Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân trình bày” “Phải nói thật là chúng ta vẫn còn có những hiện tượng văn hoá lộn xộn, chưa đạt chuẩn mực văn minh. Sở dĩ có sự lộn xộn này là vì những người làm và quản lý văn hoá chưa tuân thủ cái nguyên tắc “khoa học” của Đề cương mà buông lỏng nguyên tắc “đại chúng”, từ đó dẫn đến buông lỏng các chế tài văn hoá”.


ĐỂ VĂN HOÁ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CỦA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

NGUYỄN VĂN DÂN (Phó Giáo sư – Tiến sĩ)

 

1. Văn hoá với phát triển

Với quan niệm coi phát triển là một công cuộc biến đổi tổng thể, toàn diện, theo hướng tiến bộ, bao gồm nhiều nhân tố khác nhau, trong đó văn hoá giữ vai trò chủ đạo, UNESCO đã có nhiều khuyến cáo với những nước nào chỉ chú ý đến phát triển kinh tế mà bỏ qua văn hoá. Khi phát động “Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá”, UNESCO đã khẳng định: “Văn hoá và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau”, và: “Phát triển cần thừa nhận văn hoá giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội.” Đó là quan điểm coi văn hoá là công cụ để phát triển xã hội. Về cơ bản, đây là một quan niệm đúng. Nó cũng có thể tương đương với quan điểm của Đảng CSVN cho rằng văn hoá là động lực của sự phát triển; “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.

Tuy nhiên cần phân biệt “động lực” với “nguyên nhân”. Bởi vì, do không phân biệt được động lực với nguyên nhân, cho nên hiện đang có một luồng ý kiến khá phổ biến cho rằng văn hoá là cái giải thích cho mọi trình độ phát triển xã hội; rằng chỉ cần dựa vào văn hoá, thậm chí còn là văn hoá truyền thống, là có thể phát triển vượt bậc.

Đây là một quan niệm rất sai lầm và đã bị UNDP phê phán nghiêm khắc. UNDP đã gọi quan niệm đó là quyết định luận văn hoá. Đây là quan niệm của một số người như Max Weber (Đức), Samuel Huntington (Hoa Kỳ)... Theo UNDP, “Đây là những ý tưởng nguy hiểm có thể dẫn đến những kết luận cực đoan về chính sách. Bởi vì, nếu có một nền văn hoá trong một xã hội bị coi là không thích hợp với tăng trưởng kinh tế và với dân chủ, thì người ta sẽ dễ dàng cho rằng chúng sẽ phải bị trấn áp hoặc bị đồng hoá.”

UNDP còn phê phán một cách rất xác đáng rằng, không thể quy nguyên nhân thành công trong phát triển của Nhật Bản cho “văn hoá truyền thống” như nhiều người quan niệm, khi mà quan hệ tương tác với phương Tây công nghiệp hoá vào giữa thế kỷ XIX đã đưa đến sự hưng thịnh thời Minh Trị của đất nước này. Theo UNDP, “quyết định luận văn hoá tỏ ra là một lý thuyết tụt hậu một bước so với thực tế”.

2. Ý nghĩa của Đề cương về Văn hoá 1943 và yêu cầu về kiện toàn thể chế văn hoá

Với Đề cương về Văn hoá Việt Nam 1943, Đảng CSVN đã có ý thức rất sớm về vai trò của văn hoá đối với phát triển con người và đất nước. Ngay sau đó, đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. Với ba nguyên tắc soi đường của văn hoá chính là: Khoa học, Dân tộc, Đại chúng, Đề cương Văn hoá cũng chính là ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển con người và đất nước Việt Nam. Có thể nói, quan điểm của Đảng về văn hoá ngay từ đầu đã phù hợp với quan điểm của thế giới về vai trò động lực của văn hoá. Từ đây ta cũng có thể rút ra một quan niệm về bản chất của văn hoá: Văn hoá chính là lối sống của con người.

Văn hoá có tính khoa học là văn hoá bao gồm cả các hoạt động khoa học, kể cả các hoạt động sáng tác và biểu diễn văn hoá - nghệ thuật một cách khoa học, để phục vụ cho phát triển con người và xã hội. Văn hoá có tính dân tộc là văn hoá mang bản sắc của một quốc gia - dân tộc; bản sắc dân tộc chính là cái làm nên cái riêng của một dân tộc trong bức tranh văn hoá đa dạng của thế giới, là cái khẳng định danh tính của một dân tộc trong ngôi nhà chung của nhân loại. Văn hoá có tính đại chúng là một nền văn hoá của toàn thể cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia, không phải là đặc quyền đặc lợi của riêng một tầng lớp xã hội nào.

80 năm qua, trên sự kế thừa văn hoá truyền thống và tiếp thu văn hoá thế giới, một nền văn hoá Việt Nam mới đã hình thành và phát triển với những nguyên tắc tiên tiến của thời đại và duy trì bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, phải nói thật là chúng ta vẫn còn có những hiện tượng văn hoá lộn xộn, chưa đạt chuẩn mực văn minh. Nói đến văn hoá là nói đến “lối sống”; còn văn minh là “trình độ sống”. Sở dĩ có sự lộn xộn này là vì những người làm và quản lý văn hoá chưa tuân thủ cái nguyên tắc “khoa học” của Đề cương mà buông lỏng nguyên tắc “đại chúng”, từ đó dẫn đến buông lỏng các chế tài văn hoá.

Hiện tượng lộn xộn đập vào mắt vào tai trước hết là hiện tượng lai căng kệch cỡm tiếng nước ngoài trên báo đài, trên biển hiệu, danh xưng, và trên các sản phẩm văn hoá. Hầu như bây giờ tên gọi của các cửa hàng, khách sạn, công ty, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng; của nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước... đều ghi bằng tiếng Anh (một số ghi tiếng Pháp); thậm chí của cả một số chương trình truyền hình (“VTV Award”...). Có cửa hàng, cửa hiệu, khu đô thị còn ghi một thứ tiếng bồi chẳng phải Anh cũng chẳng phải Pháp. Có những người (kể cả trí thức) sống ngay trong khu đô thị mang tên nước ngoài mà không biết đọc tên địa chỉ của mình như thế nào; còn những người khác thì đọc mỗi người một kiểu. Có khu nghỉ dưỡng ghi tên bằng tiếng Pháp nhưng khách hàng lại đọc theo kiểu tiếng Anh, và có người lại đọc luôn theo kiểu tiếng Việt, làm cho người nghe không hình dung được là nó ở đâu. Có cửa hàng thì ghi nửa Anh nửa Việt (“Nail & Mi”). Trong khi đó truyền thông (cả “VTV”) vẫn luôn kêu gọi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt! Trên thực tế, Chính phủ đã có quy định tên tiếng nước ngoài phải ghi chữ nhỏ hơn và nằm dưới tên tiếng Việt. Nhưng tại sao hiện tượng trên không bị chế tài? Báo chí, phim ảnh và cả tên tác phẩm văn học bây giờ cũng đệm tiếng nước ngoài vô tội vạ. Nguyên tắc “dân tộc” của Đề cương đang bị vi phạm. Thậm chí có một số người, trong đó có cả các giáo sư, còn đề nghị Quốc Hội quy định tiếng Anh là “ngôn ngữ thứ 2” của quốc gia Việt Nam. Phải nói thẳng đây là một quan điểm rất thiếu hiểu biết và thậm chí là phản động một cách vô thức. Nên biết rằng những nước coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ 2 (hay thứ nhất) đều là những nước thuộc địa cũ của Anh Quốc; và ngôn ngữ chính thức vẫn là một “vấn đề hậu thuộc địa” nhức nhối của họ.

Trong nghệ thuật vẫn còn nhiều sáng tác nhạt nhẽo, hời hợt, dễ dãi, đặc biệt là điện ảnh. Vẫn còn có những bộ phim truyền hình mua bản quyền kịch bản của nước ngoài để nhái lại. Thậm chí có cả hiện tượng nhái kịch bản đơn thuần chứ không cần mua. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng “Lâu nay thiếu kịch bản điện ảnh, không phải là do không có đề tài, mà là thiếu người viết đủ tài.” Và một tác giả khác đã kết luận trong bài báo của mình: “Trong khi xã hội đang nỗ lực chống lại hàng nhái, thì giới điện ảnh lại công khai làm phim... nhái. Hàng nhái nhân danh giá rẻ, còn phim nhái nhân danh điều gì? Cái thiệt hại của người tiêu dùng trước hàng nhái chỉ là tiền bạc, còn người hâm mộ thiệt hại trước phim nhái cả niềm tin dành cho nghệ thuật thứ bảy nước nhà!” [Tuy Hoà, Phim nhái nguy hiểm hơn hàng nhái - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)].

Việc tiếp thu văn hoá nước ngoài còn diễn ra xô bồ, thiếu chọn lọc, tập trung quá nhiều vào mảng văn hoá đại chúng, dẫn đến hiện tượng lai căng phản cảm. Truyền thông luôn tuyên truyền cho lễ hội nước ngoài, như lễ hội Halloween, ngày vía Thần Tài...; kể cả cho những lễ hội tôn giáo mà ở ta cũng đã có các lễ hội tương đương nhưng bị lu mờ đi trước việc tuyên truyền rầm rộ cho lễ hội tôn giáo nước ngoài, ví dụ như lễ Phật Đản bị lu mờ trước lễ Noel, lễ Thất Tịch (7/7) lu mờ trước lễ Valentine... Các cuộc thi hoa hậu thì diễn ra đến mức được gọi là “loạn” (Vietnamnet). Có thể nói, ta đang “học tập” văn hoá nước ngoài thì ít mà “bắt chước” thì nhiều.

Chương trình truyền hình của ta vẫn còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn; ít có những chương trình có chất lượng văn hoá và có ý nghĩa phát triển tinh thần. Trong khi đó đang có hiện tượng lấn át của các chương trình trò chơi, trò diễn văn hoá nhạt nhẽo, đôi khi nhảm nhí, dung tục (msn.com); sự nhảm nhí thể hiện ở cả điệu bộ lẫn diễn ngôn của người chơi lẫn ban giám khảo.

Hiện tượng quảng cáo trên truyền hình đang trở thành một thảm hoạ cho người xem. Lợi nhuận đã làm cho truyền hình nhận quảng cáo một cách tuỳ tiện. Đã có quy định chương trình Thời sự không được chèn quảng cáo, nhưng Đài Truyền hình đã coi thường pháp lệnh, tự ý tách mục “Thời tiết” khỏi chương trình Thời sự để chèn quảng cáo. Thực tế, “Dự báo thời tiết” vẫn là một mục của chương trình “Thời sự”, vì trong phần giới thiệu, sau chương trình Thời sự không hề có chương trình “Thời tiết” độc lập. Nhìn chung, dù có sự tham gia của các nghệ sĩ, nhưng quảng cáo hầu hết không có văn hoá - nghệ thuật, mà chỉ là những màn diễn rất nhảm nhí, phản cảm, nhất là quảng cáo thuốc tiêu chảy và các sản phẩm vệ sinh... đúng vào giờ ăn cơm của người xem (VnExpress). Các nghệ sĩ quảng cáo không biết chất lượng sản phẩm nhưng vẫn diễn như thật, điều này dẫn đến cảm giác về sự dối trá. Chương trình phim truyện truyền hình đã biến thành chương trình “quảng cáo kèm phim”, khiến cho quảng cáo trở thành một lý do để nhiều người quay lưng lại với phim truyền hình.

“Đạo đức kinh doanh” cũng là một đặc điểm của văn hoá. Tác giả Hoa Kỳ Snyder đã phân tích tình hình thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá và rút ra “năm xu hướng lớn làm thay đổi thế giới”, trong đó có “xu hướng về tính minh bạch trong giao dịch”. Xu hướng này là xu hướng thể hiện thái độ đạo đức của công cuộc phát triển bền vững. Nó liên quan trực tiếp đến vấn đề tiêu chuẩn hoá kế toán quốc tế và vấn đề chống tham nhũng toàn cầu. Snyder cho rằng tính minh bạch toàn diện sẽ rất cần thiết cho sự an toàn và bền vững của một nền kinh tế toàn cầu hiện đại và nó cần phải trở thành một đạo luật quốc tế.

Vì thế, các nhà khoa học đang hô hào phải giáo dục đạo đức kinh doanh cho giới doanh nghiệp. Nếu không có đạo đức kinh doanh, mọi nỗ lực phát triển của xã hội sẽ trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức kinh doanh phải gắn liền với giáo dục đạo đức xã hội nói chung, vì tham nhũng bao giờ cũng có hai đối tượng liên minh: liên minh giữa giới doanh nghiệp với giới quản lý. Ở nước ta, những vụ tham nhũng khủng như “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” mới đây đã cho thấy “đạo đức kinh doanh” của những người quản lý và doanh nhân đã đến mức báo động đỏ.

Đặc biệt, hiện tượng được gọi là “văn hoá tâm linh” đang phát triển ồ ạt hiện nay. Chùa mới (tính cả chùa xây lại) mọc lên với quy mô và tốc độ kinh ngạc; số lượng đền chùa lớn hơn rất nhiều so với số lượng bệnh viện, hơn nhiều số trường trung học cơ sở và phổ thông. Đi tu đang biến thành một nghề kinh doanh; đi lễ thì trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của mọi người. Theo nguyên tắc tôn giáo truyền thống, chùa và nhà thờ là nơi thực hành tín ngưỡng công cộng, được mở cửa tự do cho mọi người dân. Nhà thờ ở các nước phương Tây vẫn giữ nguyên tắc đó: cửa vào không thu vé, không có hòm công đức. Trong khi đó ở ta, chùa nào cũng có hòm công đức bày khắp nơi, có nhiều bàn ghi công đức, có các dịch vụ thu tiền khác; thậm chí có những chùa còn có bảng giá vé cho các dịch vụ, từ vé vào cửa đến các loại vé khác... Nhiều chùa còn tính lỗ lãi với người đi lễ. Văn hoá tâm linh bị biến tướng thành kinh doanh thần thánh, góp phần khuyến khích mê tín dị đoan trong toàn xã hội. Hiện tượng mê tín dị đoan đã len vào cả nghị trường, khi mà Quốc Hội còn bàn đến cả chuyện đấu giá “biển số xe may mắn”. Đó là chưa nói đến việc xây chùa quy mô lớn đang huỷ hoại môi trường và làm mất cân bằng sinh thái, đi ngược lại nguyên tắc phát triển bền vững của thế giới.

Tại sao các hiện tượng phi văn hoá đó không bị chế tài? Điều này đòi hỏi Nhà nước cần phải chấn chỉnh lại thể chế văn hoá. Phải có những quy định rõ ràng và chế tài nghiêm ngặt: Quy định về sử dụng ngôn ngữ, danh xưng, về nghệ thuật quảng cáo, về nhập khẩu văn hoá, về tính minh bạch trong giao dịch, về thực hành tín ngưỡng (không được kinh doanh chùa, không được phá thiên nhiên để xây chùa mới), về mê tín dị đoan, và đặc biệt là quy định về trình độ chuyên môn và phong cách ứng xử của những người làm văn hoá (làm văn hoá phải có thái độ khoa học nghiêm túc chứ không phải là cợt nhả mua vui)..., làm sao cho văn hoá của chúng ta có tính “Đại chúng” nhưng vẫn “Khoa học”, hội nhập nhưng vẫn “Dân tộc”, thực sự trở thành động lực của phát triển bền vững. Nếu không, Đề cương Văn hoá của Đảng sẽ có nguy cơ chỉ là những câu chữ trên giấy.