Đỗ Bích Thúy viết nhiều về đàn bà. Chị cặm cụi đào từng vỉa chữ, chạm tới đâu, tim chị rướm lệ, thậm chí nhỏ máu tới đó. Nên sau mỗi cuộc chữ, Thúy phải nghỉ để hồi sức.


Chữ và cách trải bày tâm hồn của Thúy

ĐỖ QUYÊN

Nhà văn Đỗ Bích Thúy là người Kinh, được sinh ra ở một thung lũng của người Tày, tuy nhiên dấu ấn vùng cao quá mãnh liệt ẩn vào hồn chữ, khiến độc giả mặc định, chị là đứa con của núi đá. Thúy bắt đầu cho tương lai của mình bằng những con số - học ngành Tài chính, nhưng như là duyên nợ, chị sau đó chuyển sang học đại học ở Học viện Báo chí.

Chẳng thể nói rành rẽ: chữ và Thúy, ai dắt tay ai. Nhưng có lẽ, tự 9 tháng 10 ngày trong tinh huyết cha mẹ, cái mầm sống nhỏ nhoi ấy đã thâu vào mình vi vút gió trời, sừng sững núi đá, mộc mạc cỏ cây, những thung hoang, khe sâu hay ban mai, tà dương. Phải chăng hồn Thúy từ đó đã bắt vào một trò chơi ghép hình mênh mông của không gian trừu tượng, rất đỗi tự nhiên ấy? Thúy cứ đi và đã đến, dĩ nhiên để tới ban mai thì trái tim người đàn bà ấy đã bao nhiêu lệ vỡ giữa trùng trùng bóng tối. Cuộc đời cơ bản là buồn, vậy thì hết nỗi buồn, đời còn gì để vui. Văn Thúy vì thế thẳm vào buồn, kết thúc tác phẩm vẫn chưa ra khỏi. Ấy chính là sự hiện hữu lấp lánh nhất của cuộc sống.

Đỗ Bích Thúy viết nhiều về đàn bà. Chị cặm cụi đào từng vỉa chữ, chạm tới đâu, tim chị rướm lệ, thậm chí nhỏ máu tới đó. Nên sau mỗi cuộc chữ, Thúy phải nghỉ để hồi sức. Ban đầu, chỉ viết khi có cảm hứng, niềm yêu ngọn bút có thể đến hàng ngày, nhưng đôi khi hàng tháng mới cựa quậy và cuối cùng chị giục mình viết mỗi ngày. Nỗ lực đó đã khiến Thúy trở nên một cây bút đáng nể về số lượng cũng như chất lượng sách. Chị từng mong, chỉ một hay vài trang viết của mình sẽ neo lại trong đời sống bạn đọc, chị đã làm được hơn thế. Đỗ Bích Thúy là một nhà văn thành công.

Viết trơn bén như thế, nhưng không cho phép mình ẩu. Chau chuốt, kĩ lưỡng, phơi trải cả xó tối hay lộng lẫy, ấy là chữ Thúy. Chị quan niệm: nhà văn phải đi một con đường riêng, mỗi cuốn sách, thậm chí mỗi trang viết phải vẽ một chi tiết sống động trên bản đồ thời gian cuộc đời. Chẳng thế mà có lần viết xong một cuốn sách, khi nhân vật nữ nhảy xuống vực sâu, buông bút là Thúy phải từ phòng viết tầng 3, xuống tầng 1 để thở và khóc. Dù không muốn thế, nhưng nhân vật của chị đã chọn cái chết dưới vực vì nếu sống tiếp, cuộc đời cô ấy còn lạnh lẽo hơn cả đáy vực.

Cuộc đời Thúy, đã từng có khoảnh khắc đến đáy, từng bị cào cứa trong những rung lắc độc dữ của thân phận. Nhưng có các con và chữ, Thúy đã vượt qua tất cả. Chị được làm điều mình muốn. Dù gió không ngừng thổi, mưa táp, nắng vẫn lửa, như cái lẽ tự nhiên muôn kiếp, nhưng chị vẫn kiêu hãnh, xinh đẹp, bản lĩnh và tỏa hương.

Tôi bén Đỗ Bích Thúy từ tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá". Cứ hình dung và tự hỏi (dù chưa gặp chị ngoài đời bao giờ), sao Thúy lại viết về miền núi trong trẻo, mềm mượt nhưng đau đáu và nhức nhối đến thế. Đỗ Bích Thúy khiến người ta nhớ Hà Giang hay Hà Giang khiến văn chị đẹp và ám ảnh? Tuyệt nhiên sẽ không có câu trả lời. Vì nếu đời này, cái gì cũng rành rẽ sẽ không có văn chương. Văn chương là thứ đi giữa bản năng, lý trí và cuộc đời. Sau mỗi kết thúc tác phẩm, Thúy đã tự bứt mình ra khỏi đứa con tinh thần, trở lại cuộc sống. Chị từng coi mình như thể "con lờ vờ", tự trôi giữa cuộc đời cả ngày, lang thang, bất định, choáng váng về số phận nhân vật.

Là phụ nữ, tìm đến nhân vật người đàn bà, đó là tất yếu, vì ở đó Thúy mới là mình. Những quan niệm hà khắc, hủ nho luôn như một kiểu xiềng xích giam cầm thân phận phụ nữ, khiến họ nhu nhẫn, nhàu đau, dù lòng đầy khát vọng. Trỗi lên trong cõi sống của người đàn bà trong trang sách Thúy là khát vọng yêu.

Từ khi mở cho đến lúc khép sách, những khao cháy ấy nồng lên, quặn thắt, đớn rạc, nhưng rồi lặn vào, "Lặng yên dưới vực sâu". Trang văn chị dậy mùi vùng cao, nhân vật đàn bà của chị, áo khăn thổ cẩm, gò má ửng hồng, mắt lấp lánh, trái tim nhảy nhót, nhưng giữa cơn phong ba của cuộc đời, cuối cùng họ thế chấp đời mình trong lãnh cung cảm xúc, suốt đời theo sau đuôi ngựa của chồng, ngửi đến chán chê mùi rượu ngô phả ra trên chiếc giường chồng vợ đêm đêm.

Đến nỗi khi, gấp lại trang sách, tôi vẫn thấy phập phồng ngực thở đàn bà. Cháy đó mà không thể sáng, chỉ dụi vào da thịt của rừng bằng những giọt tức tưởi như chắt ra từ mắt đá. Chuyện Thúy viết vì thế không dừng lại ở vòm ngực đàn bà vùng cao, là nông nỗi đàn bà thành thị, là chính cháy bỏng của bất kì phụ nữ nào hiện hữu giữa thế giới này. Đọc Thúy, tôi thấy mình trong đó. Tôi - đứa bé lơ vơ lạc giữa vòm trời ấu thơ, lấm lem, bỡ ngỡ nhìn ngắm thế giới bằng con mắt hồn nhiên, trong veo. Tôi - đàn bà giữa cơn sang thương của số phận, ngực gầy nghẹn khóc. Và đi qua tất cả để bản lĩnh mà an nhiên sống. Vì thế tôi yêu Thúy và chắc chắn đàn bà, khi đọc Thúy đều cảm mến.

Văn chương là thứ được khai sinh từ trải nghiệm và sáng tạo. Đồ rằng, số phận đã chọn Thúy, để chị đi trên con đường ấy. Chị rong du rất nhiều và không ngừng khao khát được khám phá. Mỗi miền đất mới như một hải lưu nóng hổi, tựa miệng núi lửa chỉ chực phun trào nham thạch để vùi Thúy trong những chất ngất cảm xúc, dù chị luôn tự nhủ, văn chương còn là lý trí. Để nhân vật từ tác phẩm, bước vào đời sống mà không chết. Cũng bởi thế, trên những cung đường tít tắp hay thân quen, thứ gặp mỗi ngày, người thấy mỗi lúc, với Thúy vừa lạ lẫm, lại vừa như thể bước ra từ đâu đó trong vùng kí ức mênh mang của chị. Có khi chị ngẩn ngơ vì chạm tới cái cây cô đơn chìa tay bên vách đá lởm chởm, thảng hoặc lại là một chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ chợ phiên, không che nổi một ánh mắt thẳm như khuya sâu, hẫng như tiếng nai cô đơn tác bạn dội vào thảm rừng hoai mục. Thúy vẫn giữ tâm trạng đó khi bắt tay viết cuốn tản văn "Than đỏ dưới tro tàn" (4/2023- Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Liên Việt Books liên kết xuất bản).

Tôi thích tản văn Đỗ Bích Thúy. Ở cuốn sách xinh xắn này, dằng dặc những cung đường chị đã đi. Thúy viết thật đến nỗi, tôi có cảm giác, câu chuyện núp từ đâu đó trong thế giới của chị, chỉ chờ đặt bút, là hiển hiện. Đọc mà như nghe chị kể, từng chặng, từng trang, yêu thương, xót đau, cảm khổ, khát cháy. Cứ thế, cứ thế, Thúy xuyên tim vào độc giả, như một khe nước nhỏ. Sức công phá của nước chính là sức mạnh của tự nhiên.

Thúy viết "Trên mặt đá cạn khô" vào một cuối thu. Chị điềm tĩnh kể cho con, tuổi thơ không đèn điện, ngôi trường xa xôi, mái nhà thung sâu. Nghĩa là một thứ hoàn toàn xa lạ với thế giới đủ đầy hiện tại của bọn trẻ, chỉ có mẹ chúng là quen thuộc. Mẹ đến với con không theo cách như bao người mẹ bình thường khác trên thế gian này. Mẹ đến từ những vọng âm cao nguyên lặng trầm, từ Kinh thành náo huyên, bằng bản lĩnh tôi tôn trong thử thách. Dạy con từ những điều giản dị, trân trọng cuộc đời, để niềm yêu sống sẽ phả xanh non vào ta mỗi ban mai. Thu vì thế, tàn úa trong sứ mệnh mùa mà vẫn không thôi lóng lánh qua ánh nhìn của tuổi trẻ. Văn Thúy, ban mai hừng lên.

Lạ lắm, chỉ bắt đầu từ những chi tiết: con cua, cái cuốc, men rượu, giọt sáng trên bụi cây lúp xúp, làn hương từ thân cây nát hay ráng chiều đỏ ối đang từ từ chạm vực… nhưng văn chị có năng lực điêu khắc một rẻo cao hoang hiu, trong ngần, khôi nguyên, tịch tĩnh và đầy thân phận. Thúy thường viết về những điều khi chị đã xa, đã ở một vùng ánh sáng khác để quan sát, phơi trải, chan lọc và ngẫm ngộ, bồi hồi nhất. Bởi chính khoảng cách về không thời gian ấy mới cho chị những cảm thấu tinh nhạy và chính xác nhất về nơi đã từng dung dưỡng chị. Để khi viết, chị sẽ tìm để thấy điều mình muốn, tình mình thấm và chia cho độc giả.

Lối viết không kỹ thuật, chẳng sáo ngữ, Thúy là Thúy thôi khi đến với độc giả. Văn tự tâm, nên bạn đọc yêu quý chị tự tim. Cuộc đời dù vui buồn thì né tránh hay phớt lờ, giương vây hoặc kéo cờ trắng đều không phải cách. Yêu thương, xa xót từ u uẩn đời mình, độ lượng để thứ tha, Thúy đã gieo vào tôi đức tin, thứ ánh sáng giản dị mà kiêu hãnh của một người đàn bà đẹp, cương cường, nhân hậu. Đỗ Bích Thúy - mảnh rừng xanh đã về phố, nhưng trang văn vẫn hừng lên gió núi, mây ngàn, ấm áp vòng tay ôm yêu cuộc đời vốn đầy rẫy những day dứt phù du này.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An