‘Dòng thơ giữa phố’ là tên gọi cuộc tọa đàm diễn ra sáng 4/2 thu hút nhiều nhà thơ quen thuộc, chính thức khởi động Ngày Thơ Việt Nam 2023 tại TP.HCM.
“Dòng thơ giữa phố” được chọn làm hoạt động mở màn cho
Ngày Thơ Việt Nam 2023, vì Hội
Nhà văn TP.HCM mong muốn thông qua tọa đàm này để nhận diện sức sống thi ca ở
đô thị lớn nhất phương Nam. Khán
phòng đông kín khách thơ, ngồi cạnh những sinh viên khoa Văn tuổi đôi mươi có cả
đạo diễn Xuân Phượng 94 tuổi và nhà văn Đoàn Minh Tuấn 91 tuổi.
“Dòng thơ giữa phố” có
sự tham dự của nhiều thế hệ nhà thơ, từ những nhân vật gạo cội như Hoàng Hưng,
Trần Mạnh Hảo, Lê Xuân Đố cho đến những gương mặt nổi bật gần đây như Trần Lê
Khánh, Trần Đức Tín, Ngô Thị Hạnh... Theo đánh giá của nhà thơ Lưu Trọng Văn: “Đã
rất lâu rồi, mới có một tọa đàm trong không gian nhỏ mà lại quy tụ những tên tuổi
tiêu biểu nhất của làng thơ TP.HCM. Tình yêu thi ca thực sự đã kết nối mọi người,
xóa hết mọi cách biệt”.
Thi ca TP.HCM đa đạng vì sự hội tụ và dung nạp. Từ năm
1975 đến nay, TP.HCM có nhiều thế hệ nhà thơ xuất thân khác nhau cùng sinh sống
và sáng tác: Thế hệ nhà thơ đã thành danh tại Sài Gòn, thế hệ nhà thơ trở về từ
chiến khu, thế hệ nhà thơ di cư từ miền Bắc và miền Trung, thế hệ nhà thơ trong
phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên, thế hệ nhà thơ của lực lượng thanh
niên xung phong, thế hệ nhà thơ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất...
Lực lượng sáng tác thơ tại TP.HCM được bổ sung và tiếp
nối thường xuyên, tạo ra một dòng chảy văn hóa và tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm
mỹ. Thế nhưng, điều đáng tiếc là thành tựu thơ TP.HCM vẫn chưa được nhận diện đầy
đủ và đánh giá đúng mức, bằng các công trình nghiên cứu công phu của những nhà
phê bình đích thực.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn,
chủ trì tọa đàm “Dòng thơ giữa phố”, đã nêu ra những gợi ý để các khách mời cùng
nhau trao đổi. Với đặc trưng một thành phố dẫn đầu cả nước
về kinh tế, thì thi ca có vị trí như thế nào? Giữa những công trình ngột ngạt
và những tòa nhà không ngừng vươn cao, thì tâm tư của nhà thơ đối diện với những
trống vắng như thế nào? Trong một đời sống xuất bản sôi động, các tập thơ phải
tìm thị trường ngách để đến công chúng như thế nào? Trong quá trình hội nhập quốc
tế, thơ có phải mặt hàng đang tuyệt vọng với việc tìm kiếm con đường xuất khẩu
sang các quốc gia khác? Và dòng thơ tại TP.HCM có giống dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị
Nghè đang chờ đợi được đầu tư cải tạo nâng cấp từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ
hay trái phiếu doanh nghiệp không?
Tọa đàm
“Dòng thơ giữa phố” đã
lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà thơ nhiều lứa tuổi, nhiều bút pháp,
để có sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau trên hành trình sáng tạo cô độc và nhọc
nhằn. Những ý kiến dù còn khác biệt,
cũng là thông tin tham khảo đầy cởi mở để giới cầm bút cùng suy tư cho sự phát triển của thơ Việt
trong thế kỷ 21.
Về thơ thiếu nhi, nhà
thơ Nguyệt Thu với kinh nghiệm của một giáo viên tiểu học, kiến nghị: “Hội
Nhà văn TP.HCM
nên có những hoạt động phối hợp với nhà trường nhằm mục đích giúp thầy cô và học
sinh yêu văn thơ hơn. Nên phát hiện những thầy cô giáo yêu thơ, nhiệt huyết với
thơ để làm “cầu nối” giữa nhà thơ với học sinh, giữa nhà thơ và các thầy cô
giáo trong nhà trường”.
Về thơ trẻ, nhà thơ
Trần Đức Tín vừa đoạt giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng:
“Thơ
trẻ TP.HCM không hoàn toàn trầm lắng,
mà sôi động, cập nhật và thay đổi hằng ngày theo tiến độ phát triển của thành
phố. Điều này được minh chứng xuyên suốt trong 10 năm trở lại đây, thơ trẻ TP.HCM luôn vận động và phát triển, liên tục xuất hiện nhiều
nhà thơ mới và gây dựng được vị trí của mình trên thi đàn cả nước.
Đồng thời, nhà thơ Trần
Đức Tín bày tỏ băn khoăn cho thế hệ mình: “Hiện tại với tiềm năng của
TP.HCM, của văn chương TP.HCM thì người trẻ đến với văn chương, sống
với văn chương vẫn còn là
con số rất khiêm tốn. Chúng ta đang có lợi thế là trẻ,
công sức, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám thể nghiệm và dám chịu thất bại.
Hay nói cách khác, chúng ta có thời
gian,
chúng ta còn thời gian cho sự thất bại. Và ta đều biết, không có sự thành công
nào tự nhiên đến, vậy sao chúng ta còn chưa bước?”.
Về thơ của các câu lạc
bộ đang phát triển sôi động khắp đô thị, nhà thơ Xuân Trường nhận định: “Thơ
câu lạc bộ là nguồn lực động viên tinh thần cho đời sống cư dân, thúc đẩy sự
đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa trong công đồng. Phong trào thơ ca của các câu
lạc bộ rất hồn nhiện và trong sáng, không hề vướng bận danh lợi thị phi, nên rất
sinh động và bền vững. Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng nghệ thuật ở các
câu lạc bộ Thơ rất được chú trọng.
Một số câu lạc bộ đã mời các diễn giả nói chuyện chuyên đề về ngôn ngữ nghệ thuật, thi
pháp cũng như về các hiện tượng thơ trên thi đàn”.
Để thơ có thêm công
chúng thời công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, nhà thơ Trần Quốc Toàn hiến kế: “Thơ
có thể chỉ là một thành phần nào đó trong một tác phẩm văn nghệ thời nghe nhìn,
thơ hóa ca từ ca khúc, thơ hóa lời dẫn truyện tranh, thơ thành kịch bản ca kịch
sân khấu và truyền hình. Trong đời sống văn hóa, có mĩ thuật ứng dụng tại sao
ta không nghiêm túc bàn đến văn học ứng dụng để thơ có đất sống.
Tôi nhớ, một nhà thơ nổi tiếng của thế giới đã từng
nói, đại ý, ước sao thơ được in trên những tờ giấy gói hàng để thơ dễ đến với
người đọc. Đó là một thái độ tích cực, nghệ sĩ sáng tạo mà không đòi hỏi một
tháp ngà làm xưởng thợ, sáng tạo thường nhật không ngồi đợi "yên sĩ phi lí
thuần" như các các cụ đồ nho thời xưa, không để “mực đọng trong nghiên sầu”.