Bản thân Ostrovsky cho biết, chính việc viết cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” đã không cho phép ông đánh mất ý chí và khát vọng được sống trở lại. Tính cách thép của Ostrovsky đã được tôi luyện trong những hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã.
Nicolai Ostrovsky là một nhà văn tài năng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ostrovsky là cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”. Tác giả biết rõ mình viết về điều gì. Nghị lực phi thường và khát khao sáng tác đã giúp một con người đã bị mù, bại liệt tạo ra một tác phẩm được các thế hệ tìm đọc, trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều người, được xuất bản tại 47 quốc gia với 56 thứ tiếng.
Bản thân nhà văn cho biết, chính việc viết cuốn tiểu
thuyết này đã không cho phép ông đánh mất ý chí và khát vọng được sống trở lại.
Tính cách thép của Ostrovsky đã được tôi luyện trong những hoàn cảnh vô cùng
nghiệt ngã.
Tuổi thơ và tuổi trẻ
Nicolai Alexeevich Ostrovsky sinh ngày 29/9/1904 trong
một gia đình khá giả ở làng Viliya, tỉnh Volyn. Thời thơ ấu là khoảng thời gian
hạnh phúc nhất trong cuộc đời nhà văn. Khi Nicolai đến tuổi thiếu niên, gia
đình trở nên nghèo khó và dân làng không có nhiều tình cảm đối với những người
giàu có trước đây. Ngoài ra, vào thời điểm này, chiến tuyến của Thế chiến I đã
đến gần ngôi làng địa phương. Người mẹ đã đưa các con rời đến Shepetinka - một
ngã ba đường sắt lớn.
Tại đây, Nicolai bắt đầu làm việc trong căng-tin của
nhà ga, nhưng tiền lương thấp và không đủ sống. Ostrovsky đặc biệt thông minh
và học rất giỏi, anh theo học trường giáo xứ và tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau
đó, anh vào một trường trung cấp, đồng thời làm đủ mọi công việc, từ đốt lò, thợ
làm khuôn cho đến nhân công nhà bếp. Chàng trai trẻ đã không nề hà bất cứ công
việc gì để giúp gia đình tồn tại.
Năm 1919, Ostrovsky gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên Cộng
sản Komsomol. Không lâu sau, anh ra mặt trận, chiến đấu rất kiên cường và quả cảm
đến mức quên mình. Trong một trận chiến anh đã bị thương nặng, sau đó phải nằm
viện hơn hai tháng. Hầu hết thời gian đó Nicolai bị bất tỉnh và mê sảng. Các
bác sĩ đã hết hy vọng. Bất chấp tất cả, anh vẫn sống sót và đứng vững trở lại.
Sau đó, Ostrovsky lại nhanh chóng ra tiền tuyến. Chỉ
sau một thời gian ngắn, trong một trận chiến anh bị ngã từ trên lưng ngựa và bị
thương ở cột sống và lại phải nhập viện. Các biến chứng đã khiến mắt của anh bị
giảm thị lực, một mảnh đạn đã làm hỏng dây thần kinh của mắt phải. Sau đó, anh
được chuyển sang đội dự bị, song con người dũng cảm không thể ngồi yên và không
ngừng nghỉ đóng góp cho đất nước, ít nhất là ở hậu phương.
Người đoàn viên thanh niên cộng sản kiên cường Nicolai
Ostrovsky đã đến Kiev để góp sức khôi phục đường sắt. Công việc nặng nhọc, những
người thợ xây sống trong khu nhà không có hệ thống sưởi, có rất ít thức ăn. Một
ngày nọ, anh cảm thấy khắp người đau nhói. Anh đã gắng gượng dùng tất cả sức lực
của mình vượt qua nó để đi làm việc như những người khác. Hậu quả là công trình
chưa kịp hoàn thành thì chàng trai trẻ đã bị căn bệnh viêm đa khớp quật ngã.
Các bác sĩ đã đưa ra một chẩn đoán đáng thất vọng: tất cả các khớp xương đang
trong tình trạng dần bị cốt hóa. Hội đồng y khoa đã xếp anh vào nhóm khuyết tật,
nhưng Ostrovsky đã từ chối tiền trợ cấp để giấu cha mẹ sự thật rằng anh đã trở
thành người khuyết tật nhóm I.
Thép đã được tôi luyện
Ba năm sau, Ostrovsky được cử đến quận Berezdovski với
tư cách là thư ký ủy ban quận Komcomol. Lúc này anh đi lại khập khiễng, khó nhọc
và không thể di chuyển nếu không có đôi nạng. Song sự thương hại của những người
xung quanh khiến anh vô cùng khó chịu và không thể chịu đựng được khi họ cố gắng
giúp đỡ nên luôn giận dữ từ chối. Cuối cùng, anh đổ bệnh và tình trạng mỗi ngày
càng trở nên tồi tệ. Các bác sĩ đề nghị Nicolai cắt cụt chân, nhưng anh cương
quyết từ chối.
Trong một bức thư gửi cho người bạn của mình, Nicolai
viết rằng anh tự thấy mình giống như một con sói con bị nhốt trong lồng, thậm
chí còn không thể tự chải đầu. Sự bất lực này khiến cho nhà văn tương lai lo sợ
đến mức anh đã gắng tập luyện đến khi kiệt sức với dụng cụ là một con lăn được
đóng đinh vào trần nhà phía trên giường, một sợi dây thừng được vắt lên đó, một
đầu dây được buộc vào chân. Nicolai dùng tay nắm lấy đầu dây bên kia. Khi anh
kéo dây, hai chân anh nhấc lên, nhưng khi buông dây thì đôi chân lại thõng xuống.
Những sự nỗ lực đến tuyệt vọng đã không có tác dụng và khả năng di chuyển không
bao giờ khôi phục được nữa, đồng thời đôi mắt anh cũng đã bị hỏng hoàn toàn.
Tại thời điểm này, Nicolai nảy ra ý tưởng viết một cuốn
tiểu thuyết. Anh phải chứng minh cho sự tồn tại của mình bằng cách nào đó, điều
được coi là không hề dễ dàng. Đồng thời, Nicolai biết rất rõ rằng mình cần phải
khẩn trương hơn. Anh đã yêu cầu người vợ Raisa viết lại những thứ mình đọc,
song anh thấy thất vọng vì cô viết rất chậm. Với ánh mắt vô hồn, nhà văn đã
nhìn thẳng về phía trước và cảm thấy như đã nhìn thấy tận mắt những gì mình đọc
ra.
Raisa không thể luôn túc trực bên giường, cô còn phải
làm việc. Nicolai bắt đầu tự mình viết. Anh lấy những tờ giấy và rất nỗ lực viết
từng chữ bằng bút chì nhưng thấy rất khó để cầm bút bằng những ngón tay khó bảo
của mình. Thường xuyên xảy ra hiện tượng các dòng chữ chồng lên nhau và những
gì đã được viết ra sau đó không thể đọc được. Để khắc phục điều này, anh đã tạo
ra một chiếc khuôn đặc biệt, trên tấm bìa cứng có khía những dòng kẻ dài rộng
và anh đã viết lên đó.
Hầu hết Nicolai thường làm việc vào ban đêm. Người vợ
anh để sẵn cho anh một tập giấy và vài cây bút chì được vót nhọn. Nhà văn đã
làm việc suốt những đêm dài. Đến sáng, trên khắp sàn nhà trải đầy những tờ giấy
viết nguệch ngoạc. Anh đánh số các trang rồi sau đó người nhà xếp chúng theo thứ
tự. Một thời gian sau, một người hàng xóm là cô Galina Alexeevna bắt đầu giúp đỡ
Ostrovsky. Với sự trợ giúp của cô, vào mùa thu năm 1931, anh đã hoàn thành phần
đầu tiên của cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”. Trong cuốn tiểu thuyết, theo
cách riêng của mình, anh đã truyền đạt tất cả những điều mà bản thân đã trải
qua.
Ostrovsky gửi bản thảo cho Tạp chí “Đội cận vệ thanh
niên” nhưng chỉ nhận được sự đánh giá tiêu cực. Nhà văn vẫn cố thuyết phục họ
xem xét lại và rồi những trang viết vẫn được in. Các nhà xuất bản sách thì vẫn
từ chối. Sau khi được đăng trên tạp chí, câu chuyện bắt đầu được tìm đọc rồi
nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trong các thư viện là những hàng người chờ đến
lượt đọc và các buổi đọc truyện trực tiếp đã được tổ chức. Ostrovsky bắt đầu nhận
được rất nhiều thư khen ngợi từ các độc giả biểu thị lòng biết ơn. Điều đó đã
khích lệ anh rất nhiều. Anh đã sẵn sàng làm việc nhiều hơn trong lĩnh vực viết
văn. Kể từ khi đó thành công đã trở nên trọn vẹn khi cuốn sách đã được đưa vào
xuất bản. Ngay cả khi Ostrovsky còn sống, cuốn tiểu thuyết đã được tái bản hơn
40 lần.
Thành tựu trở thành di sản
Trong những năm tiếp theo, cuốn sách đã được dịch sang
tiếng Nhật và tiếng Anh. Chưa dừng lại ở đó, tổng cộng cuốn tiểu thuyết đã được
xuất bản tại 47 quốc gia với 56 ngôn ngữ khác nhau. Trong bản dịch tiếng Anh,
cuốn “Thép đã tôi thế đấy” được đổi tên thành “Tạo ra người anh hùng” và “Trở
thành anh hùng”. Ostrovsky đồng ý với sự thay đổi đó, nhưng cũng yêu cầu có kèm
theo tiêu đề gốc.
Tại Liên Xô, “Thép đã tôi thế đấy” đã trở thành cuốn
sách được xuất bản nhiều nhất. Chỉ tính riêng xuất bản phẩm bằng tiếng Nga đã
có hơn 500 lần tái bản. Còn trong số 75 ngôn ngữ của các dân tộc Liên Xô, cuốn
tiểu thuyết được xuất bản tới 773 lần với số lượng phát hành hơn 53 triệu bản!
Cuốn tiểu thuyết cũng ba lần được dựng thành phim vào các năm 1942, 1956 và
1973. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cuốn truyện đã được đọc trước những
người lính trong chiến hào. Một con phố ở Moscow thậm chí còn được đặt theo tên
của nhân vật chính - đây là trường hợp duy nhất khi một đường phố được đặt theo
tên của một nhân vật văn học.
Phần thưởng xứng đáng
Năm 1935, Nicolai Ostrovsky đã được trao tặng Huân
chương Lenin đồng thời được phong danh hiệu Chính ủy Lữ đoàn. Chính phủ Liên Xô
đã cấp cho nhà văn một ngôi nhà ở Sochi và một căn hộ ở Moscow. Những tháng cuối
đời, Ostrovsky sống ở con phố mang tên mình, ông tiếp đón độc giả và các nhà
văn tại nhà. Vào mùa hè cùng năm, nhà văn chính thức cam kết sẽ viết một cuốn
sách mới mà ông đặt tên là “Sinh ra trong bão táp”. Cuốn tiểu thuyết này được
coi như một tác phẩm về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản Ucraine chống lại Ba
Lan và cuộc đấu tranh sắp tới chống chủ nghĩa phát xít. Việc cuốn sách mới này
ít tiếng vang hơn cuốn trước là điều hiển nhiên, nhưng ban cán sự Đảng nhất trí
khẳng định tài năng và sự phát triển nghề nghiệp của tác giả.
Thật không may, đã không còn dịp để đánh giá một cách
trọn vẹn sáng tác của nhà văn. Cuốn sách mới đã không bao giờ có hồi kết. Vào ngày
22/12/1936 Nicolai Alexeevich Ostrovsky đã trút hơi thở cuối cùng khi còn chưa
kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới của mình. Khi đó ông mới chỉ 32 tuổi. Theo
các bác sĩ thời nay, nhà văn đã qua đời vì căn bệnh đa xơ cứng và bệnh viêm cột
sống dính khớp tiến triển.
Người con vĩ đại của đất nước Xô Viết có tính cách
thép đã được mai táng tại Moscow. Bất chấp mọi trở ngại vô cùng nghiệt ngã và
cái chết trẻ, cùng với sự giúp sức của người vợ yêu thương và chung thủy, nhà
văn - chiến sĩ đã không thể bị đánh bại.
BÍCH NGUYỄN (Theo báo Văn hóa - Nga)