Ba anh em ngồi ăn cơm, nghe Phùng Gia Lộc kể chuyện quê nhà. Anh kể về cảnh nông thôn và làng quê anh đang rên xiết trước một bọn cường hào ác bá mới. Phùng Gia Lộc viết bài báo đả phá, phản bác và anh đã bị trù úm, phải đi lánh nạn.


Trong sự đùm bọc yêu thương…

ĐỖ BẠCH MAI

Năm 1979, lúc ấy Bế Kiến Quốc đang công tác tại Tuần báo Văn Nghệ, còn tôi đang theo học lớp sau đại học- khóa 3 của Khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội I. Tôi học chuyên ngành văn học dân gian do giáo sư Đỗ Bình Trị hướng dẫn. Đề tài nghiên cứu của tôi là Truyền thuyết lịch sử, vì vậy tôi phải thu xếp đi điền dã lấy tài liệu sưu tầm và nghiên cứu.

Vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 1979, Bế Kiến Quốc đã thu xếp cùng tôi đi về Lam Kinh, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để sưu tầm hệ thống truyền thuyết lịch sử tại vùng đất cố đô lịch sử của Thanh Hóa - Lam Kinh.

Ngày 29/4/1979, chúng tôi đi tàu đêm và đến sáng thì có mặt ở Thanh Hóa. Đường xá xa xôi lạ lẫm, trên chiếc xe đạp, chúng tôi tìm đến trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh Thanh Hóa. Gặp được nhà văn Kiều Vượng, anh chỉ đường cho chúng tôi đi về phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân và dặn về đó thì tìm ngay Phùng Gia Lộc - một cây bút của huyện.

Đường về Thọ Xuân hơn 30 km, trời nắng chang chang. Anh Kiều Vượng còn dặn: đi mau không ở phòng văn hóa họ nghỉ lễ! Vậy là mải miết chở nhau đi!

Gần 12 giờ trưa thì chúng tôi đến nơi.

Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân là một khu nhà tuềnh toàng. Chúng tôi bước vào một căn phòng nhiều người đang ngồi nói chuyện. Bế Kiến Quốc tự giới thiệu: Chúng tôi ở báo Văn Nghệ vào, cho tôi hỏi có anh Phùng Gia Lộc ở đây không ạ?

Một người gầy gò, bé nhỏ, gương mặt xương xương nhưng đôi mắt to và sáng, anh bước ra vui vẻ cười nói: Tôi đây, tôi là Phùng Gia Lộc đây. Và anh mời chúng tôi vào phòng. Bế Kiến Quốc trình bày mục đích chuyến đi của chúng tôi với Phùng Gia Lộc. Anh Lộc gật gật đầu cười vui vẻ: Rất may cho anh, anh chỉ đến chậm một chút nữa là tôi đi về nhà nghỉ lễ rồi. Thôi được, ta sẽ cùng đi Lam Kinh với nhau, còn bây giờ đi ăn bát phở bò nổi tiếng của Thọ Xuân đã nhé!”.

Anh Lộc cùng chúng tôi đạp xe đến hàng phở bò nổi tiếng của huyện Thọ Xuân. Lúc này đã 12 giờ trưa, nắng to, mệt mỏi vì chặng đường đêm trên tầu và đạp xe 30 km từ thành phố Thanh Hóa về, ngấm mệt. Thú thật được ăn bát phở bò Thọ Xuân mà tôi thấy tỉnh cả người.

Nhìn chiếc xe đạp của Phùng Gia Lộc tôi thấy anh đã buộc mấy bọc hàng và quà mang về cho vợ con trong ngày nghỉ. Va ăn phở, Phùng Gia Lộc vừa bàn với chúng tôi về kế hoạch đi Lam Kinh. Anh nói: Bây giờ ta qua sông Chu, rẽ qua nhà tôi thăm nhà sau đó chúng ta cùng đạp xe về Lam Kinh. Từ nhà tôi về đó cũng khoảng 30 cây số đấy!

Về nhà Phùng Gia Lộc. Một ngôi nhà nhỏ 3 gian lợp tranh. Nhưng tôi nhớ vẫn còn một bộ cửa gỗ. Vào nhà gặp được mẹ và con trai lớn của anh Phùng Gia Lộc là cháu Phùng Gia Học, lúc ấy mới 8 tuổi ở nhà với bà, còn bố mẹ thì đi làm cuối tuần mới về.

Rời nhà anh Lộc, chúng tôi lại tiếp tục đạp xe về Lam Kinh. Chúng tôi theo đường đê dọc bờ sông Chu. Trên đường đi, Phùng Gia Lộc kể rất nhiều câu chuyện tiếu lâm hài hước về vùng quê hương Thọ Xuân - Thanh Hóa. Tôi và Bế Kiến Quốc mải lắng nghe, Bế Kiến Quốc thì cứ cười lăn lộn, có những lúc phải xuống xe nằm dài trên đê để mà cười nếu không sẽ bị ngã xe mất.

Rồi cũng đến Lam Kinh, vừa chập choạng tối. Hóa ra Lam Kinh là vùng đất hoạt động của Phùng Gia Lộc. Anh nhanh chóng liên lạc với xã tìm chỗ ăn ngủ cho ba chúng tôi. Tối hôm ấy anh còn dẫn chúng tôi đến đội văn nghệ xã xem tập vở kịch Nguyễn Trãi, kịch bản là của anh và đang được dàn dựng.

Hai ngày 30/4 và 1/5 anh đưa chúng tôi đến nhà cụ già bô lão trong làng để nghe kể chuyện, tối lại đi xem tập kịch Nguyễn Trãi.

Lần đầu tiên đến Lam Kinh, được thăm viếng khu di tích lịch sử, những cây cổ thụ lớn, những bức tường thành quách còn lại, những chứng tích rêu phong cổ kính, lại cũng lần đầu tiên được đắm mình trong bầu không khí văn hóa dân gian, được sống trong lòng dân, được sống trong tình bạn của Phùng Gia Lộc, vợ chồng tôi rất cảm kích.

Sáng 2/5/1979, chúng tôi chia tay nhau. Vợ chồng tôi đạp xe từ Lam Kinh về thẳng thành phố Thanh Hóa cũng hơn 30 cây số, còn Phùng Gia Lộc lại đạp xe để về Thọ Xuân cũng với khoảng cách hơn 30 cây.

Trước khi chia tay, anh rẽ vào hàng xôi mua cho chúng tôi mỗi người một gói xôi to tướng để ăn lúc đi đường. Anh bảo: “Ăn xôi cho đảm bảo, cho chắc bụng”. Lúc anh trả tiền tôi còn tò mò vì nhìn vào ví anh thì thấy chỉ còn những đồng tiền lẻ. Thực ra mấy ngày qua anh đã lo lắng hết cho chúng tôi. Tôi nắm tay Bế Kiến Quốc và bấm chặt vào tay anh.

Đó là lần gặp đầu tiên với Phùng Gia Lộc.

Sau này chúng tôi còn trở lại Lam Kinh một lần nữa vào những năm 1980. Chuyến đi lần này Phùng Gia Lộc cũng đi cùng. Vợ anh mới sinh cháu trai thứ hai và đi theo đội sản xuất ở cách xa nhà. Sau khi xong việc ở Lam Kinh, anh dẫn chúng tôi đến thăm vợ con ở Đội sản xuất gạch (chị là y tá trong đội). Chúng tôi được lội qua sông Chu vì là mùa nước cạn.

Đêm đó trăng sáng, tôi ngủ cùng vợ và con Phùng Gia Lộc trong giường, còn Bế Kiến Quốc và Phùng Gia Lộc kê ghế băng nằm ngoài hiên. Sáng mai chúng tôi lên đường sớm. Phùng Gia Lộc nói với vợ: “Sớm mai em để anh nấu cơm, anh trông chừng không cho cơm khê cơm cháy vì vợ chồng bạn anh còn đi xa”.

Tôi dậy sớm đã thấy anh ngồi bên bếp lửa trông chừng nồi cơm. Anh nói với tôi: “Xa là kỵ cơm khê lắm nên phải trông chừng!”. Tôi thật sự xúc động trước tình cảm chân thực nồng nhiệt của anh.

Đó là hai lần gặp nhau đầu tiên với Phùng Gia Lộc.

Chia tay nhau, Bế Kiến Quốc và Phùng Gia Lộc ôm chặt nhau, bịn rịn và hẹn sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội.

Bẵng đi nhiều năm, mãi đến tận cuối năm 1987, chúng tôi mới gặp lại nhau.

Có lẽ là vào những ngày đầu đông - lúc ấy tôi đã ra trường và đã về báo Văn Nghệ công tác. Vợ chồng tôi được báo bố trí cho ở nhờ trong một căn phòng nhỏ (vốn làm nhà kho của Tòa soạn báo) nằm ở phía sau của tòa soạn.

Trời nhập nhoạng tối, nhìn ra sân thấy một người đàn ông đi vào sân, anh đứng trước cửa nhà. Nhìn kỹ, Bế Kiến Quốc nhận ra Phùng Gia Lộc, anh chạy ra ôm choàng lấy Phùng Gia Lộc - lúc ấy trông anh rất mệt mỏi và trên gương mặt thoáng chút buồn, âu lo.

Tôi nấu cơm, ba anh em ngồi ăn cơm, nghe Phùng Gia Lộc kể chuyện quê nhà. Anh kể về cảnh nông thôn và làng quê anh đang rên xiết trước một bọn cường hào ác bá mới. Phùng Gia Lộc viết bài báo đả phá, phản bác và anh đã bị trù úm, phải đi lánh nạn. Tôi vẫn còn nhớ, lúc ấy khi Bế Kiến Quốc nghe anh kể câu chuyện, Quốc đã khóc và anh nghẹn ngào nói: Lộc phải viết lại, phải kể lại cho nhân dân cả nước biết những chuyện này”.

Phùng Gia Lộc ở lại chỗ chúng tôi. Đêm hôm ấy Bế Kiến Quốc kéo Phùng Gia Lộc lên phòng làm việc, Phùng Gia Lộc kể lại còn Bế Kiến Quốc thì đánh máy… và sau đó mấy đêm thì hoàn thành bài phóng sự nổi tiếng của Phùng Gia Lộc: Cái đêm hôm ấy đêm gì?”.

Chúng tôi báo cáo với anh Đào Vũ và anh Nguyên Ngọc để Phùng Gia Lộc ở lại trong báo Văn Nghệ với chúng tôi. Sau đó nhờ sự can thiệp của anh Nguyên Ngọc với Hội Nhà văn VN, Phùng Gia Lộc đã được lên trại sáng tác ở Đại Lải để ở như chế độ một nhà văn.

Cuối năm đó, gần Tết, anh thu xếp về quê. Chúng tôi, Báo Văn Nghệ và Hội Nhà văn VN đã quyên góp tiền gạo cho Phùng Gia Lộc mang về quê gửi về cho vợ con anh.

Riêng tôi, lúc đó hai vợ chồng được công đoàn phân phối cho 1 cái màn và 1 vỏ chăn. Tôi bảo với Phùng Gia Lộc: Em sẽ tặng anh một cái, anh chọn màn hay vỏ chăn. Phùng Gia Lộc không nề hà nói: Cho anh cái vỏ chăn vì vỏ chăn nhà anh rách mất rồi!

Sau này anh kể lại: Khi về quê, khoe cái vỏ chăn Mai -Quốc tặng, có người trong họ nói: Mi phải giữ cái vỏ chăn nhé, có chết đói cũng không được bán.

Lúc này bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì? đã được in và như một tiếng vang lớn, góp phần lên án bọn cường hào ác bá mới trong những năm đầu đổi mới. Còn Phùng Gia Lộc đã trở thành Người hùng. Anh đi đến đâu cũng được mọi người trong Nam ngoài Bắc tiếp đón.

Cuộc gặp gỡ với Phùng Gia Lộc đúng là nhân duyên. Tôi nhớ tới những giọt nước mắt của Bế Kiến Quốc khi anh nghe Phùng Gia Lộc kể chuyện: “Lộc phải viết và kể lại cho nhân dân cả nước biết những chuyện này” và sau đó mấy đêm, tại căn nhà 17 Trần Quốc Toản, Cái đêm hôm ấy đêm gì? đã ra đời trong tình yêu thương và đau đớn của những tâm hồn nghệ sĩ.

Ngày 23 tháng 1 năm 1988, bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc đã được đăng trên báo Văn Nghệ.

 

Nguồn: Văn Nghệ