‘Ấm lạnh pháp đình’ là tập thơ mới của luật sư Nguyễn Minh Tâm, nhận được nhiều sự đồng cảm tại buổi giới thiệu sách do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 21/3.


 “Ấm lạnh pháp đình” có lẽ là tập thơ đầu tiên viết về nghề luật sư trong đời sống thi ca Việt Nam. “Ấm lạnh pháp đình” là tác phẩm thứ ba của luật sư – nhà thơ Nguyễn Minh Tâm, sau hai tập “Lời ru thầm” và “Tóc đất”.

Trong lời giới thiệu tập thơ “Ấm lạnh pháp đình”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng: “Bất cứ nghề nào, thách thức đáng sợ nhất vẫn là sự chai lì cảm xúc. Càng lặn ngụp với nghệ, cảng từng trải với nghề, thì càng thấy mọi thứ rất bình thường. Nếu nghề y dễ thờ ơ với đau đớn của bệnh nhân, thì nghề luật dễ lạnh lùng với thống khổ của bị cáo. Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã giữ được ánh mắt ân cần và trái tim ấm áp trước mỗi phiên tòa, nhờ ông có cốt cách thi sĩ.

Nền tư pháp Việt Nam có những đặc thù riêng, khó phân định hết những rắc rối ngọn ngành nông sâu. Lắm phen, bán án đã khép lại, nhưng dư âm vẫn ngổn ngang và dằn vặt cho Luật sư. Dù cố gạt đi suy nghĩ tiêu cực về một quy tắc ngầm nào đó, thì Nguyễn Minh Tâm vẫn không thể che giấu sự nghẹn ngào và sự bất an. Vì vậy, có những dòng thơ ngắn của ông lại nghe như tiếng thở dài”.

Năm nay 70 tuổi, luật sư – nhà thơ Nguyễn Minh Tâm được xem như một trong những nhân vật nổi tiếng nhất giới tranh tụng tại tòa án. Từng trải qua khói lửa chiến tranh với vai trò một trinh sát, ông không ngần ngại đối mặt những thử thách trắng đen thị phi để bảo vệ lẽ phải và để sáng tác văn chương.

Buổi giới thiệu tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 21/3, đã có sự tham gia của nhiều gương mặt quen thuộc trong giới luật sư và giới cầm bút. Nhà văn Trầm Hương đánh giá: “Thơ Nguyễn Minh Tâm là một phần sự thật pháp đình ngày nay, nơi ngỡ như là hiện thân của công lý, tôn nghiêm lại chứa đựng bao điều khuất tất, bất cập. Sự bất cập pháp đình dẫn đến bao hệ luỵ số phận con người, tác động sâu sắc đến đạo đức xã hội, tạo những vết thương sâu vào tâm thức nhiều thế hệ, thật khó chữa lành, hàn gắn”.

Tương tự, nhà văn Nguyễn Quốc Văn nhận định: Nhân vật trữ tình là sự trăn trở thường trực đến đau đớn của một Luật sư trên pháp đình trước thực trạng pháp luật của đất nước, trước những rủi may, ấm lạnh, được mất của số phận con người. Những cảm xúc, suy nghĩ ấy không phải ai cũng viết ra được, nếu tác giả không phải là một luật sư thấu tình đạt lý trước công lý. Là luật sư, ông đau đáu "Mơ cho công lý viên thành/ Phận người không phải chi mành treo chuông".

Trong tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” dày gần 150 trang, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, độc giả dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm trong những câu thơ như “Biết thân chủ hàm oan mà bất lực/ Có nỗi đau nào hơn thế nữa không/ Công Lý khẽ mỉm cười chua chát/ Ai bảo trong tim ngươi máu cứ đỏ hồng?” hoặc “Chỉ mong sao công lý/ Đừng đội nón ra đi/ Cho niềm tin còn lại/ Khỏi đến ngày suy vi”.

Cũng học luật và công tác nhiều năm ở Bộ Tư pháp, nhà văn Cao Chiến bày tỏ tâm tư khi đọc “Ấm lạnh pháp đình” bằng con mắt đồng nghiệp: “Có thể nói, “Ấm lạnh pháp đình” căn bản là những bài thơ hữu ích. Tôi đánh giá cao sự sẻ chia về thân phận con người trong thơ ông. “Đại án hay tiểu án/ chỉ khác về quy mô/ tiểu án là án nhỏ/ đại án là án to/ nhưng có điều không khác/ là số phận con người/ đại án hay tiểu án/ cũng giống nhau cả thôi”. Minh định to nhỏ, trong thơ có thể coi đây là phát hiện. Chính sự sẻ chia thân phận con người, đã tôn vinh tác phẩm và tác giả. Thơ Nguyễn Minh Tâm ít chau chuốt, nhưng đủ khiến người suy tư. Trước thân phận con người và sự sẻ chia tự đáy lòng, những thô ráp, thì là mà đâu đó của văn xuôi trong thơ bỗng trở nên bé mọn, tầm thường”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm có con gái nối nghiệp là luật sư Nguyễn Thị Minh Phương. Với tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” của cha mình, luật sư Nguyễn Thị Minh Phương thổ lộ: “Bố tôi nhìn nghề luật bằng ánh mắt của nhà thơ, ông đã rót vào thơ những cung bậc cảm xúc, gửi tiếng lòng mình chất chứa những nỗi niềm và hy vọng.

                              PHẠM TUẤN