‘Chân trời gọi nắng’ là tập sách kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng, được tổ chức buổi ra mắt công chúng tại Hà Nội chiều 21/3.


“Chân trời gọi nắng” được lấy từ ca từ trong tác phẩm “Biển hát chiều nay” nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng “chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao, con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào, môi cười rất xinh lung linh màu áo, mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu”.

“Chân trời gọi nắng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, và người trực tiếp biên soạn là kỹ sư Lê Anh Thúy, hiền thê tận tụy gắn bó với nhạc sĩ Hồng Đăng những năm cuối đời. Nhỏ hơn nhạc sĩ Hồng Đăng đến 26 tuổi, kỹ sư Lê Anh Thúy thổ lộ: “Yêu và làm người vợ cuối cùng của một lãng tử mỗi lần chia tay lại xách va li đi gửi mỗi nhà bạn bè một bọc sách vở áo quần. Rồi đến khi lấy tôi, bạn bè quẳng vào nhà từng bọc, hoặc tự tôi tìm đi xin lại, nát bét cả. Bây giờ tôi ngồi xử lý cái ký ức đấy, thành sách, cho bạn bè cùng nhớ ông ấy”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng có tên đầy đủ Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Là cháu của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, nên nhạc sĩ Hồng Đăng đi theo kháng chiến từ14 tuổi. Năm 1956, nhạc sĩ Hồng Đăng theo học khóa đào tạo sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lớp với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Huy Thục, Vĩnh Cát...

Trong gia tài sáng tác gần 700 ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng, có điều khá đặc biệt là không ít bài hát được viết làm ca khúc chính cho các bộ phim, nhưng rồi lại có đời sống độc lập. Ví dụ, ca khúc “Hoa sữa” viết cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, ca khúc “Lênh đênh” viết cho bộ phim “Đời hát rong”, ca khúc “Nỗi nhớ đêm đại dương” viết cho bộ phim “Những hạt muối của biển”, ca khúc “Không gian xanh” viết cho bộ phim “Vùng trời”, ca khúc “Biển và cô gái tôi chưa quen” viết cho bộ phim “Những ngôi sao nhỏ”...

Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiêm Tổng Biên tập tạp chí Thế Giới Âm Nhạc. Nhạc sĩ Hồng Đăng quảng giao với bạn bè và say mê nghiên cứu phong thủy.

Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”.

 Năm 2022, nhạc sĩ Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời ngày 21/3/2022. Đúng một năm sau, tập sách “Chân trời gọi nắng” được ra mắt tại Hà Nội để giới mộ điệu lưu giữ những kỷ niệm về nhạc sĩ Hồng Đăng. Trong tập sách “Chân trời gọi nắng”, ngoài những bài viết của đồng nghiệp về nhạc sĩ Hồng Đăng, còn có những bài viết của nhạc sĩ Hồng Đăng về đồng nghiệp và về những hoạt động âm nhạc Việt Nam. Vì vậy, kỹ sư Lê Anh Thúy đã rất cẩn trọng khi thiết kế nội dung tập sách “Chân trời gọi nắng”.

Cầm trên tay tập sách “Chân trời gọi nắng” của người chồng quá cố, kỹ sư Lê Anh Thúy chia sẻ: “Phần lớn bản thảo của anh để lại, đã hỏng rất nhiều, rất khó đọc, giấy mủn, mực mờ. Tôi phải gõ lại từng chữ, sau khi chụp để lưu. Trong các bài viết của anh có nhắc đến nhiều người cùng thế hệ, có người đã già, lẫn, nhiều người đã mất. Nói đến người khác ở dạng nhật ký thì mình đọc sao cũng được, nhưng in thành sách thì phải có nhân chứng, ít nhất có 1, 2 người chứng kiến. Cho nên tôi phải làm gấp tập sách khi bạn bè anh còn sống, hoặc ít nhất cũng có vợ, con, cháu... của họ chứng kiến.

Anh sống thì nhẹ nhàng, vui vẻ, chuyện nặng hóa nhẹ, chuyện nhẹ thành không, nên đông bạn, rất đông. Nhưng anh viết lại quyết liệt, rành mạch, không xuê xoa, đãi bôi. Rất có thể sẽ đụng chạm (và thực tế đã có những vụ va chạm cực kỳ gay gắt, quyết liệt như Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam). Vì vậy, “Chân trời gọi nắng” càng cần sự xác thực của các nhân chứng cùng thế hệ.

                                       NNVN