Năm
1969, một tai họa đau hơn Trời giáng, khiến Bùi Giáng phải vào nhà thương
điên: nhà ông bị cháy, toàn bộ kho sách và cả hai cái rương “quý hơn
vàng” bị thiêu hủy.
Hiểu thêm Bùi Giáng từ góc nhìn gần của Bửu Ý
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) đã quá nổi tiếng và
quá nhiều người giới thiệu, bình phẩm; không ít chuyện thơ và chuyện đời của
nhà thơ kỳ tài, độc đáo này đã thành giai thoại, biến hóa thành “văn học
dân gian” được lan truyền rất rộng. Trong tình hình đó, “người đi sau” như nhà
văn - dịch giả Bửu Ý đã có “phép lạ” nào để giữ được bạn đọc với cuốn
sách dày gần 250 trang?
Có phải điều nghi ngại này đã khiến “Bùi Giáng, một đời thơ” chậm đến với bạn đọc? Tôi nói vậy
là do đã được nghe anh Bửu Ý tiết lộ một cách thích thú từ mấy năm trước
rằng anh đã hoàn thành công trình này và đang tìm “đầu ra”. Thế rồi lặng
đi…
Đã
tưởng tác giả thuộc hàng cao tuổi, vài năm qua ít khi xuất hiện trước công
chúng sẽ bỏ cuộc trước thị trường xuất bản lộn xộn và đang khó mọi bề
như hiện nay. Nhưng ‘vàng thật không sợ lửa”, nhờ có “duyên” sống cạnh
Bùi Giáng nhiều năm, với góc nhìn gần, thân thiết, với sự thông tuệ của một
chuyên gia Pháp ngữ, tác phẩm của Bửu Ý vẫn hấp dẫn với nhiều chi tiết,
cách lý giải chuẩn xác, bất ngờ, giúp bạn đọc hiểu sâu thêm, đúng hơn về
Bùi Giáng. Hơn thế, đúng như “Lời giới thiệu” của Nhà xuất bản, “qua ngòi
bút của Bửu Ý, chúng ta không chỉ thấy Bùi Giáng mà còn thấy cả hơi thở,
không khí thời đại mà cả hai người đó đã dự phần vào…”
Điều đó, bạn đọc cảm nhận rõ ràng qua gần 70
trang Phần vào đầu cuốn sách với rất nhiều kỷ niệm cùng Bùi
Giáng, trong khung cảnh Sài Gòn từ năm 1963, khi Bửu Ý “dời đô” từ Huế
vô làm Thư ký tòa soạn báo Mai và Nhà xuất bản An Tiêm. Những
cuộc gặp gỡ bàn luận nghệ thuật và thế sự với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ
trí thức về sau hầu hết đều nổi tiếng (như Phạm Công Thiện, Đinh Cường,
Trịnh Cung, Đặng Tiến, Lâm Triết, Rừng, Nguyễn Đức Sơn…) tại các nơi ở
của Bửu Ý và Bùi Giáng thật thú vị. Hai người dễ thân thiết với nhau
vì như Bửu Ý đã viết: “Bùi Giáng nhớ Huế là chuyện bình thường, bởi năm
1939, anh rời quê ra Huế học ở một tư thục; sau đó, năm 1942, anh bảo “trở
ra Huế vì nhớ những gái Huế…”. Dưới đây là một cảnh hai người gặp nhau ở
Sài Gòn:
“…Chúng tôi đã có một quán thường lui tới trên đường
Lê Văn Duyệt. Quán nhỏ, thân tình, bán bún và phở. Ngồi yên chỗ, Bùi
Giáng quen gọi cho mình một tô bún kèm thêm một tô phở và chép miệng:
“Cái nào cũng ngon”. Bùi Giang ăn không giống ai. Bao nhiêu thịt thà, anh
ăn ngoẻn hết. Lúc đầu tôi chột dạ: “Anh ăn chi lạ vậy?” Anh cười cười:
“Cái gì ngon mình phải ăn trước, lỡ khi gió độc thổi ngang, chết nửa
chừng, uổng lắm”.
Không chỉ là một chi tiết ăn uống của Bùi Giáng mà
chỉ có Bửu Ý biết, mà nó bộc lộ cả tính cách, ngôn ngữ và tư tưởng nhà
thơ kỳ dị – hai nội dung khá quan trọng, được Bửu Ý phân tích kỹ lưỡng
ở phần sau cuốn sách. Con người ăn nói và làm thơ như đùa chơi, nghịch đời lại
đã có một hoạt động cực kỳ nghiêm chỉnh – đó là năm 1965, khi Mỹ bắt đầu
đổ quân vào miền Nam, Bùi Giáng đã tham gia cùng nhóm trí thức rất nổi
tiếng của Đại học Vạn Hạnh, góp tiếng nói cứu nước “bằng cách đối thoại với
một số yếu nhân trên thế giới” với những lá thư in thành sách Đối
thoại bằng tiếng Anh và Pháp – Thượng tọa Thích Nhất Hạnh viết cho
Marin Luther King; Phạm Công Thiên viết cho Henry Miller; Tam Ích viết cho
Jean Paul Sartre và Bùi Giáng viết cho René Char. Phải là người có tầm cỡ
thế nào mới có thể gửi thư cho các trí thức hàng đầu thế giới lúc đó! Cuốn
sách gây tiếng vang lớn và René Char (bạn thân của Jean Paul Sartre) đã “đáp
lời” bằng cách gửi tặng Bùi Giáng mấy tác phẩm…
Có lẽ cũng chỉ Bửu Ý mới miêu tả “thế giới sách” của
Bùi Giáng với những nét đặc sắc khi anh qua nơi ở của ông, “thường xuyên
lổn ngổn cà mèn, đũa chén, dấu tích của một hai bữa ăn hôm trước. Bước
vào căn gỗ cót két, một hình ảnh bao trùm đập mạnh vào mắt: sách và sách!
Sách khắp cùng; trên hai kệ sách to bằng gỗ, sách chồng chất trên chỗ nằm,
và nhất là lớp trên lớp dưới tứ bề ngả nghiêng trên sàn gỗ […] Nhưng
khốn cho ai buột miệng khen chủ nhân là người đọc sách, là người nhiều
sách, là nhà nghiên cứu!...”. Bùi Giáng không thích ai nói những điều đó.
Ông nhiều sách còn vì “có cái tật kỳ lạ”: thấy sách ông quan tâm, dù đã
có, ông mua thêm; đặc biệt ông còn hai cái rương “rất chắc chắn, bằng kim
loại và cả hai đều ken chặt bằng nhiều ống khóa mắc chéo vào nhau. Không
cần phải hỏi, ta thừa biết đây là hai chiếc rương đựng tác phẩm của Bùi
Giáng…”
Tôi nhắc chuyện sách hơi dài một chút vì nó gắn với
vấn đề “thời sự” là khắp các diễn đàn, báo chí đang tìm mọi cách để
“chữa bệnh” lười đọc sách của
hầu hết lớp người. Và nữa, năm 1969, một tai họa đau hơn Trời giáng, khiến
Bùi Giáng phải vào nhà thương điên: nhà ông bị cháy, toàn bộ kho sách
và cả hai cái rương “quý hơn vàng” bị thiêu hủy!
Những trang sách của Bửu Ý cuốn hút bạn đọc không
chỉ nhờ các chi tiết lạ lùng trong cuộc đời Bùi Giáng chưa phải ai cũng biết
mà do sự liên tưởng sâu xa của một ngòi bút thông tuệ. Sau sự cố Bùi
Giáng bị cháy kho sách quý đau lòng, Bửu Ý nhắc lại việc Bùi Giáng không
học lên đại học và nêu một danh sách dài “không thể viết ra hết” những nhân
tài lừng danh trong nước và thế giới mà chủ yếu nhờ tự học qua sách, chứ
không theo trường lớp “nghiêm chỉnh”: Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Nguyễn Văn
Vinh… nhà thơ Pháp René Char, nhà văn André Malraux (một thời làm Bộ trưởng
Văn hoá Pháp), nữ sĩ người Anh Virginia Woolf, nhà văn Argentine J.L. Borges…
và vô số nghệ sĩ lẫy lừng khác như họa sĩ Léonard de Vinci… Ở Phần Tiểu
sư – chân dung và tác phẩm, Bửu Ý cho biết Bùi Giáng hai lần bỏ học “1950:
đỗ Tú tại toàn phần văn chương và ra Liên khu Bốn để theo học đại học,
nhưng khi nghe Hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng, ông bỏ về quê “đọc sách
chăn dê”! Mà ông chăn cả trăm con chỉ để… rong chơi thôi, không thấy bán!
Bửu Ý viết những chuyện này không phải để “xúi”
trẻ em bỏ học, nhưng các tên tuổi nổi tiếng thành danh chủ yếu nhờ tự học
qua sách thêm một lần nhắc nhở mọi người rằng những cuốn sách tốt mang lại những
giá trị không thể đo đếm được; đồng thời đặt ra vấn đề hệ trọng cho ngành
giáo dục là phải thật sự cải cách, hướng đến mục tiêu cao đẹp nhất là đào
tạo nhân tài.
Qua góc nhìn Bửu Ý, chuyện tình yêu và quan hệ
với người khác giới của Bùi Giáng cũng thật kỳ lạ. “Trong trường hợp Bùi
Giáng, cái “như là tình yêu” ấy nó là tất cả, nó trùm lấy tất cả, nó
vượt luôn qua biên giới quốc gia và chạm tới mọi họ tộc sắc dân, từ
chóp đỉnh hoàng hậu Nam Phương đến cô em mọi nhỏ thông qua chị bán
ve chai, nó vượt hết không gian thời gian, đánh thức cả nữ hoàng Ai Cập
Cléopâtre suốt qua Huyền Trân công chúa. Bao nhiêu quốc sắc thiên hương,
bấy nhiêu hồng nhan trắc trở, hàng hàng mẫu nghi thiên hạ, vô vàn mẹ
hiền sinh hạ dưới thế… tất cả đều vui lòng trở về tề tựu giữa thành tâm
trân quý của Bùi Giáng lập nên một “lục địa nữ” để cho mọi người yêu
thương, thao thức, quý trọng …”
Trang sách trích đã dài mà tôi còn muốn trích thêm vì anh Bửu Ý viết hay như… một trường ca về tình yêu và phái đẹp. Đọc đoạn “tả cảnh” Bửu Ý dẫn Bùi Giáng đến gặp ca sĩ Hà Thanh, nhà thơ xúc động, luống cuống “ánh mắt của Bùi Giáng hướng về người đẹp như những đường kiếm xẹt ngang xẹt dọc sát sườn nhưng vẫn không chạm phân ly nào vào gương mặt kiều mị của ca sĩ…”, rồi còn cảnh “ai nấy như ngưng thở” khi nhà thơ “vân vê… câu giờ” xem chỉ tay cho ca sĩ nữa, có khi thú hơn… đọc thơ! Đây cũng là cách tôi “thanh minh” việc viết cả ngàn chữ về cuốn sách “một đời thơ” thi sĩ tài danh Bùi Giang mà chưa nhắc câu thơ nào của ông! Cũng vì với thơ, tôi là kẻ “ngoại đạo”; hơn nữa, hầu hết những trang sách của bậc thầy ngôn ngữ Bửu Ý đã chọn trích những câu thơ đặc sắc của ông (hai tiểu mục Những câu thơ đặc biệt, và Những bài thơ đặc biệt rất có ích cho những ai không có điều kiện đọc nhiều thơ Bùi Giáng) và nhiều câu thơ của ông, bạn đọc đã thuộc; ví như câu về Huế: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…”.
Vậy nên chỉ trích thêm đôi câu
trong chương Bửu Ý phân tích tài năng của Bùi Giáng về “Ngôn ngữ”. Do là
người thông thạo nhiều ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hán, Đức…) Bùi Giáng “trở
thành điêu luyên trong sử dụng từ ngữ… anh vui chơi, đùa cợt với chữ
nghĩa… anh nhào lộn, uốn dẻo, vặn vẹo, bẻ gãy, bẻ dấu, uốn giọng,
giả giọng, co dãn câu, lắp ghép vần… một cách có khi quá đà nhưng vẫn
tài tình, thông bác…”. Tôi chỉ xin trích hai câu: “Tôi gọi Bình Dương là
Bình Dưỡng…/ Tôi gọi Cần Thơ là cần thở…”
Không chỉ là một kiểu chơi chữ nghĩa mà còn là sự
tiên báo tài tình về những biến động đô thị hóa quá đà, đe dọa môi trường
sinh thái mà cả nhân loại đang phải cấp cứu S.O.S!!!
Điều cần nói thêm là với công phu chuẩn bị - thể hiện qua Danh mục tham khảo có đến 35 nguồn tư liệu, riêng tác giả có hẳn “Hồ sơ Bùi Giáng”, “Từ điển Bùi Giáng” và 5 cuốn sổ ghi chép, cuốn sách không chỉ có “góc nhìn” của Bửu Ý mà nó gần như là bộ sưu tập đầy đủ những bình luận về Bùi Giáng của nhiều nhà văn, nhà báo nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; do đó, qua tác phẩm này, chân dung-nghệ thuật thi ca của Bùi Giáng đã hiện ra một cách khá toàn vẹn và chính xác nhất…