Thư viện Nguyễn Văn Hưởng không ngừng khai thác các tư
liệu mới, hoặc nghiên cứu, phát hiện những điểm mới trong thư tịch xưa. Thư viện
đã tư vấn tìm kiếm tư liệu, phối hợp nghiên cứu với các cá nhân và tổ chức như
Tạp chí Phương Đông, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
- Sự thật.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng - Một địa chỉ
văn hóa mới
NGUYỄN NHƯ PHONG
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng có lẽ là một trong những thư
viện tư nhân có quy mô lớn và chuyên nghiệp nhất Việt Nam hiện nay, hoạt động độc
lập và mở cửa rộng rãi phục vụ công chúng. Thư viện do Thượng tướng Nguyễn Văn
Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an thành lập
vào tháng 10/2019, đặt tại tòa nhà Almaz khu Vinhomes Riverside - quận
Long Biên, Hà Nội.
Đầu năm 2019, trong một lần tới thăm Thượng tướng Nguyễn
Văn Hưởng, tôi ngạc nhiên thấy có đến hơn hai chục thùng gỗ, mỗi cái đến nửa
mét khối xếp ở sân. Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, ông bảo: "Đây là
sách, tài liệu mới gửi từ Mỹ về. Chuyến đầu tiên đấy".
Tôi biết Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng có niềm đam mê
đọc sách từ lâu. Nhưng ông đọc sách khác với mọi người, bởi sách ông hay đọc là
sách có tính học thuật, nghiên cứu và tư liệu lịch sử. Ông đọc sách rất nghiêm
cẩn và luôn luôn có một cây bút chì, cuốn sổ và tệp giấy trắng bên cạnh. Ông đọc,
thấy điều gì cần thiết là dùng bút chì gạch chân, hoặc ghi vào sổ, hoặc ghi
vào giấy… Ông có trí nhớ rất tuyệt vời. Cho đến giờ, mặc dù nhiều năm đã
trôi qua nhưng ông vẫn nhớ tên từng đồng đội, hoặc các sĩ quan dưới quyền trong
các chuyên án lớn, hoặc nhớ vanh vách số của các nghị quyết, nghị định… Nhờ trí
nhớ tốt, sự đam mê và tác phong làm việc cẩn trọng nên trong khoảng 6 năm trở lại
đây, năm nào ông cũng có 1 hoặc 2 đầu sách xuất bản, trong đó có những cuốn được
bạn đọc đặc biệt quan tâm như cuốn "Phán xét - Các nước lớn đã can
thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào?". Cuốn sách dày gần 700 trang
và chứa đựng lượng thông tin khổng lồ thuộc loại "thâm cung bí sử". Đọc
cuốn sách, chúng ta sẽ thấy được rõ hơn sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và các
thế hệ lãnh đạo Việt Nam trong giai đoạn lịch sử từ trước năm 1945 tới
sau năm 1975.
Trở lại việc thành lập Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.
Ý tưởng xây dựng một trung tâm tư liệu, hay một thư viện
có trong Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng từ khi ông còn là Tổng cục trưởng Tổng cục
An ninh. Chính vì thế mà ông nhờ bạn bè đang làm việc tại Mỹ, Pháp và một số nước
khác sưu tầm tài liệu là các sách, báo, tạp chí, phim tư liệu, đặc biệt là các
tài liệu đã được giải mật của Mỹ liên quan đến sự can thiệp của Mỹ vào Việt
Nam… Không chỉ sưu tầm sách báo, bạn bè của ông còn nhờ sưu tầm những kỷ vật của
bộ đội ta hy sinh được lính Mỹ lưu giữ. Ý thức, trách nhiệm cao cả của ông với
Tổ quốc và sự đam mê của ông đã được những người bạn nhiều quốc gia thấu hiểu
và ủng hộ. Họ đã lặng lẽ sưu tập giúp ông những tài liệu và chuyển về nước cho
ông mà không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi nào.
Hơn nửa năm trời, ông làm việc quần quật, nhận được
hơn 50 thùng sách và tài liệu, hàng trăm kỷ vật chiến tranh… Ông tự tay thiết kế
thư viện, sắp xếp sách báo và cũng ngay từ ngày thư viện chưa ra mắt, ông đã
nghĩ tới việc phải số hóa toàn bộ sách, tài liệu trong thư viện.
Và đến trung tuần tháng 7/2019, Thư viện của Thượng tướng
Nguyễn Văn Hưởng chính thức ra mắt phục vụ bạn đọc.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng lưu giữ hơn 10.000 bản sách
và tạp chí bằng tiếng Anh; hơn 7.000 tựa sách tiếng Việt về lịch sử, văn hóa Việt
Nam và các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, lịch sử, địa lý, nhân học, nghệ
thuật; hơn 1.600 bản số hóa các tờ báo và sách xưa từng xuất bản ở Việt Nam,
trong đó đa phần là của nước ngoài được xuất bản suốt từ những năm đầu thập
niên 60 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó là hàng triệu trang micro phim về chiến
tranh Việt Nam do lính Mỹ tham chiến quay trực tiếp, gần 300 tấm bản đồ Việt
Nam qua các thời kỳ; và nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, y tế, giáo dục, văn
hóa…Việt Nam, của các học giả, chính khách danh tiếng trên thế giới và Việt
Nam. Có những băng video cực kỳ quý giá như băng quay lại toàn bộ vụ tập kích
Sơn Tây nhằm giải cứu tù binh phi công Mỹ…
Chiến tranh Việt - Mỹ là một mảng đề tài chính yếu
trong các tư liệu và hiện vật của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.
Bên cạnh các cuốn sách nổi tiếng của các nhà sử học,
nhà báo, chính trị gia, các tờ báo lớn như Life, Time, National Geographic,
cùng các tài liệu giải mật của chính phủ Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam, Thư viện
Nguyễn Văn Hưởng còn sở hữu và trưng bày gần 150 hiện vật là quân dụng và các đồ
dùng, kỉ vật cá nhân của chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam do cựu chiến binh
Mỹ lấy được từ chiến trường Việt Nam và mang về Mỹ; hơn 1.000 bản đồ, nhiều
phim ảnh tư liệu về Chiến tranh Việt Nam; bộ đĩa CD các ca khúc quốc tế phản đối
Chiến tranh Việt Nam; bộ sưu tập tem phát hành ở Việt Nam và thế giới nhân các
sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam.
Có thể khẳng định là Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đang chứa đựng những tư liệu vô giá về lịch sử Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây cũng là nét độc đáo nhất của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng mà hiếm có thư viện tư nhân, kể cả một số thư viện của Nhà nước có được.
Với những tư liệu có trong Thư viện Nguyễn Văn Hưởng,
chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan, trung thực nhất về cuộc chiến tranh Việt
Nam do Mỹ gây ra và sau này là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc
phát động. Những tài liệu có trong Thư viện Nguyễn Văn Hưởng sẽ góp phần quan
trọng vào việc làm sáng tỏ nhiều bí ẩn của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là trong
quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
Bên cạnh khối tư liệu là sách, tạp chí, phim, ảnh khổng
lồ còn có nhiều kỷ vật của bộ đội ta, do cựu binh Mỹ thu được trong các trận
chiến. Không ít người đã rơi nước mắt khi đọc những cuốn nhật ký, những lá thư
chưa kịp gửi của bộ đội ta bị hy sinh… Những kỷ vật này sẽ làm phong phú thêm
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và có tác dụng to lớn trong việc giáo dục truyền thống,
lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ về sau…
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng không ngừng khai thác các tư
liệu mới, hoặc nghiên cứu, phát hiện những điểm mới trong thư tịch xưa. Thư viện
đã tư vấn tìm kiếm tư liệu, phối hợp nghiên cứu với các cá nhân và tổ chức như
Tạp chí Phương Đông, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
- Sự thật.
Hiện nay, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đang xây dựng
các fond tư liệu: Tư liệu Pháp về Đông Dương; báo Pháp viết về Hoàng Sa - Trường
Sa; Việt Nam trên báo Mỹ; biên dịch và công bố các tài liệu này trên Tạp chí
Phương Đông, website của Thư viện và xuất bản sách.
Dựa vào các nguồn tài liệu trong thư viện, Thượng tướng
Nguyễn Văn Hưởng đã cho tổ chức dịch thuật và đã xuất bản các cuốn sách:
"Miền đất vàng Đông Dương” (nguyên tác:
Chersonèse d'Or/ Họa sĩ Emmanuel Defert)
"Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ
bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19” (nguyên tác: The Mandarin Road to Old
Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve
of the French Conquest/ Alastair Lamb).
"Chợ Lớn 1955 - Ký và họa (dịch từ bản tiếng Anh:
From a Chinese city, tham khảo bản gốc tiếng Pháp: Une Ville Chinoise/ Gontran
de Poncins).
Tính đến tháng 6/2019 cả nước có 102 thư viện tư nhân
phục vụ cộng đồng; trong đó, có 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công
cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân hoạt động với hình
thức thư viện do các gia đình, dòng họ thực hiện. Số người sử dụng thường xuyên
tại thư viện tư nhân lên đến 536.284 bạn đọc (trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm).
Một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không chỉ
đơn thuần phục vụ đọc sách báo, mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là trẻ
em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối
sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ… Nhiều thư viện cơ sở đã trở
thành "cánh tay nối dài" của chính quyền xã, phổ biến kịp thời đường
lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người
dân.
Chắc chắn Thư viện Nguyễn Văn Hưởng sẽ là một "địa
chỉ đỏ" để tìm hiểu lịch sử và văn hóa của Việt Nam.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng