Để tồn tại, nhiều nhà hát từ Nam chí Bắc đều phải đi
"săn" các tiểu phẩm hài. Nếu may mắn nhà hát nào có được một danh hài
nổi tiếng thì càng hút khách.
Làm gì để hài nhảm không còn đất diễn?
MỸ TRÂN
Chưa bao giờ các chương trình hài lại "trăm hoa
đua nở" như bây giờ. Không chỉ trên các kênh truyền hình, các tiểu phẩm
hài còn tràn ngập các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Vlog… do
những người sản xuất nội dung nghiệp dư sản xuất nhưng vẫn thu hút hàng triệu
view. Tuy nhiên, giữa "rừng" hài ấy, có không ít hài nhảm nhưng lại
hút người xem...
1.
Cả chục năm nay, sân khấu truyền thống luôn trong cảnh
ảm đạm, đã có những đoàn nghệ thuật phải tự giải thể khi qua thời bao cấp và
không chống đỡ nổi khi ra cơ chế thị trường. Sân khấu quanh năm ảm đảm chỉ đến
mỗi kì hội diễn, liên hoan mới tưng bừng đua sắc. Nhưng, thời gian được đắm
mình trong không khí hội hè đình đám ấy cũng chỉ được mấy ngày rồi lại quay về
cảnh đìu hiu, vắng lặng. Để duy trì đời sống, các nghệ sĩ phải gồng mình tìm một
phương thức cho phù hợp với thị hiếu khán giả. Để tồn tại, nhiều nhà hát từ Nam
chí Bắc đều phải đi "săn" các tiểu phẩm hài. Nếu may mắn nhà hát nào
có được một danh hài nổi tiếng thì càng hút khách, điều đó cũng đồng nghĩa với
việc lợi nhuận bán vé sẽ tăng thêm.
Các gameshow "Thách thức danh hài"; "Cười
xuyên Việt"; "Đấu trường tiếu lâm"; "Tuyệt chiêu siêu diễn";
"Làng hài mở hội" trên truyền hình cũng là nơi hút khán giả và nghệ
sĩ, các nhà sản xuất cho đến nay vẫn không ngừng cung cấp cho nhà đài những
chương trình hài.
Nghệ sĩ Vân Dung kể: "Diễn viên sân khấu,
truyền hình thì có rất nhiều, nhưng diễn viên hài thì rất ít. Như cả miền Bắc
nói ra thì người ta cũng chỉ biết một hai người, trong đó có tôi là nữ. Nghề này
cũng lạ lắm, ngoài sự cố gắng hết mực nỗ lực tự vận động thì người nghệ sĩ nhất
là nghệ sĩ hài còn phải có năng khiếu thiên bẩm trời cho. Nó như cái
duyên riêng của mỗi người. Đã có thời kì cả chục năm, một buổi tối tôi chạy 4
show diễn ở các tụ điểm khác nhau, mà lại phải đến đúng giờ, không được chậm 1
phút. Và tôi đã sống trong cảnh luôn phải "chạy thục mạng" như thế suốt
cả mấy chục năm tuổi trẻ, giờ khi chuẩn bị bước vào tuổi 50 tôi sống chậm lại để
thưởng thức thành quả mà mình làm ra và nhường sân khấu lại cho lớp trẻ".
NSND Tự Long từ khi chưa thành sao, hồi còn học lớp diễn
viên chèo trong trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã nổi tiếng là một
cây hài của toàn trường. Có lẽ những con người đặc biệt đều có tố chất riêng. Bắt
đầu trở nên quen mặt với khán giả nhờ chương trình "Gặp nhau cuối tuần",
"Gặp nhau cuối năm" của VTV.
NSND Tự Long chia sẻ: "Nghệ sĩ là những người
năng hoạt động, nhất là nghệ sĩ hài, lắm lúc phải xuất khẩu thành thơ. Tôi bị bịt
mồm, trói chân là khổ nhất. Nghệ sĩ hài là khi bước ra sân khấu anh phải có sự
khác biệt, cuốn hút, ấn tượng, "nhìn phát ăn liền" nhưng phải khiến
khán giả có thiện cảm. Mình nói lời thoại hay hành động phải khiến cho người ta
vui, và phải cười được. Lắm khi mình cũng chưa cần phải diễn gì, nói gì, người
ta nhìn thấy mình là người ta đã cười rồi. Diễn hài mà khán giả không cười thì
coi như là thất bại. Người ta có thể no quá nhưng ăn cố được, leo núi cố được,
làm việc cố được, chứ năng khiếu không có, không thể diễn cố mà khán giả cười
được đâu. Lắm lúc mình có chuyện buồn ngoài cuộc sống chứ, ốm mệt chứ, nhưng
lên sân khấu là phải quên đi, cất đi những cái mệt mỏi muộn phiền ấy. Người ta
kí hợp đồng với anh là xem hài, thì anh phải làm người ta vui, người ta cười.
Nên dù có ốm mệt đến mấy thì chúng tôi vẫn luôn mang tiếng cười đến cho công
chúng, đó có thể là một câu thoại, một câu hát, một hành động. Công chúng xem
chương trình "Gặp nhau cuối năm" 2 tiếng nhưng chúng tôi tập hàng
tháng trời. Nhiều năm để làm chương trình này chúng tôi phải tập hàng tháng và
cả êkíp chúng tôi tập xuyên đêm lịch làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 1 giờ
trưa hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau. Rất nhiều năm liền như vậy. Bây giờ mọi
người trong ê kíp có tuổi rồi nên chỉ tập từ 1 giờ trưa hôm nay đến 3 giờ sáng
hôm sau".
2.
Không chỉ tham gia các gameshow trên truyền hình, các
nghệ sĩ cũng rất chịu khó "cày cuốc" ở các vùng nông thôn, nhất là
các dịp hội làng đầu xuân. Có làng vì có Mạnh Thường Quân chịu chi nên đã mời
toàn danh hài về diễn liền vài đêm miễn phí cho bà con. Ngoài danh hài nổi tiếng
trên sân khấu, truyền hình, thì người dân cũng rất thích các "idol
Top Top" xuất hiện. Họ là những diễn viên tự phát, không học qua trường lớp
nào nhưng có một chút năng khiếu và tự quay, tự tung lên các trang mạng
xã hội, nếu may mắn chỉ qua một đêm họ đã trở nên nổi tiếng. Những lần xuất hiện
đó (trên Facebook, TikTok…) có thể chưa đến 1 phút thường là một vài câu
thoại chọc cười, hoặc những tình huống hài.
Có một thực trạng là khi đi lưu diễn địa phương, bầu
show bao giờ cũng phải kéo theo một, hai diễn viên hài. Diễn viên hài càng nổi
tiếng thì càng được được cưng chiều hết mức và giá cátsê cũng cao hơn một bậc.
Bầu show Hải Hưng cho biết: "Khán giả bỏ tiền ra mua vé không phải là để mệt
óc. Người ta đi làm cả ngày mệt mỏi, có buổi tối đi xem là để thư giãn nên
không cần những thứ cao siêu, triết lý. Diễn hài khán giả cười rần rần, các cụ
cũng tỉnh ngủ, lần sau họ còn mua vé".
Mang tâm lý giống như bầu show Hải Hưng, nhiều bầu
show khác cũng đỏ mắt tìm diễn viên hài. Thậm chí họ sẵn sàng cho tiền cao hơn
để câu kéo diễn viên hài đi show của mình.
Thời công nghệ vào tận giường ngủ, nhiều diễn viên trẻ
đã biết tận dụng công nghệ để nhanh chóng nổi tiếng khi đưa các tiểu phẩm hài
lên Facebook, YouTube, TikTok… Và một cuộc đua ngấm ngầm giữa các bên. Diễn sân
khấu trong một phạm vi nhỏ hẹp chỉ chứa khán giả từ vài chục người đến vài trăm
người thì diễn hài trên mạng xã hội qua ứng dụng YouTube, TikTok
"câu" được vài trăm, vài nghìn đến vài triệu lượt view, nguồn tiền
cũng nhanh chóng tăng theo cấp số nhân cùng với lượng khán giả truy cập.
Một số những cái tên hot của diễn viên hài, nhóm
hài trên mạng cũng ra đời từ đây như FAPtv với hơn 10 triệu lượt đăng kí trên
YouTube, Ghiền Mì Gõ, Trắng TV, Tun Phạm, Long Chun, nhóm 1977, Sài Gòn Tếu…đều
có số lượng truy cập lớn mang về nguồn lợi nhuận khủng. Mới đây nhất
Saigon Tếu với tiêu đề: "18+ Uncut cà khịa show #3 - Saigon Tếu
Roast Battle" hút hơn 1, 5 triệu.
Những nhóm hài, diễn viên hài sau khi hot trên các nền
tảng YouTube, TikTok, Vlog… đã cạnh tranh ngầm giữa nghệ sĩ sân khấu nhà hát
truyền thống và diễn viên tự phát trên các nền tảng mạng xã hội. Hiểu được cơ
chế hút khán giả nên lãnh đạo các nhà hát, các đoàn nghệ thuật cũng tạo điều kiện
hết mình cho diễn viên của nhà hát đi đóng phim, hay làm TikTok để khán giả
quen mặt.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc thì không phải
phải cứ nhiều lượt xem đã đúng là hài, mà trong số đó không ít hài nhảm, với những
tình huống, lời thoại nhảm nhí, thậm chí có những người lôi cả chuyện phòng the
ra để tấu hài bậy bạ.
Nghệ sĩ Nguyễn Trọng Vinh (Nhà hát Cải lương Hà Nội) cảm
thán: "Nghệ sĩ có những người nổi tiếng thật do tài năng, nhưng cũng có
người nổi tiếng do truyền thông, do kinh tế, người ta làm cho người ta vui, gây
cười rồi người ta nổi. Nghệ sĩ giỏi không phải là những người khoe khoang, những
người giỏi người ta chỉ xuất hiện ở chỗ nào đúng vị trí, đúng công việc của người
ta thôi. Nhưng bây giờ công nghệ thông tin phát triển nên 1 người đi cày cũng
có thể làm video clip hài. Hài càng xàm càng tốt, những sản phẩm ấy không giáo
dục được gì, chỉ nhờ công nghệ đánh bóng chứ không phải là tài năng thực chất".
Nhìn nhận thực tế này, nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng:
"Bảo hài kịch nhiều nhưng thử tìm ra một cái đúng là hài kịch cũng không
có mấy đâu, mà đấy là hề kịch. Đấy là tiểu phẩm nhái giọng hát và cù vào nách
khán giả cho người ta cười. Bây giờ dễ nhất là viết mấy kịch giải trí, vô thưởng
vô phạt. Nếu kịch mục chỉ nặng về giải trí thì sẽ mất đi ý nghĩa cao đẹp của
sân khấu".
Theo ông Hiền, để khán giả bỏ tiền mua vé vào xem các
tác phẩm "hài đúng là hài" thì nghệ sĩ phải đổi mới và làm ra những sản
phẩm mà khán giả muốn. "Khi cạnh tranh rất nhiều món ăn, rất nhiều cửa
hàng mở ra thì đừng nói là hàng đông quá nên hàng tôi bị ế. Ngày xưa cắm hai cọc
tre ở sân vận động là người ta nấu cơm sớm rồi kéo nhau ra xem văn công. Người
ta không cần biết vở gì thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, ca nhạc, chỉ
cần biết có văn công về là đi xem thôi. Bây giờ khán giả có nhiều lựa chọn, đây
là một sự thách thức mà những người làm sân khấu phải tìm hướng đổi mới, bởi
người ta đã chọn rồi thì anh phải đáp ứng. Xã hội phát triển lên thì nhu cầu
thưởng thức đa dạng hơn. Người ta đến sân khấu cần giải trí, nhưng không có
nghĩa là cả xã hội thích đi giải trí để tiêu bữa cơm chiều. Có những người đến
với sân khấu để tìm thấy chính họ ở trong đấy thì phải có những vở chính kịch,
kịch luận đề, kịch tâm lý xã hội. Sân khấu bây giờ chạy theo cái dễ dãi",
nhà biên kịch Lê Quý Hiền nhấn mạnh.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng