Toàn bộ cuốn tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” là một không gian mịt
mùng nơi những ước vọng của con người được vun đắp và gìn giữ một cách tội nghiệp
và tuyệt vọng, nơi dường như mỗi người cố bấu víu vào một quá khứ hay một tương
lai của cuộc sống bình thường để có thể vượt qua những tháng ngày khốn khó
Đi về nơi hoang dã cùng NHẬT TUẤN
PHAN THỊ HÀ DƯƠNG
Có những cuốn sách đến với ta rất tự nhiên, một buổi
chiều khi mặt trời buông sớm, ta tần ngần đứng trước giá sách và rút xuống một
cuốn đã quên lâu. Thậm chí không nhớ là đã từng được tặng, và bỗng nhiên nó
choán lấy toàn bộ suy tư của ta, như một quà tặng của sự Tình cờ. Có những cuốn
sách đã đến với ta qua những kỳ công ngoạn mục để đến khi ta cầm trên tay thì
đã có một câu chuyện gắn liền.
"Moon Palace" thuộc thể loại thứ nhất.
"Đi về nơi hoang dã" thuộc thể loại thứ hai.
Một đồng nghiệp Pháp sau khi háo hức kể với
tôi đã đọc gần hết các sách của Dương Thu Hương dịch ra tiếng Pháp, và mất hết
hào hứng vì mấy câu trả lời của tôi, đã nói với tôi về "Retour à la
Jungle". Tôi không thể hình dung đây là cuốn sách nào. Cũng may mà có tên
tác giả Nhật Tuấn nên cuối cùng cũng tìm ra đó là "Đi về nơi hoang
dã", chưa một lần nghe tên.
Cuốn tiểu thuyết có toàn văn trên mạng, và những trang
đầu tiên đã cuốn hút tôi, nhưng tôi không tiếp tục vì chỉ quen đọc tiểu thuyết
với những trang sách được mở ra. Tuy nhiên tìm một cuốn tiểu thuyết từ năm 1988
là không dễ, kể cả khi nó được tái bản năm 2005 đi nữa. Cuối cùng một người bạn
đã tìm cho tôi bằng những tình cờ run rủi, nên đúng dịp 20/11 thì cuốn sách đã
đến tay tôi như một quà tặng.
Vậy là mở những trang sách ra như đã đi qua một chặng
đường. Cuốn tiểu thuyết cũng là một hành trình. Hành trình trong hoang dã. Tất
cả chìm trong không gian một miền rừng núi đầy gai sắc, không có con đường nào,
chỉ có mây mù trên đỉnh những rặng núi, đích tới mơ hồ và xa xăm. Những con người
không tên không tuổi phải mở một con đường lên một đỉnh núi lơ mơ trên bản đồ
trong cái đói quay quắt, trong sự cách biệt gần như tuyệt đối với đời sống bình
thường. Gần như tuyệt đối, bởi vì vẫn còn một hai lần cuộc sống thường hiện diện.
Nhưng thật kỳ lạ là sự hiện diện ấy lại như kéo ta về
một nơi nào rất xa lạ với dòng suy nghĩ và cảm xúc trong ta, ta chỉ muốn quay về
ngay với miền rừng hoang dã kia, nơi không có sự hiện diện nào của đời sống,
nơi sự cách biệt và cô đơn không chỉ giữa năm con người đó với phần còn lại của
thế giới mà còn là giữa chính họ với nhau, mỗi người là một thế giới riêng, rất
ít cảm thông và chia sẻ, kể cả khi đã bị dồn đến chân trời.
Ta muốn quay về nơi hoang dã đó vì chính ở đó những
tâm tư của từng con người đã bộc lộ và đang sống cuộc sống trọn vẹn của mình.
Vì ở nơi đó, chỉ có duy nhất thôi, một tấm lòng tự nhiên nhất, đang thẩm thấu
và phản chiếu tâm tư của những người xung quanh.
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là một không gian mịt mùng
nơi những ước vọng của con người được vun đắp và gìn giữ một cách tội nghiệp và
tuyệt vọng, nơi dường như mỗi người cố bấu víu vào một quá khứ hay một tương
lai của cuộc sống bình thường để có thể vượt qua những tháng ngày khốn khó này.
Những bấu víu tưởng bền chắc như sức nặng một đời người vậy mà đã tuột trơn
cùng với xối xả những cơn mưa.
Chỉ có một con người không quá khứ, không tương lai,
không hy vọng, không tưởng tượng. Đơn giản và tự nhiên như một giọt nước trong.
Và chính vì thế, dẫu cho nhiều tăm tối và cay đắng,
thì cuối cùng đọng lại trong ta vẫn là hình ảnh về một giọt nước trong.
Một giọt nước như ngàn giọt nước khác trong biển cả,
nhưng nó trong veo. Nó chưa có những hạt bụi bẩn của những toan tính dính vào,
và nó cũng chưa có những lấp lánh bụi pha lê chạm tới. Nó dường như không có ý
thức gì về chính mình. Nó trong veo. Trong veo để có thể thẩm thấu và phản chiếu
những hình ảnh của cuộc sống quanh mình.
Và ta hiểu rằng, với tất cả sự đơn giản tự nhiên nhất
khi sinh ra, tâm hồn của một con người có khả năng thông cảm, có khả năng rung
động, có khả năng chia sẻ và thấu hiểu những tâm tư.
Nguồn: NNVN