“Hoa nhài” khép lại với một kết thúc mở, mọi sự vẫn
còn dang dở, các nhân vật trong bộ phim vẫn còn tiếp cận với nhiều cơ hội và
thách thức khác của cuộc sống, đó là một tiền đề, một nền tảng để đạo diễn Đặng Nhật Minh làm
nổi bật lên cái cốt cách, cái tình nghĩa của người Hà Nội, cũng chính là tính
nhân văn xuyên suốt bộ phim.
“HOA NHÀI” – GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TỪ NHỮNG MẢNH GHÉP ĐỜI
THƯỜNG
PHAN HUY MINH
“Hoa nhài” là
bộ phim kết thúc sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bằng tất cả
tình cảm của mình dành cho mảnh đất và con người Hà Nội, ông đã làm ra một tác
phẩm sâu sắc như một sự tri ân với mảnh
đất này.
Bộ phim đã lột tả cuộc sống muôn màu muôn vẻ của nhiều giai tầng xã hội trong
thời buổi hiện đại. Bối cảnh phim gắn liền với giai đoạn phát triển của đô thị
Việt Nam, tại đó có sự giao thoa giữa con người ở vùng miền, có giao thoa văn
hóa tư tưởng, có giao thoa triết lý trong cuộc sống… tạo nên một bức tranh về
Hà Nội vừa sôi động, vừa có những khoảng lặng chất chứa nỗi niềm suy tư. Trên hết,
gam màu chính của bức tranh đó sự bình dị của người Hà Nội, và lòng nhân ái giữa
con người với nhau.
Điểm ấn tượng đầu tiên là tên của bộ phim. Cái từ “Hoa nhài” ở đây vốn là lấy cảm
hứng từ câu nói xưa “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng
người Tràng An”. “Hoa nhài” chính là một cách nói ẩn ý về người Hà Nội.
Tôi nghĩ, nếu như lấy tên “Người Hà Nội” đặt cho bộ
phim, nhiều khả năng sẽ trùng lặp tên của một số tác phẩm khác, bao gồm cả âm
nhạc và văn học. Trên thực tế, Hà Nội cũng có kẻ nọ người kia, xấu có, thiện
cũng có. Còn với tựa “Hoa nhài”, nghe thôi đã cảm nhận được hương thơm dịu nhẹ,
thanh tao rồi. Dự đoán cho thấy rằng, tác phẩm điện ảnh này sẽ là bữa tiệc của
sự nhân văn.
Điểm ấn tượng tiếp theo là tổ chức bố cục cho bộ phim. Rất khó có thể tóm tắt
hay cụ thể hóa cốt truyện, vì phương pháp làm phim ở đây là mô tả dàn trải qua
các tuyến nhân vật.
Mỗi một nhân vật sẽ mang màu sắc khác nhau. Họ có hoàn cảnh kinh tế khác nhau,
gặp phải các vấn đề hoàn toàn khác nhau. Các nhân vật cũng mang những tính
cách, tâm lý không đồng nhất.
Theo chân mỗi một nhân vật, người xem sẽ được chứng kiến
câu chuyện của nhân vật đó. Câu chuyện về gia đình ông thợ cắt tóc và bà bán
trà đá. Câu chuyện về chú bé đánh giày. Câu chuyện về người thầy giáo tận tụy với
học sinh khiếm thị. Câu chuyện về một người bại liệt giúp đỡ cô giúp việc. Câu
chuyện về cô gái muốn lấy chồng giàu bên Tây để đổi đời… Rất khó để xác định
đâu là nhân vật chính, đâu là nhân vật phụ. Rất có thể, không ít người xem sẽ bị
luống cuống bởi cách đạo diễn tung hẳn lên màn hình rất nhiều tuyến nhân vật,
nhiều câu chuyện. Thời lượng lên hình của các nhân vật rất hợp lý, đan xen giữa
các shot quay lẫn nhau.
Và cái để mạch phim không bị rời rạc lê thê, đó là tính kết nối giữa các nhân vật
theo tình huống câu chuyện. Họ gặp gỡ nhau như cách chúng ta sống hằng ngày.
Người nọ kết nối người kia. Điều khiến họ kết nối với nhau, phần lớn kết nối vì
tình nghĩa, sự giúp đỡ lẫn nhau, cảm thông với số phận bần cùng.
Bộ phim tập trung khai thác kỹ về tiểu tiết, việc tiết chế lời thoại, tăng cường
shot quay đặc tả được đạo diễn áp dụng triệt để. Thay vì nói trắng vấn đề ra
thì người xem sẽ phải tự hiểu qua nhiều cảnh quay chi tiết. Từ đó, người xem sẽ
thấy được muôn màu muôn vẻ về cuộc sống của cư dân Hà Nội. Còn bức tranh tổng
thể ra sao, tùy thuộc vào sự lắp ghép của mỗi người. Hãy coi trọng vào tiểu tiết,
mỗi một tiểu tiết là một nguyên liệu để bạn hoàn thành bức tranh sau khi xem
xong bộ phim.
Điểm ấn tượng tiếp theo dấu ấn của hiện đại xen lẫn cổ
điển trong cách làm phim, mang đậm dấu ấn của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thể hiện
ở âm nhạc, góc máy, màu sắc xuyên suốt bộ phim. Đạo diễn đã đưa vào bản nhạc
“Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, một ca khúc hào hùng, toát lên cốt cách của
con người. Ca khúc tiếp theo là “Nụ cười” (nhạc Nga) mang một màu sắc tươi
sáng, vui vẻ. Hai ca khúc này được chính những nhân vật trong phim đồng thời
cũng là những bạn trẻ và học sinh khiếm thị ngoài đời trình diễn.
Chưa bao giờ có một tác phẩm điện ảnh về Hà Nội lại cho nhiều nhân vật khiếm
thị xuất hiện như thế. Tất cả các cảnh dàn đồng ca hát lên hoàn toàn là khoảnh
khắc thật. Điều đáng nói là hai bài ca này không phải những ca khúc ngày nay.
Âm nhạc xưa cũ cũng là một cách truyền tải yếu tố cổ điển vào phim.
Các góc quay trong phim mang phong cách quay kiểu điện ảnh hiện đại, vừa có nét
chỉn chu tối giản theo kiểu phóng sự của những thập niên 90. Điều này khiến người
xem cảm giác vừa có tính dàn dựng, vừa có tính chân thật của một bộ phim tài liệu.
Màu sắc trong phim có thiên hướng trầm, ám màu thời gian. Từng bờ tường rêu
phong, từng góc phố cũ kỹ, đâu đó trong khung hình những chiếc xe máy thời nay,
quần áo cách tân bây giờ. Khán giả sẽ thấy được, một Hà Nội cũ kỹ nhưng không lỗi
thời, vẫn từng ngày chuyển mình theo dòng thời gian để ngày một phát triển.
Ở “Hoa nhài”, người xem không khó để tìm ra được tính
nhân văn hiện hữu xuyên suốt mạch phim. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua yếu
tố xã hội mà đạo diễn đã khéo léo lồng vào.
Bộ phim đề cập tới mối quan hệ giữa thành thị với nông thôn trong vài thập niên
gần đây. Kinh tế thị trường mở ra, dân cư ngoại tỉnh đồ dồn về Hà Nội. Thành phố
chật chội hơn. Chính quyền sẽ phải quy hoạch, giải tỏa nhiều khu dân cư để làm
đường xá. Nhiều hộ gia đình từ đó không còn nhà, chỉ còn cách trở về quê để
sinh sống. Về quê không yên ổn khi ở quê lại chuẩn bị chính quyền lấy ruộng đất
nhà cửa để làm khu công nghệ cao.
“Hoa nhài” khép lại với một kết thúc mở, mọi sự vẫn còn dang dở, các nhân vật
trong bộ phim vẫn còn tiếp cận với nhiều cơ hội và thách thức khác của cuộc sống,
đó là một tiền đề, một nền tảng để đạo diễn làm nổi bật lên cái cốt cách, cái
tình nghĩa của người Hà Nội, cũng chính là tính nhân văn xuyên suốt bộ phim.
Nguồn: Nhịp Cầu Thế
Giới