Hạnh phúc của một con người không chỉ đến từ việc có điểm IELTS cao, mà còn đến từ tình yêu và sự thấu cảm với cuộc sống muôn màu. Nhưng tại những nơi mà người ta có thể bồi đắp điều đó, bạn sẽ rất khó bắt gặp một ông bố đang dắt con đi và chỉ vào những điều đẹp đẽ.


MỘT THỰC THỂ KINH TẾ

ĐỨC HOÀNG

Việt Nam có lẽ là quốc gia hiếm hoi trên thế giới mà người ta có thể vi phạm pháp luật để được dạy và học.

Đã hơn 10 năm kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2012 để quy định về việc cấp phép dạy thêm. Và cũng suốt 10 năm đó, không lúc nào báo chí ngừng phản ánh về tình trạng “dạy thêm chui”. Một người bạn nước ngoài nào đó có thể sẽ kinh ngạc nếu biết rằng ở Việt Nam, một trong những dạng vi phạm pháp luật phổ biến nhất lại đến từ hành vi dạy và học (kiến thức trong nhà trường).

Và dù mỗi bên, từ thầy cô, đến học sinh và phụ huynh sẽ có những biện hộ khác nhau cho tình trạng này – có một nguyên nhân không thể chối bỏ: một cuộc đua thi cử, để vào trường tốt, lớp tốt, hay ngắn gọn là điểm số tốt.

Đó là một áp lực phổ biến tại các quốc gia châu Á. Thậm chí quốc gia châu Á càng giàu có, áp lực học thêm càng nặng nề. Tại một trung tâm thương mại của Singapore, bạn có thể bắt gặp một trung tâm dạy thêm khổng lồ chiếm nguyên một tầng tòa nhà, với những biển quảng cáo khiến một bậc phụ huynh Việt Nam tham vọng nhất cũng có thể rùng mình: dạy cho trẻ biết đếm qua 1.000 điểm, biết cộng trừ nhân chia, tính tiền và biết đọc biểu đồ, bản đồ… trước khi vào lớp 1. Trong hình minh họa, là những em bé mẫu giáo mặt phúng phính đang thao tác với các mô hình trò chơi đầy số.

Một giáo sư kinh tế giải thích cho tôi: đó là một mô hình khép kín cho nhiều bà mẹ Singapore. Họ sẽ đưa con đến các lớp học thêm, sau đó đi lên các tầng khác để shopping, đi spa hoặc tập gym chờ đến giờ đón con về.

Nhưng câu hỏi đặt ra: đó có phải là kiểu sinh hoạt gia đình mà xã hội Việt Nam đang hướng tới?

Khi một cuộc đua được phát động, nó sẽ tạo ra cảm giác con bạn bị tụt lại – và động lực đầu tư thêm để con không tụt lại trở nên không thể cưỡng nổi. Ngay cả khi những kiến thức, kỹ năng được đầu tư trong các lớp học thêm, các trung tâm vượt qua cả đòi hỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bậc cha mẹ cũng khó lòng ngừng lại: vấn đề là con mình đang thua các bạn khác. Và điều đó hàm chứa nguy cơ chúng sẽ tụt lại trên đường đời sau này. Trong tư cách một thực thể kinh tế.

Nhà trường không yêu cầu một đứa trẻ biết đánh vần trước khi vào lớp 1. Chỉ là con bạn đang thua trong cuộc đua đó. Nhà trường không yêu cầu một trình độ tiếng Anh đến tận 6.0 IELTS khi mới lên trung học cơ sở. Chỉ là hầu hết các bạn xung quanh con đều đang có trình độ đó. Nhà trường cũng không yêu cầu một đứa trẻ biết lập trình ngay từ tiểu học. Nhưng cảm giác mà thời đại này tạo ra cho chúng ta: có thì vẫn tốt hơn.

Nhiều thứ có thể bị bỏ qua khi ta nuôi dạy những đứa trẻ trong tư cách một thực thể kinh tế thuần túy. Ngoài việc kiếm tiền, chinh phục các mục tiêu vật chất hay vị thế xã hội, con người còn có thể thu hái hạnh phúc của mình thông qua những hoạt động phức tạp khác. Đó cũng là thứ cần được dạy, nhưng thường xuyên không được dạy.

Những bảo tàng Mỹ thuật vắng tanh ở hai đầu đất nước – hoặc chỉ có những cô gái và chàng trai đang mượn không gian kiến trúc để chụp các tác phẩm đăng trên mạng. Những trung tâm hoạt động thiên nhiên chỉ dám đặt mục tiêu tuyển được 50 người cho một cuộc ngoại khóa trong rừng quốc gia. Và ngay gần nhà bạn thôi, luôn là những công viên đông người già hơn trẻ em.

Hạnh phúc của một con người không chỉ đến từ việc có điểm IELTS cao, mà còn đến từ tình yêu và sự thấu cảm với cuộc sống muôn màu. Nhưng tại những nơi mà người ta có thể bồi đắp điều đó, bạn sẽ rất khó bắt gặp một ông bố đang dắt con đi và chỉ vào những điều đẹp đẽ. Một bức tranh, hay một cái lá, và những con giun đất – một con người cần được dạy cách cảm thụ vẻ đẹp của chúng. Thứ này, nếu tồn tại trong xã hội, thường được đóng gói thành một bộ sản phẩm giáo dục (giáo trình Montessori) và việc của phụ huynh là trả tiền. Và nó cũng chỉ hay xuất hiện ở cấp mẫu giáo. Khi đã bắt đầu vào nhà trường phổ thông, nhiệm vụ chính yếu của những đứa trẻ này là chinh phục các thang điểm số. Một thực thể kinh tế thuần túy.

Điều kỳ lạ là ở khắp nơi trên mạng, bạn có thể bắt gặp một người lớn đang ca ngợi sự giao cảm với thiên nhiên, những chuyến đi, nhìn ngắm thế giới, hay những chuyến từ thiện giàu lòng thấu cảm với số phận con người. Ai cũng biết rằng những thứ đó mang lại hạnh phúc. Nhưng nó có vẻ chỉ là đặc quyền của người lớn – những người lớn đã tạm ổn với vai trò kinh tế của mình. Kịch bản dường như tương đối rõ ràng: học – học thêm – lấy điểm cao – đỗ đạt – kiếm ra tiền – rồi hãy bắt đầu học cách yêu cuộc sống.

Tại Hà Nội, việc tìm một trung tâm dạy trẻ về thiên nhiên không dễ dàng. Chúng mới bắt đầu xuất hiện, và số lượng có lẽ bằng một phần trăm các trung tâm về toán và một phần nghìn các trung tâm tiếng Anh. Đó là thiên nhiên, còn tìm một khóa tình nguyện được thiết kế bài bản, để các con được đi, được gặp gỡ và yêu thương thêm cộng đồng, thì tuyệt vọng. Các khóa này, nếu có, thường được thiết kế vào mùa hè (cho dù thật ra 2 ngày cuối tuần luôn là đủ cho nhiều hoạt động). Chúng mang ý nghĩa ngặt nghèo của “ngoại khóa”, của thứ có thì tốt không có thì thôi không hại gì.

Và khi mà không có trung tâm, không có sản phẩm được đóng gói để cha mẹ mua luôn, thì công viên và bảo tàng vẫn đông người già hơn trẻ con.

Có lẽ sự giàu có của một quốc gia, không thể hiện ở số lượng trung tâm tiếng Anh, mà ở số lượng trung tâm “ngoại khóa”. Vì nghĩ lại, có vẻ việc biết yêu thương cuộc sống mới là chính – còn toán và tiếng Anh mới là thứ có thì tốt, không có thì ta có thể tìm hạnh phúc theo nhiều cách khác.

 

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng