Văn Nguyễn Thành Long như một bài thơ buồn êm dịu, một bông cúc nhỏ xinh run rẩy nở trong sương sớm. Ta ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của bông hoa mà quên mất bông hoa ấy đã từng được bàn tay của người làm vườn chăm tưới.


LẶNG LẼ NGUYỄN THÀNH LONG

CHÂU HỒNG THỦY

Thường, người cầm bút mới vào nghề hay muốn gần gũi các nhà văn tên tuổi để học hỏi, để được lăng-xê trên báo chí. Không hiểu sao, trong tôi không có sự thôi thúc ấy. Có lẽ vì thời trẻ, tôi chưa có ý định làm nhà văn. Vả lại, trong tôi còn ám ảnh quan niệm mà người ta vẫn thường nói: "Với các nhà văn, chỉ nên kính nhi viễn chi!". Run rẩy theo họ trong từng câu thơ, say mê hồi hộp với từng trang văn của họ, nhưng khi gặp con người thực ở đời thường, họ dễ làm ta thất vọng. Quả thực, tôi đã từng thất vọng với nhiều vị đàn anh mà tôi đã một thời ngưỡng mộ.

Với nhà văn Nguyễn Thành Long, tôi ngẫu nhiên gặp gỡ một cách muộn mằn, rồi trở nên gần gũi và thân thiết, bởi yêu văn ông, yêu cả con người ông trong đời thực. Tôi mê văn ông, tự nhiên như đôi trai gái gặp nhau, qua ánh mắt đầu tiên đã cảm, đã say mê, đâu cần biết cớ này cớ nọ. Văn Nguyễn Thành Long như một bài thơ buồn êm dịu, một bông cúc nhỏ xinh run rẩy nở trong sương sớm. Ta ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của bông hoa mà quên mất bông hoa ấy đã từng được bàn tay của người làm vườn chăm tưới. Nhiều khi, hồn văn Nguyễn Thành Long làm dịu mát lòng ta như mạch nguồn trong trẻo, dịu dàng.

Tôi còn nhớ như in một buổi chiều giữa thảo nguyên Châu Mộc, từ trong chiếc xe u-oát của Hội Nhà văn còn đỏ bụi đường, một ông già trạc sáu mươi gầy yếu, run rẩy bước ra. Ông vừa trải qua chặng đường gần hai trăm cây số, từ Hà Nội lên. Dáng ông phờ phạc, mệt lả vì nắng, vì gió Lào khô khốc, và nhất là lại bị quăng quật hàng trăm cây số lên đèo, xuống dốc. Ông già người miền Nam ấy chính là Nguyễn Thành Long (1925-1991).

Ở tuổi ông, cùng trong đoàn có nhà văn Hoàng Thao còn tráng kiện, nhanh nhẹn lắm. Mặc dù sức khỏe suy sụp, Nguyễn Thành Long vẫn không quản ngại núi rừng hiểm trở, nhận lời mời của Hội Nhà văn lên giảng bài cho các trại viên sáu tỉnh biên giới phía bắc của chúng tôi. Đọc văn, mê văn ông đã từ lâu, vậy mà đến tận năm 1985, nếu không có trại sáng tác của Hội Nhà văn mở, chưa chắc tôi có dịp gặp ông.

Buổi lên lớp đầu tiên, ông chậm chạp bước từng bước lên bục giảng. Tay ông run run đưa cặp kính lên sống mũi. Cầm đề cương bài giảng, tay ông cũng run rẩy. Không hiểu ông mắc chứng run tay tự bao giờ, chúng tôi thấy vô cùng ái ngại. Ông nói chậm rãi, có phần hơi vất vả. Nhưng khi đọc chuyện "Hạnh Nhơn" của mình để minh họa cho bài giảng (ông đọc từ bản thảo viết tay - chứ không đọc bản đã in), ông bỗng trở thành con người khác.

Giọng ông tuôn chảy theo mạch ngầm hồi ức của một chàng trai tập kết nơi miền Bắc, nhớ về người con gái quê hương. Sau hơn hai mươi năm đằng đẵng cách xa, ngày giải phóng miền Nam, chàng trai ấy trở về, đi tìm người thân yêu cũ, nàng đã không còn. Nhưng, hình bóng người xưa lại hiện lên qua gương mặt của cô gái trẻ hôm nay - Hạnh Nhơn - đứa con của nàng với một người đồng đội đã hy sinh. Hạnh Nhơn đâu có biết, vì mối tình thầm lặng với người đi tập kết, mẹ cô khi còn sống, luôn vẽ nên trong tâm tưởng cô hình ảnh đẹp đẽ của một người cha đang sống nơi miền Bắc. Nay "người cha" đã trở về trong ngày vui hai miền thống nhất, cô gái nghẹn ngào cất tiếng gọi: "Ba!"

Chúng tôi lặng người vì xúc động. "Hạnh Nhơn" giản dị mà ám ảnh, day dứt. Nó không còn đơn thuần là câu chuyện về một mối tình. Nó là nỗi đau chia cắt hai miền, là tấm lòng thủy chung với Cách mạng, là sự cao thượng và nhân ái. Những điều lớn lao ấy chứa đựng trong một cốt chuyện không ly kỳ lắt kéo, trong những lời văn cũng giản dị như dòng chảy lặng lẽ của thời gian. Vậy cái ma lực làm rung động lòng người ở chỗ nào? Ở hồn văn Nguyễn Thành Long. Ông đã phả hồn mình lặng lẽ run rẩy trong từng câu chữ.

Nghe ông đọc "Hạnh Nhơn", tôi chợt nhớ một lần trên bục giảng, tôi đã đọc cho học trò nghe "Lão Hạc" của Nam Cao. Nhìn xuống, thấy cả lớp mắt đỏ hoe, có người sụt sịt lau nước mắt. Tự nhiên, tôi cũng không kìm được sự rưng rưng. Cần gì phải giảng thêm lời nào nữa, hỡi Nam Cao yêu mến. Trái tim ông đã thổn thức cùng lão Hạc mấy chục năm qua, giờ lại thổn thức trong trái tim của học trò tôi. Cái hạnh phúc của một đời văn, ít nhất Nguyễn Thành Long đã từng gặp một lần, như Nam Cao đã gặp.

Nhà tôi ở Thuận Châu, nằm dưới chân dãy Pu Luông và Khau Tú, ngược lên chút nữa là dãy Pha Đin. Từ Thuận Châu về Hà Nội chỉ có 343 cây số, mà thấy vời vợi nghìn trùng. Ở các nước văn minh công nghiệp, khoảng cách ấy chỉ như gang tấc. Lên Tây Bắc, là cả một hành trình gian khổ với bao đèo cao vực thẳm: "Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi. Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng" (Lên Miền Tây-Thơ Bùi Minh Quốc). Đất Điện Biên lịch sử "chấn động địa cầu" trong thơ Tố Hữu cũng xa vời như cổ tích: "Điện Biên vời vợi nghìn trùng. Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta".

Dấu ấn tâm lý của một dân tộc quen đi bộ đã in cả lên những câu thơ về những khoảng không gian ngắn ngủi. Dấu ấn ấy cũng in lên những trang "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long. Giữa mênh mông lặng lẽ của núi rừng, trên dải núi mờ sương có đặt đài khí tượng, chàng trai trẻ hàng ngày xuống vác gỗ chặn đường, dừng xe khách để có người trò chuyện dăm ba phút. "Lặng lẽ Sa Pa" kể về sự hy sinh thầm lặng, về nỗi cô đơn thèm khát tiếng người. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản ấy, với những chàng trai, cô gái miền xuôi lên Tây Bắc công tác, cao xa vời vợi làm sao.

Mười một năm ở Tây Bắc, tôi đã từng lang thang dọc nẻo đường biên giới, gặp những cô giáo miền xuôi một mình một bản, dạy dăm ba đứa trẻ áo chàm chân đất, quanh năm không gặp một bóng người Kinh, khi thấy tôi, các cô đã òa lên khóc. Họ đã để tuổi xuân trôi đi lặng lẽ ẩm mốc ở một góc rừng. "Lặng lẽ Sa Pa" đã nói được tiếng lòng của chúng tôi, tri âm với bao số phận đang bị chìm trong quên lãng. Vì thế, chúng tôi yêu văn Nguyễn Thành Long.

Giờ được gặp ông, thấy ông mỗi buổi chiều thường thơ thẩn đi bách bộ dưới hàng cây bạch đàn quanh nhà khách nông trường, lặng ngắm thảo nguyên Châu Mộc mênh mông, xa xa là những dải núi xanh mờ, có cảm tưởng cái lặng lẽ trong văn ông, cũng hệt như con người ông ngoài đời vậy.

Gần bốn chục cây bút của trại chúng tôi hầu hết là người miền núi. Đọc sách báo, biết tên tuổi nhau, nhưng chưa biết mặt, trại sáng tác trở thành ngày hội bạn bè, chẳng hôm nào chúng tôi không tụ tập nhau uống rượu. Nhà khách nông trường Mộc Châu ưu tiên bán cho chúng tôi toàn rượu Rum Cu Ba, uống thật đã đời. Mỗi người "đánh ngã" một chai mà vẫn tỉnh táo như thường. Chuyện văn, chuyện đời rôm rả. Xong rồi, ai ngồi vào bàn người nấy, viết thâu đêm suốt sáng. Không cuộc nào, chúng tôi không "kéo" các nhà văn phụ trách trại viết cùng vui. Nguyễn Thành Long đang bệnh, phải kiêng rượu, cũng không thể từ chối tham gia dự tiệc. Ông bảo ngồi với chúng tôi để vui lây cái vui của tuổi trẻ, để sống cùng khí thế say mê cầm bút hừng hực của chúng tôi. Ông lắng nghe chúng tôi đọc những bài thơ vừa sáng tác, những đề cương truyện ngắn đang ấp ủ.

Thật may mắn, trong thời gian dự trại, tôi được các nhà văn Nguyễn Thành Long, Mạc Phi, Hoàng Thao dành nhiều thời giờ đọc và góp ý hoàn thành bản thảo. Không phải vì các ông thiên vị, mà bởi các trại viên cầm bút viết văn xuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại hơn ba chục vị, từ các cây bút cao niên như Cầm Biêu, Lò Văn Cậy, đến các cây bút trẻ Lò Ngân Sủn, Bế Thành Long, Triệu Thị Mai... đều sinh hoạt ở tổ thơ. Tâm hồn người miền núi gần gũi với thơ hơn. Văn xuôi miền núi đang ở thời kỳ chập chững. Đọc những trang văn xuôi chúng tôi viết, Nguyễn Thành Long khen lớp trẻ bây giờ được học hành cơ bản hơn lớp trước. Nhưng từ ưu thế ấy, nhiều người mắc cái tật, đọc được một ý hay hay trong sách báo, lập tức dùng ý tưởng đó dựng thành truyện ngắn của mình. Truyện ngắn trở thành công cụ minh họa cho những tư tưởng vay mượn bất chợt, chứ không phải xuất phát từ những rung động, những bức xúc của cuộc đời thực, vì thế văn họ không có hồn, không làm người đọc rung cảm thực sự với từng số phận trong trang viết.

Bàn về chuyện văn chương, Nguyễn Thành Long sôi nổi hẳn lên. Chỉ nhìn riêng gương mặt của ông, không ai bảo đó là một ông già ốm yếu. Ở ông, vầng trán cao với đôi mắt sáng, sinh động, miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười thật hiền hậu, tạo cảm giác dễ tin yêu, có thể bộc bạch tâm sự với ông không hề e dè, ngượng ngập. Tôi tin con người ấy không thể có ác ý, không thể hại ai trong cuộc đời mình. Vốn mê chuyện tướng số, bói toán, nhân lúc vui chuyện, tôi đề nghị ông cho xem chỉ tay. Không nhớ rõ, lúc uống rượu tôi đã "phán" những gì. Cũng không biết ông có tin hay không, chỉ thấy ông tủm tỉm cười.

Cũng ngay trong năm ấy, tháng 8/1985, nghỉ hè, tôi về Hà Nội và ghé thăm ông.

Vừa gặp tôi, ông hỏi ngay:

- Truyện ngắn của Thủy vừa mới in, đã đọc chưa?

Ông chìa cho tôi tờ báo Văn Nghệ, số kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám. Tờ báo còn thơm mùi mực. Tôi vừa về Hà Nội, chưa kịp biết truyện của mình đã được in. Ngỡ tưởng giao nộp bản thảo cho cán bộ phụ trách trại viết, người ta chỉ đem về lưu trữ. Từ trước tới nay, tôi mới chỉ in thơ và một vài truyện ngắn trên Văn nghệ Sơn La và Lai Châu. Lần đầu tiên, được giới thiệu trên Văn Nghệ trung ương, lòng tôi xốn xang, đọc say mê ngốn ngấu. Đọc xong, lại còn đưa tờ báo lên ngửi mùi mực thơm ngây ngất.

Chờ cho tôi đọc xong, ông bảo:

- Truyện "Tình yêu của Vạt" của Thủy xuất sắc nhất trong số văn xuôi của trại. Bọn mình chọn giới thiệu với báo Văn Nghệ để in. Thú thực, đọc bản thảo, đến khi báo in ra, đọc lại mình vẫn còn xúc động. Thủy viết về miền núi giỏi quá, nhất là đoạn trai gái tỏ tình với nhau bằng "pí-pặp". Không uổng những năm sống với núi rừng Tây Bắc. Nguyên Ngọc cũng rất khen những truyện của Thủy viết về Tây Bắc. Miền núi là "đất" của ông ấy mà.

Tôi như lâng lâng ở trên mây. Được các bậc thầy trong nghề truyện ngắn khen, sao lại không sướng được? Giờ đây, đọc lại "Tình yêu của Vạt", chính bản thân tôi cũng còn xúc động rưng rưng, không hiểu sao ngày ấy mình lại viết được như thế. Lời khen của ông dành cho tôi, đâu phải là lời động viên xã giao. Ông vốn là người kỹ tính, khắt khe trong nghề cầm bút.

Vui chuyện, ông kể tên những cây bút trẻ của cả hai miền vừa dự thi tuyển vào Trường viết văn Nguyễn Du khóa 3. Ông được mời trong Ban giám khảo chấm thi truyện ngắn. Không ít những trường hợp ông phân vân trước khi hạ bút: Cho đỗ hay không?

- Một cô ở đồng bằng Nam Bộ ra dự thi, là vợ của một nhà văn trẻ. Mấy người lưu ý mình chấm cho cô ấy đỗ. Nhưng cô ấy viết dở quá, không có hồn, không thể cho điểm trung bình được. Người ta có thể dạy nhau nhiều thứ, nhưng không thể dạy nhau có tâm hồn.

Ấy thế mà có lần, ông cũng phải nhân nhượng để luật đời lấn át luật văn. Ông tặng tôi tuyển tập “Truyện ngắn Việt Nam” 1945-1985 mà ông tham gia tuyển chọn (giá của tập sách lúc bây giờ, so với mức lương, những người yêu văn phải băn khoăn lắm mới dám "dứt ruột " rút tiền ra mua). Tôi bảo:

- Em thấy có một số truyện hơi nhạt. Không hiểu sao các thầy cũng tuyển.

Ông trầm ngâm:

- Không phải nhóm tuyển chọn chúng mình không biết điều đó. Nhưng đây cũng là chuyện "tế nhị" nữa. Ngoài tiêu chí văn học là số một, giới thiệu văn học cách mạng mấy chục năm qua, còn phải cân nhắc lựa chọn tác giả đại diện cho từng miền, từng vùng đất, đại diện của thế hệ trước, đại diện của lớp giữa và lớp trẻ. Cái khổ của người tuyển là vừa phải dựa theo tiêu chí văn học, lại vừa làm công tác mặt trận nữa.

Mười năm sau, khi cùng Nguyễn Đình Chiến làm tuyển thơ "Những nẻo đường xứ tuyết", tập hợp những sáng tác của các Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, tôi mới hiểu và thông cảm với mối khổ tâm ngày đó của ông. Văn và đời, thực khó mà tách bạch.

Có thể nói, năm 1985 là năm tôi có nhiều niềm vui và có duyên gặp gỡ với ông. Tại Đại hội những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3 (tháng 12), ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trò chuyện. Người ta ồn ào vui vẻ rủ nhau chụp ảnh chung lưu niệm, riêng ông thường hay lánh và kéo tôi ra một góc trong những giờ giải lao, hỏi chuyện về Tây Bắc.

- Nếu Thủy quyết tâm theo nghiệp sáng tác, nên tìm cách về Hà Nội, - ông bảo tôi. - Mỗi người viết cần có một vùng đất của mình, nhưng cũng không nên ở lâu quá, nó cùn mòn đi. Tích lũy vốn sống Tây Bắc hơn chục năm như thế là đủ rồi. Cần phải thay đổi môi trường, để từ xa nhìn về Tây Bắc, có khi viết lại hay hơn. Hà Nội là cái nôi, là trung tâm văn hóa, có nhiều điều kiện học hỏi, giao lưu và in ấn. Ngay như mình, Tỉnh ủy hứa về quê sẽ cấp ngay cho nhà cửa đàng hoàng, nhưng mình vẫn chẳng muốn rời Hà Nội.

Nghe lời khuyên của ông, năm 1988, tôi về Hà Nội học Sau đại học, với mục đích chủ yếu là được "chuyển vùng". Căn nhà trên gác hai - số 9 phố Dã Tượng của ông, trở nên thân thuộc với tôi. Thường chỉ có hai thầy trò ngồi đàm đạo (tôi vẫn gọi ông là thầy, ngay từ buổi học đầu tiên ở Mộc Châu). Vợ ông là bác sĩ, ít khi có nhà. Cô con gái đầu - Quê Hương - đã lấy chồng ra ở riêng, thỉnh thoảng mới về thăm. Cô gái út - Hoa Hồng - đang là sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Có hôm chủ nhật cả nhà đông đủ, cả hai cô gái cũng xen vào bàn chuyện văn chương với chúng tôi. Thấy hai cô sắc sảo văn chương, tôi thắc mắc:

- Thầy có hai cô con gái giỏi văn, sao không có cô nào nối nghiệp?

Ông trầm ngâm:

- Mình theo nghiệp văn, thấy khổ lắm rồi, không muốn cho chúng nó dẫm theo vết của mình. Cả hai đứa, mình đều hướng cho đi ngành Vật lý. Có bằng đại học, có nghề nghiệp ổn định rồi, đứa nào muốn viết, cũng chưa có gì là muộn.

Ngày xưa nhà thơ Xuân Diệu có lúc thốt lên: "Nỗi đời cơ cực giơ nanh vuốt. Cơm áo không đùa với khách thơ". Tôi hiểu ông không muốn cho các con nối nghiệp không chỉ vì sợ cảnh nghèo (ông chỉ được phân có một buồng trong khu biệt thự từ thời Pháp để lại). Những cái án văn chương của thế hệ ông, của chính ông mấy chục năm về trước vẫn còn ám ảnh.

Bệnh run tay của ông ngày càng nặng, khó cầm bút viết. Một lần, ông đưa cho tôi xem bản thảo truyện ngắn, chữ loằng ngoằng, khó đọc:

- Truyện này mình viết lâu rồi. Dạo này muốn viết gì, phải đọc cho Hoa Hồng chép lại. Thủy đọc xem sao.

Truyện của ông thuần là những lời đối thoại, khác hẳn những truyện đã viết trước đây. Thì ra, ước vọng đổi mới không chỉ có ở lớp trẻ chúng tôi. Ước vọng là một chuyện, còn thành công hay không lại là chuyện khác. Thú thực, thử nghiệm đổi mới của ông không gây ấn tượng lắm đối với tôi. Tôi yêu những truyện dạng "Lặng lẽ Sa Pa" và "Hạnh Nhơn" của ông hơn. Nhiều lúc tôi cứ ước, mình viết được hai truyện "để đời" như ông là mãn nguyện lắm rồi. Sự nghiệp của ông không đồ sộ với những chồng bản thảo cao quá đầu người, nhưng ông vẫn thực sự là bậc thầy trong làng truyện ngắn.

Ngoài căn bệnh run tay, Nguyễn Thành Long còn một căn bệnh nan y khác. Ông bảo bác sĩ nghi ông đau bao tử. Nhiều lúc ông phải nằm ôm bụng cả ngày. Nghe nói dạ dày nhím ngâm với mật ong chữa được, nghỉ hè tôi lên Tây Bắc mang về biếu ông làm thuốc, cũng không thấy khỏi. Lại nghe mọi người nói, có thể ông bị ung thư (chưa bao giờ tôi thấy ông nhắc đến từ này). Ông được sang Cộng hòa Dân chủ Đức trị bệnh, sức khỏe có khá hơn chút ít.

Một buổi trưa đến thăm Nguyễn Thành Long, ông đưa cho tôi đọc mẩu thông báo in trên tờ Nhân Dân:

- Thủy đọc đi, có thông báo Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển người đi học Trường Viết văn Gorki ở Liên Xô. Chỉ tiêu Trường Gorki nhận 6 người. Họ đã thi tuyển đợt một, chọn được ba người rồi. Sắp tuyển đợt hai đấy. Thủy có dự thi không?

Tôi cười:

- Em chưa bao giờ nghĩ mình có số xuất ngoại. Chắc gì đi thi đã được.

- Cứ mạnh dạn thi đi. Truyện ngắn của Thủy, mình đã đọc nhiều, đi thi chắc chắn sẽ đỗ.

Cuộc đời có nhiều sự ngẫu nhiên, thay đổi có tính chất bước ngoặt đối với một đời người. Không hẹn mà gặp, sau khi dự trại sáng tác, nhờ sự khích lệ của thầy Nguyễn Thành Long và Mạc Phi, từ một người chuyên nghiên cứu văn học dân gian Thái, thỉnh thoảng viết một bài thơ, truyện ngắn chơi, tôi nảy sinh ý định "chuyển nghề" bằng truyện ngắn. Nếu không tình cờ ra thăm Nguyễn Thành Long đúng dịp Trường viết văn Nguyễn Du tổ chức thi tuyển, không được sự khích lệ của ông, có lẽ đến giờ tôi chưa được biết thế nào là nước Nga, chưa hiểu hết tầm của nền văn học Nga vĩ đại.

Ngẫm kỹ, cái tình cờ ngẫu nhiên ấy cũng không nằm ngoài cái tất yếu của số phận đời người. Sẵn có tâm hồn yêu văn chương, mê văn Nguyễn Thành Long, được gặp gỡ ông, trở nên gắn bó sâu nặng tình thầy trò. Gặp gỡ, thân quen đến lúc chia tay ông, chỉ có 5 năm (1985 - 1990) mà ông để lại trong tôi những dấu ấn sâu đậm, không thể nào quên.

Cuối tháng 8/1990, trước khi sang Nga, tôi đến chào từ biệt thầy. Thầy đang nằm ôm bụng vì cơn đau, vẫn gắng ngồi dậy tự tay pha trà. Bàn tay thầy run rẩy trao chén trà cho tôi, khiến tôi rưng rưng xúc động.

Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp thầy. Năm 1991, nhà thơ Trần Đăng Khoa về nghỉ phép sang, báo với tôi nhà văn Nguyễn Thành Long đã mất. Tôi lặng người đi khi nghe tin ấy.

Từ ngày đó, do hoàn cảnh riêng, tôi chưa có dịp về Hà Nội. Tôi luôn tâm niệm, ngày nào đó trở về, việc đầu tiên, tôi sẽ đến viếng mộ thầy, thắp nén hương tưởng nhớ đến Người, ân nhân của đời tôi.

                                               Matxcơva 18/08/1997