiệm nhà thơ với con chữ.
Trước sự biến động của thơ hậu sinh, ông từng nhận định:
Thơ thời hậu sinh - vừa sặc sỡ vừa buồn,
Nhiều sexy, ít nghĩ về hạnh phúc,
Nhiều đòi hỏi, mà chả cần trách nhiệm,
Dễ buông tuồng, nhưng rất ghét tuyên ngôn!
(2008 - Thơ còn gì hôm nay)
Ông phê phán một nhóm nhà thơ, họ lợi dụng sự cách tân
và tự do để trở nên rỗng tuếch và buông tuồng, ném vào độc giả mớ ngôn ngữ và
giai điệu lạ lẫm để tự cho là mới. Theo ông, thơ phải đạt đến tri kỷ của nhà
thơ, giữ được cái hồn cốt thẳm sâu đáy lòng người nhưng thơ phải trách nhiệm,
giản dị, có độ đằm, độ sâu thay vì phù hoa... Thơ mang những giai điệu của hạnh
phúc nhưng không thể và không được buông tuồng.
Theo ông, người làm thơ thật sự phải thấy được trách
nhiệm của sự dấn thân với nghiệp con chữ, phải mang hạnh phúc thật sự, hạnh
phúc chân chính đến với con người. Do có một lối đi riêng, bền bỉ, Bằng Việt đã
đem đến những gì gần gũi, thiết thực chứ không hề phồn thực. Trong các tập thơ
của ông đều thấy sự kết tinh và kết nối giữa giá trị thơ Việt trong bối cảnh biến
đổi của lịch sử dân tộc và hành trình thơ nhân loại. Những gì thiết thực và gần
gũi được ông biểu đạt một cách tha thiết, chân thành.
Người yêu thơ đều nhớ đến Bằng Việt với danh nghĩa
“Nhà thơ Bếp lửa”. Tôi thường bị ám ảnh và thân thuộc với Bằng Việt khi đọc bài
thơ “Bếp lửa”, từ thuở thiếu niên cho tới khi đã tứ tuần, tôi vẫn đinh ninh có
tâm trạng mình trong bài thơ. Chắc hẳn nhiều bạn đọc, nghiên cứu về Bằng Việt
cũng có chút đinh ninh ấy. Bẵng một thời gian ít viết thơ, những câu thơ của
ông cất lên từ sau công cuộc đổi mới của đất nước khiến người ta nhận thấy sâu
hơn một tình yêu gia đình, một tình yêu quê hương, một tình bạn hữu, đồng chí
và đồng nghiệp. Tình cảm ấy đủ lớn và sâu đã dần thấm vào lòng người, tìm thấy
sự đồng điệu đối với người đọc. Từ cái tôi đã lan tỏa sang cái ta một cách nhẹ
nhàng như vậy. Thơ ông không chỉ nói về mình, cảm xúc cá nhân mà luôn đòi hỏi
trong đó trách nhiệm xã hội. Khi nhân loại lo nỗi lo sự tồn tại của cá thể trước
ngày tận thế, thì ông điềm tĩnh và cực kỳ quyết đoán rằng: “Tận thế - là khi
nhân tính không còn!” (Biến tấu về ngày tận thế)
Thơ là sự giãi bày, thơ bộc lộ con người. Bằng Việt viết
thơ cho mình, giãi bày mình, ông không khẩu hiệu tuyên truyền rinh rang, cũng
không cố khiên cưỡng nghệ thuật, nhưng tự mỗi giai điệu với xúc cảm mãnh liệt,
cháy bỏng, Bằng Việt đã có những bài thơ, những câu thơ đặc sắc đạt đến cái ta
- sự đồng cảm, đồng điệu với người đọc.
Thế giới không theo ý nghĩ của bà,
Trời đất vuông tròn chỉ có trong cổ tích!
Thế giới đầy đối nghịch,
Trời đất đầy đạn bom...
(Bánh chưng, bánh dày)
Những câu thơ của Bằng Việt vừa gần gũi, giản dị lại rất
sang trọng, thâm trầm, vừa sắc lại vừa có độ đằm. Thơ ông đầy suy tưởng, từ những
gì rất gần gụi như người bà, bếp lửa, dòng sông, hàng cây thuở học trò đến những
vấn đề sống còn, sự biến động trong thân phận của mỗi danh nhân, mỗi quốc gia.
Bởi cho đến tuổi già, mỗi người chúng ta vẫn chứa ký ức về một người bà sâu đậm
yêu thương. Cỏ là một hình ảnh được nhiều nhà thơ tình nhắc đến mang tính hình
tượng, với Bằng Việt, cỏ có khi là chính mình, có khi là trú ngụ của sự sống
trước vô vi:
Cỏ hữu hạn xanh veo thành bất tử
Lòng hoàn nguyên, rửa sạch với thinh không!
(Vườn Nhật Bản)
Cái chung ấy mang tầm tư tưởng triết lý mà ở bài viết
này xin phép tôi không trình bày nhiều hơn, xin để dành những bàn luận trong một
bài viết khác. Ở đây, những suy tưởng của ông đã mang tầm khái quát, luận về kiếp
người, có tính dự báo, viết về chính trị nhưng không mất đi chất thơ trong luận
giải. Viết về chính trị như là trách nhiệm xã hội của nhà thơ, Bằng Việt không
tách mình ra khỏi thời cuộc, khỏi nhịp sống đương đại với những uẩn khúc, ngã rẽ,
những sự vấp váp và cả những cú chuyển mình của quốc gia, nhân loại. Chính bằng
năng lực dự cảm, sự trìu mến cuộc sống, ông đã thể hiện những hoài niệm riêng
tư nhưng đậm màu sắc nhân thế.
Kết nối giữa tình cảm và trí tuệ
Tình cảm và trí tuệ cho thấy một thế giới quan phong
phú, vẽ nên những cảnh huống vừa gần gũi vừa mới mẻ. Tiêu biểu như những câu
thơ bộc lộ nỗi niềm nhớ quê, hoài niệm về thuở thiếu thời một thời quá chừng
nghèo mà quá chừng vui, trong bài thơ “Trung du”.
Lại vẫn những câu thơ Bằng Việt nhưng giúp ta thu
phóng tầm mắt về các địa danh ông đi qua về nước Pháp lãng mạn (Corsika) nước
Nga mạnh mẽ (Ghi bên tượng đài Pie đại đế)… Dấu chân ông đi nhiều nơi, ghi lại
nhiều hình ảnh nơi xứ người:
Sông cũng sông, nước lờ lững thế thôi!
Phố cũng phố, quét vôi vàng quen thuộc!
Nhưng đây là sông Xen,
Là cửa ô Xanh Ăngtoan, Xanh Đơmi, là gò Mông mác…
(Lịch sử và uy tín)
Nơi nào ông qua, những địa danh đó đều trở nên riêng
biệt, tình cảm sâu nặng, nhưng không hề mập mờ giá trị dân tộc. Phông văn hóa
và trải nghiệm thực tiễn đã nuôi dưỡng những câu thơ triết lý suy tư vừa đằm vừa
sắc, cho thấy một Bằng Việt chân chất, từ tốn, điềm tĩnh và cầu toàn:
Em có nét buồn - sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn - xa như vạt cỏ
Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây…
(Em và tôi)
Sự điềm tĩnh và cầu toàn của nhà thơ còn thể hiện
trong mảng kết nối của ông với các bạn văn, các bạn lính, thơ ông có sự kết nối
giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, giữa chiến tranh và hòa
bình, giữa đổ vỡ và đổi mới. Trước sự đổ vỡ của hệ thống XHCN ở Liên Xô ông đã
tự dặn mình cân nhắc trong cách nghĩ:
Thôi hãy khoan ngậm ngùi
Những gì chưa dễ có!
Thôi hãy khoan ruồng bỏ
Những gì chưa dễ qua!
(Thôi hãy khoan...)
Tự dặn mình hãy khoan ngậm ngùi, hãy khoan ruồng bỏ,
hãy khoan xót xa, hãy khoan vùi dập... bởi ta cần tường tận giá trị của quá khứ
và hiện tại, trân trọng cái cũ, từ tốn với cái mới, sự thay đổi. Ông biết có những
thi sĩ Nga vì không chịu được sự thay đổi đã quyên sinh, ông biết có nhiều
tranh luận giữa việc chấp nhận cái cũ hay thay thế cái mới. Sự bao dung khiến
ông có thêm cái nhìn nhận khách quan về chính trị và lịch sử, muốn dùng lý trí
để cân bằng xúc cảm. Khi ông đứng tại nước Nga sau 20 năm trở lại, ông đã cảm
nhận:
Quá khứ - ngỡ quá nhiều điều tưởng chừng đã rõ,
Nhưng còn rất nhiều điều - vẫn cần phân định lại, tận tương lai...
(Nước Nga, sau 20 năm gặp lại)
Chính trị và triết học đã ngấm trong thơ, trong tình Bằng
Việt một cách tự nhiên như vậy. Cũng dễ hiểu bởi ông đã gánh hai vai, nhà thơ
và nhà chính trị trong đời thực.
Đọc Bằng Việt, sự giản dị ban đầu khiến ta nhầm tưởng
dễ đọc, nhưng chất trí tuệ, triết lý đòi hỏi người đọc phải thu phóng nhận thức,
có sự trải nghiệm và trí tuệ để hiểu nhiều hơn về tư tưởng trong lớp ngôn ngữ của
thơ ông.
Sự lôi cuốn trong thơ Bằng Việt chính là sự kết nối dư
vị tình cảm và trí tuệ. Thơ ông thẳng thắn một cách có duyên, giản dị mà không
tản mạn, bàn mà không nhiều lời. Tình cảm và trí tuệ kết nối tạo nên sự chắc chắn
từng câu từng chữ, giai điệu tự nhiên nhưng giữ được sự mạch lạc, logic. Những
giai điệu, cấu tứ thơ Bằng Việt tỏ rõ sự quyết đoán với cái mới, với đời sống
hiện thực. Những câu thơ ông viết muốn ôm trọn sự bình dị chân chất, song lại sắc
sảo chính trị. Vì vậy, Bằng Việt đã thổi vào thơ những dự cảm mới, mang một tầm
tư tưởng lớn, có trước, có sau, chiêm nghiệm quá khứ và dự báo tương lai, nhưng
đều rất thận trọng, chặt chẽ và cầu toàn như chính ông vậy!
Nguồn: Văn Nghệ Công
An