Lựa chọn khuynh hướng “lịch sử hóa tiểu thuyết” với lối viết chương hồi, nhà văn Phùng Văn Khai góp phần làm sống lại một thời lịch sử đã xa, từ ngôn ngữ đến hình tượng nhân vật.


NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ PHÙNG VĂN KHAI

LẠI NGỌC ANH THƯ

Tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai đã tạo được phong cách và tiếng nói nghệ thuật riêng đặc sắc, giàu giá trị thẩm mĩ; đã góp mặt trong dòng chảy chung đa giọng điệu của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Lựa chọn khuynh hướng “lịch sử hóa tiểu thuyết” với lối viết chương hồi, nhà văn góp phần làm sống lại một thời lịch sử đã xa, từ ngôn ngữ đến hình tượng nhân vật. Càng đọc tiểu thuyết lịch sử của ông, ta càng thấy sự cố gắng và khả năng trau dồi kĩ thuật viết được nâng lên qua từng tác phẩm.

Nghệ thuật xử lý chất liệu lịch sử

Lựa chọn viết về đề tài lịch sử là nhà văn phải lựa chọn cách xử lý mối quan hệ giữa hư cấu nghệ thuật và tính chân thực lịch sử. Hư cấu nghệ thuật ở đây là bồi đắp chỗ trống trong các trang chính sử. Đối với Phùng Văn Khai, ông rất tôn trọng tính chân thực lịch sử và cũng rất coi trọng phần hư cấu, tưởng tượng nghệ thuật bởi điều đó sẽ làm nên giá trị văn chương cho tác phẩm: “Văn học lịch sử của chúng ta bị chậm do chúng ta không dám hư cấu. Thực ra các vĩ nhân trong lịch sử cũng là con người, cũng có lúc sai, có điểm xấu nhưng khi viết về một vị vua thì nhà văn cầm bút có hư cấu gì cũng là để tôn vinh nhân vật, đưa nhân vật trở về đời thường nhưng không được thóa mạ, không bôi đen lịch sử, làm giảm nhuệ khí người Việt… Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử dù gì cũng phải hư cấu trên nền dân tộc, nền nhân dân và nền tiến bộ”.

Phùng Văn Khai có cách xử lí lịch sử rất đa dạng. Trên nền tiểu thuyết, lịch sử được khắc họa bởi bàn tay tinh tế, tài hoa của một người cầm bút tài năng. Những yếu tố cố định, yêu cầu nhà văn phải đảm bảo tính chính xác là các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, bối cảnh lịch sử đến cách ăn nói, trang phục, ngôn ngữ… của từng thời kì nhất định. Rõ ràng, tác giả không thể tùy tiện thay đổi phục trang của người hiện đại cho những người ở giai đoạn trước, cũng không thể có các từ ngữ quá tân thời cho con người trong quá khứ. Phùng Văn Khai đã rất cẩn trọng, kĩ lưỡng trong việc thể hiện tính chân xác lịch sử. Các nhân vật Lý Bí, Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương… đều có thật. Các sự kiện, địa danh được nhắc đến đều được ghi chép và diễn ra trong chính sử. Chính điều này góp phần đảm bảo tính xác thực của lịch sử, tạo nên độ tin cậy cao trong các tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai.

Bên cạnh đó, nhà văn cũng không coi nhẹ hư cấu, các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử đã được nhà văn sáng tạo một cách hợp lí. Lý Thiên Bảo hiện lên còn “chân thực” hơn cả Lý Thiên Bảo trong chính sử. Vì Lý Thiên Bảo trong lịch sử là đối tượng còn nhiều khoảng trống bỏ ngỏ. Chính sử nhắc đến ông khá ít, còn Lý Thiên Bảo dưới ngòi bút của Phùng Văn Khai là một con người đời thường với đầy tâm tư, hành động trong gần 500 trang tiểu thuyết.

Phùng Văn Khai còn có cách xử lí lịch sử đầy phóng khoáng. Bên cạnh tái hiện nhân vật có thật, tiểu thuyết gia không quên tô vẽ thêm nhân vật hư cấu bằng sự tưởng tượng của nhà văn. Ông đã đưa vào tác phẩm khá nhiều yếu tố tâm linh, kỳ ảo. Đây là nhân tố đã góp phần tạo nên diện mạo mới, sắc thái mới cho tiểu thuyết Phùng Văn Khai, giúp ông có thể phản ánh hiện thực đa dạng, phong phú, tinh tế, sâu sắc và biến ảo hơn.

Tính hư cấu ở trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử được nhà văn Phùng Văn Khai viết trên nguyên tắc nền tảng lịch sử, hư cấu trên một sự thật lịch sử, khoa học lịch sử. “Nam Đế Vạn Xuân” ra đời đã lý giải được tính khoa học lịch sử của việc Lý Nam Đế lên ngôi lập nhà nước Vạn Xuân, lập chùa Trấn Quốc. Tính tự chủ của người Việt hết sức mãnh liệt và không lệ thuộc vào phương Bắc. Với tư cách là người yêu thích lịch sử, nhà văn cho rằng: “triều chính Việt Nam không có việc giải trí. Chúng ta không có thời gian nhiều cho giải trí”.

Nếu đặt Phùng Văn Khai với Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải, ta thấy Phùng Văn Khai có hướng đi riêng của mình. Nguyễn Xuân Khánh luôn coi trọng chất tiểu thuyết trong tiểu thuyết lịch sử. “Tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là tiểu thuyết, mang đầy đủ đặc trưng thể loại. Vì vậy một mặt nhà văn tôn trọng sự chân thực lịch sử mặt khác coi trọng sự hư cấu, sáng tạo”. Hoàng Quốc Hải quan niệm: “Tiểu thuyết nói chung kể cả tiểu thuyết lịch sử đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ. Vấn đề là phải hư cấu như thế nào đạt đến chân thực lịch sử và chân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực”. Điều này hoàn toàn khác với tư tưởng tôn trọng lịch sử của Phùng Văn Khai, ông chấp nhận sự hư cấu nhưng phải có giới hạn và tuyệt đối không “bôi nhọ” lịch sử. Chính điều này đã mang lại sự đóng góp rất lớn của cây bút với lịch sử nước nhà. 

Kết cấu và cốt truyện

Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai được triển khai theo kết cấu chương hồi. Ở một góc độ nào đó, có thể coi Phùng Văn Khai là người có công phục sinh và làm mới tiểu thuyết chương hồi, đưa chúng lại gần với độc giả đương đại. Tác giả chọn tiểu thuyết chương hồi vì thể loại này mang nhiều ưu điểm cho phép nhà văn đảm bảo nguyên tắc vừa tôn trọng lịch sử vừa thoát khỏi lịch sử để tự do sáng tạo; vừa bao quát được hiện thực lớn vừa quản lý được nhân vật, tường thuật một cách mạch lạc, đảm bảo cốt truyện phát triển hợp lô gíc. Theo mô hình tiểu thuyết chương hồi, mỗi cuốn sách của Phùng Văn Khai gồm nhiều hồi. Mỗi hồi kể về một chuyện và có thể tách ra thành từng truyện ngắn độc lập nhưng đều được triển khai xoay quanh nhân vật trung tâm.

Phùng Văn Khai đã kế thừa truyền thống của kết cấu tác phẩm. Nhưng trong tiểu thuyết của mình, nhà văn đã sử dụng hình thức kết cấu sự kiện, lấy nhân vật và sự kiện lịch sử làm trục chính. Tác giả đã sử dụng kết cấu theo kiểu này hết sức thành công đã lôi cuốn sự hấp dẫn của bạn đọc. Người đọc nếu chỉ đọc lướt qua sẽ không thể phát hiện cái hay của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai. Trong các tác phẩm của ông có rất nhiều tình tiết đáng nhớ. Đọc xong bộ bốn tác phẩm thời Tiền Lý, độc giả sẽ thấy được sự sắc sảo khi sử dụng các tình tiết, có sự sắp đặt hợp lí khiến bạn đọc thêm tò mò. Nếu độc giả đọc kĩ, độc giả sẽ thấy được các sự kiện nối tiếp nhau một cách sâu sắc và đầy đủ, thấy được toàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, đây là một giai đoạn lịch sử Bắc thuộc mà chính sử còn nhiều khoảng trống. Từ đó, giúp độc giả thấu hiểu và thêm yêu, thêm trân trọng công lao của ông cha ta.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Nhân vật là chủ thể làm nên các sự kiện, các diễn tiến của lịch sử. Để phản ánh bức tranh hiện thực lịch sử đương thời, tác giả Phùng Văn Khai đã thâu nạp số lượng đồ sộ nhân vật. Các nhân vật này đại diện khá đầy đủ các loại người, các tầng lớp, các kiểu nhân cách khác nhau. Các nhân vật đó chỉ cần nhắc tên là người đọc có thể hình dung ra điệu bộ, cử chỉ, quan điểm sống, nhân cách, như: Lý Bí, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương, Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều, Phùng Thanh Hòa, Nhã Lang, Triệu Quốc Chính, Trần Bá Thường, Lý Thiệu Long, Trịnh Tông Hàn, Dương Đình Lập,… Có một số nhân vật được tác giả khắc họa kỹ như bốn vị hoàng đế, quân vương của Vương triều Tiền Lý nhưng cũng có các nhân vật chỉ xuất hiện qua một vài chi tiết mà khiến người ta nhớ mãi như Nhã Lang, Hoàng hậu Su Man Trinh, Từ sư phụ, Triệu Thái sư,… Đạt được điều đó là bởi tài khắc họa nhân vật của tác giả. Ông chứng tỏ những cố gắng và năng lực nghệ thuật của mình: ông đã đem đến trước mắt người đọc những bức tranh chân dung sinh động: đắp da đắp thịt cho nhân vật, để người đọc thấy những số phận, hình hài, tâm lí, tính cách, những hành động cùng chi tiết cụ thể trong cuộc sống, chứ không phải những tên người, tên việc trần trụi.

 Các nhân vật lịch sử thông qua ngòi bút nhà văn trở thành hình tượng văn học với cá tính, phẩm chất riêng. Ở “Nam Đế Vạn Xuân”, qua lối kể chuyện hấp dẫn cùng mạch truyện uyển chuyển, với nhiều tình tiết đan xen nhưng vẫn trên một trật tự tuyến tính, không bị đứt gẫy, Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tiến bộ nhuần nhuyễn trong bút pháp của mình.

Kết hợp đối thoại, Phùng Văn Khai sử dụng văn phong tiểu thuyết để miêu tả và dựng lại bối cảnh phù hợp. Bạn đọc có thể thấy ngôn ngữ và hành động thể hiện lên tính cách nhân vật và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cùng với văn phong miêu tả ấy kết hợp độc thoại nội tâm, Phùng Văn Khai còn tôn lên được đặc điểm tâm lí của nhân vật.

Có thể nói, bằng ngôn ngữ, Phùng Văn Khai đã phục dựng được cả không gian văn hóa của nhà nước Vạn Xuân. Ông đã đem đến cho bạn đọc những tri thức mới mẻ, hấp dẫn về đất nước và con người Việt Nam thời Tiền Lý và các thời đại trong tiểu thuyết lịch sử mà ông đã công bố.