Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến với những khoảnh khắc khó quên nhất trong cuộc đời qua tập truyện ký ‘Tôi được sống’, vừa Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm sáng 24/4.
Đạo diễn Nguyễn Ngọc
Hiến sinh ngày 1/4/1942 tại xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đạo
diễn Nguyễn Ngọc Hiến có nhiều năm làm giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu,
TP.HCM. Ngoài một số phim truyện như “Người trong cuộc”, “Biển sáng” hoặc
“Thiên đường cho cô gái nhảy”, đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến rất được đồng nghiệp nể
trọng ở mảng phim tài liệu.
Sở trường làm phim
tài liệu của đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến được thể hiện rất rõ trong 300 trang
sách của tập “Tôi được sống” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Đó là những
quan sát tinh tế, những dữ kiện cụ thể và những chi tiết chắt lọc. Đạo diễn
Nguyễn Ngọc Hiến không có ý định trở thành một tác giả văn chương, nhưng cuộc đời
ông đã chính là một tác phẩm văn chương.
Sau khi tập kết ra Bắc
tháng 10/1954, đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến được đào tạo ở Trường Học sinh miền
Nam và khoa toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1964, ông xung phong vào
chiến trường miền Nam. Những đứa con miền Nam trở lại chiến đấu trên đất mẹ
kiên cường thời điểm khốc liệt ấy có không ít văn nghệ sĩ nổi tiếng, như nhà
thơ Lê Anh Xuân, nhạc sĩ Thanh Trúc...
Ban đầu, Nguyễn Ngọc
Hiến phục vụ trong đội chiếu bóng và chiến đấu ngoan cường như một bộ đội chính
quy. Với thành tích tham gia bắn xe tăng Mỹ và giáp trận tiêu diệt biệt kích Mỹ,
Nguyễn Ngọc Hiến được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ năm 1967. Thế nhưng,
định mệnh oái oăm nhất và cũng kiêu hãnh nhất của Nguyễn Ngọc Hiến là vai trò
phóng viên báo Khởi Nghĩa.
Khi đi viết về đội du
kích xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, phóng viên Nguyễn Ngọc Hiến
đã bị thương nặng vào tháng 10/1970. Khoảng khắc ấy, hơn nửa thế kỷ sau, Nguyễn
Ngọc Hiến thuật lại: “Chắc viên đạn trúng mặt tôi là đạn đum đum (tức khi viên
đạn chạm vào mục tiêu sẽ phát nổ, còn gọi là đạn phá) nên toàn bộ xương hàm và
răng dưới bị bay mất. Máu ra nhiều. Nằm trên xe bò của chị Ba Ngai, tôi lim
đi”. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến trong tập “Tôi
được sống” thú nhận: “Mỗi lần viết về nhân dân và du kích An Tịnh thì lòng tôi
hồi hộp vì trong đó có cả máu thịt của mình”.
Đạo diễn Nguyễn Ngọc
Hiến chia tập “Tôi được sống” thành ba phần: ký, truyện và hồi ức về học sinh
miền Nam. Tuy nhiên, ba phần dù tồn tại độc lập vẫn không tách rời về mặt cảm
xúc. “Tôi được sống” có bút pháp giản dị, tỉ mỉ và chân thành, đúng đặc trưng của
văn học phi hư cấu. Đã từng làm phóng viên rồi lại làm đạo diễn, nên ông có được
nhiều trang văn sinh động. Ví dụ, “Vài nét quang cảnh vùng giải phóng Củ Chi
năm 1965” phác thảo cuộc sống thời chiến với các tình huống và các hình ảnh gây
ấn tượng, như một bộ phim tư liệu bằng chữ.
Có lẽ cần nhắc lại, đạo
diễn Nguyễn Ngọc Hiến không có ý định lấn sân sang lĩnh vực văn chương. “Tôi được
sống” là những lời tri ân lặng lẽ, tri ân với đời, tri ân với người, tri ân với
cách mạng, tri ân với số phận. Thế nhưng, “Tôi được sống” vẫn có khả năng tồn tại
ung dung như một tác phẩm văn học đích thực, bởi giá trị tự thân của cuốn sách.
Giá trị văn chương của
“Tôi được sống” thể hiện rõ nhất qua ngôn ngữ đối thoại. Tác giả có ý thức
chuyên nghiệp, dùng đúng văn phong của từng nhân vật và giúp họ bộc lộ tính
cách khác biệt. Bên cạnh đó, tác giả cũng chăm chút văn phong cá nhân, dùng
đúng những chữ, những từ quen thuộc của người Nam bộ như “Bộ Tư lịnh” chứ không
cần tuân thủ qui tắc chính tả chung là “Bộ Tư lệnh”.
“Tôi được sống” có
nhiều tài liệu quý dành cho thế hệ sau. Có lẽ đấy là những tài liệu mà đạo diễn
Nguyễn Ngọc Hiến chưa có điều kiện đưa lên màn ảnh. Những câu chuyện xoay quanh
nhân vật “Thằng Kôn Sắc” như “Đụng độ với tướng Tô Ký” hoặc “Dạy điều lệ Đảng
cho tù binh Mỹ” đều là gợi mở thú vị cho các tác phẩm văn chương và điện ảnh tiếp
nối mạch cảm hứng về vẻ đẹp con người Việt Nam trong khốc liệt đạn bom.
Khép lại tập “Tôi được
sống” không khó để nhận ra đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến là một tác giả tự trọng.
Ông phân định “truyện” và “ký” không phải để đặt mục tiêu sáng tác, mà để kiểm
soát giới hạn bản thân. Những gì ông viết hầu hết đều trên nền tảng sự thật,
nhưng khi thấy trí nhớ của mình không đảm bảo tài liệu chính xác tuyệt đối thì
ông chuyển thể loại “ký” thành “truyện”, hoặc vì lý do tế nhị không thể viết
toàn bộ sự thật bằng một nửa sự thật thì ông xác lập “truyện” thay cho “ký” nhằm
tránh những tổn thương ngoài tiên liệu cho đối tượng liên quan.
“Tôi được sống” có thể
xem là một minh chứng nữa về sức hấp dẫn của thể loại văn chương tự sự. “Tôi được
sống” có thể là một sự may mắn Thượng Đế ban tặng, thì “tôi được nhớ”, “tôi được
kể” và “tôi được viết” là một thái độ do chính con người quyết định theo cách
sòng phẳng và văn minh./.