‘Công chúa Đồng Xuân’ là tiểu thuyết lịch sử tiếp theo của nhà văn Trần Thùy Mai, sau cuốn ‘Từ Dụ thái hậu’ từng tạo hứng thú cho công chúng mấy năm trước.
Công chúa Đồng Xuân hay
công chúa Gia Phúc, là con út của vua Thiệu Trị. Đồng thời, công chúa Đồng Xuân
cũng là con dâu của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Công chúa Đồng Xuân chịu cảnh
góa bụa rất sớm, vì phò mã Nguyễn Lâm hy sinh khi chưa đến tuổi 30.
Cuộc đời công chúa Đồng Xuân gắn với nhiều sự
kiện đau thương của triều Nguyễn, từ tai ách ngoại xâm đến tai ương vương tộc. Tiểu
thuyết “Công chúa Đồng Xuân” góp phần giải mã bi kịch của một người đàn bà gánh
lấy bi kịch của chiến tranh tàn khốc, tình yêu mất mát và luật pháp hà khắc.
Với tiểu thuyết “Công
chúa Đồng Xuân” hơn 700 trang, với hai tập chia làm 66 chương, nhà văn Trần Thùy
Mai chia sẻ: Khi đọc các
tư liệu về
bà, tôi thấy trong lòng thương xót và bất giác muốn viết lại vụ án dưới góc
nhìn của con người ngày nay. Việc
công chúa Đồng Xuân bỗng có thai
sau 10 năm ở góa, đó là chuyện có thật. Với luật lệ đương thời, làm gì có những
quan niệm rộng mở về việc “làm mẹ đơn thân” như bây giờ, nên việc đó đã đủ cấu
thành một tội rất lớn, thời ấy gọi là tội “hòa gian”.
Tội “hòa gian” đó tuy nặng, nhưng phải được nhân lên
thành “loạn luân” thì mới đủ là một tội có thể làm cho người liên quan phải tan
nát cả gia tộc. Nhiều sử liệu đời sau ghi rằng người dan díu với Đồng Xuân
chính là anh trai, Gia Hưng quận công Hồng Hưu”.
Nhà văn Trần Thùy Mai
là một gương mặt cầm bút xứ Huế. Nhà văn Trần Thùy Mai từng được công chúng yêu
mến qua các truyện ngắn như “Gió thiên đường”, “Thập
tự hoa”, “Quỷ trong trăng”, “Thương
nhớ Hoàng Lan”,
“Mưa đời sau”, “Người
bán linh hồn”,
“Trăng nơi đáy giếng”, “Thị
trấn hoa quỳ vàng”...
Sau “Từ Dụ thái hậu” được
giải nhất cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam kéo dài từ
năm 2016 đến năm 2019, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục mở một cách cửa khám phá
bí ẩn triều Nguyễn bằng “Công chúa Đồng Xuân”.
Không chỉ có nhân vật
chính giăng mắc buồn thương để được sống cho bản thân, tiểu thuyết “Công chúa Đồng
Xuân” còn hé lộ số phận của những tên tuổi gắn với lịch sử triều đại phong kiến
cuối cùng của Việt Nam như Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ...
Tiểu thuyết lịch sử
không phải ghi chép lịch sử, nhà văn có quyền hư cấu và tưởng tượng. Thế nhưng,
nhà văn Trần Thùy Mai khẳng định vài cơ sở khả tín để sáng tác “Công chúa Đồng
Xuân” một cách thuyết phục: “Riêng về triều Nguyễn, những sự kiện
xảy ra chưa quá xa xưa, các bộ sử ghi chép tương đối đầy đủ so với các triều
trước. Bên cạnh đó, ký ức dân gian còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, giai thoại.
Những năm gần đây, nhiều tư liệu mới hơn về giai đoạn 1858-1888 đã được công bố,
trong đó có cái do các nhà nghiên cứu người Pháp, người Nhật viết, có cái do
các nhà nghiên cứu Việt Nam viết.
Những tư liệu mới này đã mở rộng nhiều cánh cửa, cho
phép ta có một cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật lịch sử. Vì vậy theo
tôi, lúc này viết truyện lịch sử, nhất là về triều Nguyễn, là việc nhiều thuận
lợi hơn là trở ngại”.
Tiểu thuyết “Công chúa
Đồng Xuân” được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành trước thềm xuân Quý Mão. Những ngày
Tết thong dong, độc gỉ có thể nhấm nháp từng trang “Công chúa Đồng Xuân” để hiểu
thêm văn hóa Việt Nam thế kỷ 18-19, nhất là những phong tục và tập quán liên
quan đến nếp sống cung đình như cưới gả, sinh nở, làm đẹp... Đặc biệt, nhà văn
Trần Thùy Mai không ngần ngại chấm bút vào giới hạn khá nhạy cảm là tình dục của
người xưa với nhiều ẩn ức giữa đức hạnh và tội lỗi.
Bên cạnh đó, tiểu
thuyết “Công chúa Đồng Xuân” cũng đặt ra nhiều câu hỏi day dứt về phương pháp ứng
xử của triều Nguyễn trước gót giày viễn chinh của thực dân Pháp. Trách nhiệm của
vua quan triều Nguyễn như thế nào? Trách nhiệm của sĩ phu như thế nào? Trách
nhiệm của cộng đồng như thế nào qua các phong trào dậy sóng như Cần Vương?
Với tiểu thuyết “Công
chúa Đồng Xuân”, nhà văn Trần Thùy Mai chứng minh bản lĩnh của một nữ tác giả ở
tuổi 69. Thán phục sức lao động của đồng nghiệp, nhà văn Nguyễn
Khắc Phê đánh giá: “Tiểu thuyết hấp dẫn còn nhờ tính đa thanh của tác phẩm. Trần
Thùy Mai không ngại miêu tả những cảnh ái ân giữa vua Thiệu Trị và Tự
Đức với các ái phi, giữa vợ chồng Đồng Xuân - Nguyễn Lâm, giữa Đồng Xuân và
người tình Nguyễn Chí. Tác giả tỉ mẩn liệt kê cả các vị thuốc và cách chăm
sóc công chúa khi mới sinh con, những “gia vị” lúc Thiện phi tắm gội, để
thêm sức cuốn hút vua Tự Đức yếu nhược vào “bữa tiệc” ái ân.
Bên cạnh những đoạn văn đậm nét riêng tư
và phong vị Huế như thế, khung cảnh oai hùng và bi tráng trận đại chiến
tại cửa ngõ Sài Gòn vào một ngày Xuân hơn 160 năm trước (ngày 24/2/1861),
dễ làm bạn đọc liên tưởng đến trận Waterloo (Oa-téc-lô) nổi tiếng (ngày
18/6/1815), tuy tính chất hai cuộc chiến khác nhau”.
TUY HÒA