Nhà văn Trần Gia Thái đã được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao qua tiểu thuyết ‘Sóng độc’ tại cuộc tọa đàm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng 10/3.


Nhà văn Trần Gia Thái sinh năm 1955 tại Hà Nam. Nhà văn Trần Gia Thái hoạt động sôi nổi trong cả hai lĩnh vực văn chương và báo chí. Nhà văn Trần Gia Thái có nhiều năm làm Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Sau khi thôi chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, nhà văn Trần Gia Thái lại được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Với kinh nghiệm của một người cầm bút am tường giới truyền thông lẫn giới quan trường, nhà văn Trần Gia Thái đã có tiểu thuyết “Sóng độc” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tiểu thuyết “Sóng độc” lọt vào chung khảo văn xuôi của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022.

Tại cuộc tọa đàm về tiểu thuyết “Sóng độc” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng 10/3, nhiều ý kiến khác nhau từ các đồng nghiệp đã góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị của tác phẩm này trong đời sống hôm nay.

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên nhận định: “Sóng độc” là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi của một người trong cuộc viết về  lĩnh vực phát thanh- truyền hình, nhà văn Trần Gia Thái, mà cụ thể là về đài phát thanh- truyền hình Bắc Hà, tỉnh Nam Bình. Trần Gia Thái là người dành trọn cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp phát thanh và truyền hình. Từ lúc vừa tốt nghiệp chuyên ngành báo chí về đài làm phóng viên rồi tiến dần qua các nấc thang quản lý cấp phòng, ban, rồi lên Phó Giám đốc và cuối cùng là Giám đốc, Tổng Biên tập đài cho đến khi nghỉ hưu. Có thể nói không ai am hiểu tường tận về quá trình xây dựng và phát triển, trưởng thành của một đài phát thanh và truyền hình như ông.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Suyền đánh giá: Viết về cái mặt trái, cái tiêu cực trong xã hội đương thời, Trần Gia Thái không viết về nạn tham nhũng đang được coi là một thứ “giặc nội xâm”. Ông tập trung viết về một tệ nạn xã hội ngày càng phổ biến, ấy là cái tệ nạn tung tin giả, bôi xấu những người tử tế, mỗi khi họ chuẩn bị được cất nhắc, đề bạt hay khen thưởng. Viết về những âm mưu, thủ đoạn, hành động nham hiểm, tàn độc của những kẻ xấu xa nhưng lại mang danh nghĩa là bảo vệ chế độ, tổ chức, cơ quan, đã làm hại biết bao người có năng lực, tử tế, lương thiện.

Viết về cuộc chiến đòi lại công lí cho những người chân chính bị hại, một “cuộc chiến trong nội bộ”, “đầy cam go, cân não, tổn hao tinh thần, trí tuệ”. Với vốn sống phong phú và sự từng trải của một người làm phát thanh truyền hình kì cựu, một nhà báo đầy từng trải, lọc lõi, Trần Gia Thái đã khai thác một đề tài độc đáo, gắn bó sâu sắc với môi trường sống, với nghề nghiệp, với cuộc đời, là máu thịt của cuộc đời ông.

Theo nhà phê bình Hoài Nam, bản thân cái tên của tiểu thuyết, “Sóng độc”, đã rất đặc trưng cho nghề phát thanh truyền hình, những loại hình báo chí lấy “sóng” làm phương tiện truyền tải tin, bài đến quảng đại công chúng khán thính giả. Nhưng sóng ở đây lại không phải sóng thường, mà là sóng độc, tức những thông tin không/ chưa được kiểm chứng, thiếu độ chính xác, hoặc những thông tin được đưa trên đài một cách mập mờ với dụng ý đánh lạc hướng quan tâm của dư luận, gây sự hoang mang bán tín bán nghi đối với công chúng, thậm chí là cả những tin giả, tin bịa đặt hoàn toàn. Không chỉ có vậy, như một phái sinh về nghĩa, sóng độc còn là những lời đồn đoán thiếu căn cứ, những thông tin xấu, tồn tại và lan truyền theo kiểu “rỉ tai”, nó cứ âm ỉ loang rộng như lớp dầu trên mặt nước rồi bùng lên thành đám cháy dữ dội vào những lúc rất bất ngờ. Trong tiểu thuyết của Trần Gia Thái, các loại sóng độc này được mô tả như những vũ khí kịch độc mà con người sử dụng để tấn công con người, hay nói chính xác hơn, đồng nghiệp sử dụng để triệt hạ đồng nghiệp.

Thuộc thế hệ trẻ tuổi hơn, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ tiếp nhận “Sóng độc” bằng sự trân trọng: Trần Gia Thái đã viết nên tiểu thuyết Sóng độc bằng những tích lũy vốn sống của cả một đời cầm bút. Trong những trang văn của ông có đủ sự tinh tế, trải nghiệm của nhìn người, nhìn việc, nhìn đời, chỉ vài nét phác là đã đủ hiện ra bản chất mỗi nhân vật. Bên cạnh chủ đề chính là cuộc đấu tranh giằng co trong nội bộ một cơ quan, còn có thể thấy hiện lên những trang sử của cả dân tộc qua số phận của từng gia đình, những câu chuyện của thời chiến và thời bình, những con người đi từ lam lũ nghèo khổ đến no ấm, khá giả.

Tương tự, nhà văn Uông Triều cho rằng, điều đáng quý trong cuốn tiểu thuyết của Trần Gia Thái là nó không hoàn toàn một chiều tiêu cực, cái nhìn bi quan; ngoài những kẻ như Đỗ Thiết và đám tay chân giống như đám lưu manh hơn là công chức thì còn những người có lương tri, trách nhiệm như giám đốc Văn Đức, phó giám đốc Trần Thuỵ, trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Hoàng Vĩnh Quyền, bí thư tỉnh uỷ Hoàng Minh, ông Khiêm bố Quang Thiện, nhà báo Nguyễn An… cùng nhân vật trung tâm là nhà báo Quang Thiện. Cái đáng quý nhất ở Thiện là anh còn sống với cái tâm trong sạch, thậm chí từ chối những thủ đoạn bẩn thỉu hoặc tàn nhẫn để trừng phạt kẻ thủ của mình. Trong đường hầm tăm tối vẫn có ánh sáng của cái thiện, cái đức, cái nhân của con người. Có lẽ cái tên Quang Thiện, ngoài mong ước của người cha mong con mình sống một đời trong sáng, thiện lương thì đây cũng là nhân vật được tác giả tâm huyết, và có thể là hình bóng đâu đó của người viết.

Với tư cách đồng nghiệp lâu năm, nhà báo Nguyễn Uyển khẳng định: Trần Gia Thái đi từ phóng viên, trưởng thành theo thời gian, làm Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Những ấn phẩm thơ, văn, truyện ngắn, truyện vừa và những bài báo do anh sản sinh ra đều đọng lâu và sâu trong lòng chúng tôi. Anh sống mạch lạc, ngay thẳng, nghĩ sao nói vậy. 440 trang tiểu thuyết đầu tay của anh tôi đọc không sót một câu. Tôi yêu mến cách sắp đặt, kết nối sự vụ, nhân vật lớp lang khéo léo của anh.

Nghề báo dù là phương tiện, hay tòa soạn nào đi nữa thì nó cũng có chức năng căn bản, thống soái là thông tin chân thực vì lợi ích và quyền được hưởng thông tin của người đọc. Nghề mà người sản xuất sáng tạo ra thông tin và loan tin không được bịa đặt, không được nói dối, nói sai; không dùng chữ nghĩa, nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân...

Thế nhưng sự đời không hẳn như thế. Ấy là nội dung “Sóng độc” đã bộc lộ ngay từ chương I cho tới tận chương cuối (chương XVII). Ở đó cái ác, cái thiện được phơi bày theo mạch kể, theo sự vụ và theo tư tưởng của tác giả, chỉ rõ căn nguyên vì sao như thế nhằm vun vỗ điều tử tế cho con người. Tôi yêu mến những trang viết thấm đẫm sự trải nghiệm của tác giả. Trần Gia Thái thực sự sống hết mình với sự kiện khi dùng ngôn ngữ để biểu hiện. Viết với triết lý nhân sinh với niềm tin và hy vọng với bi hài trên cả khổ đau”

 NNVN