Mỗi khi ăn phở, họa sĩ Quách Đại Hải thường dõng dạc tuyên bố: “Khôn ăn cái dại ăn nước. Cả đời tớ dại tớ bèn chỉ húp nước cho đúng với bản chất của mình”.


 HỌA SĨ QUÁCH ĐẠI HẢI THẤM THOẮT ĐÃ MÂY BAY

PHÙNG VĂN KHAI

Họa sĩ Quách Đại Hải với cánh trẻ chúng tôi thật dễ gần. Tôi gặp ông lần đầu cách đây cũng đã gần ba mươi năm. Tôi khi ấy đang là binh bét lính xe tăng, bất ngờ được về dự trại viết văn quân đội còn như nằm mơ. Còn hơn cả nằm mơ khi đích thân Đại tá Khuất Quang Thụy tới trường xe làm việc với Ban giám hiệu để tôi có gần một tháng trời văn chương thơ phú cùng các đa đề Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Vương Trọng, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu, Chu Lai…

Cánh trại viên ngày ấy cũng thuộc hàng khủng: Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Lò Cao Nhum, Mạnh Lê, Tô Hoàn… Tôi vừa trẻ nhất trại vừa ngốc nghếch văn chương đã lọt thỏm cơ chừng mất hút nên đôi lúc rất tự ti. Đã thế, các chị đẹp Như Bình, Trần Thanh Hà toàn được trại trưởng Lê Lựu khen viết hay càng khiến tôi rón rén sợ sệt, nghĩ chắc mình là kẻ toi cơm chứ văn viếc gì. May sao, từ giây phút đầu tiên tới buổi cuối cùng, người chăm sóc và động viên tôi nhiều nhất lại là một ông họa sĩ còm rom rí rách cái gì cũng biết. Đó chính là họa sĩ Quách Đại Hải, người có hàng chục năm trình bày mỹ thuật những số Văn nghệ quân đội lừng danh.

Hôm tập trung lên xe tại sân nhà số 4, xe chuẩn bị chuyển bánh mọi người cứ dớn dác tìm kiếm ai đó. Tiếng một nữ nhà văn (sau này tôi mới biết là Nguyễn Thị Như Trang) bực dọc: “Đúng giờ thì xuất phát thôi, chắc lại say khớt cò bợ ở đâu rồi? Lần nào cũng bắt mọi người phải đợi, thật chẳng ra thể thống gì cả”. Tôi không hiểu chuyện gì chỉ biết ngồi im. Nhà văn Lê Lựu mướt mồ hôi gãi mớ tóc xoăn lẩm bẩm: “Để tôi, để tôi…”. Cứ thế ông đi như chạy về phía góc đường nơi rùm ròa quán sá kéo sềnh sệch một vị gầy nhách khuôn mặt tý toáy như Tôn Ngộ Không tay vẫn đang cầm chiếc chén hoa hồng dốc dốc thứ gì đó vào miệng, chân đi đôi dép cọc cạch rất tức cười.

Tôi thấy nữ nhà văn bĩu môi quay ngoắt lên trên mặc kệ Lê Lựu gần như phải bế kẻ đồng hành để xe chuyển bánh. Xe còn chưa kịp đóng cửa, Lê Lựu vừa lơi mắt, đã tót cái vị kia rời nhanh khỏi xe miệng nói với vào bên trong: “Anh chị đợi tôi tý. Tôi trả bà chủ quán cái chén”. Rồi nhanh như sóc, mọi người chưa kịp hết bực mình đã thấy ông còm rom ngồi tót nơi bậc cửa lên xuống chiếc xe nhà binh phì phèo thuốc lá véo von hát sẩm: “Bèo dạt… mây trôi… chốn xa xôi… em ơi… em hãy đợi… anh về…”.

Trên xe, mọi người dường như không ai dám dây với ông gầy nhách đang véo von ca hát. Ngay cả bác lái xe mang quân hàm đại úy cũng không dám nhắc nhở gì. Cũng may ngày đó đường chật, người đông nên xe chạy rất chậm, mọi thứ vì thế an toàn cả.

Khi xe đến Hải Dương bị tắc ở đầu cầu Phú Lương. Thoắt cái đã không thấy ông gầy đâu. Ai cũng khát lử lả không buồn trò chuyện. Bỗng tiếng hát lại cất lên: “Ta là con của bố ta mẹ ta… nhớ nhà thì ta cứ ta về… ta không cần ba lô không cần ô tô không cần xích lô… ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn…”. Lúc này, chừng như không chịu nổi, nữ nhà văn nổi đóa: “Có thôi ngay đi không. Mọi người nhức đầu muốn chết đây…”. Thì kỳ lạ chưa, ông gầy đã nhanh tay khuân ở đâu về một túi to bánh mỳ và nước mát. Ngày đó, lúc đó còn hơn buồn ngủ gặp chiếu manh. Cứ thế thoăn thoắt, ông mau chóng phát cho mỗi người một chiếc bánh mỳ và một chai nước lạnh khiến mặt ai cũng tươi tỉnh hẳn. Đến chỗ nữ nhà văn, ông gầy hai tay cung kính dâng vật phẩm miệng tươi cười duyên dáng: “Tại hạ cung thỉnh nương nương dùng ngự thiện à!” khiến nữ nhà văn cũng phải phì cười.

Không khí trên xe từ bấy giờ thay đổi hẳn.

Cùng lúc đường hết tắc, gió trên cầu Phú Lương lồng lộng. Được chút đồ lót dạ lại thêm nước mát, ai nấy đều có vẻ phởn phơ. Bấy giờ Lê Lựu từ phía cuối xe mới nói vóng lên: “Xin kính mời quản ca Quách tiên sinh cầm càng hát quốc ca”. Lập tức, ông gầy trịnh trọng tiến ra giữa xe, nhấc bừa chiếc mũ trên chiếc đầu hói của Nguyễn Đức Mậu khẽ ngả ra phía trước làm động tác cúi chào như diễn xiếc rồi đột ngột hất mặt lên trần xe cất giọng nghiêm trang: “Quốc ca! Bắt đầu!... Đoàn quân Việt Nam đi… thôi thì thế thế…”. Vừa hát cả xe cười sằng sặc cái sự táo gan dám chế tác cả quốc ca mà kẻ đầu trò là nhị vị Quách Đại Hải và Lê Lựu. Điều đó sau này tôi mới biết.

Một minh họa của họa sĩ Quách Đại Hải.

Trong trại viết đó, tôi mới thấy hết sự ân cần, chăm chút của họa sĩ Quách Đại Hải với anh em, nhất là với binh bét tôi. Trong bữa ăn, bao giờ ông cũng súy ngồi cùng bàn với tôi, chăm bẵm như người cha chăm sóc đứa con. Ông ăn ít lắm, chỉ uống là chính. Mỗi khi ăn phở, ông thường dõng dạc tuyên bố: “Khôn ăn cái dại ăn nước. Cả đời tớ dại tớ bèn chỉ húp nước cho đúng với bản chất của mình”.

Các trại viên sau vài ngày dường như đã quen với cung cách hài hước ngộ nghĩnh của ông. Các bợm nhậu Lò Cao Nhum, Phùng Kim Trọng, Phan Tùng Lưu… chừng vẻ rất khoái ông anh đã lấp ló ở đâu chai rượu nút lá chuối. Ông anh típ mắt, nhanh như sóc xoay lưng về phía nữ nhà văn đưa ngay chai kề miệng tợp liên hồi. Còn chút rượu đáy chai, dường như không để phí lộc giời, trước cặp mắt thán phục của các bợm nhậu, ông lập tức dốc nốt xuống bát phở đã nguội ngắt từ lâu xì xụp húp.

Trong trại viết ấy, tôi được ông chăm sóc tận tình, văn viết chả đến đâu nhưng trọng lượng tăng thêm gần bốn ký. Toàn bộ ảnh chụp anh em trại viết đều do ông tặng. Năm 1996, mỗi bức ảnh trị giá bằng nửa tháng phụ cấp binh bét của tôi.

Họa sĩ Quách Đại Hải không chỉ đảm đương toàn bộ phần mỹ thuật của Văn nghệ quân đội một thời gian dài mà ông tham gia viết văn, viết báo, dựng kịch bản phim, thiết kế bối cảnh trường quay cũng rất thần tình. Sau trại viết, tôi về Truyền hình quân đội luôn rất biết ơn ông. Ngày đó, Truyền hình quân đội hàng tháng có chuyên mục giới thiệu Văn nghệ quân đội trên sóng. Trưởng ban biên tập Chi Phan giao cho tôi thực hiện mục này.

Tôi từ 84 Lý Thường Kiệt sang nhà số 4 Lý Nam Đế để lấy bản bông thường được họa sĩ Quách Đại Hải cung cấp và tư vấn nội dung. Dưới con mắt họa sĩ giàu hình ảnh, ông đã nói vanh vách nội dung các truyện ngắn, bài thơ, lý luận phê bình khiến tôi kinh ngạc. Ông còn nói Nguyễn Minh Châu là thế này, Nguyễn Khải thế kia, Xuân Sách thâm trầm, Hồ Phương trịnh trọng… cứ như từ điển sống. Rồi cũng chính ông tham vấn và giúp đỡ tận tình tôi thực hiện các phim tài liệu chân dung về các họa sĩ Văn Đa, Mai Văn Hiến, Quang Thọ, Huy Oánh… Tôi trưởng thành được về nghề văn bút truyền hình cũng là nhờ nhiều bậc thầy trong đó có họa sĩ Quách Đại Hải.

Họa sĩ Quách Đại Hải là người từng khuyên tôi sớm trở về ngôi nhà số 4. Ông bảo tôi thuộc nòi kiếp văn chương thì phải về đó để kéo cày. Khi tôi về đó cũng là thời khắc ông cùng các bậc đa đề Lê Lựu, Chu Lai, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu… nghỉ hưu. Rồi công việc cuốn chúng tôi đi. Cũng lâu lâu, không thấy cái dáng còm rom rí rách của ông thấp thoáng dưới gốc cây đại nữa.

Trong giới mỹ thuật, họa sĩ Quách Đại Hải là một cái tên dường như còn khiêm tốn, song trong cuộc sống đời thường, ông luôn biết tạo niềm vui cho mọi người. Điều này lớp trẻ chúng tôi rất cần phải học ông.

Xin được tạm kết bài viết bằng một đoạn văn của chính ông với tiêu đề Những năm tháng ấy:

“Ai quên chứ tôi thì chẳng quên mùa hè 1990, cơ quan cho tất cả đại gia đình gồm dâu, rể, con, cháu đi nghỉ mát một tuần ở Sầm Sơn. Lão “Giang Minh Sài” thật tình sốt sắng “nhặt được” ở đâu một con xe “thương binh nặng” chở tất tật năm mươi người, lúc vào xứ Thanh thì không có chuyện gì. Các chị, các cháu được ngồi ghế còn mấy ông văn thơ cùng họa sĩ rúc xuống cuối xe hò hát, kể chuyện tiếu lâm làm cả xe cười vui quên đi cái nóng trong mùi dầu ma dút và những cú xóc bạt mông. Rồi đến biển mới thật sướng, các cháu lần đầu tiên thả sức vẫy vùng cùng sóng xanh, bận nhất là ông Nghị, bà Phi, con mới ba tuổi phải mang bếp dầu từ Hà Nội vào để nấu cháo. Ông Huân, bà Trâm khá hơn nhưng cũng hú hồn hú vía chạy suốt bờ cát tìm con.

Xúc động nhất là bí thư mới của Thanh Hóa Lê Huy Ngọ nghe tin có đoàn nhà văn Văn nghệ quân đội vào, lập tức đáp xe từ thị xã xuống thăm và không quên kèm theo mấy “quả bom Tha Đa”. Lúc đi thì thuận thế, lúc về thì ôi thôi, qua “mấy ngày ra biển”, anh “thương binh nặng” bắt đầu giở trò, hơn một trăm cây số anh ta lăn ra chết lâm sàng tới ba lần. Có lần tới hơn hai giờ dưới cái nắng hè xứ Thanh hầm hập, những gia đình có cháu bé đành bỏ xe chạy lấy người, mạnh ai bắt xe ngoài. Anh trụ lại được thì tìm bãi cỏ bụi cây cố gắng nằm, ngồi chờ mặt trời chiếu đến đâu thì trốn đến đấy… rồi đêm khuya cũng ì ạch về tới Hà Nội. Đúng là một chuyến xe bão táp, một chuyến đi nhớ đời”.

Họa sĩ Quách Đại Hải là thế đấy. Mà thấm thoắt đã mây bay...