Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: Đề
xuất “học chữ Hán trong nhà trường phổ thông” chắc chắn không khả thi bởi không
cấp thiết và thiếu nguồn lực giáo viên (ngay đội ngũ giảng viên các ngành văn
hóa, văn học truyền thống dân tộc bậc đại học còn chưa nắm vững chữ Hán), do đó
chỉ có thể dạy kết hợp, lồng ghép trong bộ môn ngữ văn.
XUNG QUANH ĐỀ XUẤT CẦN
THIẾT NHƯNG CHƯA CẤP THIẾT CHO
TIẾNG VIỆT
NGUYỄN HỮU SƠN
Kể từ khi xuất hiện người Việt thì cũng dần nảy nở nhu
cầu cộng sinh, giao tiếp, manh nha ra đời tiếng Việt, kế đó đến văn Việt truyền
miệng – dân gian (thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao,
dân ca…) rồi đến văn chương Việt bác học (trên nền tảng chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ). Trải qua ngàn năm lịch sử, tiếng Việt
(âm, từ, ngữ, nghĩa) tiếp tục tồn tại, ngày càng giàu có, phát triển. Hiển
nhiên là người Việt ngay cả khi không biết chữ (Hán, Nôm, Quốc ngữ) vẫn có thể
trò chuyện, giao tiếp trong cuộc sống thường ngày.
Cho đến năm 1945, có đến trên 90% người dân Việt Nam vẫn
mù chữ. Vấn đề đặt ra là chữ Quốc ngữ hình thành từ đầu thế kỷ XVII, đặc biệt
sau kỳ thi Nho học cuối cùng (Kỷ Mùi, 1919), trở thành văn tự chính chuẩn, chi
phối toàn bộ cách ký âm tiếng Việt, chữ Việt và văn chương Việt đã tác động như
thế nào tới toàn bộ tiến trình phát triển văn hóa dân tộc và hiện đại Việt Nam?
Trên thực tế, ngay từ nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện
nhiều ý kiến của các nhà khoa bảng Nho học và trí thức Tây học cùng bàn về vai
trò chữ Hán và Nôm – Quốc ngữ trong tương quan Đông – Tây, truyền thống – hiện
đại, sự đứt gãy và khả năng tiếp nối, phát triển văn hóa dân tộc (Nguyễn Đôn Phục,
Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Trọng thuật, Lê Dư, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi, Phạm Quỳnh,
Hoa Bằng, Diệp Văn Kỳ, Phan Văn Hùm, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Kiêm, Đào Trọng Đủ,
Lê Thanh, Kiều Thanh Quế…). Có thể thấy học giới đã luận bàn trên hầu hết các
phương diện nguồn gốc, diễn tiến, vị thế văn hóa – văn học, vai trò lịch sử của
chữ Hán (Nôm) trong sự so sánh và đối sánh với tiếng Việt – chữ Quốc ngữ Latinh
hóa. Ở đây cần phân biệt rõ chữ Hán là ký tự ngoại lai và chỉ có chữ Nôm và Quốc
ngữ mới ký âm, ghi âm tiếng Việt theo những nguyên tắc, cách thức và cấp độ
khác nhau.
Từ rất sớm, học giả Phạm Quỳnh đã tham gia giảng dạy
môn “Hán - Việt văn tự” ở trường Cao học Đông Pháp (1924) và viết bài giải
thích tương quan tiếng Việt – chữ Hán, quá trình tiếp nhận chữ Hán, hình thành
dòng văn hóa – văn học chữ Hán và xác định: “Nay tiếng An Nam dẫu cú pháp và
thanh âm không phải chịu của tiếng Tàu nhưng cũng nhờ tiếng Tàu mà gây thành ra
một thứ tiếng gọi là tiếng Hán – Việt” (Nam phong Tạp chí, số 107 – 1926). Điều
này có nghĩa rằng người Việt có thể tiếp nhận tiếng,/ chữ Hán với tỉ lệ bao
nhiêu chăng nữa thì trước sau vẫn cần được Việt hóa, chuyển hóa vào hệ thống từ
nguyên Việt và phát âm theo tiếng Việt…
Hơn mười năm sau, học giả Phan Khôi có bài "Khái
luận về văn học chữ Hán ở nước ta" hướng tới tổng kết, biện giải sắc nét mối
quan hệ giữa “tiếng” và “chữ” – “văn học chữ Hán của ta” ở hai dân tộc Việt và
Hoa: “Người nước Nam, nói thì nói tiếng nước mình, viết thì viết chữ nước khác,
tay còn không theo được miệng thay, bảo sao lời cho đạt được ý? Chính vì đó mà
văn học chữ Hán của ta đã không thành ra một văn học chân chánh xứng với danh từ
nó như của Trung Hoa. Ấy là một cái lầm chung của cả một thời đại từ xưa, chứ
chẳng phải cái dở, cái bất tài riêng của từng người một mà đáng để cho chúng ta
ngày nay chê hay trách vậy”, từ đó lên tiếng phê phán nền khoa cử Hán học và
dòng chủ lưu văn chương chữ Hán: “Hầu hết người đi học ở nước ta chỉ biết có một
lối văn khoa cử. Xưa nay những người nổi tiếng học giỏi và hay chữ đều chỉ bởi
nhớ nhiều điển cố để làm bài và làm bài hay. Cho đến các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh
Thúc Kháng gần đây cũng đều thế cả (…). Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người
An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng, và trong văn học,
họ chỉ sở trường một cách “Jeu de mots” (Chơi chữ - NHS thêm) mà thôi thì cũng
chẳng quá nào!”.
Đồng
thời, học giả Phan Khôi
nhấn mạnh đặc điểm của quá trình vận động, chuyển đổi và cuộc cách mạng văn tự,
theo đó là cuộc cách mạng văn học: “Cái văn học cổ ấy hiện nay đã tiêu diệt đi,
nhường chỗ cho văn học Quốc ngữ, đó thật là một điều may mắn cho dân tộc chúng
ta. Tuy vậy, đã có quan hệ với nhau một ngàn năm, trong cơn vĩnh biệt, chẳng
nhiều thì ít, nó há lại chẳng có cái gì làm cho ta quyến luyến? Tôi muốn nói
đương lúc văn học chữ Hán của người Việt Nam tàn tạ, đáng lẽ, trong nó, nếu có
tác phẩm gì hay, cần phải dịch ra Quốc ngữ để làm hòn đá tảng, không thì cũng
góp một viên gạch, một tấm ngói cho cái lâu đài văn học mới sau này” (Tao đàn,
số 1 và 2 – 1939).
Như vậy, với
Phan Khôi, vấn đề văn tự Hán và văn học chữ Hán đã được giải quyết cơ bản,
trong đó văn tự Hán đã trở thành tử ngữ và văn học chữ Hán trở thành di sản quá
khứ, cần phải dịch ra Quốc ngữ để bảo tồn và các giá trị tinh thần mới có thể
tiếp tục tái sinh, phát huy, hội nhập trong thời đại mới.
Trở lại bài học kinh nghiệm quá khứ, ngay từ thế kỷ X,
ông cha ta vừa thực hiện Hán hóa vừa nỗ lực “giải Hán hóa” trên phương diện văn
tự bằng cách sáng tạo chữ Nôm (mượn chữ Hán để biểu âm, biểu ý và ghi âm tiếng
Việt), theo đó là dòng văn học Nôm với kiệt tác "Truyện Kiều" của
Nguyễn Du và nhiều tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn
Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Tuy nhiên, do đặc tính phiếm chỉ, ước lệ, võ
đoán của lối ghi tiếng Việt bằng lối ghép chữ Hán nên tính chuẩn xác của chữ
Nôm không cao và dòng văn học Nôm không được xếp hạng bác học, hàn lâm, bị xem
là “nôm na”, “văn nôm”, “Nôm na mách qué”, loại ba, phi chính thống, bên lề.
Chữ Nôm cũng không đủ năng lực biểu đạt trong ngôn bản
hành chính, nghị luận, chính luận. Ưu thế, thành tựu văn học Nôm chủ yếu thuộc
về thơ ca mà phần hình ảnh, nhạc điệu, vần vè đã giúp cho việc đọc, phiên âm
văn bản trở nên thuận lợi hơn. Thêm nữa, việc học chữ Nôm trở nên quá khó bởi lại
cần nền tảng tiền đề nguồn chữ Hán. Chính vì thế nên chữ Nôm không khả dụng,
không dễ truyền dạy, phổ cập trong đại chúng và công cuộc thử nghiệm, truyền bá
chữ Nôm ở Việt Nam hầu như đã thất bại, suy tàn theo chữ Hán.
Khác với mối quan hệ phụ thuộc, tiệm tiến của chữ Nôm
so với chữ Hán, qua hai thế kỷ định hình, đặc biệt từ khi khoa bảng Nho học kết
thúc vai trò lịch sử, chữ Quốc ngữ Latinh hóa đã trưởng thành, phát triển gia tốc
và lên ngôi chỉ trong vòng vài ba mươi năm đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, sự xuất hiện
chữ Quốc ngữ lần này không ký sinh theo khối chữ Hán quen thuộc mà đến từ
phương Tây khác biệt, xa lạ.
Nhà phê bình số một phương Nam Kiều Thanh Quế trong
sách "Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam" (1943) xác nhận cội nguồn truyền
thống: “Hoa văn cú đậu thuần thiên về cảm giác, không lý luận, phán đoán để tìm
thống hệ gì cả; bởi vậy rất có tính cách cụ tượng (concret)”, đối nghịch với ngữ
hệ phương Tây: “Pháp văn có hai đặc điểm mà Hoa văn không có: tinh thần khúc
chiết (esprit de géométrie) và tinh thần đại đồng (esprit d’universalité)” và
Quốc ngữ đã ứng dụng, kế thừa, phát triển. Kiều Thanh Quế hân hoan ghi nhận:
“Văn chương Việt Nam, lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện biểu niệm, thật rất dễ
tiến bộ” và lý giải nguyên nhân bởi “rất dễ học; chỉ trong 3, 4 tháng học tập
ráo riết là một người Việt Nam có thể đọc hiểu được báo, sách quốc văn” và “rất
dễ viết”, rồi đi đến khẳng định: “Chữ Quốc ngữ có giá trị lắm, tưởng người
trong nước, dầu bực cao đẳng hay sơ đẳng cũng vậy, ai ai cũng nên yêu quý nó,
chung lưng hợp sức nhau, vun vén, làm giàu, làm đẹp cho nền văn học khả quý của
nó, là văn học Quốc ngữ”...
Qua ý kiến Kiều Thanh Quế, có thể thấy đến khoảng giữa thế kỷ XX, chữ
Quốc ngữ và nền văn học Quốc ngữ đã hoàn thành cuộc đại cách mạng, căn bản đoạn
tuyệt với chữ Hán, khoa bảng Nho học và dòng văn học chữ Hán. Đương nhiên cuộc
đại cách mạng chữ Quốc ngữ đã kéo theo sự đứt gãy văn hóa, biểu hiện trong thế
đối lập Đông – Tây, tân – cựu, truyền thống – hiện đại. Điều quan trọng là sự đứt
gãy này thể hiện quy luật tất yếu, phù hợp với văn minh, tiến bộ xã hội, được
giới trí thức và đại chúng cả nước đồng lòng hưởng ứng, cổ vũ. Các phong trào
Đông Kinh Nghĩa Thục, Truyền bá Quốc ngữ theo tinh thần Duy tân, cách mệnh, cải
lương lan tỏa rộng khắp, tạo đà cho báo chí và các tổ chức, trào lưu, thể loại
văn học đua nở (thời đại mới của thơ ca, văn xuôi, chính kịch).
Cơ duyên đã đưa
mẫu tự Latinh từ trời Tây đến và người Việt đã tiếp nhận, kích hoạt, hoàn thiện
dần khuôn hình Quốc ngữ. Người Việt đã chủ động giã từ quá khứ văn tự Hán và ra
biển lớn, hội nhập hệ hình ngôn ngữ ký âm với nhiêu ưu điểm vượt trội. Nhằm giã
từ quá khứ “một cách vui vẻ”, người đương thời đã khắc phục sự đứt gãy văn hóa
Hán bằng việc cho ra đời các bộ đại từ điển Hán – Việt (Đào Duy Anh), nghiên cứu
tổng thành về Nho giáo (Trần Trọng Kim) và tập trung phiên dịch hầu hết nguồn
di sản Hán Nôm dân tộc (thơ văn Lý – Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, Hồ
Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát...). Mặt khác, làn sóng tinh thần trên
nền tảng chữ Quốc ngữ đã ào lên, tràn lên, vượt lên chiếm lĩnh, chuyển hóa,
thay thế và xác lập thời đại văn hóa mới, lấp đầy khoảng trống quá khứ Hán Nôm.
Lịch sử xác định sự gặp gỡ Đông – Tây ở Việt Nam tất yếu
dẫn đến xu thế “Thổ nạp Âu – Á” và sự ra đời chữ Quốc ngữ Latinh hóa là quy luật
không thể đảo ngược. Chữ Hán Nôm đã trở thành tử ngữ và di sản Hán Nôm đã thành
quá khứ. Thực tế sự xuất hiện chữ Quốc ngữ có gây đứt gãy văn hóa nhưng được
nhiều hơn mất, mới vượt cũ, tiến bộ vượt lạc hậu và mau chóng khẳng định thành
tựu, địa vị. Đến nay, đề xuất “học chữ Hán trong nhà trường phổ thông” chắc chắn
không khả thi bởi không cấp thiết và thiếu nguồn lực giáo viên (ngay đội ngũ giảng
viên các ngành văn hóa, văn học truyền thống dân tộc bậc đại học còn chưa nắm vững
chữ Hán), do đó chỉ có thể dạy kết hợp, lồng ghép trong bộ môn ngữ văn.
Khác biệt hơn, ứng xử với tử ngữ Hán Nôm và di sản văn hóa Hán Nôm lại rất cần ngành đào tạo Hán Nôm, cần chuyên gia Hán Nôm bậc cao, các viện và trung tâm nghiên cứu, dịch thuật Hán Nôm hiện đại, đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đó cũng chính là cách khắc phục sự đứt gãy văn hóa truyền thống và tiếp nối, bù lấp khoảng trống văn hóa Hán Nôm trong thời đại mới./.