‘Người Việt nói tiếng Việt’ là công trình khảo cứu tỉ mỉ của nhà báo Nguyễn Quang Thọ về những thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót hoặc hiểu sai trong các cuốn từ điển.
Người Việt nói tiếng Việt, tưởng dễ mà khó. Bởi lẽ, với kho tàng ngôn ngữ đa dạng và phong phú được tích lũy bao đời, người Việt nói tiếng Việt đôi khi nhầm lẫn về ý nghĩa và giá trị của mỗi câu thành ngữ hoặc tục ngữ. Cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” dày hơn 380 trang của nhà báo Nguyễn Quang Thọ, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành đưa ra nhiều dữ liệu khiến công chúng phải giật mình.
Nhà báo Nguyễn Quang Thọ sinh
ngày 28/2/1949 tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Lớn lên tại Hà Nội,
nhà báo Nguyễn Quang Thọ từng là chiến sĩ sư đoàn 304 từ 1968 đến 1971, rồi
theo học khoa Ngữ văn Đức tại trường Đại học Tổng hợp Các Mác, thành phố
Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức.
Nhà báo Nguyễn Quang Thọ làm
Tổng Biên tập báo Yêu Trẻ từ năm 1997 đến năm 2010 và cũng có luận văn thạc sĩ với
đề tài “Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt)”
Do đặc thù nghề nghiệp thường
xuyên tiếp xúc với từ điển, nhà báo Nguyễn Quang Thọ nhận ra sự vắng mặt của
các thành ngữ và tục ngữ. Thậm chí có nhiều thành ngữ và tục ngữ được giải
thích chưa thỏa đáng như: Nhạt như nước ốc ao bèo; Bầu sao nấu nước ao cũng ngọt;
Làm ruộng thì gia, làm nhà thì tốn; Bảo hoàng hơn vua; Mồm như cái tỉ vịt…
Theo nhà báo Nguyễn Quang Thọ,
có các từ thú vị mà chúng ta bắt gặp và nghe thấy đâu đó trong đời sống thường
ngày mà cần bổ sung vào từ điển như: Để Mị nói cho mà nghe, Ăn cơm trước kẻng,
Chạy mất dép, Nằm mơ giữa ban ngày, Mảnh tình vắt vai, Xuống dốc không phanh, Nói cho vuông, Nóng chảy
mỡ, Thấy thương luôn, Liều ăn nhiều, Khóc tiếng Miên, Ngon nhức nách, Tới luôn
đi bác tài...
Trong cuốn sách “Người Việt
nói tiếng Việt”, nhà báo Nguyễn Quang Thọ đã trình bày quan điểm cá nhân về
thành ngữ, một vấn đề mà trước nay nhiều nhà nghiên cứu chưa đồng thuận. Điều
này, cho thấy đây còn là tập sách có xu hướng đi sâu vào lãnh vực chuyên môn của
các nhà ngôn ngữ học.
Nhà báo Nguyễn Quang Thọ chia
sẻ: “Cuốn sách của chúng tôi không giúp bạn trả lời được hết mọi câu hỏi, thậm
chí còn làm bạn đặt ra nhiều câu hỏi. Chúng tôi hy vọng đem đến cho bạn đọc một
cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho
nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo chúng
tôi là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển…
Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều
thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ. Mỗi ngày sống là một
ngày điền dã”.
Với tư cách đồng nghiệp, nhà
báo Lê Minh Quốc đánh giá “Người Việt nói tiếng Việt” một cách chân thành: “Nhà
báo Nguyễn Quang Thọ đã bổ sung thêm một loạt từ mới, cách nói mới vừa xuất hiện
trong đời sống gần đây, đa dạng, biến hóa tài tình trong hành trình phát triển
của tiếng Việt. Không chỉ kỳ công mà còn là một trong những cách ông thể hiện tấm
lòng mình về tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Mà, với người Việt, một khi
yêu lấy tiếng Việt tận xương tủy cũng chính là yêu lấy non sông gấm vóc nước Việt
đấy thôi”.
TUY HÒA