Làm thơ cho người lớn, để hay, đã khó. Nhưng làm thơ cho trẻ em, để hay, còn khó hơn nhiều. Người viết không chỉ đồng điệu mà còn phải đồng hành, gần gũi về mặt mỹ cảm, ở cách cảm nhận, cách diễn đạt, làm sao để trẻ em hiểu được, chia sẻ được.


 

LÊ PHƯƠNG LIÊN CÙNG “BÉ DẮT MÙA SANG”

ĐẶNG HUY GIANG

    

     Thi Hoàng là nhà thơ đặc sắc từ thời thơ chống Mỹ. Ông có một bài thơ hay, có cái tên giản dị ngỡ khó giản dị hơn “Những đứa trẻ chơi trước cổng đền”. Bài thơ có một cái kết lạ lùng: “Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai/ Thánh cũng hân hoan...đố ai biết được/ Ngài ở trong kia hay ở ngoài này”. Còn nhà thơ Nga Éptusenkô trong “Những điều bí ẩn” lại viết: “Và cánh cửa bí ẩn kêu cọt kẹt/ Chỉ riêng ở tuổi thơ, cánh cửa mới lạ lùng”.

     Khi đọc tập thơ thiếu nhi mới xuất bản của nhà thơ Lê Phương Liên, khi mới chạm vào “Bé dắt mùa sang”, tôi đã nghĩ ngay với ý của hai bài thơ vừa nhắc ở trên của Thi Hoàng và Éptusenkô. Dường như tuổi thơ có thể làm được tất cả. Có thể biến hoàng hôn thành bình minh, biến nỗi buồn thành niềm vui, khiến thánh thần cũng phải hân hoan và phải nhập cuộc cùng đám trẻ, được “trẻ thơ hoá”. Đơn giản vì trước mắt chúng, bao giờ cũng có những cánh cửa bí ẩn và chỉ riêng ở tuổi thơ, cánh cửa mới lạ lùng như thế!

   Trong cuộc sống cũng không khác! Ta đưa con chúng ta đi học hay đi chơi, xét về mặt hiện tượng thì con theo ta, nhưng xét về bản chất thì ta theo con. Ta theo con vì ta lấy cái quá khứ, cái hiện tại của mình mà chạy theo tương lai của con vậy. Ấy là những gì ngỡ như rất nghịch lý mà lại rất thuận chiều, nhờ vậy mà nên thơ, mà có thơ. “Bé dắt mùa sang” là minh chứng cho nghịch lý thuận chiều ấy. Rồi cả mùa đông, mùa hè, mùa thu đều hiện ra dưới bàn tay bé. Bài thơ có 16 câu này chốt lại ở khổ cuối và cũng là khổ thơ, mà từ ngữ thì dừng lại nhưng ý thì chưa dứt:

Mùa xuân nắng ấm muôn nơi

Lưng trời én bay mê mải

Tết về thêm bao điều mới

Dịu dàng bé dắt mùa sang.

“Trung thu xóm vườn” là bài thơ lạ, được truyền tải qua những cặp lục bát viết thật nhuyễn với nhịp điệu thật đưa đẩy. Tác giả đã đưa vào cái xóm vườn ấy một trung thu thật tự nhiên, thật sống động mà ở thế giới trẻ thơ mới có. Đom đóm thì thắp đèn, dế trũi thì thổi kèn, quả na thì dụi mắt, quả hồng thì khoe áo, hoa dong riềng thì ngậm sương, chị Hằng thì dịu dàng, yểu điệu...trong cái không khí thật rạo rực: Rô ron nở ngực ao bèo/ Chẫu chuộc chồm hỗm miệng reo ồm ồm, Đầu làng trống ếch tùng tùng/ Đèn ông sao rước thung dung hai hàng và Xóm làng nô nức gọi nhau/ Bầy mâm cho đủ sắc màu trung thu.

     “Mặt trời say rượu” là bài thơ viết thật khéo, có một cách nói phù hợp với cách nhìn, cách nghĩ của trẻ thơ. Mặt trời đỏ mặt suốt ngày và mệt mỏi suốt ngày vì uống rượu và say rượu, cho nên anh gió có rủ đi chơi...ông cũng chẳng đi, còn nhờ chị mây cho nước uống...mà ông khỏi say rượu. Liên hệ giữa mặt trời với gió mây, ba với con, tác giả nẩy ra một ý hay và cũng rất con trẻ:

Ba về, con nắm bàn tay

Ba ngoan...

Mặt chớ đỏ gay như trời.



“Mừng tuổi ông bà” có một nhân vật là “Bạn Lì Xì”. Người bạn này thường xuất hiện trong ngày đầu năm mới. “Bạn Lì Xì” là bạn thân thiết của những người cháu và những người cháu này lúc nào cũng muốn “Chúc ông bà khoẻ muôn lần hơn xưa”. Bạn Lì xì cũng hiện thân cho sự quan tâm của những người thân trong gia đình với nhau, được gìn giữ cẩn thận như một một niềm vui, như một điều may mắn, để đến ngày mồng một Tết thì xuất hiện:

Bạn Lì Xì thật là ngoan

Ngủ im trong túi mẹ Loan mấy ngày

Thế rồi mông một sớm nay

Bỗng dưng thức dậy, cầm tay mẹ cười.

    “Thỏ và rùa” là câu truyện kể bằng thơ lục bát dựa vào cốt một truyện ngụ ngôn nổi tiếng của La Phông-ten. Cách kể và cách diễn đạt khá uyển chuyển và quan trọng hơn cả là bài học được rút ra:

Bài học luôn dành cho nhau

Khiêm tốn là phép nhiệm màu, bạn ơi!

     Với bé, Noel luôn là cổ tích với Chuông giáo đường hoang mang/ Gió mềm như cổ tích/ Món quà con yêu thích/ Trong tất xanh nhiệm màu thì trung thu chính là thời điểm Thùng thình thùng thình/ Trống gọi trăng lên/ Gọi ông sao sáng/ Thắp đèn lung linh/ Tùng rinh tùng rinh... và trong mắt bé, đó là những khoảnh khắc kỳ diệu:

Bầu trời trong xanh

Hương thu ngây ngất

Em đi rước đèn...

     Đó là những phác hoạ như những điểm nhấn trong bức tranh tổng thể “Bé dắt mùa sang”.

    Nhìn chung, làm thơ cho người lớn, để hay, đã khó. Nhưng làm thơ cho trẻ em, để hay, còn khó hơn nhiều. Người viết không chỉ đồng điệu mà còn phải đồng hành, gần gũi về mặt mỹ cảm, ở cách cảm nhận, cách diễn đạt, làm sao để trẻ em hiểu được, chia sẻ được. Thơ viết cho thiếu nhi phải cùng lúc hướng tới hai cái đích: Trẻ em đọc được và người lớn cũng đọc được, trẻ em thấy hay và người lớn cũng thấy hay.

    Đáng mừng là qua “Bé dắt mùa sang”, Lê Phương Liên đã vượt qua những thử thách ấy, cho dù đây là tập thơ thiếu nhi đầu tiên của chị. Nữ nhà thơ tâm sự: “Tôi làm thơ, trước hết vì quan tâm, gần gũi và hết lòng yêu thương các cháu nội, cháu ngoại của mình. Tôi quan sát và phát hiện ra những vẻ đẹp thường ngày, vừa sinh động, vừa hồn nhiên từ các cháu và các cháu trở thành đối tượng sáng tác của tôi, trở thành một phần máu thịt của tôi”.

   Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Con yêu mẹ” của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Do có xuất phát từ tình yêu thương và bởi người viết biết cách làm sâu sắc những điều giản dị mà bài thơ trở nên đáng nhớ. Khi đứa trẻ nói: Con yêu mẹ bằng ông trời, con yêu mẹ bằng Hà Nội, con yêu mẹ bằng trường học...thì tình yêu mẹ vẫn còn xa xôi lắm và không bao giờ gần gũi bằng:

À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở mắt là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế.