Ấn tượng nhất về cái đọc, được gây ra từ sách “Thương những miền qua” của Nguyễn Thị Hậu là một giọng văn tự sự đậm chất Nam bộ, trong cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình, gây nhớ, gây thương, và gây ngẫm ngợi của người viết.
NGUYỄN THỊ HẬU THƯƠNG
NHỮNG MIỀN QUA
NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Ấn tượng nhất về cái đọc, được gây ra từ sách “Thương những miền qua” của Nguyễn Thị Hậu
là một giọng văn tự sự đậm chất Nam bộ, trong cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình,
gây nhớ, gây thương, và gây ngẫm ngợi của
người viết. Với tư thế và tâm thế của một phụ nữ làm nghề đặc biệt – khảo cổ học,
kể về những miền đất đi qua – với muôn vàn thương nhớ.
Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi
đến và cũng là đi về miền đất quê hương, nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu
đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình. Để
rồi, tất cả sự đi chứa chan cảm xúc ấy, đã lên hương, thành tình tự, ngụ trong
một chữ thương, (theo cách nói Nam bộ, chữ thương dùng để
chỉ chữ yêu. Con trai Nam bộ không nói anh yêu em mà
nói anh thương em).
Bởi vậy, chữ thương ngự ngay tên sách của
Hậu: “Thương
những miền qua”. Vì thế, sách có chữ thương này rất
có thể động lòng người chịu đọc nó.
Bởi lẽ, người đọc nào mà chẳng thương miền đất đã sống,
thương miền đất sắp đến và thương về miền đất mình sẽ trở lại - nơi quê hương
nguồn cội.
Như khát khao “quay đầu về
núi”?...
Chính vì thế, tôi trộm nghĩ, thương, là từ
khoá đặc hữu Nam bộ trong cuốn sách được viết bằng thể kí văn học, cũng mặc
nhiên đặc hữu cho lựa chọn chính xác của Hậu, đó là thể tuỳ bút: Thương những
miền qua.
Chữ thương, với cái viết riêng của Hậu, vì
thế, bỗng đã thành một từ khoá biểu cảm, đặc hiệu nhất cho cảm xúc của chủ
thể viết Nguyễn Thị Hậu.
Trước hết là thương mình, được cha sinh mẹ đẻ, trong một
hoàn cảnh đặc biệt: cha mẹ là người miền Tây Nam bộ, cùng đi theo kháng chiến
chống Pháp, cùng ra Bắc tập kết năm 1954, hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội hơn hai
mươi năm và về lại Sài Gòn giải phóng năm 1975.
Nguyễn Thị Hậu, sinh năm 1958 tại Hà Nội, hiển nhiên
trở thành dấu cộng đẹp về địa -văn - hoá, giữa hai miền Nam - Bắc, giữa
Hà Nội thủ đô và Sài Gòn sau giải phóng. Về nguồn gốc của mình, Hậu viết giản dị
“Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”: “Quê ngoại tôi cách
quê nội một nhánh Tiền Giang, nối liền nhau bằng bến đò Mỹ Hiệp”.
Sinh ở Hà Nội, Hậu nói giọng Hà Nội, cho đến giờ, Hậu
vẫn giữ giọng ấy. Gia đình ba má Hậu, như thế, đã xa quê ở đồng bằng sông Cửu
Long 21 năm, đã từng ăn 21 cái tết Hà Nội, xa ngôi nhà của ông bà nội cũng chừng
ấy năm. Song dù ở đâu trên đất Bắc trong 21 năm dằng dặc xa quê ấy, thì “ngày
Tết của gia đình tôi bao giờ cũng thấm đẫm hương vị Tết Nam bộ. Hương vị ấy có
một đặc trưng rất riêng, ấy là mùi bánh tét gói bằng lá chuối”.
Ngày còn bé dại, sinh ra và sống cả thời niên thiếu ở
Hà Nội, có thể Hậu không thể trông thấy, và đặt chân lên đất quê cha quê mẹ,
nhưng ông Bảy Bạch – đạo diễn sân khấu Nguyễn Ngọc Bạch - cha Hậu, từng là trưởng
đoàn Cải lương Nam bộ, sau là trưởng Đoàn kịch Nam bộ, và má Hậu, ở Hà Nội,
nhưng đã thiết lập chắc chắn trong gia đình một lối sống, trong một bầu không
khí đặc sệt chất Nam bộ, Nam bộ đến từng chi tiết nhỏ của việc ăn uống ngủ nghỉ,
học hành, sinh sống và nghĩ suy… của những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Sống trên đất Bắc, với tâm thế chia đôi “Ngày Bắc đêm
Nam”, với tâm trạng, mà thi sĩ Tế Hanh từng thảng thốt nhớ thương: “Đêm nằm
chiếu chẳng ấm lưng/ Bữa ăn đôi đũa ngập ngừng so le”. Ông Bảy Bạch, cha Hậu,
biết con gái mê nghệ thuật cải lương và kịch, nhăm nhe thi vào nghề sân khấu,
nhưng ông không khuyến khích Hậu theo nghề cha. Rốt cuộc, Hậu tự quyết định học
Khảo cổ học tại Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, và sau này đạt học vị Tiến sĩ
khảo cổ học, và tập trung hành nghề khảo cổ ở vùng văn hoá Nam bộ.
Cuốn sách mới “Thương
những miền qua” là
một trong chuỗi sách tản văn, tạp bút mà Nguyễn Thị Hậu từng xuất bản hàng chục đầu sách, kể từ
cuốn tạp bút đầu tiên: Đi và Tìm trong Đất, năm 2008. Song song với chuỗi
sách này là chuỗi sách chuyên khảo về khảo cổ học, mà người đọc tôi thích nhất
hai cuốn: Khảo cổ học bình dân Nam bộ (viết chung, 2010) và Đô
thị Sài Gòn – TP HCM - Khảo cổ học và bảo tồn di sản (xuất bản năm 2017,
tái bản 2019).
Truyền thống gia đình Nam bộ cấp cho Hậu một tình yêu
quê hương hồn nhiên, thương về cội rễ, ngay từ thuở bé ở Hà Nội, dù Hậu chưa từng
được thấy quê nội và quê ngoại. Nghề khảo cổ học cho Hậu những thấm thía nghĩ
suy về giá trị của những cổ vật trong lòng đất ở ngay trong lòng đô thị Sài Gòn
và vùng ven đô Sài Gòn, xa hơn là những vùng miền đất cổ ở Đồng bằng sông Cửu
Long. Và trên tất cả là những chuyến đi về đầy niềm thương nỗi nhớ của chủ thể
viết Nguyễn Thị Hậu. Và mặc nhiên, đã dẫn đến cái viết chẳng thể đặng đừng của
Hậu, và dẫn đến cái đọc, cũng có thể chẳng thể đặng đừng của người đọc Nam bộ,
và không chỉ Nam bộ, đã sống và đã yêu mảnh đất đẹp phong nhiêu và độc đáo này,
với Sài Gòn – viên ngọc Viễn Đông…
Vậy theo tôi, người đọc có quyền giải mã cái đọc của
mình đối với loại sách “tản văn, tuỳ bút" này của Hậu, có lẽ chỉ trên một
chữ thương (như từ khoá), mà chính Hậu đã từng định nghĩa, từng rưng
rưng viết, đầy cảm xúc bộc trực: “Nếu ai đó chỉ nói với mình một câu giản
dị: anh thương em thì mình sẽ bỏ tất cả mà theo”.
Nói vậy mà có phải vậy không, hỡi cô em tôi, Hậu KC (Hậu khảo cổ)?
Nhưng tôi tin cái chắc là Hậu đã nhiều chuyến đi đi về
về miền Tây Nam bộ tấp nập ghe thuyền trên sông nước, trong bát ngát cảm xúc của
chữ thương, khiến ngay cả Hậu cũng nao lòng, “mới thấy thương quê mình gì
đâu”. Và Hậu tự mình vỡ lẽ - như trong một tản văn của Hậu mà tôi đọc đã lâu:
“chữ thương của miền Tây ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa biết bao, bởi
vì thương không chỉ là thương yêu cha mẹ anh em, mà còn
là thương nhớ người dưng, thương xót thân phận ghe xuồng trên sông, thương
những gì gắn bó cả đới như thương chính mình.
Không ngưng được nỗi lòng, Hậu thổn thức viết tiếp: Chữ
thương bao dung nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn
lòng không được. Bởi vậy, người đọc nào cũng có thể động lòng mà cùng theo
Hậu thương về miền Tây, cùng Hậu thương không để đâu cho hết,
những con nước lớn, nước ròng, chiếc xuồng chiếc ghe xuôi ngược miên man trên
sông rạch, thương xóm, thương làng trải dài ven sông yên bình, thương những
vườn cây trĩu trịt hoa trái miệt vườn, những con đường rợp bóng cây xoài, cây dừa
và những ngôi chợ miền Tây sầm uất bán mua cả trên đất bằng lẫn trên sông nước…
Tất cả nặng trĩu trong tâm thế người viết Nguyễn Thị Hậu, đong đầy trong một chữ thương…
khiến người đọc cũng vì chữ thương ấy mà cầm lòng không đậu!
Vậy thì bạn đọc thân mến, còn chần chờ gì nữa mà không
cầm lấy chữ thương ấy để đọc sách của Hậu, để được nặng lòng thương
nhớ con người và vùng đất Nam bộ, vốn đậm đà tinh thần Lục Vân Tiên của Nguyễn
Đình Chiểu, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha! như Hậu khảo cổ đã
viết thật cảm động trong một tùy bút của sách này: Người Sài Gòn và tinh
thần Lục Vân Tiên…