Như Bình xuất hiện giữa thế giới của tôi với mái tóc đen thẫm, dày mượt, tràn đầy nội lực, như kiểu một kí tự đàn bà huyền bí, đôi mắt biết nói, trong sáng, thẳm buồn và sự ấm áp, chân thành.


BỨC BÍCH HỌA ĐÀN BÀ QUÁ ĐỖI...

NGUYÊN TÔ

Như Bình vốn dĩ là một nhà văn, nhưng chị lại gắn bó với nghề báo, dễ chừng 20 năm. Tên tuổi chị gắn với những tờ báo của ngành Công an, như tờ An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, và Văn nghệ Công an, toàn những tờ báo nổi danh trong làng báo chí. Một thời có những độc giả hâm mộ chị, chỉ mong chờ tờ An ninh thế giới Tháng để đọc những chân dung văn học của chị, và đặc biệt là chuyên mục nức tiếng “Những chuyện khó tin nhưng có thật” do chị chủ bút. Vai trò nào, nhà văn hay nhà báo, Như Bình cũng tròn vai và để lại dấu ấn cá nhân rõ nét. Một nhà văn thành công trong báo chí ở làng báo như chị cũng không hẳn là quá nhiều.

Nhà văn Như Bình trong vòng tay các đồng nghiệp thân thiết.


Thế nhưng với tôi, đọc, gần và hiểu rồi cảm Như Bình, tôi thấy chị sinh ra để nghệ thuật tìm đến, còn chị thì đi tìm kiếm để nâng niu và hàn vá những mảnh vỡ thân phận, để dâng cho đời một vẻ đẹp lành lại. Những cuộc đến, đi trái chiều ấy làm nên người đàn bà viết Như Bình. Để đến hôm nay, ở chị một bến dừng đã neo đậu hồn chữ và hồn người. Từ một cô gái trên cột sóng Đài phát thanh và truyền hình Hà Tĩnh đến một nhà văn, nhà thơ, nhà báo ở báo Văn Nghệ Công An, Như Bình vẫn giản dị, hồn hậu và chân thành như thuở ban đầu. Dù rằng để trụ lại và tỏa sáng được ở chốn Kinh đô nghệ thuật của cả nước, chị đã phải băng qua bao thử thách khắc nghiệt của nghề nghiệp, cả những khoảng vỡ tâm hồn, mà với chị đó là một sự mất mát. Có không ít lần chị thấy như bị dẫn dụ vào giấc miên du, ở đó chị gặp những miếng đời bị xắt ra từ đám đông, cả rực rỡ và tàn phai, lấp lánh cũng như u uẩn. Như Bình thấy mình lẫn vào đó, mài dịu vuốt sắc, khởi lên ánh sáng từ xó tối, với chị, khai sinh những đứa con tâm hồn của chính mình hay chuốt lại tác phẩm của người khác (nhiệm vụ của một Tổng thư kí tòa soạn) đều là sự sáng tạo. giấu đi cái tôi của mình, chạm trổ chân dung của người khác, ấy là sự hy sinh và phẩm chất của một người đàn bà đậm đặc chất miền Trung như chị.

Tôi biết đến Như Bình từ rất lâu, khi say mê đọc chị, qua chân dung, hóng sự và cầm Chuyên mục: Những chuyện khó tin nhưng có thật trên Báo An ninh Thế giới cuối Tháng…Rồi Như Bình xuất hiện giữa thế giới của tôi với mái tóc đen thẫm, dày mượt, tràn đầy nội lực, như kiểu một kí tự đàn bà huyền bí, đôi mắt biết nói, trong sáng, thẳm buồn và sự ấm áp, chân thành. Chị đã trám vào những khoảng thẫm mặn đời tôi, dù cho đêm đêm, tôi táng mình trên đỉnh hoang vu, gió gào gọi từ tứ phía, thì tôi vẫn bám vào bàn phím. Như Bình truyền cho tôi niềm tin vào bản thân, niềm vui khi mỗi trang viết của tôi chạm được vào ai đó, dù chỉ là tơ tóc. Như Bình dẫn tôi đến với một thế giới khác.

Chị đã viết nên những câu chuyện tiểu thuyết hơn cả tiểu thuyết nhưng vẫn thuyết phục được bạn đọc tin rằng, đó đâu trong cuộc đời những con người ấy đã sống và tự bước vào đời sống văn chương của Như Bình, để được chị vỗ về. Mà cuộc đời có trước văn chương, bởi thế Như Bình tựa hồ như sống bao nhiêu cuộc đời. Chị đã trở thành một nhà văn đích thực, đúng nghĩa, để mở hồn ra lắng nghe, đón nhận những dư vang của hiện thực, đưa nó hiển hiện sống động đến độ, con người thật như đang cựa quậy trên trang viết của chị. Để thấy chị đã tâm huyết và chăm chút như thế nào cho đứa con tinh thần của mình.

Ngoài xã hội, trong công việc, Như Bình mang gương mặt của một nhà văn, nhà báo, nhà thơ nhưng khi trút bỏ những tấm áo ấy, chị lại là một người phụ nữ của gia đình, tảo tần bếp núc, chi chút cho chồng con. Đôi khi tôi tự hỏi, đôi vai nhỏ bé của chị đã gánh vác nặng nề đến nhường nào những thiên chức ấy. Có khi, nửa đêm, tôi bị dựng dậy bởi cuộc gọi của chị. Như Bình sửa và uốn cho bài viết của tôi nghiêm ngắn, chỉn chu. Tôi hiểu, không chỉ mình tôi được gọi dậy lúc đêm sâu như thế. Chị đã vắt mình trong sáng tạo, rèn cặp, chỉ lối để bao bạn viết đi đúng đường và ngày một trưởng thành. Như Bình là thế, sống với triết lý sáng tạo cao thượng. Chị đã xẻ mình ra để sống trong bao ngòi bút…

Như Bình là người lánh xa những tiệc tùng văn chương, những nơi huyên náo danh ảo. Thời gian ấy chị nhẩn nha, thẩn thơ trên lối riêng của chính mình. Có đôi khi chị tìm thiền trong tranh. Đã có một Như Bình họa sĩ, cây cọ đưa chị đến với một đời sống riêng. Tôi thích ngắm tranh chị ở đề tài thế sự. Mỗi bức vẽ là một câu chuyện đời sống, một thân phận, một ngổn ngang, một ưu tư của người đàn bà sâu vào nghệ thuật để sáng tạo và cất giữ những nỗi riêng tây. Những mảnh của đời sống và nét người xôn xao hay bình lặng trên toan, nói với tôi về một tâm hồn đắm đuối trong thế giới của toan, cọ lẫn sắc màu. Tranh là người, tranh là đời, Như Bình vẽ khác nhưng lại họa chính mình, chất chứa muộn phiền, nhẹ nhõm, nhen lên những ngọn lửa ấm để chia bớt những gánh nặng trong cuộc mưu sinh nhọc nhoài, để người gần người hơn.

Nhà văn Như Bình và các con.


Đẹp trong hội họa và đổi mới trong thơ, Như Bình tìm đến lối biểu đạt mới, có cả yếu tố siêu thực, tượng trưng với nỗ lực cách tân chính mình, để góp một tiếng nói mới vào thơ ca Việt Nam đương đại. Như Bình truyền thống đấy mà không kém táo bạo trong ngôn từ. Chị là người đàn bà đẹp, thơ chị đã đạt thứ nhan sắc của cảm xúc. Từ ngôn ngữ ảo diệu, là nơi gặp gỡ của thơ, nhạc, họa, khiến người đọc nhẩn ngơ bởi thảm lá vàng “hoai mục”, hay sững sờ trước sự tuẫn tiễn trung trinh của em “an táng vầng trăng trong bầu ngực”. Thơ chị đẹp cả trong nỗi buồn đau, mất mát. Và có khi những phút tự cảm khiến chị run rấy lên cơn sốt khi trở về với ngôi nhà số 4- Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nơi đầu tiên đón bước chân cô gái tỉnh lẻ đến với “ngôi đền thiêng”.

“Chúng ta đã vắng xa nhau quá lâu đến nỗi phiến đá trên con đường cũ đã trở lại màu rêu nâu như ngày đầu em đặt chân

đến nỗi cánh cửa gỗ thẫm màu hắt ánh sáng mỗi ngày chợt bừng lên sắc vàng kì lạ

và góc vườn cũ năm xưa cây thay áo bật mầm.

Chúng ta đã không lời từ biệt nhau

chúng ta bặt nhau quá lâu không rõ vì sao

chúng ta đánh rơi cái kí ức sáng rỡ trong đám bụi lãng quên

trong mọt giấy rơi ra từ kẽ pho sách mục

sự lãng quên trùng kiếp”

(Chúng ta đã vắng xa nhau)

Để rồi cũng chính tại bậc thềm đã in dấu bao thế hệ viết gạo cội ấy, Như Bình đã chọn một con đường khác, đến với tờ báo An ninh Thế giới, rồi phụ trách Chuyên đề Văn nghệ Công An. Chị đã bỏ lại bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tận tụy, cả những ngổn ngang phận người giữa một xã hội mà cái gông hủ nho tròng lên cổ người đàn bà đã thấm máu bao thế hệ.

Thơ Như Bình đến đây bình lặng trong từng sát na. Ngõ hầu tâm hồn chị đã lãnh đạm, an nhiên với bao sục sôi cơn cớ, nhưng không, khi đọc, tôi vẫn thấy từng lớp, từng lớp sóng cồn. Dưới mặt nước ao xuân phẳng lặng kia, lớp bùn vẫn ngấu lên mùi năm tháng, màu mắt ưu tư của người phụ nữ viết, phải sống trong bao thân phận mà có đôi khi chị tự hờn tủi đến bàng hoàng rằng chị đã dám đi hết nông sâu bản mệnh mình chưa, hay phải ru ngoan khát khao rất đỗi đàn bà để vừa vặn trong căn bếp gia đình? Đã là nghệ sỹ, thì cắc cớ hay cô đơn là bản năng rồi. Lý gì chị phải từ bỏ máu thịt của mình. Bởi thế, đọc chị, nể phục, yêu thương và tôi vẫn thấy xót xa.

“Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh/ thật ra em rất cô đơn/ con thú hoang trong em rủ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng/ gục đầu thú tội/ Em không thể chạy đến tìm anh để ngã vào cô đon thêm một lần nữa” hay “Thành phố này đến cái cây cũng chẳng được tự do xanh/ Cây đau đớn chịu hành hình để sống/ Em thương những cái cây trên phố chật đông người. Cây thương em như thương một tuyệt vọng”.

Như Bình là một người đàn bà mơ mộng. Chắc chắn không mơ mộng chị không thể viết ra được những câu thơ hay ngạc nhiên. Nhưng dù mơ mộng, dằn vặt, cuối cùng chị vẫn là người đàn bà biết giáu đi n hững khao khát dày vò, đẻ rồi tự ru mình bằng những thanh âm lành cho đời.

“Em về ngủ giữa sen trắng

Mộng bình yên một đoá thôi

Ru em một hương thơm nắng

Ngắm em một mảnh gương trời

Hồn em về trên sen trắng

Đậu vào một đoá tường vân

Thở vào thở ra tan biến

Hoá em một thanh âm lành”

Trong lý thuyết sáng tạo, người ta cho rằng, nghệ sỹ và người điên chỉ cách nhau trong tơ tóc. Là nghệ sỹ, Như Bình không đi ngoài quy luật ấy. Nên trước đó chị lao vào viết như trong cơn cuồng bản năng, nhưng sau này, với chị, nhiều khi không viết cũng là một giá trị hạnh phúc. Không viết đôi khi còn đau hơn viết. Bởi khi đặt bút, con chữ đã nói hết rồi. Chị giữ lại cơn đau bản năng, không khai thác bản thân. Chị quý báu những mạch nguồn đó, như giữ những gầu nước nơi giếng khơi. Chị có thể gàn dở đến mức hâm. Nhưng thế mới là chị, đôi khi kiêu ngạo đến bất cần. Chị cứ âm thầm như bông hoa, đâu cần một mảnh vườn để dung thân mà náu vào khe sâu. Thì vẻ đẹp cương cường nhưng rất đỗi mong manh của nó cũng đủ làm tan chảy vách đá trong một khoảnh khắc.

Ở góc nhìn này, tôi thấy chị như một đóa hoa triêu nhan, mà người Nhật Bản gọi bằng nhiều cái tên gợi cảm như “kim tuyến của ban mai”, “trăng lúc chiều tà”, hừng lên sắc màu sự sống từ mạch nước giếng nguồn trong veo. Thân hoa mảnh mai trong bất tận sao mai, sao hôm, chia sức sống của mình cho tất cả. Băng qua nhiều gió táp, mưa sa chốn hồng trần. giữa những ồn ào, tấp tểnh đua tranh, vẫn thinh lặng mà an nhiên ngắm nhìn, ngẫm ngộ về tất cả…

Đi giữa đôi bờ nghệ thuật và đời thường, Như Bình chính là một đóa nhan kiêu, rạng rỡ và u hoài. Mỗi lĩnh vực sáng tạo của chị là một góc người. Thơ có lẽ là nơi chị trải bày nhiều hơn cả trong nỗi bản năng đàn bà quẫy đạp. Thơ là cuộc vong thân để chị lột bày bức chân dung tinh thần của mình. Thì hội họa lại là một phép thiền tâm với những nét cọ mềm trên toan, sống động như xắn ra từ từng miếng đời. Mỗi bức vẽ là mỗi câu chuyện cõi người. Về truyện ngắn, cái tên Như Bình đã được định danh. Và trong công việc Thư kí tòa soạn làm nội dung tờ báo, chị mới là người sáng tạo đúng nghĩa, luôn trăn trở, lo âu với sinh mệnh của bao ngòi bút và danh dự, sự mực thước, nghiêm cẩn.

Tôi bao lần băn khoăn tự hỏi, tại sao có nhiều thứ trong một Như Bình đến thế. Tài hoa và xinh đẹp, trách nhiệm, ân nghĩa, đủ đầy lộng lẫy, nên số phận ban cho đôi khúc ba đào để trì níu và dày vò, để bắt chị phải ứa não nùng, cho thỏa oán đố chăng? Tôi không dùng từ “viên mãn” trong nghệ thuật, bởi đó chính là cái chết về mặt tinh thần của người sáng tạo. Vì nước mắt hay thiếu hụt lại là một gương mặt khác của hạnh phúc, vì nó mà con người nâng niu phút giây an nhiên và không nguôi khát vọng. Nghệ thuật hay người nghệ sỹ đều mang thân phận. Như Bình là bức bích hoa đàn bà quá đỗi. Để tôi nhìn ngưỡng, trân trọng, và yêu thương, xa xót cả những khúc yếu hờn, day dứt của chị.

 

Nguồn: Văn Nghệ