Nhà phê bình Mã Giang Lân quan niệm: "Không nên đặt chuẩn, ép chuẩn theo trình độ thị hiếu của một vài người nào đó. Mỗi người làm thơ, đọc thơ có cái chuẩn của riêng mình".


Thơ và không chỉ là Thơ

MÃ GIANG LÂN

Nhiều người cứ băn khoăn thơ được sáng tác nhiều, in ấn phong phú đa dạng như vậy rất khó cho việc bao quát nhận định về thực trạng và chất lượng của phong trào thơ, của nền thơ hiện nay. Số lượng nhiều nhưng tác phẩm hay lại ít. Tiêu chí đánh giá thơ rất phân tán và tình trạng loạn chuẩn đáng báo động. Nhiều bài bình luận tác giả tác phẩm thơ chỉ là những lời tán tụng ồn ào bốc thơm vô căn cứ, có khi còn bộc lộ những hiểu biết thô sơ, thô thiển hoặc vênh váo sùng ngoại… Quả là như thế và không đơn giản như thế. Theo tôi, những năm qua, diện mạo chung của thơ nhưng không chỉ là thơ cần có nhiều quan tâm, suy nghĩ tâm huyết, nhiều tiếng nói mới hi vọng gợi mở được đôi điều.

1.

Nếu đúng mỗi năm chúng ta có chừng một nghìn tập thơ được xuất bản thì từ đấy suy ra số người làm thơ là mấy nghìn người. Lực lượng sáng tác ấy từ nhiều nguồn, nhiều trình độ, tâm thế khác nhau. Có người lăn lộn với thơ, lấy thơ làm nghề sống, coi thơ là nghiệp. Có người đến với thơ, lấy thơ làm sang với đời nhất là khi “trong tay đã sẵn đồng tiền”. Có người nhờ thơ để dốc bầu tâm sự, sau những tháng năm miệt mài sống trách nhiệm; với họ thơ để giao hòa giao cảm, để chia sẻ trong những lúc có điều kiện. Cũng không ít người đến với thơ như một thú chơi, chơi chữ, chơi xếp đặt cắt dán, chơi trình diễn, xáo trộn thơ với các nghệ thuật khác. Họ quan niệm thơ trong tay tạo hóa, tự do tung hứng, chẳng bận tâm tới hậu quả.

Vậy thì quan niệm thơ, quan niệm nhà thơ, trách nhiệm nhà thơ với xã hội phải khác đi. Cái thời xã hội tôn trọng nhà thơ, thơ có vai trò tác động vào tư tưởng tình cảm, kích thích hưng phấn mọi người lao động xây dựng chiến đấu đã qua rồi. Bây giờ là kinh tế. Tư duy kinh tế, hoạt động kinh tế trở thành trung tâm lấn át mọi hoạt động đời sống xã hội. Thơ có khi lạc lõng, may ra chỉ để cho người làm thơ đọc.

Vậy thì đâu phải là lỗi ở thơ. Xã hội cần cái gì? Cần kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, vật chất dồi dào, tinh thần sảng khoái. Sau những giờ lao động căng thẳng trong môi trường xô bồ sôi động, người ta cần nghỉ ngơi hơn, cần xem những gì bổ mắt, cần nghe những gì vui vẻ, yêu đời. Còn thơ, hàm súc, chữ nghĩa cao siêu với hình tượng, biểu tượng gợi cảm, có khi phải trầm tư tưởng tượng thì quả là mệt mỏi phiền toái thêm. Thế thì cần gì hàng nghìn người làm thơ đã nói ở trên? Hàng nghìn người làm thơ đa phần là ở các câu lạc bộ thơ rải rác ở phố phường và cả làng quê khắp đất nước. Họ cần có thơ nhưng là loại thơ dễ hiểu, có nhịp điệu ngôn ngữ đời thường, giản dị, phù hợp với thẩm mĩ người đọc người nghe. Thơ sáng tác theo yêu cầu thị hiếu công chúng đại chúng có chức năng giải trí nhiều hơn. Những tìm tòi cách tân trở nên xa lạ không cần thiết.

Ở một phía ngược lại, nhiều nhà thơ muốn phá bỏ truyền thống, tìm cái mới cái lạ, khác người khác mình, bộc lộ mạnh mẽ quyết liệt bản ngã. Đây là lớp trẻ có nội lực phong phú, có trình độ, có giao lưu rộng với tâm nguyện đưa thơ Việt hòa vào mặt bằng thơ thế giới. Cần chia sẻ trân trọng. Không khí thơ quả thực có sôi động hơn, nhưng kết quả chưa nhiều, chưa tương xứng với tâm huyết sức lực bỏ ra. Có trường hợp ngộ nhận đưa thơ khỏi quỹ đạo, sa đà phá phách. Theo tôi, số tác giả trẻ này không nhiều so với phong trào chung và lượng tác phẩm xuất bản không lớn, có điều họ biết quảng bá, biết cách gây “sốc”.

Kẹt ở giữa là lực lượng nền của thơ. Lực lượng được hình thành phát triển trong những năm kháng chiến chống Mĩ và đặc biệt lớp nhà thơ xuất hiện từ sau năm 1975, tạo nên phẩm chất mới cho thơ. Những cây bút 5x, 6x đã làm thay đổi diện mạo thơ, gặt hái được nhiều thành tựu. Từ truyền thống họ biết học tập, tiếp thu tinh hoa các nền thơ thế giới một cách chọn lọc có sáng tạo. Nhiều tập thơ của họ được đánh giá cao, được ghi nhận là những đóng góp thực sự, chắc chắn.

2.

Chưa có thống kê đối sánh để nói thơ ồ ạt bung ra quá nhiều so với các loại hình in ấn khác. Đúng là nhiều và có nhiều tập thơ kém chất lượng. Nhưng có phải vì thế mà “loạn chuẩn”? Không nên đặt chuẩn, ép chuẩn theo trình độ thị hiếu của một vài người nào đó. Mỗi người làm thơ, đọc thơ có cái chuẩn của riêng mình. Bấy nhiêu người làm thơ, đọc thơ với những tâm trạng hoàn cảnh khác nhau, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau sẽ hình thành rất nhiều cách đánh giá, định giá thang bậc cho thơ. Ở đây cũng không phải lỗi của thơ nhiều, ít. Cái loạn hiện nay là “loạn giá trị” mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người viết phê bình giới thiệu.

Một tập thơ thôi mà người viết nhận xét cho là có không khí hậu hiện đại, người thứ hai cho là thơ tượng trưng, người tiếp theo cho là thơ siêu thực… cứ thế khoác lên những chiếc áo cũ vay mượn, chẳng biết thơ có bị ô nhiễm không nhưng chắc là khó thở. Trên báo chí hiện nay rất nhiều bài phê bình giới thiệu thơ. Thơ in nhiều cũng cần có nhiều quảng bá thơ. Có nhà phê bình chuyên nghiệp, có nhà thơ, có người hứng chí tạt vào thơ đong đưa ít dòng cảm nhận. Thế nên phê bình thơ nhiều màu sắc và tạo được không khí dân chủ lành mạnh. 

Dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, nghiên cứu hay sáng tác, bài phê bình cần có ý kiến thuyết phục cả về lí và tình, nói đúng và trúng những đặc sắc đặc trưng của thơ không thể chung chung hời hợt. Người đọc phàn nàn nhiều bài phê bình yếu kém không hiểu thơ, không cảm thụ được thơ, hoặc tâng bốc nhau vì những quan hệ tế nhị. Một tệ hại gần đây xuất hiện lấn át nhân cách người viết phê bình là gây nhiễu hoặc có thể do trình độ thẩm thơ, thị hiếu hạn hẹp của người viết. Dùng những thuật ngữ, từ ngữ sang trọng, khoa trương để tôn vinh những câu chữ quá bình thường, những thứ chưa thành phẩm nâng lên chất lượng cao quảng bá trên sách báo, trên trang mạng. Người đọc thờ ơ với thơ, luôn thể quay lưng với phê bình, không tin phê bình thơ nói được điều gì khả dĩ.

3. 

Mỗi năm có bao nhiêu chồng thơ bày ra trước mắt. Tôi chỉ có điều kiện, khả năng tập trung đọc những tập thơ của các tác giả đã được khẳng định. Số thơ đó chẳng thấm vào đâu so với khối lượng thơ khổng lồ hàng ngày hàng giờ được định hình trên sách báo. Nhưng tạm bằng lòng với phạm vi đọc như thế (khi cần thiết đọc mở rộng hơn) để có cái nhìn chung về thơ, về một giai đoạn thơ và những đặc sắc, sự vận động của thơ Việt. Cứ quan sát kĩ sẽ thấy các tác giả phong trào hầu hết ở tuổi hồi hưu thường trở về với những âm điệu nhẹ nhàng mực thước. Thanh điệu tiếng Việt phong phú lôi kéo các cây bút thơ này gắn bó với những gì quen thuộc cùng với những giãi bày tâm trạng nỗi niềm cá thể hồn nhiên làm nên đặc điểm thơ của họ. 

Ngay cả thế hệ các nhà thơ thời kì chống Mĩ cứu nước (thế hệ 4x) sau những tìm tòi đổi mới sôi động, bây giờ cũng đã tạm yên lòng với những biểu đạt gọn gàng trong sáng. Gánh nặng sáng tạo, theo tôi đặt lên vai thế hệ 5x, 6x mà hướng đi, thành tựu đã rõ. Thế hệ này là nguồn, là động lực vẫy gọi các thế hệ sau hòa đồng và hướng tới những kì vọng mới. Tất nhiên còn phụ thuộc vào đời sống chính trị xã hội văn hóa con người. Thơ cũng như các hoạt động nghệ thuật khác không thể thoát li môi trường môi sinh đó. Người sáng tác, người phê bình cũng cần thực tế, tránh hoang tưởng, nhận chân thực trạng thơ, tham gia và có những ứng xử tích cực để thơ đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.