Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một điểm nhấn trong văn nghiệp đồ sộ và đa dạng của Hồ Anh Thái. Cuốn tiểu thuyết góp phần khẳng định thêm: Hồ Anh Thái người kể chuyện đa phong cách.


Cuốn tiểu thuyết gợi cách đọc đa chiều

LÊ THỊ HƯỜNG

“Hạt bụi ở chỗ này có liên quan đến con bướm đập cánh ở chỗ kia”. Hiệu ứng cánh bướm được Hồ Anh Thái dẫn vào câu chuyện ngỡ như tình cờ nhưng ẩn sau đó là ngầm ý nghệ thuật của nhà văn. Nó hàm chứa các mối quan hệ nhân quả, những tương giao chằng chịt trong một câu chuyện chiến tranh kết dính nhiều mảnh đời. Nó tạo những bước ngoặt, những thay đổi số phận. Nó liên quan đến cái tên tiểu thuyết thật gợi, Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (NXB Trẻ 2023).

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái đã làm sống lại một khúc đoạn bi tráng của Hà Nội những ngày B-52 rải thảm. Chiến tranh huyền thoại. Chiến tranh bi thương. Những trạng huống oái oăm. Những hy sinh thầm lặng. Chuyện buồn xen với chuyện tiếu lâm. Nước mắt và nụ cười. Yêu thương và man trá. Những cặp phạm trù ngỡ luôn đối lập lại được kết hợp hài hòa qua một giọng kể bông đùa đã thành nết viết.

Đề tài và dữ liệu không mới, nhưng chất giọng và cách kể chuyện khiến câu chuyện về Hà Nội thời không chiến trở nên lạ lẫm và có sức hấp dẫn riêng. Chọn giọng bông đùa để viết về chiến tranh là sự lựa chọn không dễ dàng. Nó khác với cách viết thiên về cái cao cả và cũng khác với lối viết theo chiều ngược lại là chỉ nhấn mạnh đến cái bi. Cái giọng phản biện cứ đùa đùa tưng tửng như nói vậy mà không phải vậy. Cấu trúc đa tầng bậc, cách phối ghép “truyện lồng truyện”, nghệ thuật đa bội điểm nhìn khiến câu chuyện mở ra nhiều nhánh, nhiều chiều. Liên văn bản tạo ra sự trùng phức những biểu tượng (huyền thoại, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, lịch sử, văn hóa, văn chương…). Xen kẽ giữa những câu chuyện về bom đạn là một Hà Nội đời thường của bia hơi, tem phiếu, xiếc thú, tình yêu. Kể cả cái “bất bình thường”, “vàng vọt ủy mị rền rĩ nỉ non” (những nét chấm phá đầy ẩn ý luôn được kể bằng giọng điệu giễu nhại dí dỏm, đồng cảm) của một mảng sống khác.

“Biết đâu ngày ấy anh về

Có vẻ như ngẫu nhiên, mở đầu những câu chuyện về Hà Nội thời B-52 rải thảm là chuyện mưa ngâu. Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, câu dự báo thời tiết được chế lại với nhiều nghịch lý tưởng chẳng ăn nhập với nội dung tác phẩm nhưng lại là một tín hiệu nghệ thuật chi phối cảm hứng, tư tưởng nhà văn. Huyền thoại ô thước bắc cầu của dân gian được giải thiêng, được xích gần với thực tế và trở thành một điểm thẩm mỹ. Nó ngầm xác định bầu không khí của chia ly, cách trở; là chìa khóa mở ra cái hàm ẩn bên trong câu chuyện.

Đó cũng là biểu tượng chủ yếu của hơn 200 trang tiểu thuyết. Chiến tranh chia lìa, mất mát, mọi mối quan hệ đều đứt lìa. Tuổi trẻ hăng hái lên đường, và biết bao thanh niên ra trận mong một hồi âm trong tình huống/thời điểm Ngưu Lang Chức Nữ. “Xưa Chức Nữ chàng Ngâu, từng đắng cay dãi dầu, chờ ô thước bắc cầu”. Ngày mai anh ra chiến trường, bom đạn trùng trùng biết đâu “tạ từ là hết người ơi”. Nó khiến người ta nhận ra rằng một chút tình cảm yếu mềm, một chút nỉ non vàng vọt cũng chẳng nguy hại gì đến tinh thần của những chàng trai đã quyết tâm lên đường. Câu chuyện chiến tranh có nhiều khoảng sáng lóe lên từ những khuôn mặt ấm áp của những con người mà “cái số không chịu sướng” với những lựa chọn riêng chung.

Là Phan, có khả năng đặc biệt là nhìn xuyên thấu qua các bức tường (với năng lực kỳ lạ này anh được ngành quân báo sử dụng và có những phát hiện quan trọng. Đã nhìn xuyên tường thì dù muốn hay không, nghiêm túc cỡ nào cũng phải nhìn thấu những nơi thâm cung bí hiểm, mà cái chốn riêng tư của phụ nữ luôn là vùng cấm đầy hấp dẫn. Vậy là anh nhìn thấy tất, mồn một, chỉ mặt đặt tên…), qua bao lần thuyên chuyển đơn vị vẫn muốn ra chiến trường.

Là chú Định, tuổi trẻ phơi phới lên đường vào Nam chiến đấu, sau chiến tranh không trở về. Là ông chú, từng du học Liên Xô, nhưng phải bỏ học về nước vì yếu kém ngoại ngữ, làm phó chủ nhiệm hợp tác xã xe bò kéo, vung roi oai như một ông tướng. Thu, cô gái dũng mãnh trên sân khấu biểu diễn xiếc thú.

Là gã hát nhạc vàng, “lạ. Lời lẽ như thế. Nhạc nhẽo như thế”, tìm mọi cách ra tiền tuyến mà không được. Là cái bỗ bã tếu táo của những anh lính “B quay” đào ngũ, dẫu “chúng em xuống tận đáy của cuộc đời lính tráng rồi. Bây giờ chỉ có cái chết mới chuộc được tội”. Những chàng trai nhét đá vào túi quần cho nặng cân để được vào bộ đội, được ra chiến trường. Tấm ảnh chụp vội vàng chỉ kịp thả xuống đường với lời nhắn gửi “kính nhờ đồng bào nhặt được thì chuyển giúp”…

Tác phẩm có nhiểu phân cảnh về sự kiện chiến tranh, với những khoảng lặng rưng rưng. Đêm yên tĩnh hiếm hoi ở túi bom âm vọng nhiều trạng thái cảm xúc. Tình yêu. Hẹn ước. Và những cái chết tức tưởi. Đêm yên ắng sau trận B-52 kinh hoàng. “Lặng phắc. Lặng ghê người”, “Câm. Câm lặng. Câm hoàn toàn”. Rồi tiếng khóc bật lên, vỡ òa cơn đau. Đêm bệnh viện thành phố đã thành đống gạch vụn. Xác người chất đống. Chỉ có tiếng “lách cách lục cục”, ghê rợn, tháo khớp người chết để mở lối cứu người còn sống. Kinh hoàng, “Bắt đầu là cái tay. Rồi cái tay nữa. Rồi cái chân. Cứ thế”. Giọng văn trắng. Câu văn ngắn. Ngắn đến vô nghĩa. Một từ. Hai từ. Khô khốc mà vọng âm lan tỏa suốt chiều dài tác phẩm.

Cuốn tiểu thuyết trộn chứa nhiều mảnh đời. Mỗi mảnh nhỏ đời người lại ẩn chứa điều lớn lao là cái Đẹp. Có những khoảnh khắc bom đạn như lùi lại phía sau, chỉ tồn tại duy nhất cái đẹp của nghệ thuật, của tình người. Đặc biệt là cảnh biểu diễn xiếc hổ và hổ đi sơ tán, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong câu chuyện nhiều tầng bậc về Hà Nội. Đêm biểu diễn đặc biệt giữa thời chiến là một thước phim lạ thể hiện sự hóa thân vào nghệ thuật của nhân vật và của nhà văn. Ở đó cái đẹp của nghệ thuật thăng hoa với hình ảnh Thu, nữ diễn viên dạy hổ vừa mềm mại uyển chuyển, vừa cứng cỏi linh hoạt trong những tình huống không lường.

Cảnh hổ đi lạc vì bom rơi và hổ đi sơ tán ngầm ẩn cái tình trong trẻo của người Hà Nội. Một vẻ đẹp lặng lẽ nhưng ánh ngời lên giữa trùng trùng bom rơi qua nghệ thuật tạo hình của điện ảnh, với những hình ảnh sinh động kích thích thị giác. Bốn con hổ hòa vào dòng người “lặng lẽ, chen sát nhau mà đi, chen chúc nhưng không hỗn loạn” bên cạnh hai chiếc xe bò chở hổ, với bốn con hổ “cứ bồn chồn quất đuôi gầm gừ vòng qua vòng lại trong cái cũi” và “cứ nồng nặc tỏa mùi”. Và trên trời máy bay cứ quần đảo. Đây cũng là một trong những phân cảnh làm nên hệ giá trị văn hóa Hà Nội. Nó làm sống lại một vùng thẩm mỹ bị lãng quên và làm nên một vùng thẩm mỹ riêng của tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Nó cho thấy chiến tranh đã trở thành điều bình thường.

Tiếng vọng của B-52 chỉ còn bên ngoài. Đằng sau đó là một Hà Nội bình yên. Của “dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về”; của “khăn san bay lả lơi trên vai ai”, của đêm Noel nhà thờ lớn sáng đèn và vang vang trầm ấm nhạc của Beethoven và Handel, của Bach và Gounod “từ cõi chúng sinh đang bắn giết nhau này”. Nhưng nhà văn không tả cảnh. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái hiếm diễn ngôn tả mà chủ yếu là diễn ngôn kể, lời thoại lồng trong lời kể, lời triết lý. Cái đẹp của Hà Nội là để nói lên khát vọng thanh bình. Cái “bình yên lành lạnh” của thánh đường đêm Noel trong phấp phỏng B-52, trong phấp phỏng “cam kết ngừng bắn” biểu hiện hai góc nhìn. Một là cái nhìn thiên kiến từ một lối nghĩ xơ cứng, với sức cản của kiểu tư duy một phía (qua chi tiết một bà già đang làm lễ bỗng “vùng vằng bỏ về. Vẻ ghê sợ hiện rõ trên nét mặt” khi thấy đoàn tù nhân Mỹ từ Hỏa Lò đến dự lễ ở nhà thờ lớn). Và một góc nhìn đã được dỡ bỏ hàng rào tư duy về bên-thua-cuộc. Những tù nhân phi công Mỹ cũng là con người có trái tim, họ cũng Ngưu Lang Chức Nữ, cũng chờ ô Thước bắc cầu. Bên kia chiến tuyến, bên kia bờ đại dương cũng là những mỏi mòn chờ đợi. Họ cũng “cầu có ngày được sum họp gia đình”. Cũng như Kỷ, như Phan…, như biết bao người đã ra đi và những người ở lại vẫn hy vọng “biết đâu ngày ấy anh về”.

“Hồn sĩ tử gió ù ù thổi”

Cốt lõi của cuốn tiểu thuyết đa cốt truyện là câu chuyện về một thiếu úy trẻ bỗng dưng có năng lực kỳ diệu nhìn xuyên qua tường và nghe được tiếng gọi của người đã mất. Cùng sự kiến tạo và chuyển dịch không gian/nơi chốn làm việc của Phan, câu chuyện về Hà Nội những năm đầu thập niên 1970 được mô tả một cách tường tận, đặc biệt là những câu chuyện về liệt sĩ. Chiến tranh diễn ra khắp nơi; trên không với các pháo đài bay, chiến tranh có mặt ở những nơi hoang tàn đổ nát, ở những vùng trắng bởi người dân đi sơ tán; nhưng chưa ở nơi đâu mà nỗi kinh hoàng của chiến tranh đặc quánh lại như trong một căn phòng ở tầng hầm dưới mặt đất. Thu hẹp không gian, nhà văn dồn nén, đặc tả những mặt sau của chiến tranh với lối viết thật cô đọng.

Căn hầm vừa ngột ngạt vừa lạnh lẽo luôn ám ảnh Phan khiến nhiều lúc anh rơi vào ảo giác. Căn phòng chỉ có những mẩu giấy báo tử chờ điền tên người, chờ ký, chờ gửi đi. Những con số. Những tập hồ sơ. Dày đặc. Ùn ùn. Những tên người. Những số phận. Thế giới cõi âm sinh động đến kỳ lạ, nó phơi ra hết mọi góc khuất của cuộc chiến. Những người lính “nhập ngũ tháng hai, hy sinh tháng tư”; hoặc “đăng ký kết hôn tháng giêng, tháng hai đã lên đường, hơn một năm sau đã hy sinh”, hoặc “xương thịt chẳng bao giờ tìm ra”, hoặc nơi mai táng quá mơ hồ “tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”.

Những con chữ biết nói, âm vọng thành lời, vừa như tiếng nói tâm linh bật vọng về từ ám ảnh vô thức của Phan, vừa là sự chuyển dịch kỳ diệu theo cách nói của Freud (nhà phân tâm học xem đó là “một yếu tố quan trọng khó thể nào lường được”), là tiếng nói tâm linh, thần giao cách cảm. Bằng cách lắp ghép những phút-ngẫu-nhiên-kỳ-ảo, nhà văn đã dò tìm và thể hiện những khoảnh khắc tương giao đặc biệt, mối giây kỳ diệu của giác quan thứ sáu con người. Nhân vật của ông có đời sống tâm linh phong phú, do sự gắn kết mật thiết giữa các mối quan hệ tình yêu, tình anh em, đồng đội và niềm tin. Ban đầu, khả năng nhìn xuyên thấu qua tường của Phan là do nghệ thuật đa bội điểm nhìn, kể cả góc nhìn ảo để nói về một hiện thực như nó vốn có.

Con mắt xuyên thấu của Phan chỉ là cái cớ, là nghệ thuật tạo tình huống bên ngoài (chỉ trong hai năm thì Phan mất khả năng này), nhưng khi anh nghe được tiếng nói của người chết thì không còn là kỹ thuật viết mà nhà văn đã chạm vào cõi tâm linh bí ẩn. Sống trong căn hầm cách biệt với đất, với mặt trời, làm việc với những hồ sơ báo tử, “hồn sĩ tử gió ù ù thổi”, Phan bỗng dưng có khả năng nghe được tiếng vọng về của những người đã hy sinh. Câu chuyện về chiến tranh đi dần vào chiều sâu. Những phút linh, những giấc mơ, bóng ma ám ảnh, ảo giác. Cái dốc ngược đầu của Phan cùng với ảo giác về một “cái hố sâu, xung quanh tối đen như bịt lấy mắt” cũng chính là lúc máy bay của Kỷ, người anh trai, “lật ngược trên một hố bom”. Cột lửa bùng lên trước mắt Phan trong phòng kín khi anh mở tập hồ sơ liệt sĩ cũng chính là giây phút quả tên lửa đã chôn vùi Thiện, chàng trai có tên trong tấm giấy báo tử. Hoặc trong một khoảnh khắc ở giữa đống đổ nát của bệnh viện, Phan cảm nhận những linh hồn chết, “nhốn nháo”, “va quệt cọ xát”, “lôi kéo dẫn dắt anh đi”.

Theo dòng điện sinh học ấy anh đã gạt bóng tối, gạt cả xác chết, tìm thấy cô y tá  còn sống đang vùi trong gạch vữa. Kể cả khoảng cách giữa Phan và Thu, khiến nhiều lần anh sững lại “như linh cảm thấy một lời cảnh báo”, không đơn giản là ở cô gái có “mùi hổ” mà chính là mối tương giao kỳ diệu giữa Kỷ - Thu - Phan đã níu giữ anh lại giữa lưng chừng cảm xúc. Nên lúc ở trên đài quan sát, bất giác Phan rời mắt khỏi ống nhòm, đưa mắt nhìn lên thì cũng là lúc Thu đang đi sơ tán “đưa mắt nhìn lên” và trong khoảnh khắc ấy “ở sân bay ngoại thành Kỷ đang trực chiến cũng đưa mắt nhìn lên”. Họ thấy gì? Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu.

Tất cả những yếu tố kỳ diệu trên từ cái nhìn khoa học đó là nhân điện, là linh giác. Từ cái nhìn văn chương, Hồ Anh Thái đã chạm tới những vùng miền bí ẩn, xóa bỏ mối tương quan vật chất bên ngoài bằng sự dịch chuyển giữa cái bên ngoài thành cái bên trong, tạo nên những trường biểu cảm linh diệu. Thế giới của văn chương đôi lúc vênh lệch với thế giới thực. Nhưng bằng thủ pháp huyền ảo, nhà văn đã chạm đến cõi vô thức, phát lộ được chốn tâm linh bí ẩn này, và đề cập sâu sắc tính đa bản thể của con người. 

Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là câu chuyện về chiến tranh được kể bằng giọng nhẹ nhõm nhưng đầy cảm xúc. Những sự kiện chiến tranh, những hy sinh thầm lặng thật quen bởi đó là mẫu số chung, là chất liệu hiện thực muốn hay không nhà văn cũng khó bỏ qua, nhưng nghệ thuật kể chuyện và chất giọng kể khiến cho câu chuyện về chiến tranh đậm chất tiểu thuyết và đằm địa nhân tình. Câu chuyện nhiều phân mảnh được kết dính từ bên trong đến độ dung dị tự nhiên, là kỹ thuật đã được nghệ thuật hóa với một diễn ngôn rất hoạt.

Yếu tố kỳ ảo và lối viết hư hư thực thực làm nên một cốt truyện lạ, đa thanh. Có lúc ảo-thật không còn đường biên. Biết là ảo nhưng đọc tác phẩm cứ có cảm giác về những điều rất thực, lại phải lần mò giữa những con chữ để thấy hư cấu và phi hư cấu đôi lúc không còn ranh giới. Cuốn tiểu thuyết ẩn lộ nhiều tầng nghĩa, gợi cách đọc đa chiều với nhiều cách tạo nghĩa. Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một điểm nhấn trong văn nghiệp đồ sộ và đa dạng của Hồ Anh Thái. Cuốn tiểu thuyết góp phần khẳng định thêm: Hồ Anh Thái người kể chuyện đa phong cách.