Trong lịch sử Việt Nam, nhiều vị vua có tài văn học, từng
đích thân soạn sách, điển hình như các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần
Nhân Tông, Lê Thánh Tông...
Sau những biến động của lịch sử, ngày nay, chúng ta không còn tư liệu về sách vở thời Lý. Tuy nhiên, từ thời Trần về sau, thư tịch để lại cho biết nhiều vị vua Việt cũng trực tiếp biên soạn sách vở. Điển hình là các vị vua đầu triều Trần, đều là những người tôn sùng đạo Phật, khi về già thường nhường ngôi cho con và xuất gia đi tu, nên đều là những tác giả Phật học uyên thâm. Như Vua Trần Thái Tông có tác phẩm nổi tiếng “Khóa hư lục” ghi chép quá trình tu luyện đạo Phật theo tinh thần kiên trì học tập nhưng không cố chấp để bị trói buộc bởi những giáo điều nhằm đạt tới sự chứng ngộ hoàn toàn tự do. Ngoài ra, Vua Trần Thái Tông còn viết sách chú giải “Kinh kim cương Tam Muội”, hay soạn cuốn “Lục thì sám hối khoa nghi”...
Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân
Tông cũng là tác giả của các bộ sách như "Thiền lâm thiết chủy ngữ lục",
"Thạch thất mỵ ngữ". Bên cạnh đó, Vua Trần Nhân Tông cũng là một nhà
viết sử khi đích thân biên soạn cuốn “Trung hưng thực lục” ghi chép
chi tiết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, gồm 2 quyển. Tiếc rằng,
bộ sử này của nhà vua sau đó thất lạc.
Về thơ văn, Vua Trần Thái Tông có "Thiền
tông chỉ nam", "Thái Tông thi tập", Trần Thánh Tông và Trần Nhân
Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông cũng đều có thi tập ghi chép lại những bài
thơ ngự chế, hiện còn lại một số bài. Ngoài ra, các vua Trần cũng có những tập
thơ riêng như "Đại Hương hải ân thi tập" của Trần Nhân Tông soạn sau
khi xuất gia, "Thủy vân tùy bút" của Trần Anh Tông...
Nhiều sáng tác của các vua Trần đã bị thất lạc, bị lấy
mất khi quân Minh xâm lược nước ta. Nhưng, cũng có khi, các tác phẩm bị đích
thân nhà vua yêu cầu tiêu hủy. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì khi
Thượng hoàng Trần Minh Tông lâm chung, đã sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản
thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Khi thấy Dân Vọng còn do dự, Minh Tông nói:
"Vật đáng tiếc còn không thể tiếc được, tiếc làm gì thứ ấy". Đây cũng
là nét tiêu biểu trong triết lý đạo Phật mà các vị vua Trần đều thấm nhuần.
Về mảng giáo dục, sử sách cho biết Vua Trần Thánh Tông
đã soạn "Cơ cừu lục", nhưng đến nay đã không còn.
Sau khi lãnh đạo quân và dân ta tiến hành thành công
cuộc kháng chiến chống quân Minh, năm Thuận Thiên thứ 3 (1431), Vua Lê Thái Tổ
cho soạn cuốn “Lam Sơn thực lục” kể về gốc tích nhà vua cũng như diễn
biến của cuộc kháng chiến. Đích thân nhà vua viết bài tựa cho sách này, ký là
Lam Sơn động chủ. “Lam Sơn thực lục” kể về thói quen đọc sách của Vua Lê Thái Tổ
rằng: “Nhà vua tuy gặp đời rối loạn, mà chí giữ càng bền; lẩn giấu ở núi rừng
làm nghề cày cấy; tự mình vui với kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách
thao lược”.
Đất nước được độc lập, sang đời Vua Lê Thái Tông, năm
1435, Hành khiển Nguyễn Trãi đã biên soạn “Dư địa chí”, tác phẩm địa lý đầy đủ
đầu tiên của Việt Nam. Theo một số nhà nghiên cứu, “Dư địa chí” nằm trong một bộ
sách lớn có tên là “Quốc thư bảo huấn đại toàn”. Sau khi Nguyễn Trãi bị hại
trong vụ án Lệ Chi viên, phải đến thời Vua Lê Nhân Tông, khi vua vào bí thư
các, xem các sách vở, thấy bản sách của Nguyễn Trãi còn sót lại, bảo quần thần
rằng: “Nguyễn Trãi trung thành, giúp đức Thái Tổ vũ trang dẹp giặc, giúp đức
Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các
danh tướng triều ta không ai bằng được. Không may, chỉ vì một người đàn bà gây
biến mà người lương thiện bị tội oan, thật đáng thương!”. Vua Nhân Tông bèn đem “Dư
địa chí” để trong phòng ngủ làm sách giúp cho việc hành chính.
Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, tài ba. Nhà sử học
Vũ Quỳnh từng khen về khả năng đọc sách của nhà vua: “Vua võ giỏi, văn hay mà
thánh học rất chăm, tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông, văn
thơ hay hơn cả các quan văn học”. Trong lời tựa ngự chế cho tập “Quỳnh uyển
cửu ca”, Vua Lê Thánh Tông có nói về việc đọc sách dẫn đến nhu cầu viết của
mình rằng: “Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách,
lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm, dục thần ít trong, ở
yên cao hứng, bèn hăng hái nghĩ đến các bậc đế vương thánh triết, đến lòng cặn
kẽ của những bề tôi trung lương, mới gọi Giấy, Bút, Mực, Nghiên đến bảo cho biết
rằng: Tình của ta thư thái, khí tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng
từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta ghi lấy được không?”.
Chính vì vậy, sau khi ngự chế 9 bài thơ cận luật, Vua
Lê Thánh Tông đã họp các vị học sĩ, hàn lâm, tất cả 28 người, ứng với nhị thập
bát tú, lập thành một hội Tao Đàn, thay nhau cùng họa, được vài trăm bài. “Bài
nào cũng chọn chữ kỹ càng, điệu vần sang sáng, dâng lên ta xem, lòng ta rất
vui, xem kỹ hai ba lần. Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn
chỉ để riêng ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng”,
vua viết tiếp trong lời tựa sách.
Theo Lê Quý Đôn thì "Vua Thánh Tông ham thích
sách vở, hồi đầu Quang Thuận (1460-1469) hạ chiếu tìm tòi dã sử, sưu tập truyện
ký cổ kim còn chứa ở các nhà riêng, hạ lệnh cho dâng lên tất cả; khoảng năm Hồng
Đức (1470-1497), nhà vua lại hạ chiếu tìm những sách vở còn sót lại đem về chất
chứa ở bí các. Trong dịp này có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền đều
được ban thưởng. Do đó, sách đời trước dần dần được đưa ra". Và chính vua
đã xuống chiếu "Ra lệnh tìm kiếm những di cảo thơ văn của cố Hàn lâm Thừa
chỉ học sĩ Nguyễn Trãi". Vua Lê Tương Dực tuy là một vị vua bạo ngược
nhưng lúc mới lên ngôi cũng là người ham đọc sách sử và có công lao trong việc
sửa sang giáo dục, biên chép sử sách. Khi sử quan Vũ Quỳnh dâng sách “Việt
giám thông khảo”, chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, dài 26 quyển, Vua Tương
Dực muốn nhặt những điều cốt yếu để làm tổng luận cho tiện đọc, mới sai học sĩ
Lê Tung soạn cuốn “Việt giám thông khảo tổng luận”, rút gọn chỉ có 1 quyển.
Thời Hồ, Vua Hồ Quý Ly cũng soạn bộ sách giáo dục "Minh
đạo lục", gồm 14 thiên, nhưng đến nay đã thất truyền. Vị vua đầu triều Hồ
này cũng còn soạn bộ "Quốc ngữ thi nghĩa” để giảng giải về ý
nghĩa các bài thơ viết bằng chữ Nôm.
Không chỉ các vị vua, chúa Trịnh Sâm, khi còn là thế tử
có làm một tập thơ, đến khi lên ngôi vương mới chép lại thành tập đặt tên
là “Tâm thanh tồn dụy tập” gồm 4 quyển, tự làm bài tựa, trong đó cũng
kể về việc ông đọc sách thế nào: “Ta lúc trẻ xem thơ Đường, thấy thơ của các
danh gia đại để là để ý đến thanh âm niêm luật khéo hay vụng. Nhân đọc bài tựa
“Kinh Thi” của Chu Tử có nói: “Thơ là do cảm xúc trong lòng người mà hình
ra lời nói. Lòng cảm xúc có tà, có chính nên hình ra lời nói có phải, có trái”,
bấy giờ ta mới biết được mấu chốt của việc học “Kinh Thi””.
Vua Lê Hiển Tông, trong bài tựa ngự chế cho tập “Hoàng
Lê ngọc phả” mà Trịnh Viêm và Nguyễn Hài soạn, cũng nói về chuyện đọc sử của
mình: “Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến dấu nghĩa của các triều trước, không
ngày nào quên, từng biên chép thành sách, để hằng ngày xem đọc. Gần đây, thấy bản
chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thấy có hơi
khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu biên chép lại, cốt cho đầy đủ
hoàn toàn...”.
Triều Nguyễn, Vua Minh Mạng không chỉ ham đọc sách mà
còn khuyến khích các quan đọc sách. Ngay sau khi lên ngôi, vua đã dụ bầy tôi rằng:
“Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng, xét kỹ, không thể biết hết được.
Nay thư viện Thanh Hòa chứa nhiều sách lạ bốn phương, bọn khanh lúc rỗi việc mà
có chí đọc sách thì mượn mà xem”.
Vua Minh Mạng sau chuyến ngự giá Bắc Thành năm 1821,
đã ban dụ cho nội các rằng: “Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến, các bậc vua hiền
đời đời đều có, duy Lê Thánh Tông thì không phải đời nào cũng có. Những phép
hay, chính tốt chép cả ở trong sử sách, lại còn khi rảnh việc thì lấy văn nghệ
làm vui, trước tác rất nhiều, tiếng hay phong nhã vẫn còn văng vẳng bên tai mọi
người. Trẫm nhớ đến cổ nhân rất lấy làm kính mến. Tuy đời đã xa, lời nói đã mất,
văn chương tuy đã tản mát, nhưng ở trong rừng Nho chăm học tất vẫn có người
trân trọng giữ gìn. Nay trẫm muốn tìm cho khắc in để lại lâu dài muôn đời bất hủ.
Vậy ra lệnh cho quan Lễ Bộ, tư hỏi Bắc Thành và các trấn Thanh, Nghệ, Ninh Bình
phàm những nhà quan lại sĩ dân, ai còn giữ được những tập thơ văn ngự chế về đời
Hồng Đức (1460-1497) đều đưa đến cho quan sao chép, thu góp lại khắc in truyền
khắp trong nước, để nêu cái tốt đẹp của tiền nhân, lưu một việc hay trong rừng
văn nghệ”.
Vua Thiệu Trị cũng nổi tiếng là người hay chữ và chăm
đọc sách, từng bảo Đại học sĩ Trương Đăng Quế rằng: “Đọc sách có ích rất nhiều.
Trẫm gần đây xem sách “Vận phủ”, xét trong “Tự điển”, sách ấy còn thiếu
sót nhiều. Nay nhà nước nhàn rỗi, phong nhã rất thịnh, trẫm muốn sai quan khảo
cứu so sánh làm thành bộ sách đầy đủ của nước Nam ta, để giúp những người hậu học”.
LÊ TIÊN LONG
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng