Trong
một bài thơ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi phải viết “Anh ôm em và ôm cả khẩu súng của
em” mới được đưa lên được mặt báo. Chắc chắn nếu chỉ viết “Anh ôm em” thì chẳng
báo nào, tạp chí nào dám sử dụng cả.
VỀ SỰ NHẠY CẢM MỘT THỜI, HAY LÀ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG “LẠC KÈM BIA”
ĐẶNG HUY GIANG
Sinh thời, trong một bản
thảo “Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật” do nhà văn Nguyễn Khắc Phục chủ biên, có bài “Lính mà em”. Sinh thời, Nguyễn Khắc
Phục cho rằng Phạm Tiến Duật là tác giả của bài thơ này. Tuy nhiên, sau khi xem
lại tập bản thảo đó, nhà thơ nổi tiếng của Trường Sơn đã khẳng định: Bài thơ
này không phải của ông, mà của một nhà thơ nào đó ở Sài Gòn, viết trước 1975.
Vào thời điểm Nguyễn Khắc
Phục nói thế, tôi đã không tin. Phần vì năm 1973, khi còn là bộ đội giải phóng,
khi có mặt ở chiến trường B, tôi đã biết bài thơ này của Lý Thụy Ý và cũng biết
bài thơ này đã được đăng tải trên Văn nghệ Tiền phong tại Sài Gòn năm 1967, đã
in trong tập thơ “Khói lửa 20” tại Sài Gòn năm 1972. Phần vì ở thời điểm văn
chương phải “lạc quan cách mạng” trên tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/
Mà lòng phơi phới dậy tương lai” không cho phép các nhà thơ miền Bắc xã hội chủ
nghĩa dám hạ bút, dám viết những câu thơ thuộc diện cấm đoán hồi ấy: “Em
xót xa đời anh nhiều gian khổ”.
Thơ ca của chúng ta ngày ấy,
đặc biệt là ở giai đoạn chống Mỹ, chỉ toàn tâm toàn ý cho việc đánh giặc. Việc
phản ánh chiến tranh, những chuyện của chiến tranh hoặc đụng chạm đến chiến
tranh, những chuyện của chiến tranh là điều cấm kỵ. Tóm lại, chỉ cho phản ánh mặt
sáng, không được phản ánh mặt tối.
Bằng chứng là vào tháng 6 - 1974 (sau khi đã ký kết Hiệp định Pa-ri), Tạp chí Thanh Niên có đăng 2 bài thơ: “Sẹo đất” và “Vòng trắng”, mới chỉ đụng chạm đến hậu quả của chiến tranh một chút thôi, đã coi là nhạy cảm, đã bị “thổi còi” rồi và Ngô Văn Phú lẫn Phạm Tiến Duật đều ít nhiều bị hệ lụy. Mấy câu bị phê phán nhất thuộc về:
“Tưởng
trên da thịt mình mới sẹo
Ai ngờ đất cũng sẹo như người”
(“Sẹo đất”)
Và:
“Bom
nổ trên trời hiện lên những vòng đen
Nhưng mặt đất lại sinh
bao vòng trắng...
Có mất mát nào lớn bằng
cái chết
Khăn tang vòng tròn như một
số không”
(“Vòng
trắng”)
Cách nay cũng đã lâu, có một nhà phê bình
văn học đã dẫn bài thơ có tên là “Nga” để ca ngợi sự cách tân thi ca của Nguyên
Sa. Để khẳng định sự này, nhà phê bình văn học nọ đã dẫn mấy câu thơ làm sở cứ:
"Hôm nay Nga buồn như một
con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên
tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa
se mình
Để anh giận sao chả là nước
biển…"
Cả 4 câu thơ trên, xét về
mặt ý tứ, chẳng có gì ghê gớm. Có chăng còn lại là ý của hai câu sau: Giá anh
là nước biển, chắc hẳn sẽ có tác dụng hơn với “đôi mắt cá ươn như sắp sửa se
mình” của em - một biểu hiện về sự quan tâm về nỗi buồn của người mình yêu
thương chăng?
Còn về mặt hình thức thì
chẳng có sự cách tân cách tiếc gì hết, chẳng qua là tác giả được thả sức diễn đạt
tự do cảm nhận của mình theo lối miền Nam một thuở. Công bằng mà nói, thơ
Nguyên Sa hay, cho dù không cần cách tân.
Tôi nhớ nhiều câu thơ hay
của Nguyên Sa: “Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa
xuân”, “Vẫn biết lòng mình là hương cốm/ Không biết tay ai là lá sen”. Trong
khi ấy thì ở miền Bắc lúc ấy, trong một bài thơ, nhà
thơ Nguyễn Đình Thi phải viết “Anh ôm em và ôm cả khẩu súng của em” mới được
đưa lên được mặt báo. Chắc chắn nếu chỉ viết “Anh ôm em” thì chẳng báo nào, tạp
chí nào dám sử dụng cả.
Nói theo ngôn ngữ vỉa hè,
hiện tượng này không khác hiện tượng “lạc kèm bia” thời bao cấp mấy nỗi. Thời ấy,
vì bia hơi quá hiếm, nên các cửa nhà hàng ăn quốc doanh thường nghĩ ra trò bắt
buộc mỗi khách hàng muốn mua một cốc bia phải mua kèm một gói lạc hoặc một đĩa
nộm. Hãy thứ hình dung bạn có 10 cốc bia mà có đến 10 gói lạc hoặc 10 đĩa nộm
thì quả là dư thừa “mồi”, nhắm làm sao cho xuể! Trong câu thơ trên của Nguyễn
Đình Thi, “lạc” chính là “ôm cả khẩu súng của em”, còn “bia” chính là “Anh ôm
em”.
Nhà thơ Quang Hoài nhớ lại:
“Số 296 Báo Văn nghệ đăng 2 bài thơ đầu tiên dự thi cuộc thi thơ năm 1969 cùng
nhà thơ Vương Anh. Hồi ấy, người ta tính nhuận bút theo trang tác giả. Với văn
xuôi là 1000 từ và thơ là 20 câu. Bài thơ “Lá thư gửi anh” của tôi vì cũng dài
nên được trả nhuận bút là 36 đồng. Số tiền này ngày ấy rất đáng kể nếu so với
lương một kỹ sư là 64 đồng. Với tôi, chuyện này cũng vui. Nhưng tôi không hoàn
toàn vui, vì khi biên tập, nhà thơ Vĩnh Mai cắt ngay câu mở đầu bài thơ này của
tôi. Thay vì phải “Chưa được ngủ cùng em trọn tuần/ Chưa được nướng thịt con
nai anh bắn” thì bài thơ được bắt đầu ngay bằng “Chưa được nướng thịt con nai
anh bắn”. Có lẽ vì “ngủ cùng em” bị cho là sát sàn sạt và nhậy cảm quá chăng?
Trong khi ấy thì trước
tôi, nhà thơ Bạc Văn Ùi đã có bài thơ “Em tắm” có những câu rất mạnh bạo: “Sao
anh lại rình/ Trộm xem em tắm?”. Phải chăng “xem” vẫn còn nhẹ hơn “ngủ”? Phải
chăng “Em tắm” đã được “chống lưng”, được “che chắn” bởi “Em tắm giữa suối mường/
Tắm trong mối yêu thương/ Có anh đang đứng giữ/ Chớ để Tây đến mường” và tác giả
của bài thơ là người dân tộc ít người?”