Nhà văn Mikhail Prishvin cũng được coi như một ca sỹ ngợi ca không biết mệt những dòng sông, những cảnh đồng, những vạt rừng sồi, rừng bạch dương..như những gì trời ban phú cho riêng người Nga.


Kỷ niệm 150 năm (1873-2023) ngày sinh của nhà văn Nga Mikhail Prishvin

GÓC KHUẤT MỘT ĐẠI THỤ VĂN CHƯƠNG

Nói tới tình yêu nồng nàn, sự cảm thụ và miêu tả tinh tế, sinh động thiên nhiên Nga, nhiều người trong chúng ta hay nhắc tới tên tuổi của Konstantin Pautovsky. Còn một nhà văn  nữa- Mikhail Prishvin cũng được coi như một ca sỹ ngợi ca không biết mệt những dòng sông, những cảnh đồng, những vạt rừng sồi, rừng bạch dương..như những gì trời ban phú cho riêng người Nga.

Nhưng ngòi bút của nhà văn này không chỉ dừng lại ở đó. Qua đi nhiều thập niên biến động, đọc lại ông người Nga càng cảm nhận ra chiều sâu, tầm bao quát, bản lĩnh cùng sức sống lâu bền của những trang sách ông đã viết ra..

Bài viết đăng kèm là cuộc trả lời phỏng vấn về nhà văn Nga độc đáo, đặc sắc này của Giáo sư, Viện trưởng Viện văn học Gorky Aleksei Nikolaevist Varlamov. 

@ Thời Xô Viết, Mikhail Prishvin được biết đến rộng rãi với tư cách là tác giả của các tác phẩm về thiên nhiên. Và ngày nay, cũng như trước đây, phần lớn độc giả vẫn tiếp tục cảm nhận về ông như thế. Còn điều gì mọi người chưa biết về nhà văn này?

VARLAMOV: Tôi cho rằng bạn đọc còn nhiều điều chưa biết về ông. Prishvin, trên thực tế, đã vĩnh viễn kết hôn với thiên nhiên, như điều mà Paustovsky đã nói một cách thơ mộng nhất: “Nếu thiên nhiên có thể biểu lộ được lòng biết ơn đối với một người đã đột nhập vào đời sống bí mật và ngợi ca vẻ đẹp của nó, thì trước hết lòng biết ơn này sẽ thuộc về Mikhail Mikhailovich Prishvin”. Nói vậy cũng chỉ là chạm tới phần nổi của một tảng băng chìm. Prishvin đã sống một cuộc đời rất dài, vô cùng sôi động và chủ đề về thiên nhiên không phải là sự quan tâm duy nhất trong tác phẩm của ông.

Kinh nghiệm sống phong phú, những suy ngẫm về các chủ đề xã hội, những vấn đề về lịch sử, tôn giáo, triết học, cuốn nhật ký mà tác giả đã viết gần nửa thế kỷ, từ năm 1905 cho đến khi ông qua đời năm 1954 - đó là những gì rất thú vị, rất quan trọng. Prishvin đã trở thành một nhà biên niên sử, của giai đoạn lịch sử đầy kịch tính này ở nước ta.

Nhà văn đã ghi lại không chỉ một biên niên sử mà còn là một bộ bách khoa toàn thư đầy bí mật về cuộc sống của người Nga - phong phú, phức tạp, chi tiết- ở đó bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho nhiều câu hỏi khác nhau. Giả sử, như đối với cá nhân tôi, câu hỏi đặt ra là tại sao một người từng kịch liệt không chấp nhận cuộc cách mạng và những người Bolshevik vào năm 1917-1918, đã lên tiếng tranh luận về chủ đề này với nhà thơ Blok, cuối đời lại chân thành ghi vào nhật ký: "Không thể làm khác được.Tôi là một người cộng sản". Đối với tôi, câu hỏi này không chỉ quan trọng để hiểu biết về bản thân Prishvin, mà nói chung về toàn bộ con đường của nước Nga trong thế kỷ XX.

@ Ông sẽ khuyên người đọc bình thường nên đọc tác phẩm nào để nhận ra “một Prishvin khác”?

VARLAMOV: Tôi rất thích những những trang sách đầu tay của ông viết trước cách mạng: “Ở xứ sở của những chú chim dũng cảm”, “Phía sau chiếc bánh thần kỳ”, “Bên những bức tường của thành phố vô hình”, “Ả Rập đen”, “Nikon Starokolenny”. Còn từ các tác phẩm thời Xô Viết, ngoài câu chuyện nổi tiếng nhất của ông "Nhân sâm" hay cuốn sách giáo khoa " Tủ đựng thức ăn của mặt trời”, bạn nhất định nên đọc "Chuỗi xích của Kashcheev", "Câu chuyện về thời đại chúng ta” cũng như tiểu thuyết "Con đường của Sa hoàng".

Và cạnh đó, vì chúng ta đang nói về nhật ký của Prishvin như một tác phẩm bí mật nhất của nhà văn, rõ ràng là ngày nay không phải ai cũng có thể đọc được mười tám tập dày dặn này. Nhưng mới gần đây thôi, nhà xuất bản của Viện Văn học đã cho ra mắt một cuốn sách, trong đó chúng tôi có đăng những đoạn nhật ký của nhà văn liên quan đến hiểu biết của ông về tâm lý học và triết học sáng tạo. Và tôi muốn giới thiệu cuốn sách này cho mọi độc giả chăm chú, đặc biệt cho các nhà văn.

Trên thực tế, đây là một lời mời trong tâm tưởng hãy bước vào phòng làm việc của nhà văn, có ở khắp mọi nơi - ở Yelets,ở St. Petersburg, ở làng Pesochki thuộc tỉnh Novgorod, trong những khu rừng gần Smolensk, ở Taldom gần Moscow, trên Hồ Pleshcheyevo, ở Sergiev Posad, ở Usolye- nơi Prishvin đã ở trong thời kỳ chiến tranh, ở Mátxcơva, và tất nhiên, ở Dunino gần Mátxcơva, nơi nhà văn đã trải qua những năm cuối đời, nơi đặt bảo tàng của ông hiện nay.

@ Theo ông, những giai đoạn quan trọng nào trong tiểu sử đã định hình nên một Prishvin với tư cách là nhà văn?

VARLAMOV: Rõ ràng là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của bất kỳ người nào, thậm chí hơn thế của một nhà văn, được hình thành và phát triển trong thời thơ ấu, điều mà Prishvin đã mô tả một cách tuyệt vời trong cuốn tiểu thuyết "Chuỗi xích của Kashcheev": điền trang Khrushchevo quê hương của ông, những năm trung học ở Yelets và buộc phải di dời đến Tyumen. Nhưng một trong những bước ngoặt quan trọng và kịch tính nhất trong cuộc đời Prishvin là niềm đam mê với chủ nghĩa Mác trong những năm sinh viên, mà chàng trai trẻ đã phải trả giá bằng một năm biệt giam trong lâu đài nhà tù Riga.

Sau đó, ông rời xa các hoạt động cách mạng, nhưng nhiều năm sau, khi cuộc cách mạng xảy ra, Mikhail Mikhailovich viết trong một bức thư của mình rằng ông ta không chống lại "con quái vật", vì ông cảm thấy mình có liên quan và có trách nhiệm với nó. Một sự kiện khác, chắc chắn, quan trọng nhất trong tiểu sử của ông là chuyến đi đến Kênh đào Biển Trắng vào năm 1933, từ đó kế hoạch đau đớn dành cho cuốn tiểu thuyết “Con đường của Sa hoàng” đã ra đời. Vấn đề ở đây là những nơi này đã được Prishvin biết đến nhiều: chúng được mô tả trong cuốn sách đầu tiên của ông- “Ở vùng đất của những chú chim dũng cảm”. Và bây giờ, khi quay trở lại nơi này gần ba mươi năm sau, tác giả, khi đi cùng với những người Chekist, đã tự hỏi trong nhật ký của mình: có đáng để xua đuổi lũ chim không?

@ Trong cuốn sách của ông viết về Prishvin, ông đã chú ý rất nhiều đến mối quan hệ của nhà văn  với Vasily Rozanov. Nhà triết học này đã đóng vai trò ra sao trong số phận của Prishvin? 

VARLAMOV: Rozanov là nhân vật chủ chốt trong tiểu sử của Prishvin. Sự quen biết của họ bắt nguồn từ thời Prishvin còn là học sinh tại trường trung học ở Yelets, còn Rozanov là giáo viên địa lý và là kẻ hành hạ những học sinh nghèo tại trường này. Nhà văn tương lai của chúng ta học rất tệ, và ở một thời điểm nào đó, một cuộc xung đột cá nhân đã xảy ra giữa một giáo viên khó tính và một học sinh cẩu thả, kết quả là nhà kinh điển trong tương lai của chúng ta đã bị đuổi khỏi trường.

Hai mươi năm sau, hai người gặp lại nhau tại một cuộc họp của Hiệp hội Tôn giáo-Triết học ở St. Petersburg, và Prishvin đã tặng những cuốn sách do chính ông viết cho “kẻ đáng ghét” của mình. Rozanov-người vào thời điểm đó đã là nhân vật thống trị những suy nghĩ của xã hội Nga và vẫn là bạn của những người theo chủ nghĩa tự do; nhà giáo xưa vẫn không hài lòng lắm khi nhớ lại cậu học trò cũ và không có giao tiếp cá nhân nào được phát triển giữa hai người.

“Prishvin, trò nên tìm đến những cánh rừng, và tránh xa các tòa soạn”- Rozanov khuyên cậu học trò cũ, nhưng Prishvin vẫn đi theo bước chân của Rozanov theo đúng nghĩa đen. Giới tính,sự trừng phạt bằng đòn roi, chủ nghĩa suy đồi, nhà thờ, người Do Thái, các vị thần đen và sáng – đấy là cái vòng tròn về các chủ đề và sở thích trước cách mạng của Prishvin.

 “Rozanov là lời bạt cho văn học Nga, tôi chỉ là một kẻ ứng dụng miễn phí”- nhà văn đã viết trong nhật ký sau khi Rozanov qua đời. Nên nói luôn, nhờ Prishvin đã chỉ khu nghĩa trang, nơi chôn cất Rozanov, ngày nay chúng ta mới tìm ra được ngôi mộ của nhà triết học này.

@ Prishvin đã gần gụi với ai khác trong những người cùng thời với ông? Những người ấy có coi Prishvin là " người cùng chí hướng" và "kẻ thù" có điều kiện không?

VARLAMOV: - Trong thời kỳ trước cách mạng, ông ấy là thành viên của nhóm Gippius – Merezhkovsky- nơi họ đối xử với ông không quá nghiêm túc; họ cười nhạo sự góc cạnh, vụng về của Prishvin và Alexei Remizov trở thành người bạn thực sự của ông. Mối quan hệ của hai người bị gián đoạn sau khi Remizov ra nước ngoài, nhưng chính từ đó, Remizov đã viết những lời tuyệt vời về Prishvin: “Prishvin, người không rời nước Nga trong mọi gian khổ và khó khăn, là nhà văn đáng kể nhất ở Nga. Và giọng nói này vang lên từ nước Nga lúc này nghe mới lạ lùng làm sao.

Giọng nói ấy nhắc nhở mọi người với nỗi đau và sự phẫn nộ rằng, vẫn còn có thế giới của Chúa đấy, với hoa và các vì sao, và không phải vô cớ mà những con vật xưa kia đã từng sống gần gũi với con người nay lại sợ hãi bỏ đi vì chúng sợ con người. Nhưng còn gì trên đời này, ngoài sự giản dị, tính thơ ngây con trẻ và đức cả tin – thì ra, con người vẫn còn sống”.

Trong những năm sau cách mạng, Prishvin vẫn giữ liên lạc với nhà phê bình văn học Ivanov-Razumnik và giúp đỡ ông này rất nhiều trong tất cả các giai đoạn Razumnik gặp số phận kém may mắn; Prishvin trao đổi thư từ với Gorky, làm bạn với nhà thơ trẻ Viktor Bokov, tranh luận với Marshak về văn học thiếu nhi, đã lên tiếng phê phán Olesha vì cụm từ đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết "Ghen tị": "Anh ấy hát vào buổi sáng trong tủ quần áo". Nhưng, về đại thể  Prishvin bị cô đơn giữa giới văn học. Ví như, khi vào tháng 8 năm 1933, khi diễn ra chuyến đi của các nhà văn Liên Xô dọc theo Kênh đào Biển Trắng mới được xây dựng, Prishvin đã không đi cùng mọi người mà đã đi trước đó một tháng cùng với con trai Peter. Và ông rất thích người đồng hương cũng là bạn học của ông tại ngôi trường trung học ở Yelets- nhà văn Nga lưu vong Ivan Bunin. Prishvin ghi trong nhật ký ông coi Bunin là nhà văn thân thiết nhất của mình.

@ Nếu ông được yêu cầu kể cho mọi người nghe về một nhà văn mà người đó chưa từng nghe nói đến, ông sẽ nói điều gì?

VAELAMOV: Prishvin là một người cực kỳ thú vị, là một trong những bậc thầy thành đạt nhất, người đã viết cho hiện tại, cho tương lai và thành công ở mọi nơi. Trong cuộc đời ông có nhiều hạnh phúc và cũng nhiều bất hạnh, đau khổ, nghèo đói, cô đơn, hiểu lầm. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là niềm vui, hạnh phúc, tình yêu, và có lẽ, rất ít nhà văn Nga của thế kỷ XX đã được sống cuộc đời của mình một cách đầy đủ,tự do như ông ấy.

Prishvin không hy sinh lương tâm hay danh dự, nhưng đồng thời không cho phép ai dồn mình vào lòng đất. Và không phải là Prishvin lảng tránh những đại lộ trong văn học, nhưng lại đi dọc theo những con đường phụ kín đáo, cảnh giác nhìn xung quanh, ghi vào nhật ký những gì đang xảy ra trên những đại lộ kia. Đơn giản ra là ngoài tài năng viết, chắc chắn Prishvin còn có tài năng sống - một tài năng mà sau này ông gọi là phẩm chất sáng tạo và đã từng được nhà văn kinh điển Nga Griboyedov nói tới: "Tôi viết tức là tôi sống".

TÔ HOÀNG chuyển ngữ.