Câu chuyện của nhà báo Đinh Kỳ Thanh: “Tôi khoác áo mưa lò dò bước trên lề đường ướt nhẹp. Qua một khúc khá dài tôi bước vào một vùng đêm tối mù bởi bóng đèn vàng lợt không đủ sức chiếu qua các hàng cây cổ thụ có tàn lá rậm bên đường.


MỘT LẦN TÁC NGHIỆP GIỮA ĐÊM MƯA

ĐINH KỲ THANH

Vào khoảng năm 1985, tôi làm Biên tập viên báo Sài Gòn Giải Phóng đóng trụ sở tại số nhà 442 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM. Tòa báo này đặt trong một dãy nhà lớn vốn là một ngôi trường tư thục trước ngày 30/4/1975. Đó là một dãy nhà đồ sộ lin kề nhau với 4 tầng cao ngất. Tầng trệt dành cho phòng khách, nhà để xe, ban phát hành, phòng thường trực và nhà in. Tầng 4 dành làm Tòa soạn và phòng riêng của Tổng biên tập Tô Hòa và các Phó Tổng Biên tập khác cùng phòng họp rộng thênh thang. Các Ban phóng viên chuyên ngành như Ban Chính trị, Ban Kinh Tế, Ban Văn hóa Văn nghệ, Ban Bạn đọc, Ban biên tập Tuần San, Ban Thể dục – Thể thao … chiếm trọn tầng 2 của tòa nhà.

Thời gian này Ban biên tập quy định rằng chúng tôi phải luân phiên nhau trực Tòa soạn hàng đêm. Cứ khoảng 11 giờ đêm chúng tôi phải hoàn thành bản morat và đưa xuống nhà in. Những ngày ấy các anh em phải ngủ tại tòa báo qua đêm. Sáng ra lại chạy về nhà thật sớm để tắm rửa, thay đồ rồi trở lai tòa soạn kịp giao ban và nhận các đề tài mới. Các ban còn đề ra định mức, chỉ tiêu viết tin bài hàng tháng cho phóng viên. Bởi thế chúng tôi cứ trần lưng ra đi thực tế ở các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh để săn tư liệu. Riêng tôi vì thường có năng suất viết cao nên luôn được lãnh nhuận bút và tiền thưởng rất nhiều, thu nhập hàng tháng cũng khá bộn.

Cũng xin nói thêm rằng lúc này vợ tôi, một giáo viên dạy trường Sư Phạm thực nghiệm trực thuộc Cao đẳng Sư Phạm Sài Gòn. Vì một số vụ bất đồng nên bỏ ngang ra chợ An Đông ngồi sạp vải bán buôn, theo sự rủ rê của một bà đồng nghiệp đã bỏ nghề từ trước. Nhờ vợ tôi buôn may bán đắt, đời sống của gia đình được cải thiện rõ ràng.

Đêm đó là một đêm trung tuần tháng 12 năm 1985. Tôi trực tòa soạn nên khoảng 11 giờ đêm mới được về nhà. Tôi ra cổng khởi động chiếc Honda Dream nhưng nó không nổ. Tôi dắt vào nhà để xe của cơ quan và tính quay ra kêu taxi. Tôi cẩn thận phôn cho vợ tôi là phải trực, nên có thể về muộn.

Sau đó bất ngờ trời đổ mưa, cống rãnh không kịp tiêu hết nước làm đường nổi sóng cuồn cuộn nước chảy như sông. Rác rưởi lềnh bềnh khắp nơi và con đường bốc lên mùi thum thủm. Tôi thấy bụng đói cồn cào nên quyết định đi kiếm tiệm ăn nào đặng lót dạ trước lúc kêu taxi.

Tôi khoác áo mưa lò dò bước trên lề đường ướt nhẹp. Qua một khúc khá dài tôi bước vào một vùng đêm tối mù bởi bóng đèn vàng lợt không đủ sức chiếu qua các hàng cây cổ thụ có tàn lá rậm bên đường.

-Đi đâu đây anh Hai lúc đã quá khuya? Trời lại mưa lớn ướt nhẹp thế này! Một giọng con gái cất lên.

-Ai đó?

-Là em đây!

Một cô gái từ trong vùng tối bước ra. Một thân hình bé nhỏ khoác áo mưa, chỉ còn ló ra một khuôn mặt trát son phấn lòe loẹt. Mùi nước hoa rẻ tiền thoảng ra rất khó ngửi….

-Khuya rồi, em còn đứng đây làm chi?

-Thôi anh đừng giả đò, anh biết làm gái rồi mà! Từ tối tới giờ ế khách. Em đã đốt phong long mà vẫn chẳng ma nào ngó tới. Số em xui quá!

-Vậy à, sao em không về nhà đi! Sắp tới giờ giới nghiêm rồi!

-Em không dám về! Không có đồng nào dằn túi dám ngày mai nhà em chịu đói!

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: Mình trúng quả rồi, phải lợi dụng cơ hội này làm một thiên phóng sự dài khai thác chuyên hành nghề của đối tượng, dám là hấp dẫn đôc giả lắm đây!

Tôi hỏi thêm với giọng từ tốn và nhỏ nhẹ.

-Vậy em tính sao giờ ?

-Anh chiếu cố em đi. Em tính rẻ thôi bởi thấy anh có vẻ người tử tế!

-Vậy em lấy anh nhiêu?

-Cũng tùy anh. Anh muốn xào khô hay ướt?

-Ướt nhé! Tôi thản nhiên trả lời!

Như cá đã cắn câu, cô gái hỏi thêm, giọng tỉnh queo:

-Vậy anh tính đi một ga hay đi tàu suốt?

-Suốt! Tôi trả lời ráo hoảnh.

-Vậy ta đi thôi!

-Tới đâu?

-Tới địa điểm ruột của em!

-Có bảo đảm an toàn không?

-Dám bảo đảm an tòan một trăm phần trăm! Bãi đáp này được bảo kê rồi. Tổ trưởng tổ dân phố và cảnh sát khu vực ăn tiền nên ngó lơ không đụng tới đâu!

Em nắm chặt tay tôi và kéo về một phía. Tôi giật giật tay em hỏi tiếp :

-Khoan đã, em báo giá đi, đặng coi anh có đủ tiền không?

Em thản nhiên trả lời:

-Một dù em chỉ lấy anh một trăm ngàn. Qua đêm em xin anh năm trăm ngàn nhé!

-Tốt! Tôi trả lời bởi trong túi tôi còn tới hai triệu. Tôi tìm kế hoãn binh:

-Anh đói bụng quá! Thôi tụi mỉnh kiếm quán nào dằn bụng trước em ơi! Anh bao em mà!

-Em có biết quán này! Ăn hủ tiếu Nam Vang nha!

Em dắt tôi qua đường Võ Văn Tần. Nơi có tiệm hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng khắp thành phố.

Tôi sóng đôi cùng em bước vào cửa tiệm sáng choang. Kiếm được chỗ ngồi trong một góc yên tĩnh. Tôi kêu một anh hầu bàn chạy tới: Cho hai tô đặc biệt nhé!

Chỉ ít phút sau bưng tới hai tô hủ tiếu còn bốc khói.

-Sao anh xài sang vậy! Dám anh là loại nhà giàu.

Em nói rồi cắm cúi ăn. Hai tô hủ tiếu được dọn sạch trơn. Tôi lại kêu tiếp hai ly cà phê sữa nóng. Tôi lấy muỗng khuấy ly rồi thân mật hỏi em:

-Em tên chi?

-Dạ, em tên HT MT!

-Em ở đâu? Cơn cớ sao mà phải đứng đường?

-Dạ nhà em gần xịt. Trong một hẻm trên chính đường này. Nhà em nhỏ lắm. Chỉ rộng chừng hai chục thước vuông, chẳng có đồ đạc chi, trống lốc! Gia đình em có sáu mạng tất cả. Năm xưa đi kinh tế mới ở Lâm Đồng. Riết không chịu nổi đói nghèo cực nhọc bọn em bỏ về thành phố. Trở lại căn nhà xưa. Cũng hên, chưa bị ai chiếm ngụ.

-Ba má em còn không?

-Ba em mất lâu rồi. Bị tại ổng đạp xích lô, chẳng may gặp nạn, xe hơi cán chết tươi.

-Còn má em?

-Bả còn sống. Đi bán mía ghim. Bịnh tật hoài chẳng khỏi vì không có tiền đi viện. Thuốc thang bây giờ mắc lắm anh à!

-Thế các em em sao ?

-Em còn ba đứa em. Hai gái một trai, thất học chẳng biết nghề ngỗng chi. Chúng phải đi bán vé số dạo. Đi bán cả ngày chỉ được vài chục ngàn. Tội lắm.

-Vậy em có đi học không? Tới lớp mầy rồi?

-Em học tới lớp bốn, sau đó nghỉ ngang. Nhà em nghèo kiếm đâu ra đóng tiền học phí. Bỏ học em cũng tiếc hùi hụi. Đành chấp nhận thôi. Kiếp này chịu vậy!

- Sao em không học lấy một nghề? Sau đó xin vô xưởng nào làm?

-Có chớ! Em đi học nghề may. Vô làm cho một công ty. Họ trả lương bèo bọt. Làm sao nuôi nổi năm miệng ăn. Đành chịu kiếp đứng đường. Thu nhập hàng tháng khá hơn. Cả nhà bớt cực! Đời này thật kỳ! Lạm phát triền miên, giá cả leo thang phi mã. Đồng tiền mất giá. Mới đổi tiền đầu năm, vậy mà bây giờ tiền mới chỉ so ngang đồng tiền cũ. Lúc đổi tiền họ hứa hẹn nhiều điều hay. Một đồng mới ăn mười đồng cũ. Tới nay coi lại tiền chẳng có giá gì. Biết bao người dành dụm tại nhà hay gởi các băng lâm cảnh trắng tay, thiệt hại biết là bao. Đất này thiệt kỳ quá!

Thấy em đụng tới những chuyện rất tế nhị, tôi gạt ngang:

-Thôi mà em. Chuyện lớn Nhà nước phải lo. Phận mình dân đen. Nhắc tới chi cho mệt!

Tôi móc bóp trả tiên. Hết ba trăm ngàn. Còn lại một triệu bảy trăm ngàn tôi dúi vào tay em.

-Anh chỉ còn có vậy. Em cầm lấy chi dùng! Bây giờ ta về thôi, khuya khoắt rồi em!

Em nhận tiền, mắt rơm rớm lệ.

-Đúng em hên. Gặp anh tử tế. Đối xử với em thật lịch sự đàng hoàng! Gặp anh, em đã nhận ra ngay. Vậy mà trúng phóc. Em ngàn lần đội ơn anh.

Ngập ngừng một chút, em tiếp lời hỏi nhỏ:

-Em tò mò muốn biết anh tên gì, hành nghề gì, ở đâu? Phiền anh cho em hay, anh bỏ quá cho em!

Anh tên T, hành nghề ký giả, bút hiệu T TA, viết giúp cho nhật báo. Tòa soạn đóng đối diện Bệnh viện Phụ sản Sài Gòn. Có kẹt chuyện chi cần cứ em kiếm anh. Anh sẽ cố giúp dùm em, nếu anh có thể.

Em chợt ôm riết tôi, đặt nhẹ một nụ hôn lên má. Tôi đứng sững, ngây người nhìn em. Thôi ta về thôi! Mong em từ nay được sống an lành.

Chúng tôi bịn rịn chia tay. Em đi về một hướng, nhỏ dần rồi mất hẳn trong màn đêm. Tôi lững thững quay về Tỏa soạn. Trong đầu tôi hình thành đề cương một phóng sự điều tra dài có tựa đề Một số phận hẩm hiu”. Chắc chắn tôi sẽ viết ra….

Sáng sau tôi trở về tòa soạn lúc bảy giờ cho kịp lịch giao ban hàng ngày. Chợt chị thường trực tiến ra chặn lối tôi, mắt chị sáng ngời, miệng cười tươi:

-Hượm đã, anh T TA, anh có quà tặng này. Tôi mới nhận hồi nãy!

Chị trao tôi một bó hoa lớn thật tươi sắc màu rực rỡ. Tôi nhận và cám ơn chị. Gài trên bó hoa có mảnh giấy nhỏ ghi một dòng đơn sơ: Kính tặng Ông T TA ân nhân của em.

Tôi biết ngay là ai gởi rồi, đúng là em, một em nhỏ tội nghiệp dễ thương./.