Tác giả trẻ hầu như chiếm đa số trong những tác giả vào chung khảo và đoạt giải của cuộc thi Truyện ngắn hay 2022, vừa tổng kết sáng 15/4 tại TP.HCM.
Tác giả trẻ đã giúp
không khí cuộc thi “Truyện ngắn hay 2022” do tạp chí Văn Nghệ TP.HCM phối hợp Hội
Nhà văn TP.HCM tổ chức, trở nên sinh động và hấp dẫn. Trong số 1166 truyện ngắn
gửi về dự thi, thì các tác giả trẻ chiếm phân nửa. Còn trong số 320 truyện ngắn
vào chung khảo, thì các tác giả trẻ chiếm 2/3. Đó là điều thú vị nhất đối với ban
chung khảo gồm nhà văn Trầm Hương, nhà thơ – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, nhà văn
Trần Thanh Hà, nhà văn Tiến Đạt và nhà văn Phan Hồn Nhiên
Cuộc thi “Truyện ngắn
hay 2022” không tìm được giải nhất, nhưng hai giải nhì thuộc về hai tác giả đại
diện hai thế hệ cầm bút, nhà văn Cao Chiến 66 tuổi và nhà văn Lệ Hằng 35 tuổi. Trong
số 12 giải thưởng được trao, còn có những tác giả trẻ khác như Lê Quang Trạng,
Võ Đăng Khoa, Trần Thái Hương, Nguyễn Diệu Ái.
Đặc biệt, cuộc thi “Truyện
ngắn hay 2022” trao hai giải thưởng cho hai tác giả trẻ đang ngồi trên ghế nhà
trường phổ thông là Hoàng Yến (TP.HCM, sinh năm 2007) với truyện ngắn “Phía sau
vết cắt” và Dương Gia Hân (An Giang, sinh năm 2008). Ban chung khảo đánh giá: “Ám
ảnh cho người đọc lại chính là những tác giả trẻ. Còn rất trẻ mà các em đã rất
vững chải, già dặn trong bút phát thể hiện, lớn hơn tuổi trong thể hiện cảm
xúc, trách nhiệm với chính thế hệ mình khi góp vào tiếng kêu bi thương, gióng
lên hồi chuông cảnh báo về bạo
lực gia đình và bạo lực học đường”
Nhân dịp công chúng
chứng kiến tác giả trẻ mang đến sinh khí mới cho cuộc thi “Truyện ngắn hay 2022”,
chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Lệ Hằng từ Đà Nẵng vào TP.HCM để nhận giải nhì với
truyện ngắn “Triệu view giá bao nhiêu?”.
Khi được hỏi: “Con
đường Lệ Hằng
đến với văn chương như thế nào, trong khi hầu như người trẻ hiện nay ít tha thiết
với văn chương?”, tác giả trẻ Lệ Hằng
cho biết: “Lệ Hằng có niềm yêu mến đặc biệt với văn chương từ nhỏ
đồng thời cũng có một khoảng thời gian dài, hơn mười năm, khi đã qua thời niên
thiếu Lệ Hằng không đọc một tác phẩm văn chương nào, điều đó cũng có nghĩa là Lệ
Hằng chưa từng nghĩ đến chuyện bản thân sẽ làm công việc sáng tác này.
Biến cố khiến Lệ Hằng thay đổi để bắt đầu cuộc đời của
một tác giả là một kỉ niệm khá riêng tư. Người chồng của Lệ Hằng sau khi đọc
say sưa rất nhiều tác phẩm văn học thì một hôm bất ngờ đề nghị “Em hãy viết câu
chuyện của em đi”. Sau nhiều lần từ chối và trốn tránh, cuối cùng Lệ Hằng đã viết
một thứ gì đó, một thứ gì đó khiến anh ấy xúc động và yêu cầu viết thêm.
Ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 trang, anh ấy nhất định không
chịu dừng lại ở đó mà đòi thêm và ra yêu sách ít nhất phải là 100 trang. Sau một
tuần thì anh ấy đã có được 100 trang như anh ấy muốn. Và một năm sau, Lệ Hằng
đã phát triển hư cấu nó thành truyện dài “Kho
báu, bản thảo này hiện vẫn còn nằm trong
máy tính.
Lệ Hằng vẫn luôn nói rằng cha mẹ là người cho Lệ Hằng
cuộc đời thứ nhất, cuộc đời của một con người, còn chồng là người khai sinh ra
cuộc đời thứ hai, cuộc đời của một tác giả. Và Lệ Hằng hạnh phúc với điều này
vì bây giờ Lệ Hằng không còn viết theo bất kỳ sự ép buộc nào nữa mà là hoàn
toàn tự nguyện, Lệ Hằng đã tìm thấy cho mình những lý do để “cầm bút”, đồng thời
cũng tìm thấy hạnh phúc và bình an trong công việc này.
Trở lại với câu “người trẻ hiện nay ít tha thiết với
văn chương”, Lệ Hằng không nghĩ thế. Giả sử Lệ Hằng không tha thiết với văn
chương, hay bạn nào đó không tha thiết thì vẫn chỉ là những cá nhân hoặc một
nhóm người, không thể khái quát thành “người trẻ hiện nay” được. Lệ Hằng nghĩ rằng
con người ở bất cứ thời đại nào trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào vẫn âm thầm
khao khát được giãi bày tâm tư, lí tưởng, niềm tin, đau khổ, ẩn ức…
Con người không bao giờ có thể thôi tìm kiếm chính
mình, tìm kiếm đồng loại, tìm kiếm sự cảm thông… tìm kiếm một điều gì đó sâu sắc ở cuộc đời
này và văn chương cho chúng ta phương tiện và con đường để thực hiện những điều
trên. Lệ Hằng nghĩ rằng có thể cách thể hiện niềm “tha thiết” với văn chương ở
mỗi nhóm người hay ở mỗi thế hệ là có sự khác nhau và đó chỉ là những gì hiển lộ
trên bề mặt mà người ta có thể thấy nó bằng quan sát vội vàng mà bỏ qua cái mạch
ngầm chảy trong lòng xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho dù là ngàn năm
trước hay là ngàn năm sau đi nữa. Lệ Hằng tin rằng mạch ngầm ấy là bất biến chừng
nào còn có con người trên trái
đất”.
Một thành viên Ban
chung khảo là nhà thơ- nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn (ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà
văn TP.HCM, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam)
cho rằng: “Ở
các tác phẩm đoạt giải của người viết trẻ trong cuộc thi này, ta thấy cái khác,
cái mới hoàn toàn so với lớp người thế hệ
trước”. Tác phẩm “Triệu view giá bao nhiêu” đoạt giải nhì của tác giả trẻ Lệ Hằng đã thể hiện điều đó ra
sao?
Tác giả trẻ Lệ Hằng
thổ lộ: “Là một người sáng tác, điều duy nhất mà Lệ Hằng có thể
nói đó là mình đã viết bằng sự quan sát, sự suy tư và lòng cảm thông của bản
thân đối với cuộc sống mà mình đang dự phần trong đó. Đối với các sáng tác của
mình, Lệ Hằng chỉ có một mục tiêu duy nhất. Đó là mỗi sáng tác là một dịp để bản
thân và bạn đọc có cơ hội nhìn thật sâu vào cuộc đời, cũng như nhìn sâu vào
lòng mình để “thấy” những điều mà trước nay chưa từng “thấy” hoặc đã vô tình
lãng quên dù chúng luôn hiện hữu.
Điều Lệ Hằng
quan tâm chính là mình có câu chuyện gì cần phải kể hay không và có điều gì cần
nói, phải nói qua câu chuyện ấy hay không? Lệ Hằng muốn viết cho chính bản thân
mình, gia đình mình, bạn bè mình, và tất cả những bạn đọc ngoài kia, trong thời
đại mình chứ không muốn viết cho quá khứ cũng không muốn viết cho điều gì đó xa
vời ở tương lai. Vậy nên, nếu ai đó thấy sáng tác của Lệ Hằng có “cái khác, mới
hoàn toàn so với lớp người thế hệ trước” là bởi vì cuộc sống diễn ra như thế,
thời đại đã tạo ra một tâm hồn, một đôi mắt, một cách nhìn như Lệ Hằng ở hiện tại”.
Được biết Lệ Hằng
là một trong những người tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022, và gần
đây đã được nhiều giải thưởng văn chương ở các địa phương, cho thấy chị hoạt động rất năng nổ, tâm huyết. Vậy đến
với văn chương, chị có
mong muốn gì? Tác giả trẻ Lệ Hằng
chia sẻ: “Mong muốn của Lệ Hằng rất đơn sơ, đó là có thể tương
tác với cuộc đời này, kể câu chuyện mình muốn kể bằng chính sự quan sát và lòng
cảm thông của mình.
Lệ Hằng là một tác giả trẻ, rất trẻ, kể từ ngày viết
tác phẩm đầu tiên đến nay chỉ mới 4 năm. Lệ Hằng biết rằng bắt đầu yêu thích hay đam mê một
thứ gì đó thì rất dễ nhưng để sống với nó thường là khó, niềm yêu thích ban đầu
rất dễ nhạt phai, những phấn khích hay hào nhoáng ban đầu cũng qua đi chóng
vánh thứ còn lại sau đó là trách nhiệm, là khó khăn, thách thức, nỗ lực... Lệ Hằng
mong rằng mình sẽ đi trọn con đường này, còn sống, còn biết cảm thông với cuộc
đời thì còn viết”.
KỲ SƠN