“Sự cởi mở của xã hội sẽ khai phóng sự hài hước của con người. Nếu văn chương trào phúng phát triển sẽ thúc đẩy kịch hài và phim hài bớt đi sự nhảm nhí. Tôi nghĩ, biết đâu nỗi hào hứng đầy phiêu lưu của tôi có thể kích hoạt nhiều cây bút trẻ khác cùng tham gia và làm phong phú thêm dòng văn chương trào phúng”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.


Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Giá trị văn chương ít nằm ở những tiếng hò reo nhất thời

HỒ SƠN

Tiếp nối Người Việt biết đùa (2007) và Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng (2019), nhà thơ Lê Thiếu Nhơn vừa giới thiệu tập truyện trào phúng thứ ba Kế hoạch tỏa sáng khắp hành tinh (NXB Tổng hợp TPHCM). Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh về ấn phẩm vừa ra mắt, cũng như về văn học trẻ của thành phố hiện nay trên cương vị Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TPHCM).

Hiểu thêm tâm tính con người, thói tật xứ sở

PHÓNG VIÊN: Anh được biết đến là một nhà thơ, một nhà phê bình văn học, cơ duyên nào đưa anh đến với truyện trào phúng?

Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN: Sau nhiều năm theo đuổi nghề viết, tôi bỗng nhận ra sự hài hước là một phương pháp rất hiệu quả để xoa dịu sự căng thẳng và kết nối sự xa cách trong cộng đồng. Vì vậy tôi thử sáng tác truyện trào phúng như một cách khám phá bản thân và hy vọng đóng góp chút đỉnh cho nền văn học Việt Nam vốn thiếu vắng sự hài hước.

Theo anh, để có thể viết được truyện trào phúng, cần những yếu tố gì? Và với Biết đùa - như tên một tập sách trước đây của anh, anh có phải là người “biết đùa”?

Với kinh nghiệm ít ỏi của mình, tôi cho rằng truyện trào phúng cần được cộng hưởng 3 yếu tố: ngôn ngữ dí dỏm, tình tiết bất ngờ và thái độ xã hội. Trong 3 yếu tố ấy, thái độ xã hội của người viết giữ vai trò then chốt, như tên cuốn sách Người Việt biết đùa.Phải thực sự “biết đùa”, người viết và đối tượng phản ánh mới có chung nhu cầu hướng tới sự tiến bộ. Tôi tự thấy bản thân cũng “biết đùa” nhờ liều lĩnh “dám đùa”.

Kế hoạch tỏa sáng khắp hành tinh hầu như có đầy đủ tất cả vấn đề nổi cộm của xã hội như xem bói trực tuyến, háo danh, tham nhũng… Trong khi đó, anh lại có niềm tin rằng, “tiếng cười cá nhân góp phần hóa giải mâu thuẫn xã hội”. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về niềm tin này?

Truyện trào phúng dù định nghĩa thế nào, vẫn là phiên bản buồn cười và tinh nghịch của đời sống. Truyện trào phúng không chọn cách nói trực diện, nên vẫn chừa đường lui tích cực cho nhân vật được đề cập. Dẫu phản ánh những vấn đề nóng bỏng nhất thì không khí vui nhộn của truyện trào phúng vẫn không làm bẽ mặt hay tổn thương bất kỳ ai. Tính phiếm chỉ của truyện trào phúng tạo ra sự chua xót thay cho giận dữ; tạo sự thông cảm thay cho thù hằn.

Trong truyện “Kinh doanh theo xu hướng quốc tế” của tập truyện này, anh nhắc đến một loạt danh xưng: Bác sĩ quốc tế, Nhà báo quốc tế, Giáo sư quốc tế. Có một sự tình cờ là gần đây, trên mạng xã hội vừa xuất hiện thêm danh xưng Nhà thơ thế giới. Đây vốn dĩ đây là căn bệnh trầm kha của xã hội chúng ta?

Đấy là diễn biến tất yếu mà nhiều người có thể dễ dàng hình dung được. Khi chúng ta quá chuộng hư danh thì sẽ có dịch vụ cung cấp hư danh, cũng như sẽ có những kẻ chọn phương pháp “tự vẽ bùa để đeo”.

Là một thể loại của văn chương, nhưng lâu nay truyện trào phúng vẫn được xem là “văn chương thứ cấp”. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Truyện trào phúng sẽ mãi là “văn chương thứ cấp”, nếu tác giả chỉ chạy theo sự vụ nhất thời mà không quan tâm tính khái quát của tác phẩm. Truyện trào phúng sẽ có giá trị đích thực, khi thông qua mỗi tình huống hay mỗi nhân vật, khiến người đọc hiểu thêm tâm tính con người hay thói tật xứ sở.

Giải Nhà văn trẻ không nên quá cầu toàn

Một năm qua, văn học trẻ TPHCM khá sôi động, nhiều tác giả có tác phẩm để lại dấu ấn như Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Dương Quỳnh, Phạm Anh Tuấn (Yang Phan), Nguyễn Khắc Ngân Vi… nhưng cuối cùng, giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM vẫn phải bỏ trống?

Năm 2022, Ban Nhà văn trẻ đã đề cử tập truyện Muội tro của Võ Chí Nhất cho giải thưởng Nhà văn trẻ đấy chứ. Tuy nhiên, Hội đồng văn xuôi đã chọn tác phẩm này để trao tặng thưởng, nên giải thưởng Nhà văn trẻ đành để trống một năm. Theo quan niệm của chúng tôi, sự “nhượng bộ” ấy đáng mừng. Bởi lẽ, tặng thưởng là sự ghi nhận tác giả chuyên nghiệp, còn giải thưởng Nhà văn trẻ chỉ là món quà văn chương dành cho cây bút mới.

Lâu nay, hoạt động của hội vốn ít thu hút người trẻ. Trong khi đó, giải Nhà văn trẻ ra đời từ năm 2011, hơn 10 năm trôi qua nhưng đến nay mới chỉ trao cho 5 tác giả. Theo anh, hội có cần thay đổi tiêu chí trao giải để khích lệ, động viên các tác giả trẻ nhiều hơn?

Đúng là tiêu chí xét chọn giải thưởng Nhà văn trẻ cũng hơi khắt khe. Lẽ ra, giải không nên quá cầu toàn và quá an toàn, chỉ cần một tín hiệu tài năng thì phải động viên kịp thời ngay. Nói thật, bây giờ cuộc sống nhiều sở thích thú vị lắm, còn công việc viết lách rất nhọc nhằn, cần có sự chia sẻ và sự khích lệ để bạn trẻ nuôi dưỡng đam mê sáng tạo. Theo tôi, tác giả trẻ có xộc xệch một chút, có vụng về một chút cũng không có gì đáng lo ngại. Văn chương vẫn là một hành trình nghề dạy nghề.

Trong quan sát và cảm nhận của mình, anh cảm thấy điểm sáng của văn học trẻ TPHCM hiện nay ra sao? Và điểm hạn chế là gì?

Điểm sáng nhất là ý thức hướng đến công chúng của nhiều cây bút trẻ. Họ không quá cố chấp giữa yếu tố nghệ thuật và yếu tố thị trường, thậm chí họ theo đuổi cả những thể loại thời thượng như ngôn tình để phô diễn bút lực. Ngoài ra, một vài cây bút trẻ rất biết cách tiếp thị tác phẩm đến bạn đọc. Điều ấy hơn hẳn thế hệ tôi. Tuy nhiên, cơn hào hứng rượt đuổi thị hiếu đám đông cũng chính là một hạn chế, vì giá trị văn chương ít nằm ở những tiếng hò reo nhất thời.

 

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng ngày 8/1