Khi sống ở Iowa, nhiều người không tránh khỏi “cám dỗ”
của ý tưởng bắt đầu sáng tác bằng Anh ngữ, hoặc chí ít, tự dịch tác phẩm của
mình sang tiếng Anh. Thành thực thì, trong đó có tôi.
Từ thành phố văn chương Iowa: Sức mạnh tiếng Anh và giấc
mơ tiếng Việt
HIỀN TRANG
Lựa chọn viết bằng tiếng Anh đồng nghĩa với việc bước
vào một cuộc đua khốc liệt có khi chẳng thua gì cuộc đua sinh tử trong Squid
Game (Trò chơi con mực). Phần thưởng có thể đổi đời, nhưng chỉ kẻ mạnh nhất
giành chiến thắng. Những kẻ còn lại, sẽ bị luật chơi khắc nghiệt ném văng ra
không thương tiếc.
1.
Trong một buổi thảo luận nhóm trước công chúng diễn ra
tại Thư viện Công cộng của thành phố Iowa, thành phố văn chương được UNESCO
công nhận, thuộc khuôn khổ chương trình lưu trú International Writing Program
(IWP) năm nay với chủ đề về dịch thuật, Pavla Horáková – một nhà văn Séc, người
từng có xuất phát điểm là một dịch giả - thẳng thắn viết trong tiểu luận của
mình rằng mỗi khi viết, chị luôn tự hỏi điều mình viết ra liệu có thể dịch lại
sang tiếng Anh được không.
Phương pháp của chị khiến tôi nghĩ đến cách làm của
Haruki Murakami, người thừa nhận quy trình viết của ông như sau: đầu tiên, ông
viết bằng tiếng Anh, và vì vốn tiếng Anh hạn chế nên ông sẽ chỉ viết những câu
đơn giản, sau đó ông dịch lại sang tiếng Nhật. Murakami là một hiện tượng văn
chương toàn cầu, trái ngược với Minae Mizumura, một nhà văn đương đại lớn khác
của nước Nhật, nhưng dù là một cây bút tiếng Anh siêu hạng, đã lựa chọn viết những
điều nghiêm túc nhất bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, bằng thứ tiếng Nhật gần như
“không thể dịch thuật”, và vì thế, dù cũng được coi là ngôi sao văn đàn quốc tế,
độ phổ biến của bà không thể bằng một góc Murakami.
Mizumura cũng từng tham gia IWP vào mùa thu năm 2003.
Đúng 19 năm trước khi tôi được chọn tham gia, đại diện cho Việt Nam. Năm đó,
sau khi trở về từ Iowa, bà viết bài tiểu luận tuyệt vời mang tên “Dưới bầu trời
xanh của Iowa: Những kẻ viết bằng ngôn ngữ của mình”, về sau được đưa vào cuốn
sách “The Fall of Language in the Age of English” (tạm dịch: Sự sụp đổ của ngôn
ngữ trong thời đại tiếng Anh), có đoạn kể về một nhà văn Mông Cổ viết về Thành
Cát Tư Hãn bằng thứ tiếng của họ hay một nhà văn Na Uy thay vì viết bằng tiếng
Bokmal, ngôn ngữ chính thức của đất nước mình, thứ ngôn ngữ dựa trên tiếng Đan
Mạch bởi Na Uy đã bị Đan Mạch thống trị suốt 400 năm, thì viết bằng tiếng bản địa
Nynorsk.
“Rảo bước dọc hành lang khách sạn trong đêm, tôi có thể
cảm nhận được sự hiện diện của các nhà văn ở bên kia bức tường khi họ ngồi trước
màn hình máy tính và viết, mỗi người trong ngôn ngữ của mình”, Mizumura viết.
Nhưng ngay cả sự thật đấy cũng không ngăn Mizumura nhận ra ngôn ngữ cũng có thứ
hạng, và tiếng Anh đang dần xâm lấn thế giới ngôn ngữ, khiến các ngôn ngữ khác
bị teo nhỏ chỉ còn là “những cái bóng của vinh quang xưa”, và tất cả các nhà
văn ngoài tiếng Anh đều đang “trên đường sa sút”.
Khi tôi đặt câu hỏi liệu Pavla có nghĩ việc dựa trên
tiếng Anh để sáng tác bằng tiếng Séc là một điều nguy hiểm cho ngôn ngữ Séc, chị
chỉ bảo chị không nghĩ theo cách đó. Nếu như điều mình viết ra không thể đi xa
hơn thì việc viết bằng tiếng Séc thuần túy có nghĩa lý gì. Sau buổi thảo luận ấy,
dịch giả kiêm biên tập viên Natasa Durovicova, một trong những thành viên cốt
cán của chương trình IWP, tới chỗ tôi và cười bảo, dù sao đi nữa, ta không thể
chối bỏ sức mạnh của tiếng Anh. Nhờ sự thông dụng của mình, tiếng Anh đã phát
triển để trở nên tinh xảo đến mức có thể hấp thụ gần như mọi ngôn ngữ khác, và
ngay cả những tiểu thuyết được coi là “không thể dịch nổi” của Mizumura cũng vẫn
có thể được dịch sang Anh ngữ.
Tôi mập mờ cảm thấy bà nói đúng.
2.
Thành phố Iowa, năm 1967. Nieh Hualing khi ấy đã là một
nhà văn nổi tiếng ở Đài Loan, mặc dù vậy, ở Mỹ, bà vẫn là một tên tuổi xa lạ với
công chúng. Chồng bà nổi tiếng hơn bà nhiều, ông là Paul Engle, tác giả của những
tập thơ bán rất chạy vào những năm 1940 như “American Songs” và “Poems in
Praise”. Ông cũng là giám đốc chương trình đào tạo văn chương danh giá hàng đầu
thế giới, Iowa Writers Workshop, là người đã rước được những Kurt Vonnegut hay
Philip Roth về Iowa giảng dạy và đạo tạo ra rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ lớn
của nước Mỹ. Một lần nọ, Hualing ngỏ ý với chồng mình tại sao họ không thể có một
Iowa Writers Workshop cho những nhà văn ngoại quốc, những người như bà, những
người không viết bằng thứ ngôn ngữ mạnh nhất thế giới.
IWP đã ra đời từ ý tưởng ấy, và để hiện thực hóa kế hoạch
này, hai vợ chồng tìm tới Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xin tài trợ, lấy lý do dự án sẽ
quảng bá hình ảnh nước Mỹ như một miền đất cho sự hòa giải văn hóa và tự do
ngôn luận. Đề xuất được chấp nhận. Thậm chí vào năm 1976, hai vợ chồng còn được
đề cử giải Nobel Hòa bình vì đã “làm sụp đổ bức tường ở Iowa” vào thời điểm mà
bức tường Berlin tưởng như khó mà xô đổ. Kể từ đó đến nay, khoảng 1.500 nhà văn
từ khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, không xét đến những xung đột chính trị,
đã được mời tới IWP, trong đó, rất nhiều cây bút sau này đã trở thành các tên
tuổi lừng danh như Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), Mạc Ngôn, Dư Hoa, Vương An Ức, đạo
diễn/biên kịch Lâu Diệp (Trung Quốc), Han Kang, đạo diễn/biên kịch Kim Jee-won
(Hàn Quốc), Minae Mizumura (Nhật Bản), Tomaz Salamun (Slovenia), John Banville
(Ireland), José Donoso (Chile),...
Nhưng ngay cả sự thành công của những nhà văn của các
ngôn ngữ “bên lề” (“bên lề” khi so cùng tiếng Anh) như trên cũng không nằm
ngoài sự thống trị của tiếng Anh. Họ có thể trở thành ngôi sao quốc tế bởi họ
được dịch sang tiếng Anh, bởi họ được xuất hiện trên các tạp chí Anh ngữ, bởi họ
được các agency xuất bản tiếng Anh hỗ trợ và o bế. Trường hợp của Han Kang chẳng
hạn, chính bản dịch cuốn “Người ăn chay” đã đưa Han Kang tới một tầm vóc khác,
thậm chí chính danh tiếng ở nước ngoài của cô đã chảy ngược lại và nâng địa vị
của cô tại chính thị trường xuất bản Hàn Quốc.
Trường hợp của Orhan Pamuk cũng thú vị không kém.
Trong một bài viết mang tên” Vì sao người Thổ không ưa Pamuk?” của Alper H.
Yagci, tác giả viết rằng một người bạn nước ngoài của anh từng thắc mắc tại sao
ở Thổ Nhĩ Kỳ, khó tìm được một người hâm mộ của Pamuk đến vậy. Ông là tiểu thuyết
gia bán chạy ở quê nhà, nhưng chủ yếu nhờ vào giải thưởng Nobel và tiếng tăm quốc
tế, song nếu bạn hỏi một người Thổ nghĩ gì về Pamuk, câu trả lời mà nhiều khả
năng bạn nhận được sẽ là họ bỏ cuộc sau khi tới trang thứ 50. Một trong các lý
do là cách hành văn của Pamuk quá dài dòng, không thuần tiếng Thổ, có quá nhiều
mệnh đề phụ (điều dường như chịu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ Tây Âu như tiếng
Anh, tiếng Pháp). Người Thổ thấy Pamuk viết sai ngữ pháp, trong khi bạn đọc
phương Tây cảm thấy cú pháp của ông rất ổn!
Vậy là tiếng Anh và sự bành trướng của nó, giống như một
kiểu chủ nghĩa hậu thuộc địa với những vòi bạch tuộc vô hình, vẫn len lách ngay
cả khi ta không trực tiếp nhìn thấy chúng và là yếu tố quyết định nhà văn ngoại
quốc nào sẽ nổi tiếng và độc giả sẽ phải mua sách của ai.
3.
Khi sống ở Iowa, nhiều người không tránh khỏi “cám dỗ”
của ý tưởng bắt đầu sáng tác bằng Anh ngữ, hoặc chí ít, tự dịch tác phẩm của
mình sang tiếng Anh. Thành thực thì, trong đó có tôi. Dẫu biết thật chông gai,
nhưng làm sao không khỏi sa ngã vào ý tưởng ấy khi mắt thấy tai nghe những đặc
quyền của các tác giả viết tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh – nhuận bút cao
khủng khiếp, đôi khi lên tới 300 USD cho một bài thơ 10 dòng trên tạp chí
Poetry & Magazine! (thôi nào, ai có thể làm lơ trước sự mời gọi ấy, khi mà
mức nhuận thơ ở Việt Nam theo tôi biết cũng chỉ tính bằng tiền trăm nghìn, có
khi còn lèo tèo hơn), những lời mời làm diễn giả ở khắp nơi, những chuyến du lịch
hội thảo được đài thọ từ đầu tới cuối. Tôi nhìn những văn hữu quanh mình, có
quá nhiều ví dụ để mà ngẫm ngợi.
Ainur Karim, một nhà viết kịch người Kazhakstan, đã có
một vở kịch mang tên “Passport” (Hộ chiếu) bằng tiếng Anh được diễn trên đài
BBC. Chị bảo mình chọn viết tiếng Anh bởi biết chắc nếu viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ,
có những tác phẩm sẽ khó mà xuất bản. Safinah Elahi, một tiểu thuyết gia người
Pakistan, trong buổi tối đầu tiên đến Iowa, kể với tôi nếu chị viết bằng tiếng
Urdu thay vì viết tiếng Anh thì đã khó có cơ hội được làm việc với một nhà xuất
bản tại London rồi. Mohammad Kheir, nhà văn người Ai Cập, thì kể một câu chuyện
hài hước rằng khi ông gặp Natasa, bà bảo ông IWP biết đến ông nhờ quen với
Robin Moger, dịch giả đã chuyển ngữ tiểu thuyết của Kheir sang tiếng Anh, vậy
là ông thầm nghĩ: “Ơ, hóa ra họ chọn mình chẳng hẳn vì mình là một nhà văn giỏi”.
Và tất nhiên, cả một sự kiện xảy ra trong khi tôi còn
đang tận hưởng những ngày mùa thu đẹp nhất, với những cánh rừng thay lá, với từng
bầy nai thong dong trên nghĩa trang vào mỗi buổi hoàng hôn và với dòng sông
Iowa trong vắt soi trời xanh ngăn ngắt: Shehan Karunatilaka, một thành viên của
IWP mùa xuân năm nay, nhận được giải thưởng Booker danh giá cho cuốn tiểu thuyết
“Seven Moons of Maali Almeida” (tạm dịch: Bảy mặt trăng của Maali Almeida). Dù
mang quốc tịch Sri Lanka, nhưng Karunatilaka lớn lên ở New Zealand và sinh sống
tại Anh, khỏi nói, ông không viết bằng tiếng Sinhala hay Tamil, ông viết bằng
tiếng Anh.
Ngay cả Yiyun Li, nhà văn người Mỹ gốc Hoa đương đại
vô cùng nổi tiếng, người từng theo học tại Iowa và đã trở lại đây vào đúng dịp
diễn ra chương trình IWP của chúng tôi để giới thiệu tiểu thuyết mới của bà,
trong buổi giao lưu với các thành viên IWP, cũng nói bà sẽ chẳng thành nhà văn
nếu viết bằng tiếng Trung. Phải là tiếng Anh. Chỉ trong tiếng Anh bà mới bày tỏ
được mình.
Tiếng Anh – cánh cửa thần kỳ dẫn tới thành công. Hoặc
là cầu trượt đưa ta tuột thẳng xuống thất bại ê chề.
Lựa chọn viết bằng tiếng Anh đồng nghĩa với việc bước
vào một cuộc đua khốc liệt có khi chẳng thua gì cuộc đua sinh tử trong Squid
Game (Trò chơi con mực). Phần thưởng có thể đổi đời, nhưng chỉ kẻ mạnh nhất
giành chiến thắng. Những kẻ còn lại, sẽ bị luật chơi khắc nghiệt ném văng ra
không thương tiếc.
Một sự thật mà ai cũng biết nhưng không mấy ai nói thẳng
ra, đó là ngay trong những nhà văn được mời tham gia IWP, không phải ai cũng thực
sự được mời vì chất lượng văn chương. Một số quốc gia với nền văn chương được
coi là còn sơ khai như các quốc gia nghèo ở Tây Phi sẽ nhận được sự ưu tiên nếu
họ có thể đề cử được một cái tên không quá tệ. Sự thật tàn nhẫn, nhưng chính là
sự thật.
Tôi chỉ biết điều đó khi Marcel De Marie Okou, một cây
bút trẻ tuổi người Benin bày tỏ mong muốn đăng tuyển vào chương trình Iowa
Writers Workshop sau khi kết thúc IWP. Người ta bảo rằng được nhận vào Iowa
Writers Workshop còn khó hơn trở thành sinh viên y khoa, bởi theo học Iowa
Writers Workshop cũng ngang tầm với việc theo học kinh doanh ở Yale hay học luật
ở Harvard. Danh giá đến mức ấy.
Ngôn ngữ chính thức ở Benin là tiếng Pháp, nhưng
Marcel viết bằng tiếng Anh. Thần tượng của cậu là Ngũgĩ wa Thiong'o, có lẽ là một
trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong lịch sử châu Phi, và người ta
luôn ngợi ca Ngũgĩ wa Thiong'o vì ông đã viết bằng ngôn ngữ Giyuku bản địa,
nuôi dưỡng nó, phát triển nó, khác với Chihua Achebe người viết bằng tiếng Anh,
thứ ngôn ngữ của thực dân. Nhưng người ta không nói thêm, chính Ngugiwa
Thiong'o đã tự dịch tác phẩm của mình sang tiếng Anh. Và sau khi bị trục xuất
khỏi đất nước, ông đã sang Mỹ định cư và giảng dạy. Ai, nếu không phải các học
giả phương Tây, đã đưa Ngugiwa Thiong'o ra ánh sáng? Ta làm sao có thể phủ nhận
sự thống trị tuyệt đối của tiếng Anh?
Nhưng khi Marcel nhờ Natasa viết giúp một lá thư giới
thiệu, bà thẳng thắn nói với cậu rằng cậu còn quá trẻ nhưng đã quá tham vọng,
và bà sẽ không viết thư giới thiệu cho một cây bút mà bà biết chắc sẽ không thể
trúng tuyển vào chương trình đó, điều này là viển vông và hoàn toàn vô ích. Bà
khuyên cậu nên chọn một ngôi trường có thứ hạng thấp hơn. Marcel thực sự suy sụp
khi nghe những nhận xét không khoan nhượng, không nói giảm nói tránh, cũng chẳng
có chút động viên nào ấy. Song có lẽ, nếu không phải Natasa, hẳn cũng sẽ có một
người khác giúp Marcel, và có lẽ cả tôi sau khi nghe câu chuyện từ Marcel, đối
diện trần trụi với những ảo vọng của riêng mình và thôi không mơ quá xa vời.
4.
“Mình cảm thấy những cuộc chuyện trò về văn chương ở
đây tuy rất thú vị, nhưng vấn đề là gần như tất cả bọn mình, ngoại trừ các nhà
văn Australia hay New Zealand, đều chỉ đang trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ thứ
hai, tiếng Anh. Và vì thế, có những điều chúng ta sẽ không bao giờ giãi bày được,
câu chuyện cũng không thể đi tới tận cùng, đơn giản vì ta không có đủ từ ngữ để
nói về chúng”, Qi Jin Nian nói với tôi khi cả hai ngồi trên chuyến xe đường dài
đi từ Iowa đến Chicago, một trong những chuyến du lịch nằm trong chương trình
IWP.
Qi Jin Nian, hay như chúng tôi thường gọi là Seven cho
dễ phát âm (vâng, tiếng Trung quá khó nhớ với nhiều người nên cô lại phải dùng
tiếng Anh, một ví dụ nho nhỏ mà dễ hiểu về cách tiếng Anh nuốt trọn danh tính của
ta), là một trong những nhà văn 8x được đánh giá rất cao và cũng bán rất chạy ở
Trung Quốc. Cuốn sách đầu tay của cô năm 16 tuổi đã bán tới 1,5 triệu bản, và
khi sang Iowa, có thể bắt gặp rất nhiều sinh viên gốc Hoa đã từng đọc sách của
Qi. Nhưng dù là một ngôi sao văn chương ở đất nước tỷ dân, Qi vẫn bị coi là vô
danh ở quốc tế. Đơn giản, vì mới chỉ có hai truyện ngắn của cô được dịch thuật
sang tiếng Anh.
Tôi không có nhiều mối quan hệ trong văn giới Việt
Nam, một phần vì tôi có xuất phát điểm ngoại đạo và không theo học văn chương
bài bản. Những cuộc chuyện trò ở IWP là dịp hiếm hoi trong đời tôi được say sưa
nói về văn chương với những người đồng đạo. Tôi đã bất ngờ, đã xúc động, đã được
mở mắt, tôi cảm thấy đã đời, nhưng vẫn có một điều gì đó trong tôi biết đó chưa
là tất cả.
Khi những cuộc chuyện trò bắt đầu men đến những vấn đề
thẳm sâu thì luôn luôn, đến một lúc, sẽ có một cái gì đó, cứng, vững, đanh,
không thể đập vỡ, không thể khoan thủng, ngăn không cho chúng tôi tiến sâu hơn,
như những nhà địa chất học mãi mãi chẳng thể chạm tới lõi địa cầu. Chúng tôi bị
đẩy bật ra từ đó và biết sau cùng, mình sẽ không thể nào với tới cái kho báu
chân lý kia, nếu dùng một chiếc xẻng không thuận với đôi tay của mình.
Nhờ ngôn ngữ thứ hai, chúng tôi có thể kết nối với
nhau. Nhưng cũng chính ngôn ngữ thứ hai là một nhà giam mà chúng tôi không cách
nào vượt qua. Mỗi chúng tôi là một sinh thể nằm trong một chiếc bong bóng tiếng
Anh, có thể trôi nổi đến rất gần nhau, song không sao chạm vào nhau được.
5.
Tôi còn nhớ vào bữa tiệc thành viên IWP năm nay trong
một không gian nơi ngoại ô thành phố, bên bờ sông Iowa với hoàng hôn tím hồng
và hàng đàn chim di trú, tất cả đã vỗ tay rền vang khi Nieh Hualing xuất hiện.
Mấy năm nay, từ khi dịch bệnh ập tới, bà chưa từng xuống núi. Bà đã 98 tuổi và
đã không còn minh mẫn như xưa.
Những tràng pháo tay ấy hoàn toàn trái ngược với những
gì mà tôi tìm kiếm được sau đó trong thư viện trường đại học Iowa, một thư viện
khổng lồ đúng là không khác gì mê cung như tôi từng đọc trong những câu chuyện
của Jorge Luis Borges. Tôi đi tìm những cuốn sách của Nieh để tìm hiểu, nhưng tất
cả những gì tôi tìm thấy bằng tiếng Anh chỉ có “Mulberry and Peach”, cuốn sách
từng được tạp chí Asia Weekly xếp trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Hoa vĩ
đại nhất thế kỷ 20. Ngoài ra, chỉ là sự trống rỗng mênh mông.
Trong bộ phim tài liệu về cuộc đời Nieh Hualing, có một
đoạn bà nói rằng, đáng ra bà có thể sáng tác bằng tiếng Anh, bởi chồng bà là một
nhà thơ Mỹ nổi tiếng cơ mà, bà lại có rất nhiều bạn bè trong giới sẵn sàng giúp
bà biên tập, và hơn hết, bà tự tin với vốn Anh ngữ của mình sau nhiều năm sống ở
Iowa – nói cách khác, bà có đầy đủ điều kiện và bệ phóng để đưa tên tuổi mình
lên vũ đài văn chương Anh ngữ. Nhưng cuối cùng, những cuốn sách quan trọng nhất
trong đời mình, bà đều chọn tiếng Hoa để viết.
Nieh Hualing, vì thế, dù là một biểu tượng văn chương
Đài Loan, và phần lớn những đại diện Đài Loan được cử đi IWP hằng năm đều là
các cá nhân vô cùng xuất sắc, nhưng ở Mỹ, bà được nhớ đến nhiều hơn với những
đóng góp cho cộng đồng văn học. Chỉ những năm gần đây mới lác đác có những cuộc
khai quật trở lại sự nghiệp tác giả đồ sộ của bà. Chọn lựa viết bằng tiếng mẹ đẻ
cũng là một sự hiến thân, một sự trả giá.
Sau ba ngày đọc “Mulberry and Peach”, tôi hỏi Chu
He-chih, nhà văn người Đài Loan và cũng người bạn thân thiết nhất của tôi ở
IWP, rằng liệu có cách nào anh giúp tôi tới thăm Nieh Hualing được không. Nhưng
không có cách nào cả. Mỗi khi gia đình Nieh mời các nhà văn Hoa ngữ tham gia
IWP tới chơi nhà, họ đều không có khách bên ngoài. He-chih bảo với tôi bởi Nieh
muốn nghe tiếng mẹ đẻ của bà, điều đó làm bà vui. Có lẽ là thế, thứ tiếng nào
mà ta sẽ khao khát nghe nhất khi đã ở tuổi gần đất xa trời, thứ tiếng đó sẽ là
thứ tiếng mà ta phải viết.
6.
Hoặc là thứ tiếng mà ta thấy trong những giấc mơ.
Trong buổi giao lưu cùng Yiyun Li, bà nói với chúng tôi bà viết tiếng Anh không
chỉ bởi vì khi viết tiếng Anh, bà mới thực sự giãi bày được mình, mà còn bởi vì
bà mơ bằng tiếng Anh. Mơ bằng tiếng nào thì viết ngôn ngữ đó.
Một đêm nọ, sau khi động viên Marcel tiếp tục theo đuổi
giấc mơ theo học thạc sĩ sáng tác văn chương bằng tiếng Anh ở Iowa bất chấp những
nhận xét đầy thối chí từ phía Natasa, tôi đi ngủ và nằm mơ. Tôi nằm mơ về buổi
biểu diễn âm nhạc ở “thánh đường” jazz Birdland ở New York mà trước đó tôi cùng
Chu He-chih đến dự, cái đêm tôi được bắt tay và nói với nghệ sĩ piano jazz Bill
Charlap rằng âm nhạc của ông thật diệu kỳ, và trong mơ, tôi lại thấy Bill
Charlap, ông cùng chụp ảnh chung với tôi và nói lời cảm ơn đã tới hôm nay. Điều
kỳ lạ là lời cảm ơn của ông lại bằng tiếng Việt.
Tôi không biết giọng nói ấy đến từ phương nào. Nhất định
không phải là giọng của Charlap trong đời thực mà tôi đã nghe. Có lẽ là giọng của
tôi chăng? Hẳn rồi, giọng của tôi, tiếng của tôi, ngôn ngữ của tôi. Thứ tiếng
“thiểu số”, thứ tiếng “bên lề”, thứ tiếng của kẻ “ngoại cuộc”, thứ tiếng có thể
cản trở cho những giấc mơ và ảo tưởng điên rồ của tôi với văn chương, nhưng sau
rốt, đó là thứ tiếng trong giấc mơ yên bình nhất mà tôi bắt gặp trong giấc ngủ.
Tôi viết tiếng nước tôi, bởi tôi mơ bằng tiếng nước
tôi.
Nguồn: An Ninh Thế Giới
cuối tháng