Cuốn sách “Đi tìm một vì sao” xuất hiện khi tác giả Phạm Quang Nghị ở tuổi 73. Ở độ tuổi ấy, Nguyễn Công Trứ tự trào “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam”, còn Phạm Quang Nghị bình thản “đi tìm một vì sao” của riêng ông.


Gần 650 trang của cuốn sách “Đi tìm một vì sao” mà tác giả Phạm Quang Nghị muốn “tự kể chuyện mình” hoàn toàn không dễ viết ra. Bên cạnh sự cân nhắc độ dày, còn phải cân nhắc độ nóng của cuốn sách. Bởi lẽ, tác giả Phạm Quang Nghị được xếp vào hàng chính khách Việt Nam, chức vụ cuối cùng khi ông rời quan trường là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Công chúng dĩ nhiên tò mò về cuốn sách “Đi tìm một vì sao”, phần lớn vì tò mò thân phận tác giả. Đành rằng, tâm niệm “tự kể chuyện mình”, nhưng kể ra không tránh khỏi vướng mắc với người khác. Vậy mà, tác giả Phạm Quang Nghị vẫn kể được, kể một cách rành mạch, kể một cách thuyết phục.

Tự truyện của chính khách, phần lớn do nhà văn hoặc nhà báo chấp bút. Tuy thuận tiện hơn cho chính khách, nhưng lại không dễ kiểm soát chi tiết và sự vận hành câu chuyện. Tác giả Phạm Quang Nghị sau khi tốt nghiệp khoa lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tham gia lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, nên ông đủ tự tin để viết “Đi tìm một vì sao” theo kiểu riêng mình.

Bằng giọng kể nhẹ nhàng, cuốn sách “Đi tìm một vì sao” chia làm 3 phần: “Lớn lên bên dòng sông Mã”, “Chào mẹ con đi để được làm người” và “Những chuyện đã qua”. Sinh ra và lớn lên ở làng Hoàng (Yên Định, Thanh Hóa) nhiều gian khổ, tác giả Phạm Quang Nghị không chỉ đi qua chiến tranh mà còn có cơ duyên đảm đương các chức vụ quan trọng. Sự trải nghiệm của tác giả Phạm Quang Nghị đã chia sẻ cho công chúng nhiều tư liệu quý giá thời bạn bom khốc liệt với “Đi dọc Trường Sơn”, “Về miền Đông Nam Bộ”, “Ngày ấy, Tây Ninh”, “Nỗi nhớ Sài Gòn”. Và sự trải nghiệm của tác giả Phạm Quang Nghị cũng hé lộ cho công chúng nhiều tình huống công sở thú vị với “Chuyện thường ngày ở Ban”, “Hạn 49-53”, “Về Hà Nam”, “Bộ Văn hóa - Thông tin, năm năm và một ngày”, “Mười năm - Một lát cắt thời gian”.

Để tránh khuyết tật quen thuộc của thể loại tự truyện là khoe công giấu tội, tô vẽ bản thân lấp liếm sự thật, tác giả Phạm Quang Nghị đã “Đi tìm một vì sao” bằng đúng văn phong của mình. Có bạn bè giai đoạn trung học là nhà văn quân đội Nguyễn Bảo và nhà nghiên cứu ngôn ngữ Phạm Văn Hảo, nên tác giả Phạm Quang Nghị nhận diện đầy đủ ưu khuyết của mình trong sở thích viết và khả năng viết: “Từ khá sớm tôi đã hiểu văn phong của tôi cũng giống con người tôi vậy. Giản dị, đời thường, mộc mạc, chân chất. Dẫy tôi muốn bắt chước bạn bè, muốn học theo lối viết du dương bay bổng, tôi cũng không bắt chước được. Có lẽ đó cũng là do tính cách của tôi. Đôi khi tôi cố viết ra những ngôn từ bay bổng, ồn ã, lanh canh thì đến khi đọc lại thế nào tôi cũng sửa, cũng cắt bỏ”.

Tác giả Phạm Quang Nghị tâm đắc với bốn chữ “quang minh chính đại”. Khi có dịp xin chữ thầy đồ, ông cũng xin bốn chữ này. Bởi lẽ, “bốn chữ “quang minh chính đại” đối với tôi từ lâu là một phương châm sống, làm việc, là lời nhắc nhở, đồng thời cũng là sự tự nguyện tuân thủ của tôi trong công việc. Đó cũng là điều mà nhiều người thường nói tới hằng ngày bằng ngôn ngữ hiện đại: Công khai, minh bạch, đúng mực, nghiêm túc, rõ ràng”.

Lành lặn trở về sau ngày non sông thống nhất, Phạm Quang Nghị học thêm môn triết và có bước tiến dài trên con đường hoạn lộ. Qua lời kể của Phạm Quang Nghị, thì ông không ôm mộng sĩ đồ, nhưng định mệnh đã trao cho ông cơ hội để định vị chốn quan trường. Từ khởi điểm làm thư ký cho ông Đào Duy Tùng, sự nghiệp của Phạm Quang Nghị lần lượt mở ra nhiều nấc thang khác như Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông, Bí thư Thành ủy Hà Nội.



Có 10 năm trong Bộ Chính trị, Phạm Quang Nghị suy tư: “Có người ví chính trị như là một thứ ma túy dễ gây nghiện bậc nhất. Và đã dính vào thì rất khó cai. Trong muôn nghìn thứ ước muốn, khát khao của con người, thì có cái ước muốn làm chính trị, làm chính khách, làm lãnh đạo có quyền lực luôn là niềm ước muốn, khao khát vô cùng mãnh liệt… Chính trị có những lúc kiêu căng, hãnh tiến, thắng người như chẻ tre. Có lúc ai đó phải ngậm bồ hòn làm ngọt… Sự đời cá ăn kiến, kiến ăn cá vẫn thường xảy ra. Ai đã khiến nhiều người khiếp sợ, đến lúc họ phải khiếp sợ nhiều người… từ lâu tôi luôn tự nhắc mình chớ nên ảo tưởng. Và cũng không nên trông chờ vào sự may mắn có được trái sung rơi chín mõm. Chuẩn bị một tâm thế luôn sống chủ động, không phải quá lo lắng, hồi hộp, chập chờn, căng thẳng. Và càng không phải đôn đáo ngược xuôi tìm kiếm những cơ hội thật ít giả nhiều, bớt phải nghe những lời chúc tụng mơ hồ, viển vông”.

Thế nhưng, đã xác tín “quang minh chính đại” nên Phạm Quang Nghị không ngần ngại được mất cá nhân. Thậm chí, có lúc ông phẫn nộ: “Làm lãnh đạo thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, chỉ khư khư giữ ghế, sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ sự an toàn cho bản thân, thì những cán bộ như thế sẽ là những vật cản đường cho sự phát triển đi lên của đất nước”.

Cũng nhờ bốn chữ “quang minh chính đại” mà Phạm Quang Nghị ung dung trở lại cuộc sống bình thường và thong dong kể lại năm tháng đời mình. Những trang hay nhất trong “Đi tìm một vì sao” là những trang viết về miền quê thơ ấu bên bờ sông Chu. Ông thấu hiểu cuộc sống sau lũy tre làng: “Cả những câu chuyện sinh hoạt vợ chồng, yêu đương, ân ái đêm đêm các ông bà cũng thi nhau kể một cách rất hồn nhiên, sảng khoái. Những người nông dân lực điền không chỉ thể hiện sức lực của mình khi cày cuốc trên cánh đồng, mà còn rất muốn khoe khả năng làm tình, sinh con đẻ cái. Những câu chuyện chỉ làm khổ cho những ông bà hiếm muộn hay sinh toàn con gái”. Hơn nữa, Phạm Quang Nghị là người trọng tình. Cho nên, ơn nghĩa người dưng dù nhỏ bé vẫn làm ông khắc ghi. Ông nhớ lúc nghèo khó được ông Bột hàng xóm cho những cái đầu cá rô để nhà mình có bát canh đầu cá rô nấu với dưa chua thơm phức.

Ở cố hương, Phạm Quang Nghị từng bị mất hai cô em gái vì bom giặc. Nỗi đau ấy cứ nhói lên trong hồi ức của ông, mà nỗi đau ấy cũng khiến ông mạnh mẽ hơn. Phạm Quang Nghị bộc bạch: “Những người xem tử vi tướng số cho tôi đều nói giống nhau, rằng tính tình tôi ngay thẳng, có đời sống tự lập, chẳng dựa cây núp bóng vào ai”. Nơi duy nhất mà ông nương tựa là người mẹ tảo tần. Ông ám ảnh: “Những lúc không thể gửi tôi cho ai, mẹ đành cho tôi theo đi làm. Một bên quang gánh là phân tro mạ giống, một bên mẹ đặt tôi ngồi trong chiếc thúng, quảy ra đồng”. 

Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, về thăm lại ngôi nhà tuổi nhỏ, Phạm Quang Nghị xúc động: “Tôi như đang nhìn, đang nghe những lời mẹ ru, những câu chuyện mẹ kể thì thầm những đêm trăng năm xưa. Tôi nhớ rõ từng lời, từng cử chỉ ân cần dạy bảo của mẹ. Nhớ cái hôm mẹ cố kìm nén những giọt nước mắt buồn để ngồi rang muối, làm ruốc, trước ngày tôi lên đường vượt Trường Sơn ra mặt trận... Người mẹ một đời lo toan, nhọc nhằn, vất vả. Người mẹ suốt một đời thầm lặng hy sinh. Sức lực của mẹ dường như mong manh và yếu ớt, nhưng công lao và nghị lực của mẹ thì vô cùng lớn lao, không sao đo đếm được. Mẹ là người luôn bên cạnh, dắt dìu từng bước đi của tôi từ lúc chập chững cho tới khi tôi khôn lớn, trưởng thành. Và tôi tin, tôi cảm nhận trong lúc này và mãi mãi, mẹ vẫn luôn ở bên tôi. Người sẽ chở che cho tôi đi suốt cuộc đời”.

Lẽ thường, một người đã chọn hướng “quang minh chính đại” sẽ có nhiều góc nhìn vượt khỏi bon chen thế tục. Khép cuốn sách “Đi tìm một vì sao”, độc giả mường tượng chân dung Phạm Quang Nghị thật ấm áp, khi Bí thư Thành ủy Hà Nội cảm nhận được những điều khó quên ngay tại khuôn viên Thành ủy Hà Nội: “Ngoài vẻ đẹp óng ỏ vào thu của những cây lộc vừng, ngay trước cổng Thành ủy, cứ vào đầu xuân mọi người còn được ngắm nhìn một màu hoa trắng rực rỡ, tinh khôi của hai cây sưa, giống như hai bình hoa khổng lồ đặt trước cổng. Cũng vẫn là hai cây xưa ngày ngày lá xanh mượt mà, khi vào xuân bỗng chốc hóa thành hai cây hoa rực rỡ. Toàn thân cành chỉ có hoa là hoa, tựa hồ như một sự phô bày, hiến dâng của thiên nhiên đối với con người”.

                                            LÊ THIẾU NHƠN