Tiểu thuyết “Sóng độc”
là một trong hai tác phẩm vào chung khảo giải thưởng văn xuôi năm 2022 của Hội
Nhà văn Việt Nam. Dù chỉ dành được số phiếu thấp niên tiểu thuyết “Bửu sơn kỳ hương”,
nhưng tiểu thuyết “Sóng độc” vẫn được nhiều đồng nghiệp và công chúng trân trọng.
SÓNG ĐỘC MANG ĐẾN SÓNG LÀNH
HẢI ĐƯỜNG
Một cuốn sách rất “nóng” trong đời sống xã hội-văn
chương vừa ra lò: tiểu thuyết Sóng độc của nhà văn Trần Gia Thái. 17 chương,
hơn 400 trang sách trong tiểu thuyết Sóng độc là một câu chuyện kể cuốn hút, dồn
dập sự kiện về Đài truyền hình Bắc Hà thuộc tỉnh Nam Bình. Không gian truyện được
mở rộng tới các cơ quan liên quan như Tỉnh ủy Nam Bình, Bộ Giáo dục, một vùng
quê yên ả ở Đồng bằng sông Hồng, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa
phương. Thời gian tập trung chủ yếu vào những năm 90 đến đầu những năm 2000, gắn
liền với thân phận của nhà báo Quang Thiện, một nhà báo trẻ say nghề, có năng lực,
bỗng nhận về mình những trận đánh úp tứ phía chỉ vì được tập thể và cấp trên
tín nhiệm, quy hoạch vào chức Phó giám đốc Đài, trong tương lai sẽ trở thành
người đứng đầu.
Ở đời, người tài thường lấy tài che thân, còn kẻ bất
tài thì đem thân che tài. Trong khi giám đốc, tổng biên tập đài Văn Đức chỉ còn
ba tháng nữa sẽ nghỉ hưu, Phó giám đốc Trần Thụy, một người dĩ hòa vi quý, đơn
giản, có lần đã ký nhầm “bán cột phát sóng” vì bị...lừa, thì Phó giám đốc Đỗ
Thiết quyết tranh cho bằng được cái ghế số một trong cơ quan. Toàn bộ mâu thuẫn
trong công tác cán bộ cũng là mâu thuẫn trong cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đỉnh
điểm bắt đầu từ đó. Đỗ Thiết, một nhà báo về đài đã lâu, có chút ít thành tựu
nhưng đầy cơ hội, toan tính, đã lôi kéo quanh mình những “anh hùng hảo hán”, lập
thành “Hội lá mơ”, gây bè kéo cánh để ủng hộ mình và triệt hạ Quang Thiện. Đó
là những Bạc phò, Mùi già, Hoàn toác, Đạt láu... mỗi người mỗi vẻ được “đại ca”
Thiết sắp xếp đúng vai, cần “chẻ” chỗ nào thì các tay dao tay thớt bổ nhào
ngay.
Tuyến nhân vật thành công nhất trong Sóng độc là nhóm
“phản diện” này. Từng là người làm báo lâu năm, đứng đầu một cơ quan báo chí,
Trần Gia Thái đã khắc họa rất thành công các nhân vật ở phía tối luôn nấp nom,
rình rập lật đổ phía sáng. Này là Đỗ Thiết mang nhiều bản mặt khác nhau, ông ta
tự nhận mình là “đĩ chuyên nghiệp”. Thiết bàn với Lê Sở Kha, Phó Thanh tra Bộ
giáo dục về “cách vén váy”. Còn Kha thì chẳng lạ gì chân tướng người đối diện,
nói huỵch toẹt với Thiết: “Anh đúng là vụng chèo khéo chống, không phải là đĩ
chuyên nghiệp mà là đĩ thành tinh, thành ngã quỷ”. Này là Bạc Phò chuyên đòn
xóc hai đầu, thèm chức tước hơn thèm cơm, vong ân bội nghĩa ngay với ân nhân của
mình là Quang Thiện. Này là Mùi già, “trung tâm gây rối”, chuyên đưa chuyện, đặc
biệt có tài “rút lõi phong bì”, “cửa sổ tâm hồn của em toàn lòng trắng, lúc nào
cũng đảo như rang lạc”. Này là Hoàn toác “ba hoa, chém gió, chưa đặt đít đã cất
lời, thuộc loại ăn như rồng cuốn nói như rồng leo. Những câu chuyện trên trời,
dưới đất, những tin tức lượm lặt gần xa được phát ra từ cái loa của Hoàn, chẳng
ai biết được thực hư, đúng sai”, v.v..
Đọc những nhân vật này tôi như thấy họ đứng ngồi đâu
đó ngay bên cạnh mình, chỗ nào cũng có, cơ quan nào cũng thấy. Trong những bê bối
của Đài Bắc Hà, “Hội lá mơ” chính là những tác nhân ghê gớm. Bê bối trước hết
là công tác cán bộ, rồi đến việc đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đề án
số hóa; xây dựng trụ sở; tình trạng chạy dự án, đấu thầu, quân xanh, quân đỏ...
Tất cả những điều đó tạo nên một làn sóng - sóng nhân sự, sóng thị phi, sóng hụt
hơi tài chính... Đó là sóng độc. Nó ngược chiều với sóng trong, sóng lành, tin
đồn hấp dẫn hơn tin báo, tin rỉ tai cuốn hút hơn tin loa đài. Nó ngược chiều với
làn sóng của đài Bắc Hà đang trong quá trình vặn mình vượt thoát khỏi trì trệ,
lạc hậu, bắt kịp xu thế đổi mới báo chí của cả nước.
Viết về cái xấu, cái ác như thế kể cũng là dũng cảm, sự
dũng cảm trong tư thế một nhà văn có sứ mệnh cao cả với nhân dân, với xã hội.
Nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki từng nói: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó
miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau, hay
lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu
hỏi đó”. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, không có không khí thật sự dân chủ, đẩy mạnh
chống tham nhũng, tiêu cực như hiện nay thì những trang viết mang “tiếng thét
khổ đau” cũng khó được chấp nhận. Bởi trong một cơ quan báo chí như đài Bắc Hà
được coi là địa chỉ văn hóa sao lại có nhiều chuyện phản văn hóa và dưới văn
hóa đến thế?
Thế cho nên khi một người trẻ tuổi được chuẩn bị cho
chức vụ lãnh đạo cơ quan thì gặp phải một rừng hòn tên mũi đạn. Quang Thiện là
nhà báo giỏi, Trưởng ban chương trình, một ban quan trọng, được coi là “nghề
trong nghề”, bị vu cáo “học mập mờ, vơ chức bự”. Làn sóng độc ấy lan sang một số
tờ báo. Và các tờ báo ấy khi được “chi đẹp” vội vàng câu kết nhau đăng bài xúc
xiểm, bôi nhọ, khiến cho cả làng báo xôn xao, cả tỉnh Nam Bình ngơ ngác. Chuyện
loang cả đến làng quê của Quang Thiện, khiến cho bố anh, một nông dân cả đời
lam lũ trên mảnh đất đồng chiêm trũng, bị sốc nặng phải nhập viện. Và cho đến
khi bọn xấu kết hợp cả việc bôi nhọ trên báo với cơ quan thanh tra bộ tấn công
bằng mánh khóe và thủ đoạn thì ông bị sốc lần thứ hai và qua đời! Những kẻ ngậm
máu phun người đã gây tai họa thật ghê gớm!
Đương nhiên, tác giả tiểu thuyết đã xử lý cao tay khi
sóng độc dù có tàn độc đến đâu cũng không thể át được sóng lành. Lẽ phải, sự tử
tế dù tạm thời có lúc phải lùi về phía sau nhưng cuối cùng sẽ thắng. Phải mất
hơn bốn năm bị cầm tù trong “nhà giam dư luận”, bị vu cáo, bị hiểu lầm, cuối
cùng Quang Thiện đã được trả lại công bằng, danh dự. Đại diện cho cái thiện
chính là những con người chân chính. Là Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh (sau này là Ủy
viên Ban Bí thư). Là Bí thư Tỉnh ủy Đinh Trường. Là Tổng biên tập Văn Đức, Hùng
Dũng. Đặc biệt là Nguyễn An, một nhà báo nổi tiếng, một cây bút chống tiêu cực
sắc nhọn, đã lăn mình vào cuộc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực.
Tiểu thuyết Sóng độc là tiểu thuyết cuốn hút độc giả đọc
liền một mạch. Vậy nó hấp dẫn ở điểm nào? Theo tôi, trước hết là ở tầm tư tưởng
cuốn sách. Đây là tiểu thuyết lấy cảm hứng thế sự để khái quát về thân phận con
người trong một thời điểm lịch sử, thời đổi mới báo chí gắn liền với công cuộc
đổi mới đất nước. Nguồn cảm hứng ấy như men say trong rượu, là linh hồn của tác
phẩm, góp phần tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm. Cảm hứng thế sự tạo cho
tác giả một vùng sáng tạo, một vùng thẩm mĩ, vốn là thế mạnh của Trần Gia Thái
- chất thơ trong văn xuôi. Ngay cả khi bị quăng quật, tưởng như bị quăng xuống
vực sâu, Thiện vẫn nghĩ đến điều thiện: “Làm sao để vượt qua đòn thù, vượt qua
cái ác mà sống. Sống để loại trừ cái ác mà không phải dùng đến cái ác?”.
Sóng độc có nhiều trang đối thoại sinh động, giàu kịch
tính. Đối thoại không dừng ở chi tiết mà điều này mang tính học thuật. Cội nguồn
của tính đối thoại trong tiểu thuyết là đối thoại về tư tưởng, về quan niệm. Sức
hấp dẫn của đối thoại Trần Gia Thái là đã cá thể hóa triệt để tính cách và tình
huống đối thoại. Ngôn ngữ nhân vật rất giản dị, rất thực, có cảm giác anh chỉ
việc nhặt lấy trong đời sống mà tra vào sách. Từ cách bàn thảo, lập luận, chỉ đạo
hội nghị của các vị quan chức đến cách nói của quan thanh tra, của nhà báo, của
“Nhóm lá mơ”, nhà sư, bác nông dân ... đều mực thước, hoặc lấm láp đời thường.
Gấp cuốn sách lại, tôi vẫn thấy trước mắt mình những
làn sóng đang dâng lên, cuộn lên. Lẫn trong sóng lành vẫn không tránh được những
làn sóng độc. Nhưng với ai đã từng sống trong vùng sóng, hoặc đã lặng lẽ quan
sát vùng sóng ấy chắc sẽ có dịp so sánh với sóng độc trong cuốn sách này. Để
chiêm nghiệm, để tin yêu vào cuộc sống đang đi tới, dẫu còn bao nhiễu nhương,
trắng-đen, thật-giả, thiện-ác... khó rạch ròi. Muốn khách quan, công tâm, rạch
ròi như thế thì phải nhìn sâu vào bên trong sự vật, không bị hình thức đánh lừa.
Mọi việc phải xem xét thật thấu đáo, đánh giá một con người không thể nhìn vào
hiện tượng, nhìn bề ngoài, nhìn vào cái nhất thời mà vội vã, hàm hồ kết luận.
Đó cũng là thiên chức của nhà văn, không chỉ miêu tả hiện thực mà điều cần thiết
hơn, bền vững hơn là phân tích, lý giải đời sống xã hội bằng những hình tượng
nghệ thuật.
Và tiểu thuyết Sóng độc đã đem đến cho độc giả một cách nhìn nhân ái, một bộ lọc, ít nhất là cho chính mình. Điều này ông đã viết trong lời mở sách: “Con chữ là dòng sông thanh khiết, nhiệm màu đã gột sạch những bụi bặm trước khi bước vào thế giới của cái đẹp vĩnh hằng, cái đẹp nghệ thuật”./.